HP “ra tay cứu vớt” Palm: Ai buồn, ai vui?
Bất ngờ là cả HTC, Lenovo đều đã rút lui và “người hùng” mới xuất hiện là HP với khoản chi 1,2 tỷ USD. Nhưng ai sẽ được lợi từ vụ sáp nhập này HP, Palm hay Apple?
Ngày 28/4/2010, HP – hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới đã chính thức công bố bản hợp đồng thâu tóm Palm, hãng sản xuất thiết bị di động nổi danh một thời của nước Mỹ với giá 5,7 USD cho mỗi cổ phiếu thông thường trên thị trường và tổng giá trị của bản hợp đồng này lên tới 1,2 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán của các nhà phân tích tài chính phố Wall.
Bản hợp đồng thâu tóm Palm cũng chính là lời tuyên bố “tham chiến” hùng hồn nhất của HP với thị trường thiết bị di động có giá trị khoảng 100 tỷ USD của thế giới hiện nay.
Todd Bradley, Phó chủ tịch điều hành của HP đã không ngần ngại tuyên bố, động lực lớn nhất để hãng sản xuất máy tính này chấp nhận bỏ ra 1,2 tỷ USD chính là đội ngũ nhân viên kỹ thuật hùng hậu, giàu kinh nghiệm và có trình độ kỹ thuật cao của Palm và hơn thế nữa, đó là nền tảng di động webOS độc đáo của “người hùng di động” sẽ giúp HP chiếm được không ít lợi thế lớn trong cuộc đua mới trên thị trường điện thoại di động đang phát triển như vũ bão trong thời gian gần đây như: một nền tảng hỗ trợ đa tác vụ (multitasking) đúng nghĩa. Với đội ngũ nhân viên và nền tảng webOS, HP sẽ hoàn toàn có thể yên tâm mở cuộc tấn công vào các thị trường “hot” nhất thế giới như smartphone hay máy tính bảng.
Theo thỏa thuận giữa Palm và HP, mỗi cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu của Palm sẽ nhận được 5,7 USD/cổ phiếu vào thời điểm bản hợp đồng sáp nhập chính thức được thực hiện vào cuối quý tài chính thứ 3 của HP (kết thúc vào ngày 31/7/2010). Ông Jon Rubinstein, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hiện tại của Palm sẽ vẫn tiếp tục tại vị và giữ quyền điều hành Palm khi 2 hãng chính thức sáp nhập.
Cuối cùng thì Palm cũng đã kiếm được chiếc phao cứu sinh
Chỉ mình Apple thắng cuộc?
Với Palm, việc bị buộc phải bán mình quả thực là một “trái đắng” mà họ sẽ còn rất lâu nữa mới nuốt trôi. Chỉ mới cách đây 2 năm thôi, Palm và đối tác đầu tư lớn nhất của họ - hãng Elevation Partners đã ấp ủ những dự định và khát vọng lớn lao trên con đường tìm lại ánh hào quang của mình trong thị trường di động. Khi đó, thị trường smartphone thế giới vẫn còn khá sơ khai và đang trên đường bùng nổ. Chỉ cần Plam chiếm được một “miếng bánh” con con khiêm tốn trên đó thôi thì họ cũng thừa sức mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Thật không may, Palm đã đi đúng 2 bước (ra mắt hệ điều hành webOS và mẫu sản phẩm Palm Pre) nhưng đến bước thứ 3 thì họ đã sai và điều đó đã đẩy họ vào “con tàu há mồm” của HP.
Palm đã thất bại ở đâu?
Thất bại trong đội ngũ lãnh đạo và quản lý. Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Jon Rubinstein của Palm là một người đã từng lăn lộn qua không ít những hãng công nghệ lớn nhất của thung lũng Silicon như HP, NeXT hay chính đối thủ khó chịu nhất của họ là Apple. Jon Rubinsteinlà một kỹ sư rất tài năng nhưng với cương vị là một thuyền trưởng thì tài năng của ông là chưa đủ. Thất bại lớn nhất của Jon là ông đã không thể hoàn thành những gì mà ông đã từng làm được dưới thời còn “núp bóng” Steve Jobs. Điều này không có gì là đáng xấu hổ bởi trong thế giới của các CEO, chưa có ai xứng đáng là đối thủ xứng tầm của Steve Jobs.
Thất bại trong đầu tư. Cuốn biên niên sử viết về Palm và sự tham gia của những “người cũ” ở Apple đã được viết khá hoàn hảo. Khi Palm thể hiện mong muốn “làm sống lại tượng đài một thời của ngành di động Mỹ”, ai đã tham gia? Đó là Elevation , nhà đầu tư mong muốn tham gia vào lĩnh vực truyền thông và giải trí kỹ thuật số nhưng lại “vừa đánh vừa run” vì sợ nhưng khoản lỗ của Palm; đó là Forbes – một hãng truyền thông nổi tiếng nhưng cũng đang trầy trật đi tìm lại ánh hào quang của chính mình trong kỷ nguyên mới; đó là Move.com – một quả bong bóng dot-com đúng nghĩa. Nhưng trên hết, đó vẫn là Apple bởi Fred Anderson của Elevation đã từng là giám đốc tài chính của Apple.
Không ai có thể “làm tất ăn cả”. Với riêng Todd Bradley, giám đốc điều hành mảng máy tính cá nhân của HP, thương vụ mua lại Palm là một thành công vì nó thể hiện niềm khao khát từ rất lâu của ông này. Nhưng với cả HP, đây chưa hẳn là một hành động đúng đắn nhất bởi theo như tuyên bố của họ, mua lại Palm thể hiện sự khao khát tham gia vào thị trường smartphone HP nhưng ai cũng biết, HP đã là một “tay chơi” quan trọng và “có số má” trên thị trường này kể từ khi họ thâu tóm hãng công nghệ Compaq. Những ai quan tâm đến lịch sử của những chiếc PDA hay PDA phone chắc chắn sẽ không thể quên dòng máy HP Ipaq huyền thoại một thời. Hiện nay, các chiến lược phát triển của HP trong lĩnh vực di động bị lãng quên là bởi nguyên nhân là họ đã quá gắn bó với nền tảng đã lỗi thời của Microsoft. Nếu muốn trở lại, có lẽ HP không cần phải chi ra đến 1,2 tỷ USD.
Nhưng kể cả khi đã bỏ ra 1,2 tỷ USD và kế thừa những giải pháp công nghệ của Palm, HP vẫn còn đi sau Apple một khoảng rất xa.
Trên nhiều khía cạnh, sau thương vụ này Apple mới chính là kẻ chiến thắng.
Sau thương vụ này, Palm sẽ lấy lại danh tiếng giống như thời của Treo?
Cứ vui lên đi
Với 1,2 tỷ USD, một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới đã có được một trong những nền tảng di động tốt nhất thế giới và đó là cơ sở để người ta có thể lạc quan.
Cách đây chừng 5 năm, thế giới thiết bị di động thông minh (PDA) có một “thế lực đáng nể” là HP với dòng sản phẩm Ipaq nhưng bản thân HP lại chưa bao giờ có ý định nghiêm túc với lĩnh vực này (hay chí ít là cách họ thể hiện như thế). Khi HP muốn trở lại một cách nghiêm túc, họ gần như không còn chút “di sản” nào và với vụ thâu tóm Palm, những sản phẩm sắp tới của họ sẽ có nguồn gốc chủ yếu từ công nghệ của hãng này. Về mặt công nghệ, Palm không thua kém các đối thủ nên cơ hội thành công của HPalm (cách gọi hài hước của giới công nghệ về sản phẩm của sự kết hợp HP-Palm) sẽ là lớn hơn rất nhiều.
HP có thể đưa webOS vào những nơi mà Palm không thể. Với danh mục sản phẩm đa dạng và phong phú như hiện nay của HP, webOS sẽ có rất nhiều đất dụng võ. Không chỉ còn bị gói gọn trong những chiếc smartphone, webOS sẽ còn xuất hiện trên máy tính bảng (HP Slate?) để cạnh tranh với iPad, trên netbook, hay thậm chí là trên những chiếc set-top box để đưa TV đến với Internet…
Với sự bảo trợ của HP, từ nay các nhà bán lẻ sẽ tự tin hơn rất nhiều khi nhập kho các sản phẩm mang thương hiệu Palm vì họ biết chắc chắn rằng HP là hãng có nguồn tiền mặt dự trữ (khả năng tài chính) lớn nhất trong số 150 hãng công nghệ hàng đầu của Silicon Valley. Người dùng cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn khi mua các sản phẩm này.
Lịch sử của Palm cho thấy, cứ mỗi lần họ bị thâu tóm là một lần Palm thành công rực rỡ. Hẳn chúng ta còn nhớ năm 1995 Palm đã thành công thế nào với PalmPilot ngay sau khi được USRobotics mua lại.
Tại sao lần này không thể tin rằng vận mệnh của Palm sắp bước sang trang mới sau khi về tay HP?
Theo ICTNews