Đang đối thoại về quản lý game online !!!
Buổi đối thoại được truyền hình trực tiếp qua kênh VTC2 (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC), các báo điện tử ICTnews, VTC News, VietnamNet…
Các khách mời của buổi đối thoại tại trường quay Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Từ phải sang: TS Trịnh Hòa Bình, ông Lê Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn. (Ảnh: VTC News)
Với chủ đề: "Đi tìm lời giải cho bài toán quản lý game online", buổi đối thoại có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Game và nội dung số Việt Nam Lê Hồng Minh và Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, thành viên Hội đồng thẩm định Game quốc gia.
Dưới đây là một số trích dẫn nội dung buổi đối thoại:
Xin được bắt đầu với một câu hỏi chung dành cho cả 3 vị khách mời. Chúng ta đã nói nhiều tới những mặt trái của trò chơi trực tuyến, nhưng chúng tôi muốn biết, khi nói đến những điều gọi là mặt trái, là tiêu cực của Game Online thì các vị khách mời của chúng ta có những suy nghĩ thế nào? Đầu tiên xin được mời Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Trước hết, cần phải khẳng định rằng Game online là một ứng dụng của Internet. Mặc dù Internet mới chỉ chính thức vào Việt Nam từ năm 1997 nhưng thời gian qua nó đã có một sự phát triển rất mạnh mẽ. Hiện nay, số lượng người dùng của VN rất là cao, lên tới hàng chục triệu người. Với Game online đây là một hình thức để giới trẻ tiếp cận với Internet. Thông qua các trò chơi game online, giới trẻ có thể tiếp cận được những mặt tích cực, từ việc giải trí hợp lý, tiếp cận với các nội dung về văn hoá, lịch sử, truyền thống của dân tộc.
Thế nhưng, cũng như một con dao sắc, bên cạnh những mặt tích cực, Game Online cũng có có cả mặt hạn chế nếu như trò chơi đó có nội dung xấu, bạo lực sẽ khiến giới trẻ bỏ bê học hành, dẫn đến nghiện game. Dù là game tốt, game hay nhưng nếu dùng thái quá thì dẫn đến bất cập. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét mọi mặt cả mặt tốt và xấu đề có được hướng phát triển đúng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn: "Dù là game tốt, game hay nhưng nếu dùng thái quá thì dẫn đến bất cập" (Ảnh: VTC News)
Nhiều độc giả mà đặc biệt là anh Lê Mạnh Giang ở Phường Bửu Hòa, Tp.Biên Hòa đang nóng lòng chờ đợi câu trả lời của ông Lê Hồng Minh. Cách đây 2 hôm thì anh Lê Mạnh Giang có email cho chúng tôi và nói rằng, anh muốn lắng nghe xem đại diện của những doanh nghiệp kinh doanh Game tại Việt Nam sẽ nói như thế nào mặt tiêu cực của Game? Xin mời ông!
Ông Lê Hồng Minh: Tôi nghĩ, đúng như lời của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn và TS. Trịnh Hòa Bình, bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống đều có tính hai mặt. Đứng trên quan điểm của những nhà kinh doanh game thì tôi thấy có hai vấn đề: Vấn đề về nội dung và vấn đề chơi game quá độ như báo chí thời gian qua đã nêu. Tuy nhiên, báo chí hầu như chỉ nêu mặt tiêu cực.
Tôi muốn đặt ra câu hỏi rằng, mọi người có hiểu rõ ràng game tác động tiêu cực như thế nào đến người chơi game? Nếu game là tiêu cực thì ngành game thế giới vốn đang đứng thứ nhất về mặt doanh thu hơn cả phim ảnh thì cũng là tiêu cực hay sao?! Riêng ở Việt Nam, 8 triệu người chơi game đều là những người tiêu cực hết? Chúng tôi đóng góp mặt tiêu cực cho xã hội đó là cung cấp dịch vụ mang tính giải trí cho mọi người, mặt tiêu cực thì chúng tôi sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng khác nhau để hạn chế.
Chúng ta đang nói về mặt trái của Game Online và những quan điểm từ nhiều cương vị khác nhau của các vị khách mời về vấn đề này. Nhưng, nói như vậy, phải chăng game online phần nhiều là mặt trái? Đây là câu hỏi của độc giả Nguyễn Xuân Khu, email
xuankhu7797@gmail.com gửi riêng cho Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Tôi cho rằng GO là 1 tiện ích của Internet, khi khu vực giải trí của chúng ta còn quá nghèo nàn, thì việc số đông người hướng đến sử dụng là không thể chối bỏ. Ở góc độ một nhà khoa học, chúng tôi nhìn nhận GO là một vấn đề xã hội và mọi vấn đề xã hội đều có tính 2 mặt. Vì thế khi quản lý GO, phải quản lý một cách khoa học và thông minh.
Thưa thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, mới đây Bộ TT&TT đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cho vấn đề quản lý Game Online bao gồm 3 giải pháp tình thế, 3 giải pháp cần thiết, 3 giải pháp cơ bản, 3 trọng điểm thanh tra và 3 trách nhiệm phối hợp quản lý. Một số tờ báo gọi vui đó là những chiếc “vòng kim cô’ trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Nhưng có lẽ hơn lúc nào hết, vào lúc này thì dư luận đang hướng nhiều hơn tới các giải pháp để giải quyết vấn đề ngay tức thì. Giải pháp đó như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Đúng là trong thời gian vừa qua xã hội rất bức xúc về game online. Cơ quan quản lý nhà nước phải suy nghĩ và thực sự cần có một biện pháp tổng thể trong vấn đề giải quyết game online thì phải có nghiên cứu và theo lộ trình. Tuy nhiên, trước hết cần phải có những giải pháp tình thế trong lúc chúng ta chờ đợi những biện pháp lâu dài hơn. Biện pháp đầu tiên là ngừng ra game mới, thứ hai là yêu cầu những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngừng đường truyền.
Giải pháp cần thiết là cần phải xây dựng văn bản thay thế thông tư 60, thứ hai là khuyến khích sản xuất các trò chơi thuần Việt. Thứ ba là tuyên truyền, nâng cao nhận lực cộng đồng. Và về lâu dài, Bộ đã và đang đề xuất xây dựng luật an toàn thông tin trên mạng.
Tôi được biết là trong các giải pháp tình thế mà Bộ TT&TT đưa ra thì ngoài giải pháp cắt đường truyền đến các đại lý Internet từ 23h đêm đến 6h sáng còn có 2 giải pháp khác là Tạm dừng cấp phép trò chơi điện tử game online; Cấm quảng cáo game bạo lực đầu rơi, máu chảy; game khiêu dâm; game cờ bạc và game xuyên tạc lịch sử. Xem ra thì Doanh nghiệp cung cấp Game sẽ chịu tác động mạnh nhất từ 2 giải pháp này. Tôi muốn biết cảm nhận của ông Lê Hồng Minh, xin mời ông!
Ông Lê Hồng Minh: Tôi cũng xin đính chính lại, có hai giải pháp tình thế liên quan đến doanh nghiệp. 1 không có quảng cáo gameonline trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và không nhập game mới. Tất nhiên, giới hạn nào cũng liên quan đến lợi ích doanh nghiệp, nhưng vì hoạt động lâu dài nên doanh nghiệp cũng đồng thuận.
Trong thời điểm xã hội có ý kiến dư luận khác nhau thì chúng ta phải có biện pháp cho mọi người bĩnh tĩnh để mọi người thấy đang có sự đồng thuận giữa các bên. Và sau đó, chúng ta sẽ xây dựng biện pháp lâu dài, chúng tôi kinh doanh chúng tôi cũng muốn phát triển lâu dài, những giải pháp tình thế chỉ gây ra ảnh hưởng tạm thời chứ không có vấn đề gì với doanh nghiệp kinh doanh game.
Các nhà báo, BTV của các báo điện tử tham gia cuộc đối thoại tại trường quay.
Với các giải pháp tình thế cho vấn đề nhạy cảm là Game Online thì sẽ không thể tránh khỏi những tranh cãi. Một câu hỏi của độc giả Đặng Tuấn Quang ở địa chỉ email
xuanthuquang@yahoo.com.vn gửi tới TS Trịnh Hoà Bình: “Game có ở Việt Nam từ mấy năm nay rồi nhưng tại sao bây giờ mới thấy nói nhiều đến game bạo lực, game thiếu lành mạnh, game cờ bạc… Phải chăng, trước đó các nhà thẩm định game, quản lý game đã buông lỏng và để thủng lưới”, thưa ông?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Những điểm nhấn trong một bức tranh thì ảnh hưởng của mầu tối thường gây tác động nhiều mặt về thị giác, cùng với đó là hiệu ứng về xã hội. GO có yếu tố bạo lực, nhưng kích động bạo lực hay không lại là vấn đề khác. Vì thế, theo tôi, cần có một khảo sát trên quy mô đủ lớn thì mới lượng hoá được. Tuy nhiên không thể lượng hoá một cách kỹ lưỡng và tỷ mỷ.
Đó là những ý kiến của rất rất nhiều người ở các cương vị khác nhau. Và khi lắng nghe, tôi nhận thấy, có một vài ý kiến nghiêng về góc độ tăng cường sự quản lý của gia đình với trẻ chơi game. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình có lẽ là người nắm rõ nhất về điều này. Ông có thể chia sẻ đôi chút suy nghĩ của ông, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Chúng ta đang lo lắng việc GO có yếu tố gây nghiện. Tôi cho rằng, gia đình phải là thiết chế đầu tiên, không thể đổ lỗi cho nhà trường và nếu đổ lỗi cho xã hội thì càng khó. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của tôi là gia đình phải có yếu tố quan trọng đầu tiên trong việc này.
Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông có cho rằng, trẻ sa đà vào Game là do không có nhiều sân chơi để lựa chọn. Nhưng độc giả Lê Hoàng Lam ở quận Gò Vấp, Tp.HCM lại có quan điểm ngược lại. Độc giả Lam cho rằng, game có một mãnh lực khủng khiếp. Có người ví game như thuốc phiện số. Vì thế, nếu có xây dựng nhiều sân chơi, trò chơi hay các loại giải trí gì đi chăng nữa thì cũng khó mà lôi kéo người chơi bỏ Game để tham gia các loại hình giải trí khác. Vì vậy, giải pháp tạo dựng thêm sân chơi là thiếu khả thi. Ông nghĩ sao, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Đây là một ý kiến hay và tôi có 2 ý kiến như thế này. Thứ nhất, có nhiều người coi game online có yếu tố gây nghiện. Bản thân doanh nghiệp như Vinagame đã từng có trách nhiệm xây dựng trung tâm "giải nghiện" game online. Đồng thời, Trung ương Đoàn cũng đã có những trung tâm "giải nghiện" tương tự.
Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng nếu có xây dựng nhiều sân chơi, trò chơi hay các loại hình giải trí gì nữa cũng khó lôi kéo được người chơi từ bỏ GO. Vì trong khi chúng ta chưa xây dựng được sân chơi hay trò chơi đa dạng thì không thể cho rằng các giải pháp xây dựng các sân chơi mới lành mạnh cho giới trẻ là không khả thi.
Về vấn đề nội dung, Việt Nam đã có kinh nghiệm quản lý, quản lý sách báo, phim ảnh... thì không có lý do gì lại không quản lý được nội dung trong game. Về vấn đề chơi game quá độ, một trong những hiện tượng liên quan đến game bị công kích là trẻ em chơi game quá độ tại internet, ở các nước phát triển trẻ em chơi game ở nhà nên bố mẹ có thể quản lý về mặt thời gian, ở VN đặc thù lại khác.
Vấn đề sâu xa là chúng ta phải hạn chế trẻ em đi ra đại lý Internet mà không chịu bất kì sự quản lý nào. Bởi, ra đó, các em có thể xem những trang độc hại hay chơi game không bị kểm duyệt của nước ngoài. Tôi nghĩ, hiện nay trẻ em chưa được quản lý chu đáo ở khía cạnh gia đình và xã hội.
Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm trực tiếp từ Trung Quốc – một quốc gia có công nghiệp game phát triển hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thưa thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, trong số các giải pháp dài hạn mà Bộ TT&TT đưa ra thì vấn đề học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác được đặt ra như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Như tôi đã nói, vấn đề Internet ở Việt Nam cũng như Game online cũng còn rất mới mẻ. Trong quá trình quản lý, chúng ta cần học tập sự đi trước của các quốc gia trong đó có Trung Quốc. Nhưng người Việt Nam rất sáng tạo, chúng ta học tập và có những áp dụng cho phù hợp với Việt Nam. Ở Trung Quốc, trong việc quản lý giờ chơi, đối với lứa tuổi thanh thiếu niên họ quản lý ngặt nghèo. Rồi xây dựng cả những hệ thống quản lý nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có chứng minh thư điện tử... Có nhiều bài học mà chúng ta có thể học tập từ nước bạn Trung quốc để áp dụng trong công tác quản lý của chúng ta.
Một độc giải ở Thanh Hóa nhờ ông Lê Hồng Minh tư vấn: "Làm thế nào để tôi giải thích với gia đình về tính tích cực của game?"
Ông Lê Hồng Minh: Bạn có thể giải thích rằng người chơi game giỏi phải là 1 người có tư duy tốt, nếu việc học tập cũng hấp dẫn như chơi game thì kết quả học tập sẽ tốt như thế nào. Ngay cả bản thân việc chơi game được sử dụng cho việc huấn luyện cho phi công khi họ giả lập đưa ra tình huống phán đoán. Game cũng được đưa vào y tế, game là hình thức giải trí lành mạnh nếu được sử dụng nó hợp lý.
Theo ICTNews