TV Plasma đỉnh cao Panasonic G10
Với thiết kế trau chuốt và chất hình xuất sắc, TV Plasma dòng G10 của Panasonic đang là "sao sáng" trong làng HDTV.
Dù trong dòng Plasma, Pioneer Elite Kuro PRO-111FD vẫn được coi là sản phẩm "đầu bảng" về chất lượng hình ảnh, nhưng do Pioneer đã giã từ Plasma nên ngôi vị này đang dần lung lay trước những phiên bản đình đám của Panasonic. Dòng Plasma TC-PG10 này là một minh chứng cụ thể.
Với chất lượng hình ảnh mượt, đẹp, mức độ đen ấn tượng, cộng thêm một số tính năng phụ trợ như chế độ hình ảnh THX, xem nội dung Internet VieraCast, series TC-PG10 đang leo dần lên ngôi vị đứng đầu làng Plasma, dù giá vẫn còn cần hợp lý hơn nữa.
Model TC-PG10 có màu đen rất sâu. Ảnh: Scene7.
Cũng như hầu hết các nhà sản xuất TV khác, TC-PG10 được Panasonic trau chuốt hơn về mặt thiết kế. Dù không mang phong cách tấm liền như dòng V10 nhưng các đường viền cạnh được thiết kế mỏng hơn. Toàn bộ màn hình được sơn đen bóng, kèm theo điểm nhấn là một dải màu bạc phía cạnh dưới.
Chân đế cũng được thiết kế lại thành hình tròn thay vì vuông như trong các đời thấp hơn, nhưng đáng tiếc là lại không quay được. Bộ loa được ẩn khéo léo để không làm mất đi vẻ quyến rũ của các cạnh viền.
Bên cạnh độ phân giải 1080p, điểm nổi bật của TC-PG10 là được trang bị chứng nhận chuẩn hiển thị THX và tính năng VieraCast. Ở chế độ hình ảnh THX (mà thực chất có thể coi là một kiểu chế độ tự động căn chỉnh hình ảnh), độ chính xác màu, chi tiết vùng tối và hàng loạt các đặc tính hình ảnh khác được cải thiện đáng kể mà không cần phải tinh chỉnh gì nhiều.
Nội dung Internet VieraCast, từng xuất hiện trên model TH-PZ850U năm ngoái, cho phép người xem truy cập các nội dung như video trên YouTube, hình ảnh trên Picasa, thông tin tài chính trên trang Bloomberg và các kênh dự báo thời tiết qua cổng mạng Ethernet ở mặt sau. Đáng tiếc là TC-PG10 không tích hợp hay bán kèm adapter kết nối mạng không dây Wi-Fi.
So với các tên tuổi HDTV khác trên thị trường, Panasonic không có nhiều tính năng tinh chỉnh hình ảnh ngoài một số các điều chỉnh cơ bản. Bốn chức năng tùy chỉnh hình ảnh mặc định như Standard, THX, Game và Custom đơn giản nhưng cho chất lượng tốt, nhất là chế độ THX.
Ngoài các tính năng chỉnh hình ảnh, Panasonic còn cung cấp khả năng thay đổi độ quét hình xuống 48 Hz dù ở tốc độ này hiện tượng giật hình có thể xảy ra. Một số tùy chính khác cũng được đặt mặc định như 5 chế độ nhiệt độ màu, chức năng cảm biến ánh sáng môi trường, chế độ quản lý màu, khử nhiễu hình ảnh và điều chỉnh mức độ đen.
TC-P46G10 không hỗ trợ chế độ hình-trong-hình và tạm dừng hình, bù vào đó là khe đọc thẻ nhớ SD tích hợp cho phép duyệt xem hình ảnh dễ dàng.
Kết nối cũng khá đa dạng. TC-P46G10 cung cấp 3 cổng vào HDMI (hai sau, một bên), các cổng AV thông dụng như composite, S-Video, cổng RF, các ngõ ra âm thanh số và đặc biệt là cổng VGA (hỗ trợ độ phân giải tối đa 1.366 x 768 pixel) được bố trí ở cạnh bên cho kết nối máy tính dễ dàng hơn.
Panasonic TC-PG10 có tính năng xem nội dung từ Internet. Ảnh: Product.
Theo trang công nghệ Cnet, chất lượng hình ảnh của Panasonic TC-PG10 rất xuất sắc, vượt xa mẫu S1 cả về mức độ đen và độ chính xác màu khi ở chế độ THX. Tuy nhiên, ở chế độ này, màu sắc chưa được hoàn hảo, vẫn hơi thiên ánh xanh/vàng so với các màn khác dùng đối chiếu (Pioneer PRO-111FD và Sony KDL-55XBR8).
Mặc dù sử dụng cùng tấm nền với series TC-PS1 nhưng phiên bản TC-PG10 cho màu đen sâu và thật hơn. Dù chưa bằng Kuro của Pioneer nhưng độ sâu màu đen màn G10 này đạt chất lượng gần với màn Kuro nhất so với các màn hình khác trên thị trường. Độ chi tiết vùng tối cũng được kiểm soát tốt và nếu đặt cạnh màn đỉnh cao của Pioneer cũng khó có thể nhận biết sự khác biệt.
Về độ chính xác màu, PG10 dù xuất sắc nhưng so với các màn hình đối chiếu vẫn kém chính xác hơn. Mặc dù tông ngả màu xanh/vàng không quá lộ liễu và ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh nhưng khi đặt cạnh các màn hình khác thì những videophile cầu kỳ vẫn có thể nhận thấy ngay.
Thử nghiệm độ phân giải video được G10 vượt qua dễ dàng với chất lượng xuất sắc, cả bảng test lẫn nội dung 1080i và 1080p. Màn hình còn được trang bị thêm tùy chỉnh "24p direct in" khi nhận thấy có tín hiệu 1080p/24 (như trên các đĩa Blue-ray) đầu vào.
Với các nội dung độ phân giải tiêu chuẩn, TC-PG10 xử lý tốt mặc dù độ sắc nét vẫn còn thua sản phẩm của Samsung. Dù xử lý răng cưa tại các đường chéo chưa chuẩn nhưng khả năng giảm nhiễu ổn định.
Kết nối máy tính qua cổng HDMI và bật chế độ THX, hình ảnh thu được rất hoàn hảo, xử lý tốt nguồn 1.920 x 1.080 pixel mà không bị lộ hiệu ứng. Nếu qua cổng VGA với độ phân giải tối đa 1.366 x 768 pixel, hình ảnh có vẻ trông mờ và hạt hơn so với qua cổng HDMI.
TC-PG10 tiêu tốn điện năng hơn nhiều màn hình khác. Ảnh: Supremeva.
TC-PG10 tiêu tốn khá nhiều điện năng so với các màn hình khác. Ở chế độ tiêu chuẩn, sản phẩm chỉ tiêu thụ 168 Watt, nhưng hơi tối. Khi căn chỉnh cho phù hợp, điện năng tiêu thụ lên tới 281 Watt, chỉ hơn được phiên bản TH-46PZ85U (329 Watt). So với các đối thủ, màn G10 này tiêu thụ điện hơn gấp đôi các màn có kích thước tương tự ra đời năm 2008 như Sharp LC-46D85U (123 Watt), Samsung LN46A550 (101 Watt), và Sony KDL-46Z4100 (124 Watt).
Màn Plasma TC-P46G10 phiên bản 46 inch tại Singapore có giá 1.700 USD. Hai phiên bản giống hệt chỉ khác về kích cỡ là 42 inch TC-P42G10 khoảng 1.300 USD và 50 inch TC-P50G10 là 2.000 USD.
Theo Sohoa