• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

Thông tin thiết bị số và công nghệ ngày 29-12-2008

Status
Không mở trả lời sau này.

NgocVNPT

New Member
Điện tử - viễn thông Việt nam sau hai năm gia nhập WTO

Cho tới thời điểm này, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO được hai năm. Điện tử - viễn thông là hai trong số những ngành được coi là mũi nhọn và chịu nhiều tác động sau sự kiện này. Sự cạnh tranh diễn ra khá quyết liệt trên hai thị trường điện tử và viễn thông đã khiến ngành đứng trước rất nhiều những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, không phải là không có những cơ hội được mở ra...


Hội thảo đã thu hút đông đảo đại biểu và giới báo chí tham dự. Ảnh: Thuỷ Nguyên

Quan điểm này đã được nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực điện tử - viễn thông chia sẻ tại buổi hội thảo với chủ đề "Hội nhập Kinh tế Quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với ngành Điện tử - Viễn thông Việt Nam" vừa diễn ra hôm qua, 25/12 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình "Đánh giá tác động hội nhập sau hai năm gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam và tôn vinh các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu".

Cơ hội nhiều...

Theo đại diện của Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hàng năm khoảng 20-30%. Từ những lắp ráp đơn giản, Việt Nam đã phát triển từng bước và bước đầu sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu cũng như nghiên cứu thiết kế được một số sản phẩm thương hiệu Việt được bạn hàng quốc tế tin dùng. Về cơ bản, các sản phẩm điện tử và công nghệ đã thoả mãn được nhu cầu của thị trường nội địa và phát triển xuất khẩu. Doanh số thị trường nội địa đạt 1,6 tỷ USD năm 2005, và năm 2006 đã đạt hơn 2 tỷ USD.

Việc Việt Nam gia nhập WTO đã mang lại cho ngành công nghiệp điện tử những cơ hội lớn như tăng cường khả năng thâm nhập và thúc đẩy xuất khẩu do thị trường thế giới và khu vực được mở rộng và vị thế cạnh tranh bình đẳng hơn. Môi trường kinh doanh và đầu tư của ngành cũng đã được cải thiện, hành lang pháp lý minh bạch dẫn đến sức cạnh tranh lành mạnh hơn, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Cũng từ khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội tiếp cận tín dụng, công nghệ mới, thông tin thị trường thế giới, khu vực, các dịch vụ, cung cấp vật tư... của ngành tốt hơn. Ngành điện tử có cơ hội xây dựng lại chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới, các tranh chấp thương mại quốc tế được giải quyết công bằng và minh bạch hơn.

Còn với ngành viễn thông, theo tiến sĩ Trịnh Minh Anh, Phó Vụ trưởng - Phó Chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia Hợp tác kinh tế quốc tế, hai năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, những tác động mang tính tích cực ảnh hưởng tới ngành đó là thị trường viễn thông Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng được xếp vào hàng nhanh nhất thế giới. Cạnh tranh sôi động nhất đang diễn ra trên thị trường thông tin di động giữa các nhà cung cấp dịch vụ VinaPhone, MobiFone, Viettel, EVN Telecom, SFone... đã thúc đẩy thị trường đạt mức tăng trưởng nhanh. Mới đây, trong bảng xếp hạng phát triển viễn thông Châu Á, thị trường viễn thông Việt Nam đã được xếp thứ 13 về cả quy mô và tốc độ phát triển trên ba lĩnh vực cố định, di động và Internet.

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho rằng, hội nhập WTO, các doanh nghiệp viễn thông trong nước có nhiều cơ hội kinh doanh mới, cơ hội đầu tư trang bị thiết bị công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm được vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế.

Hội nhập, viễn thông Việt Nam thu hút được nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý từ các nhà khai thác nước ngoài thông qua việc hợp tác với các nhà khai thác lớn trên thế giới để phát triển, hiện đại hoá mạng lưới và cung cấp dịch vụ, đồng thời cơ hội từng bước thâm nhập ra thị trường khu vực và trên thế giới. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho từng doanh nghiệp và cho cả ngành viễn thông và CNTT Việt Nam. Cạnh tranh phát triển tạo cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước tự đổi mới và tái cơ cấu để hoạt động có hiệu quả, cải cách quy trình quản lý, khai thác, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực mang tính chiến lược, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng chăm sóc khách hàng.

Tuy nhiên, với lộ trình mở cửa thị trường lĩnh vực viễn thông trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, cho tới thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vẫn chưa thực sự phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài. "Hiện cạnh tranh trong nước chính là bước tập dượt cho cạnh tranh nước ngoài và là giai đoạn quan trọng để các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam từng bước tích tụ các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua các rào cản, thách thức và chủ động đón bắt các vận hội của hội nhập kinh tế quốc tế" - ông Việt nói.

Và thách thức cũng lắm

Quả thực, khi kinh tế phát triển, nhu cầu thị trường về các dịch vụ bưu chính, viễn thông và CNTT tăng trưởng mạnh, thị trường tiềm năng để phát triển các dịch vụ mới rất lớn đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT phát triển các hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, theo ông Bùi Quốc Việt, trong những năm qua, thị trường viễn thông di động Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng 160-170%/năm và được coi là thị trường đầy tiềm năng, thu hút sự chú ý của không ít các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO.

Cũng chính vì sức hút lớn này sẽ khiến các nhà cung cấp mạng di động của Việt Nam phải chịu sức ép rất lớn từ các hãng tên tuổi của nước ngoài khi hội nhập WTO. Điều này đã được minh chứng khi đã có rất nhiều hãng nước ngoài bày tỏ ý định mua lại cổ phần của các mạng di động như MobiFone, VinaPhone hay Viettel khi những mạng này được cổ phần hoá và đưa ra sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp viễn thông trong nước nói chung và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT nói riêng sẽ chịu những áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp ở các nước có nền công nghiệp phát triển có vốn, trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý và cạnh tranh quốc tế cao. Mức độ cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, phạm vi rộng hơn và sâu hơn.

Đi kèm với đó là sự chia sẻ về thị phần thị trường một cách đáng kể khi các tập đoàn viễn thông lớn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài khi liên doanh có quyền nâng mức góp vốn lên cao hơn, khả năng kiểm soát của họ đối với việc điều hành kinh doanh dịch vụ cũng lớn hơn. Ông Việt cho rằng đây cũng là chính là nguy cơ, thách thức mà các doanh nghiệp viễn thông Việt phải đối mặt.

Cũng giống như viễn thông, ngành điện tử ngoài những cơ hội của mình cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh trên thị trường này sẽ khốc liệt hơn ngay cả ở thị trường trong nước. Các doanh nghiệp điện tử sẽ phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.

Trong khi đó nhiều ưu đãi, trợ cấp của Nhà nước dành cho ngành bị cắt bỏ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Không những vậy, thị trường biến động nhanh, đòi hỏi khả năng thích ứng của doanh nghiệp cao. Doanh nghiệp phải thận trọng khi lựa chọn bạn hàng, thị trường và phương thức kinh doanh.

Xác định rõ những cơ hội và thách thức của mình, để có thể khẳng định được vị thế, bảo vệ thương hiệu của mình trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, không còn cách nào khác là các doanh nghiệp ngành điện tử, viễn thông sẽ phải có những chính sách, hướng phát triển thực sự bền vững.
(Theo Thongtincongnghe)
 
5 lời “tiên tri” cho công nghệ vào năm 2009



Nguồn hình: colorcubic

Năm 2009 sắp đến trong khung cảnh kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái. Vậy thế giới công nghệ trong năm 2009 sẽ như thế nào? Sau đây là một vài dự đoán về xu hướng công nghệ trong năm 2009 của silicon.com.

Sự trở dậy của các phần mềm miễn phí

Đã có một nhiều công ty phần mềm cung cấp các dịch vụ đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ với vẻ bề ngoài là miễn phí, nhưng thực chất là để kiếm tiền nhờ quảng cáo. Đây không phải là một mô hình thương mại tồi vì Google đã tìm thấy công việc kinh doanh của mình trên ý tưởng như thế. Những người bán phầm mềm cho doanh nghiệp có thể yêu cầu các nhà tài trợ quảng cáo trở thành các khách hàng chi trả thực sự.

Phần mềm miễn phí và quảng cáo sẽ đi cùng nhau là một điều tốt trong tình hình suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trở nên khó khăn về tài chính hơn bất cứ ai nhưng vẫn có cùng nhu cầu cập nhật công nghệ như là các công ty khác. Vì vậy, 2009 có thể là năm mà các phần mềm miễn phí cất cánh.

iPlayer đưa bản quyền truyền hình vào chỗ chết.

Trong cuộc tọa đàm về việc khai thác iPlayer (dịch vụ của BBC, cho phép khán giả ở Anh tải xuống và xem lại chương trình TV trong vòng 30 ngày), công ty chủ quản sẽ mở rộng các cách kiếm tiền có thể từ một triệu lượt xem mỗi ngày của dịch vụ này.

Cùng lúc, sự tăng trưởng các nội dung Web đặt ra một vấn đề tế nhị cho BBC: Khi bạn không có TV, nhưng có laptop, bạn vẫn có thể là người tiêu dùng. Như vậy, khi bạn không có TV và không xem chương trình của BBC trên máy tính xách tay, bạn vẫn có bổn phận phải mua bản quyền truyền hình. Đâu là chìa khoá cho câu hỏi này?

BBC phải đi đến thương mại hóa. Cho dù đang cung cấp nội dung có được tài trợ bằng quảng cáo hay không và đang đưa ra tranh luận về mô hình thuê bao hay mô hình trả tiền cho mỗi lần tải, thì sự thương mại hóa ngày càng tăng của BBC không phải là điều bàn cãi.

Những tên tuổi lớn nếm chịu thương đau

Không chỉ các công ty ở mức “đủ lông đủ cánh”, mà trong năm 2009 này có khả năng sẽ thấy một số tên tuổi lớn cũng đi xuống. Đừng ngạc nhiên nếu 2009 là năm mà các nhà đầu tư cuối cùng cũng mất hết kiên nhẫn.

Google tiết lộ điều ngạc nhiên khác

Trong khi tin đồn về hệ điều hành (OS) Google cho PC đã vài lần bùng lên rồi xẹp xuống, thì năm 2009 sẽ có nhiều khả năng hơn cho điều này khi mà Android đã tạo ra cho Google những cơ sở đầu tiên của OS. Các ứng dụng Google tiếp tục phát triển theo cách khiến nó trở thành đối thủ cạnh tranh vững vàng của Microsoft Office.

Trong cuộc phỏng vấn với Times gần đây, Google nói bóng gió rằng họ đã sẵn sàng cho việc giao dịch với các nhà sản xuất thiết bị gốc OEM trong lĩnh vực PC, tạo ra một đường đi mới vào thị trường.

Băng rộng di động đánh bại băng rộng cố định

Telstra của Úc vừa đi vào hoạt động với mạng di động 21 Mb/s, trong khi Vodafone ở châu Âu đang thử nghiệm tốc độ tương đương 28,8 Mb/s. Giả sử, theo kinh nghiệm của Telstra, tốc độ đường xuống thực tế bằng 1/3 tốc độ lý thuyết 28,8 Mb/s, thì mạng này hứa hẹn cho tốc độ xấp xỉ 10 Mb/s, tức là gần gấp đôi tốc độ băng thông rộng cố định trung bình ở Anh. Do đó, người sử dụng băng thông rộng, như ở Anh, có nhiều lí do chuyển sang tùy chọn kết nối không dây hơn.
(theo Thongtincongnghe)
 
Samsung HT-X715 - rạp hát ruby kiêu kỳ

Hệ thống home theater HT -X715 của Samsung được thiết kế theo phong cách Pha lê (Crystal Design) vốn được áp dụng trên các dòng TV LCD của năm 2008.

s1.jpg

Samsung HT-X715 được thiết kế theo phong cách Pha lê (Crystal Design).
Ảnh: AudioVisual.

HT-X715 có nước sơn đen bóng, tuy nhiên, ở những góc nhìn khác nhau, sản phẩm lại có ánh hồng. Chính vì vậy, khi nó kết hợp với TV LCD với ngoại hình thuộc dòng Crystal Design, hệ thống rạp hát tại gia của bạn sẽ có bức tranh bắt mắt.

Thành phần chính của Samsung HT-X715 bao gồm đầu đọc đĩa kiêm ampli khuếch đại công nghệ số (AV receiver) cung cấp công suất ra 800 Watt cho hệ thống. Loa vệ tinh bao gồm hai loa front và hai loa rear, rất lính hoạt trong việc bố trí. Bạn có thể đặt nó lên trên tủ, giá hoặc treo trên tường. Bên cạnh đó, hai loa rear có thể kết nối không dây tới khối AV receiver nếu bạn đầu tư thêm bộ phát SWA-4000.

Loa siêu trầm (subwoofer) hoạt động theo nguyên tắc âm thanh vô hướng nên có thể đặt chúng ở bất kỳ vị trí nào trong phòng, miễn là hợp lý với thiết kế của căn phòng. Tùy theo trí tưởng tượng, bạn có thể hình dung các loa nằm trong hệ thống loa 5.1 như những cây thông nhỏ xinh hay thậm chí những viên đá ruby màu hồng kiêu kỳ. Samsung HT-X715 sẽ trở thành món đồ trang trí hiệu quả trong căn phòng nếu bạn bố trí khéo léo hài hòa với các thiết bị nội thất khác.

s2.jpg

Tùy theo trí tưởng tượng mà bạn có thể hình dung các loa trong hệ thống như cây thông hay viên đá. Ảnh: Ployer.

Đi kèm theo chuẩn kết nối đa phương tiện HDMI, Samsung HT-X715 gắn chip xử lý nâng cấp độ phân giải hình ảnh lên 1080p (up-scaling) khá hữu dụng đối với những người có nhu cầu thưởng thức hình ảnh đẹp và chi tiết. Hình ảnh mịn hơn thấy rõ và trông thực hơn, gần giống với phim trong rạp hát.

Nguồn dữ liệu âm thanh, hình ảnh số lấy từ 4 nguồn: AV receiver đọc đĩa trực tiếp, cổng giao diện USB, kết nối Bluetooth và cổng quang. Với chuẩn kết nối không dây Bluetooth, HT-X715 sẽ nhận tín hiệu nguồn âm thanh từ PC, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3... để chơi các bản nhạc theo sở thích của gia chủ. HT-X715 cũng có khả năng giải mã âm thanh dạng số cho các thiết bị khác bởi nó được trang bị cổng quang (digital optical) để kết nối. Như vậy, bạn sẽ tận hưởng âm thành vòm sống động khi chơi game trên máy PS3, Xbox 360 hay đầu đĩa Blue-ray thông qua cổng quang này.

s3.jpg

Các loa con trong hệ thống. Ảnh: Ployer.

Mặc dù có kích thước nhỏ gọn nhưng sân khấu âm thanh của Samsung HT-X715 được đánh giá khá tốt, tái tạo và phát huy được âm thanh vòm sinh động tại nhiều pha kịch tính trong DVD phim hành động hay DVD biểu diễn âm nhạc... Tiếng trầm (bass) thiếu uy lực, không thật mạnh mẽ là nhược điểm hay gặp phải đối với bộ dàn rạp hát tại gia có kích thước khiêm tốn, Samsung HT-X715 cũng không phải ngoại lệ. Bù lại nó cho âm thanh ở các dải còn lại rất khá, giải trung (midle) mượt mà trong khi giải cao (treble) êm ái không hề chói gắt.

Với mức đầu tư 12,9 triệu đồng, rạp hát tại gia Samsung HT-X715 là sự lựa chọn đáng lưu tâm.

Hơn thế nữa sự linh hoạt "bắt tay" với bất cứ thiết bị số hiện đại khác thông qua giao diện hợp thời đại (Bluetooth, digital optical, USB...) là một lợi thế của hệ thống bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nhìn đẹp và âm hay của người tiêu dùng.
Theo SoHoa
 
Thêm hình ảnh về Sony Vaio dòng P siêu nhỏ

Hình ảnh thực mới nhất về Sony Vaio P-series cho thấy, máy có thiết kế nhỏ gọn, bàn phím rộng và không có touchpad như thường lệ.

Máy tính bỏ túi mang tên P-series của Sony sẽ ra mắt tại CES 2009 diễn ra vào ngày 9/1/2009. Trước khi xuất hiện, model này đã tạo nên một sự hào hứng trong giới yêu thương hiệu Vaio bởi các thông tin mập mờ từ Sony.

Gần hai tuần nữa, CES 2009 mới bắt đầu khai mạc, tuy nhiên P-series đã bắt đầu lộ diện. Dưới đây là các hình ảnh tổng hợp về model này cũng như hình ảnh thực mới nhất của P-series.

P-series có màn hình 8 inch, độ phân giải siêu cao, lên tới 1.600 x 768 pixel, màn hình đèn LED backlit. Thiết bị trang bị ổ cứng 60 GB đến 128 GB, bộ vi xử lý Intel 1,33 GHz.

1.jpg

P-series sẽ là sản phẩm nhỏ nhất trong các laptop Vaio đang xuất hiện trên thị trường. Hiện, dòng TT đang giữ kỷ lục này.


2.jpg

Máy xuất hiện trên một trang web của hãng tại Nhật Bản.


3.jpg

Và trên website chính thức của FCC.


4.jpg


5.jpg

Hai hình ảnh trên trang web của Sony với các thông tin chi tiết nhưng bị rút sau vài giờ xuất hiện.


6.jpg

Đây là hình ảnh thực tế mới nhất của model này, do kích thước nhỏ, máy sẽ không có touchpad mà thay bằng nút điều khiển giống như dòng ThinkPad của IBM.​
(theo SoHoa)
 
TV Plasma 3D chỉ hơn 13 triệu đồng

Cùng với model 50" PS50A450, Samsung PS42A450 (42 inch) là một trong không nhiều mẫu TV trên thị trường được ứng dụng công nghệ hiển thị 3D.

1.jpg

Samsung PS42A450 là một trong không nhiều TV có khả năng hiển thị hình ảnh 3D. Ảnh: Cnet.

Trước đây đã có một số hãng áp dụng công nghệ 3D trong sản xuất màn hình máy tính để chơi game, nhưng thành công thu được là không nhiều. Rút kinh nghiệm, Samsung đã gắn thêm một hệ thống phát sáng bằng tia hồng ngoại vào tấm nền để điều chỉnh các hiệu ứng 3D.

Tuy nhiên, để thưởng thức công nghệ này, bạn phải kết nối TV với máy tính. Vấn đề là, nguồn nội dung 3D hiện nay chưa được phong phú, chủ yếu mới chỉ là game. Vì vậy, có thể nói lợi ích mà công nghệ này mang lại ở thời điểm hiện tại là chưa nhiều, ngoại trừ bạn là một tín đồ của những trò game 3D.

Trong những dòng TV Plasma ra mắt năm nay của Samsung, Series 4 thuộc tầm thấp, nên model 42 inch này có độ phân giải chỉ là 1.024 x 768 pixel, đạt HP Ready (model 50 inch có độ phân giải 1.365 x 768 pixel). Ngoài ra, Samsung PS42A450 còn sở hữu độ tương phản động 30.000:1 và ba cổng kết nối HDMI.

2.jpg

Samsung PS42A450 có nhược điểm là độ phân giải thấp. Ảnh: Cnet.

Mặc dù được đánh giá cao ở công nghệ 3D, nhưng cặp kính đi kèm với Samsung PS42A450 để hỗ trợ người dùng xem những hình ảnh hiển thị bằng công nghệ này lại được thiết kế quá xấu.

Thêm vào đó, để thưởng thức những tinh hoa của công nghệ hiển thị 3D, bạn không chỉ phải kết nối TV với máy tính, mà chiếc máy tính của bạn cũng đòi hỏi phải có card đồ họa rời Nvidia, đồng thời phải có những trò game tương thích.

Không chỉ gây thất vọng bởi độ phân giải hạn chế, chiếc TV 42 inch này cũng chỉ được trang bị duy nhất một bộ bắt sóng truyền hình analog. Vì thế, nếu có một kênh truyền hình số nào đó phát sóng các hình ảnh 3D thì TV nhà bạn cũng sẽ không thể xem được.

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, Samsung PS42A450 được bán với giá 13.790.000 đồng. Model 50 inch mang tên PS50A450 có giá bán là 21.900.000 đồng.
(theo SoHoa)
 
Tại sao nên đổi DSLR

Có tới 5 lý do chính khiến cho DSLR hơn hẳn một máy ảnh số bình dân, đó là tốc độ, chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn, ống kính có chất lượng, linh hoạt hơn, và cuối cùng là chúng cũng dễ sử dụng không kém gì máy ảnh thông thường cả.

Những người đang sử dụng máy ảnh số bỏ túi sẽ có đôi lúc băn khoăn không biết mình có nên nâng cấp lên DSLR hay không. Câu trả lời rất đơn giản là có, bởi 5 lý do sau.

t1.jpg

DSLR nhanh hơn do độ trễ không cao. Ảnh: Letsgodigital.

1. DSLR nhanh hơn

Nếu đang sở hữu một máy ảnh số thông thuờng, chắc hẳn sẽ có lúc bạn cảm thấy thất vọng bởi khi nhìn thấy một khung cảnh đẹp trên màn LCD, bạn bấm máy. Nhưng đến khi xem lại ảnh chụp thì nụ cười đã biến mất, mắt mở đã nhắm lại… Máy ảnh của không chớp được khoảnh khắc ngay khi bạn bấm nút. Tất cả bắt nguồn từ độ trễ. Nói chung tất cả các máy ảnh số đều có một độ trễ nhất định, nhưng ở máy ảnh bình dân thì độ trễ này tệ hại nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra độ trễ như do người chụp, do tốc độ hiển thị, cửa trập, tốc độ lấy nét hay zoom…

Nếu do người chụp, độ trễ xảy ra trong quá trình tín hiệu nhận hình ảnh từ mắt, lên não xử lý rồi mới xuống đến tay, từ đó điều khiển cơ ngón tay bấm nút chụp. Đây là quá trình trễ tự nhiên trong xử lý thông tin của mỗi người nên để giảm tổng thời gian trễ, bạn phải nhờ vào tốc độ hoạt động của máy ảnh.

Hầu hết mọi người bỏ qua yếu tố thứ hai, do màn hình. Nhưng quả thật, máy ảnh bình dân có một độ trễ nhất định khi ánh sáng đi qua ống kính, được cảm biến xử lý và hình ảnh được hiển thị lên màn LCD. Mặc dù có vẻ như những gì bạn thấy trên màn hình LCD của máy ảnh là những gì diễn ra trước mắt bạn, nhưng thật ra nó không diễn ra cùng lúc mà sẽ chậm hơn cảnh thật một chút.

DSLR thì ngược lại, khung cảnh bạn nhìn qua khung nhìn không được cái gì xử lý cả mà được đi qua ống kính, qua gương phản chiếu, lăng kính ngũ giác và tới mắt. Do vậy những gì bạn nhìn thấy chính là những gì đang diễn ra với tốc độ thực ở thời gian thực và không có độ trễ nào cả.

t2.jpg

Tốc độ đóng mở cửa trập trên máy DSLR đều đạt mức 1/4000 đến 1/8000 giây, trong khi máy ảnh ảnh bình dân là 1/2000. Ảnh: Goldfries.

Lý do thứ ba là do cửa trập
.
Ở máy ảnh bình dân, khi bấm, máy ảnh bắt đầu tìm điểm nét, đo sáng, điều chỉnh độ phơi sáng thích hợp rồi cuối cùng lưu ảnh vào cảm biến. Toàn bộ quá trình này tạo nên cái gọi là độ trễ cửa trập (do máy ảnh bình dân không có cửa trập thực sự). Các máy ảnh này thường có độ trễ khá chậm từ khi bấm máy đến khi bức ảnh được chụp. Ngày nay với công nghệ tiên tiến về bộ vi xử lý hình ảnh, toàn bộ quá trình này trong các máy ảnh bỏ túi, nhất là các máy đời mới, đã gảm xuống còn khoảng nửa giây, nhưng vẫn chưa thể bì kịp với tốc độ của DSLR.

Mặt khác, tốc độ đóng mở cửa trập tối đa của máy DSLR thông thường đều đạt mức 1/4000 hay 1/8000 giây, đủ "đóng băng" hầu hết các chuyển động đời thường. Trong khi đó, hầu hết máy ảnh bình dân tốc độ đóng mở cửa trập (thực chất là tốc độ bật tắt cảm biến) thông thường chỉ đạt 1/2000 giây.

Trong quá trình chụp, tốc độ lấy nét, hay thời gian lấy nét ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ chụp ảnh. Đối với các máy ảnh bình dân, hệ thống lấy nét dựa trên độ tương phản, trong khi trên các máy DSLR dựa trên sự đồng pha. Hệ thống lấy nét theo pha này hoạt động trên nguyên lý hai hình trùng một (hình ảnh qua ống kính sẽ được phản chiếu tách biệt thành 2 hình và cảm biến nét sẽ xác định điểm nét bằng việc điều chỉnh hai hình trùng khớp lên nhau) nên tốc độ lấy nét nhanh hơn và đáng tin cậy hơn rất nhiều so với việc chỉ dựa trên sự tương phản. Thí nghiệm cho thấy hệ thống lấy nét theo pha từ gần như tức thời tới khoảng một phần tư giây, trong khi hệ thống lấy nét theo độ tương phản mất từ nửa tới ba phần tư giây.

Thời gian zoom cũng ảnh hưởng tới tốc độ chụp. Cơ chế zoom trong máy ảnh số bình dân là zoom điện từng cấp nên tốc độ ra vào rất chậm. Mặt khác, khi bạn zoom, hệ thống sẽ phải lấy nét lại từ đầu, khiến cho tốc độ vốn đã chậm lại càng thêm chậm. Trong khi đó DSLR có hệ thống zoom cơ xoay vặn vô cấp, độc lập với hệ thống lấy nét, bạn hoàn toàn có thể lấy nét rồi zoom ra hay vào rất nhanh chóng mà điểm nét vẫn giữ nguyên. Với các ống kính cao cấp hơn, ngay cả khi máy tự động lấy nét, bạn vẫn có thể tự tay tinh chỉnh thêm bằng vòng lấy nét tay phụ trợ.

Độ trễ còn ảnh hưởng bởi tốc độ giữa các lần chụp. Hầu hết các máy ảnh DSLR đều đạt tốc độ trung bình 3 khung hình/giây, đủ cho hầu hết các trường hợp. Các máy ảnh cao cấp hơn có thể đạt tốc độ 6 - 8 khung hình/giây, trong khi máy ảnh bình dân chỉ được khoảng 1 - 1,5. Thông thường điều này sẽ không thành vấn đề đối với đại đa số người dùng, nhưng khi hay phải chụp cảnh động, lúc đó bạn mới thấy được sự hữu dụng của tốc độ.

t3.jpg

DSLR chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn. Ảnh: Letsgodigital.

2. DSLR chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn

Một khác biệt cơ bản nhất có thể nhận thấy là DSLR có cảm biến sáng lớn hơn hẳn so với máy ảnh bình dân. Cảm biến lớn dẫn đến điểm ảnh lớn hơn. Điểm ảnh lớn hơn nghĩa là mỗi điểm ảnh thu được lượng ánh sáng nhiều, cảm biến thu được nhiều thông tin về màu sắc và mật độ trên mỗi điểm ảnh hơn, từ đó cho ra bức ảnh có màu sắc trung thực hơn. Nói cách khác, cảm biến ảnh của DSLR hấp thụ được nhiều ánh sáng trong thời gian ngắn hơn, từ đó thông tin nội suy ít, ảnh lỗi hay nhiễu ít so với máy ảnh bình dân.

Ngoài ra,hầu hết các máy DSLR có thể lấy nét rất tốt trong điều kiện thiếu sáng do chúng có cảm biến nét riêng và lại dùng cơ chế lấy nét riêng như đã nói ở trên. Trong khi đó các máy bình dân lấy nét bằng độ tương phản và lại dùng chính cảm biến ảnh để nhận diện độ tương phản. Trong điều kiện ánh sáng đủ thì không vấn đề gì, nhưng trong điều kiện thiếu sáng, các điểm ảnh do đã quá nhỏ nên bản thân việc hấp thụ ánh sáng đã khó khăn, chứ chưa nói đến việc có thể nhận diện được tương phản sáng tối trong hoàn cảnh ít ánh sáng như vậy.

Do là máy ảnh ống kính rời nên khi phải chụp trong những điều kiện thiếu sáng, người chụp hoàn toàn có thể đổi sang lắp những ống kính có độ mở lớn (ống 50mm độ mở f/1,8 chẳng hạn) nhằm cho phép nhiều ánh sáng qua hơn. Độ mở này cho phép lượng ánh sáng vào cảm biến nhiều gấp 4 lần một ống có độ mở thông thường f/3,5 ở cùng độ nhạy và tốc độ trập.

Ống kính của máy ảnh bình dân cũng tương tự như ống kính bình dân của máy ảnh DSLR, thường có hai độ mở ở hai khoảng tiêu cự. Ví dụ một ống 18 - 55 mm f/3.5-5.6 có nghĩa là khi ống kính ở tiêu cự 18 mm thì độ mở tối đa f/3,5, nhưng khi ở tiêu cự 55 mm, độ mở tối đa không còn là f/3.5 nữa mà thành f/5.6. Vì vậy khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, nếu người chụp lại dùng zoom thì độ mở tối đa bị nhỏ lại. Để đủ sáng thì tốc độ phải giảm đi hoặc độ nhạy phải tăng lên. Tuy nhiên đến một ngưỡng nào đó thì tốc độ giảm sẽ làm ảnh bị nhòe do rung và độ nhạy cao làm ảnh bị hạt.

DSLR có thể khắc phục hạn chế này bằng ống kính một độ mở, ví dụ ống 24-70 mm f/2.8 chẳng hạn. Lúc này thì dù chụp ở tiêu cự nào độ mở tối đa vẫn được duy trì ở mức f/2.8. Điều này là không thể đối với các máy ảnh số bình dân.

t4.jpg

Với DSLR bạn có thể tự xác định cho mình ống kính phù hợp với nhu cầu.
Ảnh: Wholesaledigital.

3. DSLR cho phép bạn chọn ống kính

Điều đặc biệt nhất của máy DSLR là bạn có thể chọn bất kỳ ống kính nào bạn muốn tùy túi tiền trong vô vàn dòng ống kính của hãng máy ảnh bạn có. Thậm chí, nếu không có đủ kinh phí dùng ống chính hãng, bạn cũng vẫn còn vô khối lựa chọn từ các hãng thứ ba như Sigma, Tamron, and Tokina.

Bạn có thể tự xác định cho mình những ống kính phù hợp với nhu cầu. Nhiều người thì thích chỉ một ống có dải zoom rộng như 18 - 200 mm chẳng hạn, phục vụ đủ hết mọi nhu cầu. Tuy nhiên, các ống có dải zoom quá dài thường có chất lượng không cao. Nếu rủng rỉnh tài chính, bạn có thể chọn cho mình một vài ống bao trùm dải zoom này thay vì chỉ một ống, như bộ ba 16 - 35 mm, 24 - 70 mm và 70 - 200 mm chẳng hạn. Nếu nhiều tiền hơn chút nữa, vẫn những ống với các dải tiêu cự xấp xỉ thế này, có thể lên đời từ ống hai độ mở thành ống một độ mở cố định (thường là f/2,8 chẳng hạn). Lúc này bạn có thể thỏa thích thử nghiệm những gì mà máy DSLR có thể mang lại.

Một khía cạnh khác của DSLR, là việc chọn đúng ống kính để chụp trong mỗi trường hợp cụ thể, đối tượng cụ thể khiến cho bạn luôn phải suy nghĩ, tìm tòi, và thử nghiệm. Chính quá trình này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một tay ảnh và người chỉ cầm máy ảnh lên để "ngắm và chụp".

t5.jpg

Máy ảnh số linh hoạt hơn ở khả năng tinh chỉnh các thông số. Ảnh: Penncamera.

4. DSLR linh hoạt hơn

Hầu hết những người sở hữu máy ảnh bình dân thì nghĩ chính các máy này mới linh hoạt hơn so với DSLR do họ có thể chụp ảnh, quay phim, thu âm… bất cứ thứ gì họ thích với một chiếc máy ảnh nhỏ gọn. Mặc dù ngày nay với với sự tiến bộ của công nghệ thì DSLR đã có thể làm được hết những gì mà máy ảnh bình dân làm được, nhưng tính linh hoạt của DSLR không nằm ở các yếu tố này.

Tính linh hoạt của DSLR chính là ở chỗ bạn có thể "chơi" với ánh sáng thông qua việc tỉnh chỉnh các thông số phơi sáng trên máy ảnh, rồi chỉnh đèn, dùng kính lọc, dùng tản sáng… để cho ra những bức ảnh theo cách riêng của bạn. Đó là sự linh hoạt trong sáng tạo.

5. DSLR cũng dễ dàng sử dụng

Không ít người nghĩ rằng họ bỏ ra một đống tiền để mua một máy ảnh DSLR vừa đắt tiền lại vừa khó sử dụng. Thực ra không hẳn như vậy. Bất kỳ máy ảnh số ống kính rời của hãng máy ảnh nào cũng đều có chức năng tự động hoàn toàn (full-auto), giúp những người ngại tìm hiểu có thể nhanh chóng chuyển sang chế độ này, giơ máy ảnh lên, ngắm và chụp. DSLR lúc này vận hành dễ dàng không khác gì máy ảnh bình dân cả, không đòi hỏi chút kiến thức nào từ người chụp mà vẫn có thể sản sinh ra những bức ảnh chất lượng tốt nếu không muốn nói là vẫn qua mặt các dòng máy bình dân. Còn nếu bạn chịu khó mày mò, thì chất lượng ảnh của DSLR so với máy ảnh thông thường không có gì cần phải tranh cãi.

Mặc dù DSLR đúng là chưa phải dành cho tất cả mọi người, ít nhất do kích cỡ cồng kềnh hơn của nó. Nhưng khi bạn bắt đầu muốn một máy ảnh nhanh hơn, muốn thỏa sức sáng tạo nhiều hơn, hay một chất lượng ảnh tốt hơn, bạn sẽ không thể không nghĩ tới việc trang bị một DSLR bên mình.
Theo SoHoa
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Back
Top