Những nhân vật có ảnh hưởng nhất làng công nghệ của thập kỷ
Từ “quân sư” Steve Jobs của Apple cho đến “huyền thoại” Bill Gates hay những tên tuổi đã tạo ra Craigslist, Facebook… mỗi người đóng một vai trò riêng nhưng đều đã và đang nỗ lực tạo ra những bước tiến đột phá cho làng công nghệ thế giới trong thập kỷ qua.
PCMag vừa công bố danh sách những nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với làng công nghệ thế giới trong những năm đầu của thế kỷ 21.
1. Steve Jobs
Không có gì phải ngạc nhiên khi Steve Jobs, giám đốc điều hành của hãng “Quả táo cắn dở” Apple lại là cái tên phải nhắc đến đầu tiên trong danh sách những nhân vật có ảnh hưởng nhất đến làng công nghệ thế giới trong suốt một thập kỷ qua.
Ở tuổi 54, Steve Jobs và những thành công của ông đã trở thành huyền thoại. Bằng tài năng lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược đáng nể, Steve Jobs đã đưa giá trị của Apple từ khoảng 5 tỷ USD vào năm 2000 đến nay đạt cỡ 170 tỷ USD, vượt qua cả “ông lớn” Google.
Hãy cùng nhìn lại những đột phá cải tiến công nghệ của Apple trong suốt 10 năm qua, đó là chuỗi cửa hàng Apple (2001), iPod (2003), iTunes (2003), iPhone (2007) và Apple App Store (2008). Thập kỷ qua, làng công nghệ còn được chứng kiến Apple liên tục “tỏa sáng” với việc trình làng dòng máy tính xách tay tuyệt đẹp (MacBook Air) và máy tính cá nhân để bàn (iMacs), làm thay đổi phương thức kinh doanh máy tính cá nhân, tuy nhiên, Jobs vẫn không bao giờ ngừng tập trung vào việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Apple.
Jobs đã vươn bàn tay quyền lực của mình vào thị trường hàng điện tử tiêu dùng để nắm lấy thị phần của những loại thiết bị mới. Bằng cách đó, Jobs đã sử dụng đầu óc kinh doanh nhạy bén của mình và các kỹ năng đàm phán đầy sức thuyết phục để định vị lại thị trường âm nhạc, video, khuấy động ngành công nghiệp điện thoại di động và khiến cho thị trường bán lẻ âm nhạc bùng nổ. Sự tinh tế và tiện dụng trong những sản phẩm của Apple cùng với những chiến lược marketing thông minh đã tạo nên những cơn sốt sản phẩm Apple trên toàn thế giới, kéo theo kết quả kinh doanh hết sức thành công của hãng trong những năm qua.
Nhờ Steve Jobs, khả năng của những chiếc máy tính thông thường đã vượt ra ngoài bảng tính Excel. Người tiêu dùng cá nhân đã có thể tạo được các audio playlist, ghi đĩa CD, chỉnh sửa ảnh và xem video. Thành tựu đáng ghi nhận của Steve Jobs là tạo ra cầu nối cho những chiếc máy tính gia đình tích hợp với các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Không ai khác mà chính Steve Jobs đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng về phương thức thưởng thức âm nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình… của chúng ta ngày hôm nay.
2. Sergey Brin và Larry Page
Trở thành tỷ phú trong vẻn vẹn 6 năm, làm nên lịch sử ở tuổi đôi mươi, Sergey Brin và Larry Page - hai nhà đồng sáng lập ra công cụ tìm kiếm Internet Google đã phản bác lại thành công quan điểm chiến thắng chỉ dành cho những kẻ đến sớm đang tồn tại trong thế giới công nghệ.
Vào năm 1998, Sergey Brin và Larry Page, lúc đó là hai chàng sinh viên 24 tuổi học trường ĐH Stanford, đã đăng ký tên miền “Google.com”. Tên gọi này là một lối chơi chữ của từ googol, tức 10 100. Google chọn tên này nhằm thể hiện sứ mệnh của công ty để sắp xếp số lượng thông tin khổng lồ trên mạng. Danh tiếng của Google nhanh chóng lan rộng nhờ cơ chế tìm kiếm được phân loại kết quả theo thuật toán thực hiện rất hiệu quả. Năm 2000, với hơn 1 tỷ trang web trong danh mục tìm kiếm, Google trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới.
Hiện nay, Google vẫn là trang web được cư dân mạng tìm đến nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi ngày, Google phục vụ 1 tỷ yêu cầu tìm kiếm.
Trong một kỷ nguyên mà nhiều công ty vẫn còn chậm chạp thu lợi nhuận từ Internet thì Brin và Page đã tỏ ra nhanh nhạy khi cho ra mắt AdSense - dịch vụ quảng cáo trực tuyến vào năm 2003. Người viết web hay thậm chí là cả blog có thể đăng ký vào chương trình này để đăng các quảng cáo dưới dạng văn bản, hình ảnh, và mới đây là cả video trên trang web của mình. Những mẩu quảng cáo này được điều phối bởi Google và tạo ra lợi nhuận trên nguyên tắc tính tiền cho mỗi cú nhấp chuột và tính tiền cho mỗi ấn tượng. Với tính năng đó, AdSense được mệnh danh là “cỗ máy in tiền lớn nhất thế giới”.
Hiện nay, Google đã chạm tới mọi ngóc ngách trong cuộc sống số của con người. Mọi người tìm đến Google để đọc tin tức, sách báo, tra bản đồ, chia sẻ hình ảnh, các ứng dụng như YouTube, thư điện tử, dịch ngôn ngữ…Ngoài ra, Google hiện đang nỗ lực phát triển trình duyệt web riêng và xây dựng hệ điều hành của riêng mình.
Liệu ai có thể dự đoán được những tham vọng trong tương lai của Brin và Page? Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào tài năng và những thành tích họ đã gặt hái được, chúng ta có thể khẳng định họ còn làm được nhiều hơn thế.
3. Mark Zuckerberg
Mark Zuckerberg là sáng lập viên và cũng là Giám đốc điều hành (CEO) của mạng xã hội phổ biến nhất thế giới - Facebook có giá trị khoảng 6,5-9,5 tỷ USD. Sinh năm 1984 trong một gia đình Mỹ gốc Do Thái có cha là bác sĩ nha khoa và mẹ là nhà tâm lý học, nhưng chàng trai Mark Zuckerberg lại có niềm đam mê công nghệ mãnh liệt. Chính điều này đã đưa “chàng trai vàng” trong ngành công nghệ thông tin đi đến thành công như ngày hôm nay.
Ở tuổi 25, Mark Zuckerberg đã có trong tay 1 tỉ USD và là tỷ phú trẻ nhất góp mặt trong bảng danh sách 400 tỷ phú của Forbes. Cũng như nhiều nhân vật gạo cội khác, Mark Zuckerberg được coi là thần tượng của giới trẻ.
Thành thạo lập trình máy tính khi còn ít tuổi, những chương trình có tính ứng dụng cao - sản phẩm đầu tay của Mark đã gây được sự chú ý của giới công nghệ thông tin ở Mỹ lúc bấy giờ. Khi đang là một sinh viên của Đại học Harvard, Mark đã thành lập website mạng xã hội Facebook với sự trợ giúp của các bạn học. Hiện số lượng thành viên của Facebook đã lên tới 350 triệu người và vẫn không ngừng tăng lên.
Trong vai trò giám đốc điều hành, Mark Zuckerberg đã đặt ra phương hướng phát triển và chiến lược sản phẩm cho Google. Một trong những quyết định mang tính đột phá của Mark trong thập kỷ qua là quyết định cung cấp các hàm API cho phép các nhà phát triển, lập trình viên có thể xây dựng những ứng dụng Web trên nền Facebook để cung cấp cho người sử dụng và kiếm lợi nhuận từ nó.
Zuckerberg tuyên bố nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cậu chỉ là xây dựng mạng lưới thành viên và có tham vọng biến Facebook trở thành nơi tụ hội mọi kết nối thế giới. Mark đang đi tới gần thành công đó nhưng làm thế nào để Facebook có thể kiếm được lợi nhuận từ con số người dùng khổng lồ của nó?
Đó là câu hỏi mà một loạt các nhà điều hành dày dạn kinh nghiệm đang chung vai đấu cật với Zuckerberg để cùng cậu đưa công ty vào thập kỷ mới. Đến đúng thời khắc nào đó, có thể chúng ta sẽ cùng chứng kiến kế hoạch kinh doanh của họ.
4. Bill Gates
“Huyền thoại” Bill Gates đã trở thành một tên tuổi khổng lồ trong làng công nghệ thế giới từ thuở khai sinh của chiếc máy tính cá nhân. Thậm chí, ngay cả khi từ bỏ “ngôi vua” ở Microsoft, Bill Gates vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực công nghệ.
Tháng 6/2008, nhà đồng sáng lập tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới Bill Gates quyết định rời khỏi Microsoft, lui vào hậu trường để dành phần lớn thời gian của mình cho các hoạt động nhân đạo của Bill and Melinda Gates Foundation, quỹ từ thiện lớn nhất thế giới hiện nay. Mặc dù những dấu ấn của Bill Gates để lại các quyết định của ông đã mờ nhạt dần trong thập kỷ qua, nhưng những năm tháng cuối cùng của ông tại Microsoft cũng mang lai một số thành tựu đáng chú ý.
Dưới sự lãnh đạo của Bill Gates, Microsoft tập trung vào phát triển công nghệ thiết bị thế hệ mới như điện toán đám mây có thể giúp các công ty quản lý hiệu quả dữ liệu và các ứng dụng bằng cách chuyển chúng cho các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. Năm 2007, Microsoft trình làng nền tảng Surface (máy tính bề mặt), một sản phẩm mà theo lời Bill Gates sẽ cải tiến giao diện máy tính thành nơi mà người dùng có thể sử dụng chính các ngón tay của mình để kéo - thả dữ liệu. Họ cũng có thể chia sẻ, chỉnh sửa các tài liệu, ảnh số với một nhóm người dùng khác. Tại thời điểm đó, Gates thậm chí còn dự đoán công nghệ Surface sẽ thay thế hoàn toàn bàn phím và con trỏ chuột máy tính trong tương lai ngắn. Cũng dưới sự “trị vì” của Gates, các nền tảng Windows Live và Microsoft Office Live đã được phát triển vào năm 2005, tuy là có hơi muộn.
Trong suốt 3 thập kỷ qua, Bill Gates đã cống hiến rất nhiều cho làng công nghệ thế giới và hiện nay ông đang tập trung cho quỹ Bill and Melinda Gates Foundation với mục tiêu xóa bỏ tận gốc những căn bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh được ở các nước đang phát triển. Quỹ của Bill Gates sử dụng sức mạnh của khoa học và công nghệ để nghiên cứu và phòng trừ bệnh tật. Bill Gates lạc quan cho rằng quỹ của ông sẽ giúp tìm ra cách chữa một số bệnh gây tử vong phổ biến nhất hiện nay.
Bill Gates sẽ mãi mãi được nhắc đến là người hùng xây dựng nên đế chế Microsoft. Nhưng trong những thập kỷ tới, ông hướng đến việc sử dụng ảnh hưởng tài chính có được trong vai trò là người sáng lập Microsoft để giúp cứu sống nhân loại và xóa bỏ những căn bệnh hiểm nghèo.
5. Craig Newmark
Nhà sáng lập và chủ tịch của trang rao vặt trực tuyến “nổi đình nổi đám” Craigslist.org đã từ bỏ công việc kiến trúc sư phần mềm vào tháng 3/1995 để lập một danh sách mail cho các thành viên chia sẻ thông tin về những sự kiện văn hóa ở địa phương. Khi danh sách này dài thêm, người ta bắt đầu gửi tin nhắn tìm nhà, công việc và nhiều chủ đề khác. Đến tháng 10, Craig chuyển danh sách cá nhân của mình thành một website chung tại Cnewmark.com. Tháng 9/1997, danh sách đó đã trở thành Craigslist.org, có thu chút phí danh nghĩa đối với những bên đăng danh sách tuyển người.
Craigslist là một mạng lưới tập trung về các cộng đồng thành thị trực tuyến, với những điểm nổi bật về quảng cáo được phân hạng miễn phí và diễn đàn. Hiện nay, Craigslist có mặt tại 700 thành phố ở 70 quốc gia trên toàn thế giới. Craigslist là một trong những website có vẻ đơn giản nhất trên Internet. Nó cũng là một trong những website mạnh nhất. Gần như tất cả nội dung của Craigslist là miễn phí, nên nó ít khi kiểm duyệt quảng cáo và những người xem của nó ở con số hàng triệu, nó hữu ích hơn gửi một quảng cáo lên các tờ báo. Sự lớn mạnh của các dịch vụ trực tuyến miễn phí Craigslist đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động marketing, quảng cáo trực tuyến, đánh dấu sự chuyển đổi từ hình thức rao vặt trên báo chí, tờ rơi sang mô hình trực tuyến rõ ràng là nhanh và có hiệu quả hơn. Chính vì thế, Craigslist ôm gọn những thông tin rao vặt đáng ra đã được đăng trên hàng trăm tờ báo và làm cho vai trò của báo chí truyền thống thực sự trở nên mờ nhạt trong lĩnh vực quảng cáo.
Từ những cái bắt đầu khiêm tốn như vậy, Craigslist đã phát triển thành một thương vụ nhiều triệu đô la. Nhưng Newmark từ chối bán công ty của mình hay tính tiền cho mỗi quảng cáo. Newmark thường nói rằng nhiệm vụ thực sự của Craigslist là để mọi người giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải kiếm một lợi nhuận nhanh chóng.
Vì vậy, thay vì thu về hàng tỷ USD mỗi năm nếu thu phí dịch vụ hoặc thu tiền treo banner quảng cáo, Newmark cùng Craigslist tạm hài lòng với doanh số 100 triệu USD mỗi năm. Craigslist chỉ thu phí thông báo tuyển dụng, rao vặt về nhà ở hoặc các dịch vụ dành cho người lớn.
Craigslist sẽ không vươn tới được tầm vóc toàn cầu của mình nếu thiếu một chiến lược thông minh và kế hoạch marketing đúng đắn. Nhưng đó là dấu ấn của Newmark, một người đàn ông mang những giá trị nhân văn lạ thường trong thế giới số.
Theo Dantri