Bi hài chuyện kết nối Internet ở Ai Cập
Internet bị cắt, điện thoại di động bị cắt, nhưng người dân Ai Cập vẫn tìm ra đủ cách để nối mạng với thế giới bên ngoài.
Những cuộc xung đột, biểu tình chống chính phủ ở Ai Cập và kêu gọi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức vẫn diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Kể từ lúc 0h ngày thứ Năm (27/1/2011), gần như toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của đất nước này đã được lệnh của chính phủ phải tạm ngừng hoạt động, đồng thời mạng di động cũng bị cắt dịch vụ tại một số khu vực.
Cho đến nay, ngoại trừ ISP Noor Group (chiếm 8% thị phần) vẫn còn hoạt động, có thể nói toàn bộ người dân Ai Cập đã bị mất liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài thông qua mạng Internet. Nhưng cũn không lâu sau đó, một nhóm các nhà hoạt động xã hội đã tụ họp và thành lập nhóm có tên là “We Rebuild” để tìm cách kết nối lại với mạng Internet toàn cầu. Những cách “nối mạng” không giống ai cũng từ đó ra đời.
“Về cơ bản, hiện nay ở Ai Cập chỉ có 3 cách để trao đổi thông tin: Thông qua kết nối Internet của Noor, sử dụng điện thoại cố định hoặc kết nối Internet bằng giao thức quay số (dial-up)”, Jillian York, nhà nghiên cứu của Trung tâm Internet và Xã hội Berkman cho biết.
Tất nhiên, do các ISP nội địa đã ngừng hoạt động nên người dân Ai Cập nếu có dùng modem dial – up để quay số cũng không thể có tín hiệu nhưng nếu quay số gọi đi quốc tế và kết nối vứi một modem nước ngoài thì mạng Internet lại “hoạt động ngon lành”.
Nhóm We Rebuild đã tìm cách để mở rộng các khả năng nối mạng bằng hình thức này. Họ thiết lập một số điện thoại ở Thụy Điển và một danh sách các số điện thoại khác mà người dân Ai Cập có thể gọi đến (truy cập) để có được tín hiệu Internet. Nhóm We Rebuild cũng tìm đủ mọi cách để phổ biến cách thức kết nối mới này cho mọi người.
Một trong các số dial-up trong danh sách trên được cung cấp bởi một nhà mạng nhỏ có tên là French Data Network (FDN). Đại diện của ISP này cho biết đây là lần đầu tiên họ cung cấp một dịch vụ kết nối Internet “kỳ cục” như thế này.
Tất nhiên, kiểu nối mạng này chỉ có tác dụng với những người có modem và có đăng ký dịch vụ điện thoại cố định quốc tế. Thêm vào đó, do phải quay số quốc tế nên cước phí sẽ trở nên đắt khủng khiếp. Tại một số vùng khác, nơi dịch vụ điện thoại di động vẫn chưa bị cắt, người dân được hướng dẫn cách biến chiếc điện thoại cầm tay thành modem để kết nối mạng.
Mặc dù hiện nay chỉ có một số ít người vẫn được nối mạng nhờ sử dụng dịch vụ của Noor nhưng họ cũng tỏ ra rất thận trọng do lo sợ bị theo dõi. Ngay trước thời điểm mạng Internet chính thức bị cắt, một lượng người dùng cực lớn đã ồ ạt truy cập vào trang web của Tor để tải phần mềm giúp lướt web ẩn danh.
“Ban đầu chúng tôi tưởng rằng mình bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) bởi website nhận được tới hơn 3.000 yêu cầu truy cập mỗi giây mà hầu hết đều có nguồn gốc từ Ai Cập. Sau đó, chúng tôi nhận thấy lượng người dùng của Noor tải phần mềm Tor đã tăng gấp 4 lần so với bình thường”, Andrew Lewman, giám đốc điều hành dự án Tor nói.
Kể cả khi không có Internet, một số người vẫn tìm ra cách để nhận các thông điệp từ mạng xã hội Twitter. Họ thiết lập tài khoản và lựa chọn cách nhận thông điệp thông qua điện thoại cố định.
Cùng với điện thoại cố định, những chiếc máy fax cũng phát huy tác dụng một cách khá hữu hiệu trong những ngày vừa qua. Những người dân mong muốn nhận thông tin có thể gửi số máy fax của mình đến các trường đại học hay các đại sứ quán nước ngoài. Các số fax này sẽ được ghi vào danh sách và các bản fax sẽ được gửi đi liên tục. Tuy nhiên, hầu hết các bản tin là những chỉ dẫn cách sử dụng modem hay điện thoại di động làm modem quay số kết nối Internet và danh sách các số có thể gọi.
Nhưng modem dial-up chưa phải là cách kết nối cổ lỗ sỹ nhất. Trong những ngày qua, người ta đã chuyển sang sử dụng cả tín hiệu Morse để truyền tin cho nhau. Allen Pitts, người phát ngôn của Hiệp hội quốc gia những người chơi radio không chuyên cho biết, có thể người dân Ai Cập đang sử dụng phương thức truyền tin bằng sóng ngắn với phạm vi trong khoảng từ 30-50 dặm.
Theo ICTNews