Nhiếp ảnh giúp nhìn thấy những điều kỳ thú
Một trong những điều kỳ thú của nhiếp ảnh là nó có thể giúp chúng ta nhìn thấy những thứ mắt thường không thấy được.
Do nhiều yếu tố mà có rất nhiều cảnh, nhiều hiện tượng mà mắt thường hoặc không thấy, hoặc dễ dàng bỏ qua, và chỉ thực sự trở nên ấn tượng khi nhìn lại qua tấm ảnh đã chụp.
Một bức ảnh khi được chụp, người xem có thể thấy một màu nào đó bị bắt màu từ đối tượng khác khiến cho màu đó nổi lên rất ấn tượng. Ảnh: Digitalpixel.
Chuyển động – đây là một kiểu chụp ảnh kinh điển, ghi lại chuyển động bằng cách chụp với tốc độ chậm (như thác nước, dòng chảy).
Màu sắc – Não chúng ta thường có xu hướng tự điều chỉnh trung hòa màu sắc để tạo nên một chỉ số cân bằng trắng riêng biệt. Ví dụ, một bức ảnh khi được chụp, người xem có thể thấy một màu nào đó bị bắt màu từ đối tượng khác khiến cho màu đó nổi lên rất ấn tượng và bắt mắt. Nhưng trên thực tế, khi ở cảnh thật, mắt đã tự điều tiết để trung hòa khiến cho nếu không để ý, chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua hiện tượng bắt màu này.
Phối cảnh – Thay đổi phối cảnh chủ yếu do thấu kính trong ống kính. Ở ngoài cảnh thực, phối cảnh sự vật có khoảng cách nhất định tới mắt người, tuy nhiên, với những ống kính góc rộng, phối cảnh sẽ thay đổi hẳn, vật gần như gần hơn, còn vật xa trông xa hơn… Mặc dù ống kính góc rộng, hay thậm chí mắt cá khiến hình bị méo, nhưng chính sự thay đổi phối cảnh này nếu biết tận dụng có thể đem lại hiệu quả rất bất ngờ.
Ánh sáng – Với một thời gian phơi sáng đủ lâu, khó có cảnh nào được gọi là thiếu sáng đối với máy ảnh cả. Tuy nhiên, mắt người lại đòi hỏi phải có ánh sáng thật thì mới nhìn thấy cảnh vật. Nói cách khác, độ sáng đối với mắt người đo bằng lượng photon (hạt sáng) thực thu được tại thời điểm đó, trong khi độ sáng đối với cảm biến máy ảnh được đo bằng lượng photon thu được trong một khoảng thời gian định trước. Chính vì thế, có những cảnh trong đêm tối, khi mắt người gần như bất lực thì bằng kỹ thuật chụp ảnh đêm với thời gian phơi sáng dài, đối tượng của cảnh đêm sẽ hiện lên rõ nét và có thể khiến cho người xem kinh ngạc về độ chi tiết.
Những bức ảnh "hiện hình" màu sắc hoặc chuyển động có rất nhiều, nhưng hội tụ cả bốn yếu tố trên thì ít. Dưới đây là một trong những ví dụ minh họa hội tụ cả bốn yếu tố.
Bãi biển Herring. Ảnh Howard Gril, chụp với thời gian phơi sáng 30 giây, độ mở f/18.
Với thời gian phơi sáng tới 30 giây, các con sóng đánh vào bờ đã bị xóa nhòa, tạo nên một bờ biển sóng sánh, mềm mại như sương.
Màu xanh của những viên đá và cát trong ảnh là có thực do ánh hắt từ màu xanh của bầu trời đêm. Ở cảnh thật, do mắt người tự động trung hòa màu nên ánh xanh rất dễ bị bỏ qua. Nhưng khi chụp lên ảnh, ánh hắt lại tạo thành màu rất ấn tượng.
Phối cảnh xa gần do được chụp bằng ống góc rộng cũng tạo nên một khung cảnh khá thú vị, những viên sỏi ở tiền cảnh trông rất gần, trong khi bờ biển phía xa trông lại như xa hơn, tạo nên sự mênh mông của cảnh vật.
Cảnh trong ảnh trông khá rực rỡ, tuy nhiên trên thực tế nó được chụp ở thời điểm trời đã gần như tối (thời gian phơi sáng lên tới 30 giây).
Theo Sohoa