Vinasat-2 sẽ tạo đà cho ngành vệ tinh viễn thông
Lễ ký hợp đồng gói thầu số 2 "Cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng." (Ảnh: Minh Tú/TTXVN).
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa ký hợp đồng gói thầu số 2 "Cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng" thuộc Dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2 với Công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems-Tập đoàn Lockheed Martin (Hoa Kỳ).
Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Phó Tổng giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh cho biết việc thực hiện dự án Vinasat-2 nhằm hướng đến chiến lược của quốc gia trong việc tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành vệ tinh viễn thông Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng...
- Xin Phó Tổng giám đốc cho biết kế hoạch đầu tư và triển khai Dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2 của VNPT?
Phó Tổng giám đốc Bùi Thiện Minh: Ngày 31/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương đầu tư và giao cho VNPT làm chủ đầu tư Dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2.
Ngay sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng, VNPT đã tiến hành các thủ tục pháp lý lựa chọn nhà thầu, đàm phán hợp đồng và mới đây đã ký hợp đồng gói thầu sản xuất vệ tinh, trạm điều khiển và dịch vụ phóng với nhà thầu Lockheed Martin.
Theo kế hoạch, Vinasat-2 sẽ được phóng và khai thác tại quỹ đạo địa tĩnh 131,8°E, dự kiến đưa vào khai thác ở thời điểm quý 2/2012.
Ngoài ra, hiện VNPT cũng đang trong quá trình lựa chọn nhà tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ VNPT giám sát quá trình sản xuất và phóng vệ tinh Vinasat-2.
Từ quý 3/2010, VNPT cũng sẽ bắt đầu việc khảo sát, lựa chọn các đối tác cung cấp bảo hiểm phóng và bảo hiểm một năm trên quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat-2.
- Tại sao VNPT lại lựa chọn nhà thầu Lockheed Martin chứ không phải nhà thầu khác và việc ký hợp đồng sản xuất vệ tinh Vinasat-2 có vẻ nhanh hơn so với dự kiến ?
Phó Tổng giám đốc Bùi Thiện Minh: Lockheed Martin là nhà cung cấp hàng đầu các dịch vụ vệ tinh viễn thông, đặc biệt với thành công của quá trình hợp tác giữa Lockheed Martin và VNPT tại dự án Vinasat-1, do đó Lockheed Martin tiếp tục được chọn là đối tác cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng cho vệ tinh viễn thông Vinasat-2.
Việc ký hợp đồng sản xuất vệ tinh Vinasat-2 hoặc các vệ tinh tiếp theo phụ thuộc vào các điều kiện như: nhu cầu sử dụng của thị trường, mạng lưới viễn thông, yêu cầu độ an toàn, tin cậy hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, các điều kiện của hồ sơ đăng ký quốc tế về tần số, vị trí quĩ đạo vệ tinh...
Các yếu tố trên đây thời gian qua tiến triển khá thuận lợi, vì vậy, việc có vệ tinh Vinasat-2 đã diễn ra nhanh hơn so với dự kiến.
- Việc vận hành vệ tinh Vinasat-1 trong thời gian qua có gặp phải sự cố nào không và hiệu quả khai thác của Vinasat-1 hiện nay như thế nào, thưa ông?
Phó Tổng giám đốc Bùi Thiện Minh: Sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo (từ ngày 19/4/2008) đến nay, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) thuộc VNPT đã làm chủ được việc quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước và quốc tế.
Trong suốt hơn hai năm qua, toàn bộ hệ thống thiết bị có liên quan của Vinasat-1 hoạt động ổn định, không có sự cố nào xảy ra.
Các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật của Vinasat-1 được giám sát chặt chẽ thường xuyên, cho thấy vệ tinh đang hoạt động rất tốt, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, có khả năng cạnh tranh với các vệ tinh khu vực trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ qua vệ tinh.
Chất lượng vùng phủ sóng của Vinasat-1 được khách hàng đánh giá cao, hiện rất nhiều doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng công nghệ mới cho phép tiết kiệm phổ tần, nâng cao hiệu suất sử dụng dung lượng vệ tinh.
Đến thời điểm hiện tại, dung lượng vệ tinh Vinasat-1 đã cho thuê được hơn 80% và nhu cầu sử dụng của khách hàng vẫn tiếp tục tăng.
Khách hàng của Vinasat-1 gồm cả trong nước và quốc tế, trong đó có các khách hàng lớn như VTV, VOV, VSTV, VTC, HTV, các công ty dầu khí, khách hàng nước ngoài là các công ty viễn thông của Lào, Thái Lan và Singapore...
- Ông đánh giá thế nào về hệ thống vệ tinh Vinasat-1, Vinasat-2 đối với ngành truyền thông nói chung và của VNPT nói riêng?
Phó Tổng giám đốc Bùi Thiện Minh: Hiệu quả khai thác vệ tinh Vinasat-1, chúng ta đều biết, việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 trong năm 2008 và việc đảm bảo vận hành, khai thác hiệu quả vệ tinh trong thời gian qua không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng của VNPT mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội lớn với cả quốc gia.
Vệ tinh Vinasat-1 là sự khẳng định chủ quyền của nhà nước đối với nguồn tài nguyên quỹ đạo vệ tinh, góp phần hoàn thiện mạng lưới thông tin quốc gia, hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn mạng viễn thông của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin vệ tinh trong nước, có tác động tích cực đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, trước hết là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Ví dụ, thông qua vệ tinh Vinasat-1, VTC cũng đã triển khai được các dịch vụ truyền hình độ nét cao, tiêu chuẩn, phục vụ cho mục đích truyền dẫn đến các trạm truyền hình mặt đất khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam cũng như phục vụ việc thu trực tiếp của từng hộ gia đình.
Ngoài việc cung cấp hạ tầng truyền dẫn tín hiệu truyền hình, Vinasat-1 còn đảm bảo hạ tầng truyền dẫn tín hiệu thoại, Internet và truyền dẫn dữ liệu... cho những khu vực mà phương thức truyễn dẫn mặt đất gặp khó khăn.
Cùng với Vinasat-1, Vinasat-2 sẽ tạo thành một hệ thống các vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dung lượng vệ tinh cho khách hàng.
Vinasat-2 sẽ góp phần củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của ngành vệ tinh viễn thông Việt Nam; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng; phục vụ chiến lược phát triển và kinh doanh dài hạn của VNPT trong lĩnh vực thông tin vệ tinh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin vệ tinh hiện đại trong tiến trình hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam, củng cố niềm tin Việt Nam tự sản xuất được vệ tinh.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnam+