S8000fd - camera zoom 18x của Fujifilm
FinePix S8000fd là thành viên đầu tiên của Fujifilm tham gia vào trào lưu zoom quang 18x mà Olympus SP-550UZ khởi xướng, nhưng chiếc máy ảnh của Fuji cũng chỉ hơn đối thủ ở tốc độ chụp, còn thiết kế, tính năng và chất lượng ảnh chưa thực sự nổi trội.
FinePix S8000fd là mẫu máy ảnh có zoom quang 18x đầu tiên của Fujifilm.
Một chiếc máy ảnh siêu zoom vừa có khả năng chụp xa rất tốt, lại vừa đỡ cồng kềnh, lỉnh kỉnh hơn hẳn một chiếc máy ảnh số ống kính rời. Không những thế, chi phí dành cho máy siêu zoom cũng rẻ hơn rất nhiều so với D-SLR, khi người dùng không phải tốn thêm tiền cho những chiếc ống kính đi kèm với máy.
Fujifilm FinePix S8000fd là một chiếc máy ảnh siêu zoom như vậy, với ống kính có khẩu độ f2,8 - f4,5 và dải tiêu cự 27 - 486 mm, tương đương với zoom quang 18x. Không chỉ chụp xa tốt, chiếc máy ảnh này còn có khả năng chụp rộng cũng rất cừ.
Ống kính của Fujifilm FinePix S8000fd chụp xa và chụp rộng đều tốt.
Ngoại hình của S8000fd khá gọn và tiện sử dụng.
Với phần tay cầm và chỗ đặt ngón tay cái được bọc cao su, Fujifilm FinePix S8000fd mang lại cho người dùng cảm giác vô cùng thoải mái khi thao tác với máy. Tuy nhiên, phím F dành để điều chỉnh các thông số như độ nhạy sáng, kích cỡ, chất lượng ảnh và các chế độ màu sắc lại được Fujifilm đặt quá gần với chỗ để ngón tay cái, khiến người dùng rất dễ vô tình bấm phải khi đang cầm máy. Ngoài chi tiết nhỏ đó ra, các phím bấm còn lại đều được Fujifilm bố trí rất khéo. Phím duy nhất không nằm bên phải máy là phím tắt/bật flash, bởi nó được đặt ở bên trái, ngay cạnh vị trí của đèn flash.
Nếu so sánh kỹ, Fujifilm FinePix S8000fd có rất nhiều điểm tương đồng với chiếc máy ảnh siêu zoom SP-550UZ của Olympus. Cả hai đều được trang bị cảm biến CCD có kích thước 1/2,35 inch, nhỏ hơn chút xíu so với cảm biến 1/2,5 inch của chiếc máy ảnh cũng có zoom quang 18x là Panasonic Lumix DMC-FZ18.
Ngoài ra, ống kính của S8000fd và SP-550UZ cũng có dải tiêu cự tương đương nhau và đều được tích hợp công nghệ ổn định ảnh dựa trên cơ chế di chuyển cảm biến. Thân máy của Fujifilm FinePix S8000fd và Olympus SP-550UZ cũng khá giống nhau, dẫu cho sản phẩm của Olympus nhỏ gọn hơn và được trang bị thêm một vành cao su bao quanh ống kính. Khác biệt lớn nhất giữa hai chiếc máy ảnh này là trong khi SP-550UZ có cảm biến 7,1 Megapixel, thì độ phân giải tối đa của những bức ảnh chụp bởi S8000fd là 8 Megapixel.
Thiết kế tổng quan và cách bố trí các phím điều khiển ở S8000fd rất hợp lý và tiện dụng.
Fujifilm FinePix S8000fd sở hữu hầu hết những tính năng cần có đối với một chiếc máy ảnh siêu zoom.
Như đã nói đến ở trên, S8000fd được Fujifilm trang bị cho hệ thống ổn định ảnh hoạt động theo cơ chế di chuyển cảm biến chứ không phải hệ thống ổn định ảnh quang học như ở DMC-FZ18. Mặc dù hệ thống ổn định ảnh kiểu di chuyển cảm biến không được đánh giá cao bằng hệ thống ổn định ảnh quang học, nhưng trên thực tế, khả năng ổn định ảnh của S8000fd vẫn rất ấn tượng.
Fujifilm FinePix S8000fd không được trang bị hotshoe để gắn flash ngoài.
FinePix S8000fd cũng được tích hợp công nghệ dò tìm mặt, nhưng những thuật toán mà Fujifilm sử dụng cho mẫu máy này lại không mới bằng người anh em ra mắt cùng ngày là chiếc FinePix F50fd. Trong khi S8000fd phải nhìn thấy cả hai mắt của người có trong khuôn hình mới biết được đó là khuôn mặt, thì hệ thống dò mặt ở F50fd có khả năng nhận biết được khuôn mặt ngay cả khi người đó đang đứng nghiêng. Sau khi đã nhận biết được những khuôn mặt có trong khung hình, máy sẽ tự động xác định tiêu cự và độ nhạy sáng phù hợp.
Những tay máy thích mày mò chỉnh tay chắc hẳn sẽ đánh giá rất cao S8000fd vì chiếc máy ảnh siêu zoom này được tích hợp khá nhiều tính năng chỉnh tay độ phơi sáng. Máy cho phép người dùng lựa chọn 10 cấp độ khác nhau về độ mở, từ f2,8 đến f8. Đồng thời, người dùng cũng có tới 40 sự lựa chọn về tốc độ trập, từ 4 giây cho tới 1/2.000 giây.
Hai thiếu sót lớn nhất ở chiếc camera này là không được trang bị hotshoe để gắn đèn flash ngoài và không hỗ trợ định dạng ảnh RAW.
Fujifilm FinePix S8000fd được trang bị hệ thống ổn định ảnh và nhiều tính năng chỉnh tay.
Fujifilm FinePix S8000fd không thể được xếp vào hàng những chiếc máy ảnh có tốc độ chụp nhanh hiện nay. Thậm chí, nếu so về tốc độ chụp liên tiếp, S8000fd còn thua cả SP-550UZ. S8000fd cần 3,1 giây mới khởi động và chụp xong được bức ảnh đầu tiên.
Những bức ảnh tiếp theo được S8000fd chụp với tốc độ trung bình là 2,6 giây một ảnh trong điều kiện không bật flash, và 2,9 giây một ảnh nếu bật flash. Tốc độ trập của máy cũng khá chậm, lên tới 0,8 giây trong điều kiện độ tương phản cao, nhiều ánh sáng, và 2 giây trong điều kiện độ tương phản thấp, thiếu ánh sáng. Trong chế độ chụp liên tiếp, máy có khả năng chụp những bức ảnh ở độ phân giải 8,1 Megapixel với tốc độ trung bình 0,5 khung hình/giây.
Tốc độ hoạt động của S8000fd không cao.
Chất lượng ảnh chụp bởi Fujifilm FinePix S8000fd cũng ngang bằng với những bức ảnh chụp bởi Olympus SP-550UZ.
Màu sắc hiện lên trong ảnh khá chuẩn, trong khi hệ thống cân bằng trắng tự động của máy cũng cho những màu sắc có độ trung hòa màu khá cao trong hầu hết mọi điều kiện ánh sáng, nhưng độ sắc nét của ảnh không được cao cho lắm. Trong một số tình huống, máy cũng phơi sáng không chuẩn.
Việc kiểm soát nhiễu cũng không phải là một điểm mạnh của Fujifilm FinePix S8000fd, khi ngay từ mức ISO thấp nhất là 64, nhiễu đã bắt đầu xuất hiện. Dẫu vậy, nếu dùng mắt thường, người dùng sẽ khó có thể phát hiện ra nhiễu trong các bức ảnh in ra, ngay cả khi chụp ở mức ISO 200. Lượng ảnh giả cũng không phải là cao, trong khi hệ thống giảm nhiễu cũng không làm giảm quá nhiều độ sắc nét trong các bức ảnh chụp ở mức ISO 400.
Tuy nhiên, đến ISO 800, các bức ảnh mất gần hết các chi tiết sắc nét và các chi tiết bóng. Những bức ảnh chụp ở ISO 1.600 thì bị mờ gần như hoàn toàn, xuất hiện nhiều chấm nhỏ lốm đốm màu trắng bao phủ toàn bộ bức ảnh. Fuji cũng trang bị cho chiếc máy ảnh siêu zoom này những chế độ chụp với ISO 3.200 và ISO 6.400, nhưng độ phân giải tối đa của các bức ảnh đó chỉ là 4 Megapixel. Điều đó giúp cho ảnh in ra không tệ hơn quá nhiều so với khi chụp ở ISO 1.600, nhưng thực sự là nó cũng chả mang lại lợi ích gì lớn lao cho người dùng. Tốt nhất, nên dùng máy ở mức ISO dưới 800, nếu không, ảnh sẽ bị hỏng và không sử dụng được.
Chất lượng ảnh chụp bởi S8000fd ngang bằng với Olympus SP-550UZ.
Tóm lại, nếu bắt buộc phải lựa chọn giữa Fujifilm FinePix S8000fd và Olympus SP-550UZ, thì người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm của Fuji, bởi chiếc máy ảnh này có tốc độ chụp nhanh hơn. Nếu không, Panasonic Lumix DMC-FZ18 mới là chiếc máy ảnh có zoom quang 18x được đánh giá cao nhất hiện nay.
Giá tham khảo: 423 USD.