Ứng dụng CNTT trong giáo dục: Vẫn còn nhiều thách thức!
Dù đã được rất nhiều hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, hỗ trợ cơ sở, đường truyền từ các doanh nghiệp lớn và mong muốn được tiếp cận với CNTT, Internet của cán bộ, giáo viên ngày một nhiều hơn, ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nỗi lo, rất nhiều bài toán chưa có lời giải và rất nhiều vấn đề cần được giải quyết để có thể ứng dụng CNTT hiệu quả nhất.
Ngành Giáo dục và Đào tạo còn rất nhiều việc phải làm để có thể ứng dụng hiệu quả CNTT. Ảnh: (minh hoạ)
Ngay từ đầu những năm 2000, Quyết định số 33/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt kế hoạch phát triển Internet Việt Nam giai đoạn 2001-2005 đã nêu rõ phải đạt được các chỉ tiêu: năm 2002-2003, tất cả các viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng, Trung học dạy nghề được kết nối Internet; đến năm 2005, 50% số trường phổ thông trung học được kết nối Internet.
Để triển khai quyết định này, ngày 4/4/2003, biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển mạng giáo dục Edunet giữa hai Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và Giáo dục và đào tạo đã đánh dấu những bước triển khai đầu tiên.
Mỗi bên một việc, Bộ Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm trang bị máy tính, các thiết bị đầu cuối, xây dựng mạng nội bộ cho các trường, xây dựng nội dung thông tin và triển khai các ứng dụng trên mạng, còn nhiệm vụ của Bộ Bưu chính Viễn thông là chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và Internet triển khai đường kết nối mạng đến tận cổng các truờng Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông.
Những nỗ lực đó cũng đã được đền đáp. Thể hiện ở kết quả: cuối năm 2003, 100% số trường Đại học, Cao đẳng, học viện, và tới 99,2% số trường Trung học dạy nghề, 94% trường Trung học phổ thông trong cả nước đã được kết nối Internet.
Tiếp tục được triển khai sâu rộng tới các trường Trung học cơ sở trong hai năm còn lại của giai đoạn, tính đến tháng 6/2005, ngoài việc đưa Internet đến các trường phổ thông, Internet đã tới 396 trường Tiểu học, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và phòng giáo dục và nâng cấp kết nối từ dial-up lên ADSL cho 291 điểm trường.
Tất cả những thành quả trên sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói tới nỗ lực triển khai đường truyền của doanh nghiệp Internet chủ lực là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT/VDC. Tới giờ, VNPT tại các địa phương vẫn luôn khẳng định sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo bằng nhiều hình thức, từ việc hỗ trợ triển khai đường truyền miễn phí, giảm giá cước dịch vụ Internet tốc độ cao cho các giáo viên có nhu cầu lắp đặt, sử dụng.
Có thể nhận thấy, khi toàn ngành giáo dục được kết nối Internet thì mục tiêu đưa CNTT tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền... đã ngày một được hiện thực hoá mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngành Giáo dụcvà Đào tạo Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nỗi lo, rất nhiều bài toán chưa có lời giải và rất nhiều vấn đề cần được giải quyết để có thể ứng dụng CNTT hiệu quả nhất.
Còn nhớ cách đây gần hai năm, ngày 29/8/2008, hội thảo quốc gia "Công nghệ thông tin trong giáo dục" lần đầu tiên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức qua cầu truyền hình với năm điểm cầu trên cả nước.
Những thông tin đưa ra tại Hội nghị lúc đó cho thấy, không chỉ được ứng dụng rộng rãi ở những nơi có điều kiện như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng..., CNTT đang ngày càng được ngành giáo dục các địa phương, kể cả các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, chú trọng ứng dụng vào công tác quản lý và giảng dạy.
Những tỉnh, thành miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như Hoà Bình, Kontum… cũng đã ứng dụng mạnh CNTT trong công tác giáo dục. Được nâng cao trình độ tin học, nhiều giáo viên đã thường xuyên giảng dạy bằng giáo án điện tử, nhiều phần mềm quản lý ngân hàng đề thi, soạn thảo giáo án điện tử được áp dụng vào thực tế.
Nhưng dù vậy, công tác ứng dụng CNTT trong giáo dục vẫn được nhìn nhận còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân trong đó có vấn đề định hướng. Hiệu quả từ ứng dụng CNTT đã có, nhưng việc nhìn nhận vai trò của ứng dụng CNTT từ chính cán bộ quản lý các trường, các sở giáo dục đào tạ còn chưa đồng bộ.
Rồi cùng với những hạn chế do thiếu kinh phí, do hạ tầng CNTT, một nguyên nhân quan trọng hạn chế hiệu quả ứng dụng CNTT chính là vẫn còn thiếu những định hướng cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thậm chí sự phối hợp chỉ đạo về ứng dụng CNTT từ bộ cũng chưa thống nhất giữa các vụ, cục, dự án, gây khó khăn cho cơ sở trong việc thực hiện.
Thế nhưng, quyết tâm ứng dụng mạnh CNTT trong giáo dục, đào tạo không phải vì thế mà bị lung lay. Được biết, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục, tháng 4/2010 vừa rồi, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý và điều hành ngành giáo dục Thủ đô” với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT cùng gần 100 hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Mục tiêu của Hà Nội và cả nước đến năm 2015 phải đảm bảo 100% học sinh trung cấp chuyên nghiệp và học nghề được đào tạo các kiến thức và kỹ năng ứng dụng về CNTT, 100% học sinh trung học cơ sở, 80% học sinh tiểu học được học tin học, đảm bảo đa số cán bộ viên chức được đào tạo CNTT trong công việc của mình.
Kỳ vọng vào ứng dụng CNTT của ngành giáo dục vẫn đang rất lớn dù biết rằng thực tế triển khai sẽ không mấy dễ dàng. Và sự chung tay, góp sức ở thời điểm này của mọi thành phần, từ sự vào cuộc quyết liệt của cả các nhà quản lý lẫn các học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.
Đặc biệt là ở thời điểm này khi cả xã hội hướng sự quan tâm vào kỳ thi đại học sắp diễn ra và cũng đúng vào thời điểm mà toàn ngành giáo dục đang chuẩn bị hoàn tất việc kết nối Internet tới tất cả các trường và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc sau gần 2 năm khởi động.
Đây chính là lý do để Báo điện tử VnMedia và Kênh VTC2 thuộc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp thực hiện Truyền hình trực tiếp và giao lưu trực tuyến với chủ đề CNTT và câu chuyện rút ngắn khoảng cách giáo dục vào 9 giờ sáng nay, 27/6.
Chương trình sẽ cùng hai khách mời: Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT phân tích, nhìn nhận và trả lời các câu hỏi: Làm thế nào để đưa CNTT đến những trường học, những cơ sở đào tạo... ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của đất nước? Làm thế nào để CNTT phát huy hiệu quả tối đa trong việc nâng cao trình độ, nhận thức của giáo viên, học sinh tiến tới dần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa? Làm thế nào để Việt Nam thực sự có một nền giáo dục điện tử?
Theo VnMedia