Đánh giá chi tiết tản nhiệt nước CoolIT ECO A.L.C !!!
Người chơi máy tính thường hay quan tâm đến các thành phần linh kiện bên trong sao cho đồng nhất và “khủng” nhất trong mức có thể của mình. Ai sở hữu 1 hệ thống máy tính đều muốn nó làm việc năng suất cao nhưng chi phí đầu tư thấp. Giải pháp dành cho vấn đề này khá quen thuộc với bạn đoc: overclocking. Để overclock tốt và hệ thống ổn định, người dùng cần có mainboard tốt, nguồn tốt, giải nhiệt tốt và hơn hết là kinh nghiệm “chiến trường”.
Vấn đề nhiệt độ CPU trong quá trình OC luôn làm đau đầu nhiều người, nhất là những ai có tài chính tương đối eo hẹp. Không tính đến các giải pháp tản nhiệt “khủng khiếp” của cao thủ như đá khô, LN2, chúng ta có 2 loại tản nhiệt cơ bản nhất và thường gặp nhất là tản nhiệt khí (air cooling – AC) và tản nhiệt bằng chất lỏng (water/liquid cooling – WC). Với tản nhiệt khí thịnh hành và phát triển lâu năm, gần như các sản phẩm đã đạt mức giới hạn hiệu năng cao nhất, tuy nhiên water/liquid cooling (WC) vẫn còn khá nhiều tiềm năng. Điểm yếu của WC là đắt tiền, không dành cho những “tay mơ” do yêu cầu sự hiểu biết và tài chính. Gần đây, các hãng sản xuất bắt đầu xâm chiếm thị trường bình dân này với các bộ WC hoàn chỉnh, nhỏ gọn và hơn hết là giá cả dễ chịu. Sản phẩm WC chúng tôi đánh giá lần này mang tên ECO A.L.C của hãng CoolIT System Inc.
Một số thuật ngữ trong hệ thống WC (Water-Cooling)
Block: Nơi tiếp xúc trực tiếp với bề mặt/linh kiện cần tản nhiệt. Thường là 1 khối, bên trong rỗng để cho coolant chảy qua, có thiết kế đặc biệt giúp tăng diện tích tiếp xúc với coolant.
Coolant: Chất lỏng làm mát bên trong hệ thống WC. Có thể là nước cất hoặc có pha thêm 1 số dung dịch đặc biệt nhằm tăng khả năng truyền nhiệt.
Fittings: Các đầu nối ống dẫn chất lỏng tại block, tank hoặc pump.
Pump: Máy bơm. Làm nhiệm vụ đẩy coolant tuần hoàn bên trong hệ thống WC.
Radiator: Dàn nóng/lạnh. Đây là nơi có diện tích tiếp xúc với không khí nhiều nhất, các ống dẫn chất lỏng tại đây được thiết kế với đường kính rất nhỏ nhằm tăng tốc độ chất lỏng di chuyển trong ống giúp truyền nhiệt ra thành ống nhanh hơn và nhiệt sẽ “đi” vào các lá tản nhiệt mỏng chạy zic-zac giữa các ống.
Tank (reservoir): Bình chứa coolant.
Tube: Ống dẫn coolant.
Có thể thấy các yếu tố tác động đến hiệu năng làm mát của 1 hệ thống WC gồm có:
Kích thước radiator: Như trên đã nói, kích thước radiator càng lớn, diện tích tiếp xúc với không khí càng rộng, số lượng quạt có thể gắn nhiều theo cơ chế hút-đẩy; từ đó khả năng làm mát của WC cao hơn. Tuy nhiên, nhiều quạt đồng nghĩa với tiêu hao năng lượng nhiều hơn.
Tốc độ pump: Tốc độ bơm phải phù hợp với tổng chiều dài, tiết diện ống dẫn và kết cấu block nhằm đảm bảo chất lỏng bên trong ống không di chuyển quá nhanh hoặc quá chậm.
Tốc độ quạt tản nhiệt càng lớn thì hơi nóng được rút khỏi các lá nhôm trên radiator càng nhanh.
Cấu tạo block: Block có bề mặt tiếp xúc được gia công tốt thì khả năng dẫn nhiệt từ linh kiện sang block và đến coolant càng nhanh. Bên trong block “trơn” thì chắc chắn khả năng tản nhiệt, dẫn nhiệt chắc chắn không cao bằng block có bên trong được thiết kế gồ ghề.
Tốc độ truyền nhiệt của coolant: Thường thì WC dùng coolant được pha chế riêng nhằm tăng khả năng hấp thu cũng như truyền nhiệt, tuy nhiên việc sử dụng nước cất làm coolant cũng rất hiệu quả.
Kích thước tank (reservoir): Tank càng lớn thì chứa được nhiều coolant, coolant sau khi hấp thụ nhiệt sẽ có nhiều thời gian “nghỉ ngơi” hơn, do đó việc làm mát tốt hơn.
Thiết kế bên ngoài
Hộp đựng của CoolIT ECO A.L.C khá đơn giản với tông màu trắng – đen chủ đạo. Nền hộp màu trắng, nổi bật lên đó là tên sản phẩm cũng như hãng sản xuất: ECO A.L.C – Advanced Liquid Cooling for CPUs. Các mật khác của hộp in khá chi tiết về thông số kỹ thuật, khả năng hỗ trợ cũng như nơi sản xuất của sản phẩm.
Bên trong hộp là sản phẩm cũng như phụ kiện được đóng gói, bảo quản khá an toàn bằng hộp xốp tránh va chạm lúc vận chuyển. Phụ kiện đi kèm theo sản phẩm chỉ gồm có clip dành cho socket LGA 775, LGA 1156 và LGA 1366, clip dành cho CPU AMD, ốc bắt radiator vào thùng máy, sản phẩm và sách hướng dẫn. CoolIT Eco A.L.C có thể sử dụng dễ dàng trên các mainboard dùng CPU Intel, với người dùng AMD, sản phẩm sử dụng miếng backplate có sẵn của mainboard, có lẽ để tiết kiệm chi phí. Các clip này có chất liệu bằng nhựa, màu đen và khá nhẹ. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng tôi cảm thấy chúng tương đối chắc chắn.
CoolIT ECO A.L.C là dạng WC all-in-one, tất cả những thứ cần thiết cho 1 hệ thống WC đều được tích hợp sẵn, người dùng chỉ cần mua về là có thể sử dụng ngay. Việc ra đời của các bộ WC all-in-one này bắt nguồn từ việc lắp đặt tương đối khó khăn của các hệ thống WC cỡ lớn và hoàn chỉnh. Ở ECO A.L.C, dễ nhận thấy là pump, tank và block được tích hợp vào chung với nhau thành 1 khối thống nhất gắn trên CPU. Phần này được nối với radiator 120mm bằng 2 ống có vỏ ngoài bằng nhựa đen, chiều dài khoảng 300mm. Ống có các đường xoắn ốc bên ngoài giúp có thể uốn cong mà không sợ nứt hay vỡ ống. Lúc uốn cong ống cảm thấy khá nặng và chắc.
Sản phẩm – Cấu hình thử nghiệm
Các đối thủ lần này của CoolIT ECO A.L.C đều là các đối thủ khá nặng ký và có “máu mặt”. Đầu tiên là tượng đài Thermalright Ultra 120 Extreme (TRUE) danh tiếng với 6 heatpipe đồng 6mm cùng đế tiếp xúc bằng đồng được mạ nikel. Đối thủ kế tiếp là một phiên bản mini TRUE mang tên Thermalright MUX-120 với 4 heatpipe 6mm. Ứng cử viên thứ 3 cũng nổi tiếng không kém là Thermalright IFX-14 với 4 heatpipe 8mm cùng 2 tòa tháp đôi. Cuối cùng là Enzotech Extreme-X cũng với 4 heatpipe 8mm. Kem tản nhiệt được sử dụng là Artic Cooling Céramique. Tất cả các đối thủ của CoolIT ECO A.L.C đều là dạng AC và ít nhiều đều có danh tiếng, hiệu năng đáng nể trong giới tản nhiệt. Liệu rằng CoolIT sẽ chứng tỏ được bản thân đến đâu, và liệu rằng ECO A.L.C sẽ đủ khả năng thuyết phục người tiêu dùng? Chúng ta hãy cùng xem.
Cấu hình thử nghiệm:
•Mainboard: ASRock P55 Extreme 4
•CPU: Intel Core i5 750 ES
•RAM: kit 2x1GB Crucial Ballistix 1600MHz
•VGA: ATI Radeon HD 4580
•HDD: Intel SSD X25-M 80GB
•PSU: SilverStone Strider ST1500 1500W
•Monitor: Acer T231H Touch monitor
•Keyboard, mouse: Mitsumi “huyền thoại”
•OS: Windows 7 Ultimate 64bit trial
Toàn bộ hệ thống được đặt trên benchtable, trong môi trường nhiệt độ phòng dao động trong khoảng 28 độ C. CPU Intel Core i5 750 được OC lên mức xung 4GHz (200 x 20) và được chích điện đến 1.55V trong BIOS, có VDrop. Tuy nhiên vào Windows dùng phần mềm CPUz được báo là 1.528V. Khi full load 100% điện thế CPU tụt xuống còn 1.496V.
Các phần mềm được sử dụng gồm có Realtemp GT 3.40 để lấy số liệu nhiệt độ, Everest phiên bản 5.50.2183b để vẽ đồ thị nhiệt độ CPU. Tuy nhiên giữa Realtemp GT và Everest có sự chênh lệch vài độ. Phần mềm CPUz để xem thông số CPU và điện thế. Phần mềm Intel Burn Test để stress CPU lên mức cao nhất. Cuối cùng là phần mềm Easy Macro Recorder dùng để tạo thành một bộ test chuẩn dùng chung cho tất cả các tản nhiệt nhằm ghi nhận chính xác thời gian test, tốc độ tản nhiệt hiệu quả của các thiết bị cooling.
Lần đầu tiên tôi cho Intel Burn Test chạy 20 vòng lặp. Tuy nhiên đến lần thử nghiệm thứ 2 cho sản phẩm khác thì gặp phải vấn đề: cùng là 20 vòng nhưng thời gian hoàn toàn không giống nhau và có sự chênh lệch khá lớn (cách nhau đến hơn 200 giây). Thế là 1 biện pháp khắc phục được đặt ra: Intel Burn Test sẽ chạy với số vòng lặp là 50 vòng. Tuy nhiên dùng đồng hồ bấm giờ để đo chính xác 20 phút full load 100% của CPU thì sẽ cho dừng chương trình. Và dĩ nhiên con số 20 phút này cực kỳ chính xác cho các lần thử nghiệm sau nhờ Easy Macro Recorder.
Khi test với tản nhiệt khí, quạt làm mát được dùng trong các thử nghiệm là Thermalright TR-FDB-12-1600. Đây là quạt đi kèm với tản nhiệt TRUE. Các thiết lập tản nhiệt gồm:
•Thermalright Ultra 120 Extreme: 1 quạt thổi đi kèm
•Thermalright MUX-120: 1 quạt thổi
•Thermalright IFX-14: 1 quạt TR-FDB-12-1600 + quạt đi kèm ECO A.L.C
•Enzotech: thay quạt đi kèm bằng TR-FDB-12-1600
•CoolIT ECO A.L.C: thiết lập mặc định của nhà sản xuất
•CoolIT ECO A.L.C: dùng quạt mặc định nhưng đổi sang chiều thổi
•CoolIT ECO A.L.C: dùng quạt TR-FDB-12-1600 chiều thổi
•CoolIT ECO A.L.C: quạt đi kèm (hút) + TR-FDB-12-1600 (thổi)
Kết quả thử nghiệm
(Lưu ý: gốc biểu đồ chúng tôi lấy từ 36 độ C nên về hình ảnh trực quan có sự chênh lệch rất lớn, nhưng hãy nhìn vào sự chênh lệch số liệu thực)
Đầu tiên là nhiệt độ CPU lúc idle: quán quân vẫn là tượng đài TRUE với 38 độ C. ECO A.L.C mặc định theo nhà sản xuất có nhiệt độ 41.5 độ C. Nếu người dùng đảo chiều quạt hoặc dùng quạt có vòng quay và lưu lượng gió cao hơn, hoặc dùng 2 quạt thì nhiệt độ tương ứng sẽ giảm dần khoảng 0.5 độ C. Ngay cả ở phần sau, bạn đọc cũng sẽ thấy thiết kế quạt hút mặc định của CoolIT có vẻ sạch hơn do ít bám bụi vào radiator, tuy nhiên điều phải hi sinh ở đây là nhiệt độ CPU. Cá nhân tôi khi cầm sản phẩm trong tay lần đầu cũng tự hỏi tại sao lại là quạt hút, vì như thế hiệu năng sẽ giảm đi.
Bắt đầu stress CPU bằng Intel Burn Test. Đây là phần mềm stress CPU khá nặng, có thể đẩy nhiệt độ CPU lên rất cao và tạo nhiều tình huống không ổn định cho hệ thống. Khuyết điểm nhỏ ở đây là các vòng lặp của Intel Burn Test không đều nhau, do đó nếu full load bằng cách đếm vòng lặp sẽ không chính xác lắm. Nhiệt độ cao nhất của CPU khi full load 100% ở bảng trên. Nhà “vô địch” đồng hạng là CoolIT ECO A.L.C và Enzotech Extreme-X với nhiệt độ ngất ngưỡng: 99 độ C. ECO A.L.C với các thiết lập quạt thổi khác nhau cho ra kết quả khả quan hơn: 96 độ C và 2 quạt là 93 độ C. TRUE vẫn ung dung với mức nhiệt độ khá thấp: 85 độ C.
Nhiệt độ trung bình CPU lúc full load có 1 số bất ngờ: về nhất vẫn là TRUE với 79.2 độ C, đứng chót bảng là CoolIT ECO A.L.C mặc định với 91.780C, sát bên trên là anh hùng IFX-14 được ca tụng 1 thời với con số 91.61 độ C. Điều gì đã làm cho IFX-14 xuống sức đến vậy? Nghi ngờ tản nhiệt lắp chưa tốt, quạt và số bụi bám lâu ngày, tôi lôi IFX-14 ra vệ sinh lại và kiểm tra kỹ càng. Kết quả cuối cùng vẫn không có cải thiện. Thật buồn cho IFX-14. Hệ thống WC ECO A.L.C 2 quạt đáng khen với mức nhiệt độ trung bình gần chạm ngưỡng cao nhất của TRUE.
Sau thời gian 20 phút full load CPU, tất cả thí sinh được cung cấp 3 phút “bù giờ” để tìm cách hạ nhiệt CPU xuống mức thấp nhất có thể. Hầu hết các tản nhiệt đều thực hiện khá tốt “bài tập” này. Lẽ dĩ nhiên, ECO A.L.C mặc định vẫn tương đối vất vả khi chỉ hạ đến mức 44.33 độ C so với ban đầu là 41.5 độ C.
Kết luận
Có thể thấy hệ thống WC hoàn chỉnh và nhỏ gọn ECO A.L.C của CoolIT đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiệt độ full load 100% của CPU khá cao đến 99 độ C nhưng ECO A.L.C vẫn giữ được hệ thống ổn định. Cá nhân tôi cảm thấy ít có người dùng nào overclock CPU của mình đến mức điện thế khoảng 1.55V để sử dụng hàng ngày cả; nếu có thì chắc họ cũng không chọn ECO A.L.C làm nhiệm vụ tản nhiệt mà sẽ tự tay lắp đặt 1 hệ thống WC hoàn chỉnh hơn. Một điều nữa là ít người sử dụng Intel Burn Test để stress CPU do nó quá nặng (8 phút stable IBT tương đương 40 giờ Prime95, điều này có nghĩ là hệ thống mà tôi thử nghiệm đã stable trong 20 phút IBT hay 100 giờ nếu dùng Prime95), nhiệt độ CPU lên rất cao, và các công việc thường ngày hoặc benchmark, chơi game cũng không đạt đến mức này.
CoolIT ECO A.L.C có hiệu năng khá tốt, nếu sử dụng các các stress CPU khác thì kết quả thu được còn khả quan hơn nhiều. Khuyết điểm nhỏ của sản phẩm là giá và kiểu dáng vẫn chưa thật sự bắt mắt. Sản phẩm hiện có giá 1.800.000 đồng tại Hà Nội Computer.
Theo Voz