Diễn Viên Thanh Loan
Diễn Viên Thanh Loan
Tiểu sử
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ngõ Tạm Thương, phố Hàng Bông, yêu thích sân khấu từ nhỏ do hồi bé hay vào rạp Hồng Hà xem. Thanh Loan thừa hưởng nhan sắc từ người mẹ, bà vốn là một cô gái đẹp nhất làng vùng Lĩnh Nam, Thanh Trì, Hà Nội, nhưng ước mơ tuổi thơ của Thanh Loan không hề có ý thức về nhan sắc vựơt trội mà chỉ là những mộng mơ được trở thành một cô giáo dạy văn đứng trên bục giảng, truyền lại niềm đam mê văn chương cho các em học sinh.
Thanh Loan bước vào con đường nghệ thuật từ rất sớm. Năm 1966, khi mới tròn 15 tuổi, theo lời rủ rê của bạn bè Thanh Loan dự thi vào đoàn kịch nói Quân đội và người đứng ra sát hạch cô ngày ấy là nhà văn Chu Lai.
Khi các nhà làm phim tài liệu thực hiện phim Bài Ca Anh Giải Phóng, họ đã mời Thanh Loan đóng một vài cảnh. Phim chiếu rộng rãi, khuôn mặt xinh tươi, trong sáng của Thanh Loan “bắt mắt” các nhà làm phim truyện. Họ muốn mời cô vào nhiều phim nhưng cô không có điều kiện rời đoàn kịch đi đóng phim.
Thanh Loan đến với diễn xuất điện ảnh từ năm 1973, cô được mời đóng vai Riêng trong phim Người Về Đồng Cói - một phim đầu tay với toàn bộ ê-kíp: Đạo diễn Bạch Diệp, quay phim Phạm Ngọc Lan, họa sĩ thiết kế Bạch Đằng... và cũng là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Lê Lựu được chuyển thể điện ảnh. Vai diễn cô Riêng để lại trong người xem hình ảnh cô xã viên đội trưởng sản xuất với chiếc áo cánh nâu non nhanh nhẹn, hồn nhiên, tươi roi rói, tế nhị, kín đáo trong yêu đương. Vẻ đẹp tươi mới, duyên dáng có sức cuốn hút cùng diễn xuất dung dị, không khoa trương ngay từ vai đầu vào làng điện ảnh của Thanh Loan được người xem có cảm tình, được một số đạo diễn điện ảnh chú ý. Cũng năm 1973, đạo diễn Trần Đắc mời cô đóng vai Lê trong phim Bài Ca Ra Trận. Qua vai Lê, Thanh Loan đã thể hiện được tâm hồn cô học sinh nhiều mơ mộng về một tương lai đẹp với tình yêu ngây thơ trong sáng. Có thể dễ thấy, dường như Thanh Loan đã gửi gắm những nét đẹp tuổi thanh xuân của mình vào vai diễn này.
Trong loạt vai diễn cô giáo sau đó trong các phim: Cô giáo Tày trong phim Tuổi Thơ của đạo diễn Xuân Chân, cô giáo Mai trong phim Người Chưa Biết Nói của đạo diễn Bạch Diệp, Thanh Loan đã thể hiện được nét hiền lành, dịu dàng, nghiêm chỉnh thường thấy ở các cô giáo.
Thanh Loan cũng để lại nét riêng biệt khi thể hiện các nữ chiến sĩ biệt động trong các phim: Phương Án Ba Bông Hồng, Biệt Động Sài Gòn, trong đó người xem thập niên 80 nhớ nhiều nhất đến ni cô Huyền Trang, vai diễn thành công của Thanh Loan trong bộ phim nhiều tập Biệt Động Sài Gòn. Ở một số trường đoạn, cô đã diễn tả có sức thuyết phục hình ảnh một nữ chiến sĩ biệt động, đồng thời có lúc đã bộc lộ được những rung động tình cảm tinh tế của một phụ nữ đang yêu.
Cơ duyên đã dẫn Thanh Loan đến với vai diễn ni cô Huyền Trang trong bộ phim nổi tiếng Biệt Động Sài Gòn khi đoàn làm phim đã triển khai quay gần xong tập 1, nhưng với vai Huyền Trang vẫn chưa tìm được diễn viên. Lúc ấy Thanh Loan đang làm phát thanh viên kiêm phóng viên của truyền hình an ninh đi công tác phía Nam. Và tình cờ, hoạ sỹ Trịnh Thái đã gặp cô trong Sài Gòn và ngỏ ý mời cô tham gia. Sau khi đọc kịch bản phim, cô thấy đây là một bộ phim hay, có nhiều đất diễn cho diễn viên thể hiện nên đã nhận lời đóng phim. Khi nhận lời đóng phim, Thanh Loan đã phải quay ra Hà Nội để xin phép cơ quan được biệt phái bốn năm theo đoàn làm phim. Thời đó làm phim trong hoàn cảnh thật sự khó khăn. Cả nước chỉ có duy nhất một cơ sở in tráng màu, quay được mẻ nào lại trở ra miền Bắc in tráng có kết quả gọi điện vào thì trong Nam mới tiếp tục quay bối cảnh.
Huyền Trang là vai diễn mà Thanh Loan tâm đắc nhất và được khán giả nhớ nhiều nhất. Cuộc đời đa dạng, đa chiều của nhân vật đã chiếm được tình cảm của cô ngay từ lúc mới nhận kịch bản. Đó cũng là vai diễn ấn tượng nhất trong cuộc đời diễn viên của Thanh Loan. Huyền Trang là nữ chiến sĩ biệt động thành phải khoác áo tu hành để dễ bề hoạt động, đồng thời cũng là người phụ nữ đa cảm yếu đuối khi ngỡ chồng - cũng là chiến sĩ biệt động thành (Hoàng Sơn) phụ bạc, theo cô gái đài các, sang trọng. Với đôi mắt nhung, gương mặt khá thánh thiện của Thanh Loan có thể đây là ưu thế số một của cô khi được mời đóng vai ni cô Huyền Trang. Gương mặt của nhân vật Huyền Trang không những đòi hỏi sự thánh thiện mà còn phải toát lên sự chịu đựng mạnh mẽ. Ngoại hình và nội tâm của nhân vật phải thật sự phù hợp, bên cạnh đó đạo diễn cũng đòi hỏi một diễn viên có tính chuyên nghiệp cao trong điều kiện làm phim khó khăn về mọi mặt.
Biệt Động Sài Gòn là bộ phim Việt Nam quy tụ rất nhiều diễn viên gạo cội thời đó (Thúy An, Thương Tín, Hà Xuyên...) đã đưa bộ phim lên đỉnh cao của nghệ thuật nên bộ phim vẫn còn sống trong lòng khán giả cho đến hôm nay. Biệt Động Sài Gòn quay bốn năm mới xong (từ năm 1983 đến 1986), diễn viên ngoài Bắc vào ngoài Thanh Loan, còn Quang Thái (vai Tư Chung - Hoàng Sơn), Bùi Cường (vai Năm Hòa) đều mang con cái theo để dễ bề cai quản. Mùa hè cả khu Đồn Đất (cơ sở 2 của Hãng phim truyện Việt Nam) như một nhà trẻ. Thời gian ấy, hình ảnh Thanh Loan cũng xuất hiện liên tiếp trên lịch, bìa báo trong Nam ngoài Bắc.
Vào vai ni cô Huyền Trang đòi hỏi một vẻ đẹp bên ngoài thánh thiện của người tu hành nhưng nội tâm đòi hỏi sự cứng cỏi của một người hoạt động cách mạng, Thanh Loan tự tin khi bước vào vai diễn. Để đóng vai Huyền Trang cô đã vào chùa một tuần học cách khấn, tụng kinh, cách ăn mặc của nhà chùa, cách đi khất thực bàn chân phải bước ra sao, nét mặt phong thái phải nhìn xuống dưới không được nhìn ngang nhìn ngược.
Thanh Loan có nhiều kỷ niệm khi tham gia bộ phim Biệt Động Sài Gòn, trước hết, đó là việc xuống tóc. Cắt mái tóc dài để đầu tém là việc bất đắc dĩ, nhưng cô không tiếc về điều đó. Một kỷ niệm khác - sự cố thì đúng hơn. Đó là lúc ni cô Huyền Trang trên đường đi khất thực, bất ngờ gặp lại người yêu, trời chợt đổ mưa và cô ngã quỵ bên lề đường. Thanh Loan thực hiện cảnh quay này đúng vào giữa trưa của mùa hè Sài Gòn, vừa phải đi chân đất trên nền đường nhựa nóng bỏng, ngay lập tức đã đứng chịu nước xối xuống người từ bốn vòi rồng của xe cứu hỏa, nên tối về cô bị cảm khá nặng. Khá nhiều người hỏi Thanh Loan về cảnh bị địch tra tấn bằng cách cho dòng điện chạy qua người. Cô biết, khi người bị điện giật, các móng chân, tay thường co rút lại. Đạo diễn Long Vân chỉ nhắc cô cố mường tượng lại hình ảnh mà mình đã chứng kiến để bắt chước, và ông đã gật đầu ngay từ đúp quay thứ nhất. Trong phim có cảnh ni cô Huyền Trang bị tra tấn dã man (dội nước và ngồi ghế điện) đã để lại ấn tượng mạnh cho người xem, khi đạo diễn đòi hỏi một cảnh quay thì Thanh Loan phải tự hình dung vai diễn cần diễn như thế nào để chân thật. Với trường đoạn đó cô diễn khá nhanh chỉ đến đúp thứ hai thì đạt. Thanh Loan cũng có ấn tượng đặc biệt về người bạn diễn đảm nhận nhân vật đại tá Sông. Theo cảm nhận của cá nhân cô, đây là một vai hay trong phim. Khi ni cô Huyền Trang đang tụng kinh trong chùa thì cảnh binh ập tới khám xét, bắt người. Dẫu biết là mình đang đóng phim, nhưng không hiểu sao Thanh Loan vẫn hơi giật mình, khi người bạn diễn lột mũ nhà sư để lộ mái tóc. Cô cho rằng, ngoài khả năng diễn xuất thì tác động của người bạn diễn cũng khá quan trọng.
Hình ảnh ni cô Huyền Trang đằm thắm, thánh thiện do Thanh Loan thủ vai trong bộ phim Biệt Động Sài Gòn đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng những khán giả điện ảnh cả nước thập niên 80. Họ ít khi gọi cô bằng tên thật mà thường gọi là ni cô Huyền Trang.
Năm 1983, Thanh Loan đóng phim Biệt Động Sài Gòn này đúng vào lúc đức lang quân đi nghiên cứu sinh ở Đức, ở nhà ngoài Hà Nội chỉ có hai con và mẹ chồng. Cứ một tháng cô lại thu xếp công việc để ra thăm nhà một lần. Và sau đó cô đã đưa hai con cùng mẹ chồng vào ở hẳn trong Nam đến lúc bộ phim hoàn thành. Sau Biệt Động Sài Gòn, Thanh Loan được khán giả rất mến mộ, có khán giả đến bảo đạo diễn Long Vân: "Sao ác thế, để ni cô Huyền Trang chết, chết ở đâu để tôi xin xác về". Chồng cô biết có nhiều người mê vợ mình nhưng không ghen, một phần chồng cô nhiều năm sống ở nước ngoài nên quan niệm rất hiện đại. Mặt khác, vợ chồng họ luôn tin tưởng nhau.
Hơn hai mươi năm sau, khi có mặt trong một bộ phim cả hai đều tâm đắc, gần đây Thanh Loan có dịp gặp lại nghệ sĩ Quang Thái - người bạn diễn đóng cặp với cô trong phim Biệt Động Sài Gòn - trong một hoàn cảnh khá thú vị: cùng đi tập thể dục buổi sáng trong công viên. Đều đã lên chức ông, bà, nhưng họ vẫn cảm thấy lâng lâng cảm giác của những ngày được sống như những chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Sau bộ phim Biệt Động Sài Gòn, Thanh Loan có tham gia một số phim như: Nơi Tình Yêu Đã Chết (vai bà Thân Thị Nam Trân - mẹ Trần Lệ Xuân), Bí Mật Thành Phố Cấm (vai giao liên) nhưng không có vai nào hay bằng nữ biệt động khoác áo tu hành như ni cô Huyền Trang. Thanh Loan cho rằng mình không quen và không thích làm phim truyền hình vì tốc độ nhanh quá, nhưng quan trọng là không có đất diễn cho diễn viên phát huy. Phim truyền hình thoại nhiều, mà quay nhanh như kiểu mì ăn liền, trong khi nghệ thuật điện ảnh có ngôn ngữ riêng. Hơn nữa, đã làm điện ảnh thì khó có thể đi đóng phim truyền hình. Cô không thể chịu được kiểu bạn diễn ra đến trường quay mà không thuộc lời thoại, chỉ chăm chăm chờ thư ký đạo diễn nhắc thoại thì làm sao mà diễn cho cảm xúc được, theo cô cho rằng diễn viên chưa nghiêm túc lao động nghệ thuật, trong khi tính chuyên nghiệp trong điện ảnh là rất cần thiết, trước kia làm phim kỹ hơn bây giờ nhiều. Để chuẩn bị vào vai, diễn viên phải đọc kỹ kịch bản, tự viết lý lịch cho nhân vật... Thanh Loan nghĩ, điện ảnh mang nhiệm vụ chính trị. Nếu Nhà nước không sử dụng lực lượng nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh thì đó là một sự lãng phí. Thanh Loan ủng hộ chủ trương xã hội hóa, cổ phần hóa điện ảnh, nhưng vẫn nên có những phim tài trợ, phim đặt hàng.
Sau những năm tháng đi diễn khắp các nẻo đường đất nước, Thanh Loan về làm phát thanh viên của truyền hình quân đội. Rồi sau đó lại sang chương trình Vì An Ninh Tổ Quốc, khoác trên mình bộ quân phục công an. Cô đã cắp sách đến giảng đường theo học lớp đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh từ năm 1994 và trở thành đạo diễn phim tài liệu của điện ảnh Công an nhân dân. Quyết định chọn học ngành đạo diễn, Thanh Loan đã tìm được cách để cô vẫn là dân của điện ảnh, trở thành đạo diễn để giữ mãi tình yêu nghề.
Năm 1993, Thanh Loan được tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú. Trước khi nghỉ hưu cô đã từng làm Phó Giám đốc Xưởng phim Điện ảnh Công an nhân dân (10 Hồ Giám - quận Đống Đa - Hà Nội), đeo lon Đại tá. Bận rộn trong công tác quản lý nhân sự, nhưng Đại tá Thanh Loan vẫn trực tiếp làm phim tài liệu, đi phỏng vấn làm chương trình kiêm luôn biên tập viên. Thanh Loan cũng là một trong những thành viên xây dựng chương trình An Toàn Giao Thông từ năm 1992 - 1993 trên đài truyền hình Việt Nam. Cô đi sâu về mảng phim tài liệu, nhất là phim về cuộc đời, sự nghiệp của chiến sĩ công an nhân dân trong thời chiến và trong cuộc sống hôm nay. Thanh Loan lại cùng đồng đội lặn lội từ Nghệ An, Thanh Hóa đến địa đầu Móng Cái thực hiện những thước phim về công an: Cảnh Sát Interpol Mặc Thường Phục (nói về cảnh sát Interpol Việt Nam), Nơi Dòng Sông Chảy Ngược (nói về cảnh sát Lạng Sơn), Dấu Vết Cháy (được dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường cảnh sát, an ninh), Bộ Trưởng Của Chúng Tôi (nói về Bộ trưởng Công an đầu tiên Trần Quốc Hoàn, phim được tặng bằng khen Liên hoan phim quốc gia 2004). Tác phẩm Những Người Trong Chuyện của cô được đoạt giải Cánh diều bạc 2002, phim nói về các chiến sĩ tình báo trong kháng chiến chống Pháp nằm vùng tại Hà Nội. Đây là giải thưởng đầu tiên trong nghề đạo diễn của cô.
Thanh Loan luôn đau đáu với những thân phận, những mảnh đời của rất nhiều phụ nữ nên cùng đồng đội có mặt trên khắp mọi miền của đất nước để chuyên sâu vào mảng phim tài liệu. Với sự đồng cảm về giới tính, những thước phim của cô gây xúc động sâu sắc cho người xem. Đó là hoàn cảnh đáng thương của những nữ phạm nhân phạm tôi buôn bán ma tuý, khi sa vào con đường tù tội trong bộ phim Những Nữ Phạm Nhân. Những người phụ nữ này gần như bị gia đình ruột thịt bỏ rơi, mất chồng, mất con, mất tất cả chỉ vì một phút bị đồng tiền làm mờ mắt; hay cuộc đời của Những Nữ Quản Giáo quanh năm gắn với chốn rừng thiêng nước độc, hạnh phúc giản dị nhất của đời người đàn bà là đựơc làm vợ, làm mẹ, nhưng vì nhiệm vụ họ đã chôn vùi tuổi xuân của mình để chỉ sống với niềm mơ ước canh cánh. Thanh Loan đã lần tìm được nét đẹp dung dị từ những mảnh đời của những nữ điệp viên hoạt động tình báo, những người phụ nữ có chồng hi sinh trong thời bình, đến những người phụ nữ làm cảnh vệ để chắt lọc thành những thước phim lay động.
Trong nghề nghiệp, càng ngày Thanh Loan càng thấm thía nỗi vất vả của một diễn viên, một nghệ sĩ thực sự hết lòng vì khán giả. Mỗi lần đi biểu diễn hay lên trường quay, cả đoàn ngồi trên xe tải chở đủ thứ người, đạo cụ, xăng dầu, gạo nước... Nhưng cứ nghĩ đến khán giả là bộ đội, là đồng bào xa xôi đang chờ mình đến diễn là ai nấy lại quên hết mệt nhọc. Diễn viên nữ càng vất vả hơn khi làm mẹ, làm vợ. Thanh Loan cũng vậy, mẹ đi diễn, con khát sữa là chuyện bình thường. Nếu là diễn viên vất vả một thì làm đạo diễn vất vả như nhân đôi. Khi làm bộ phim Niềm Vui Ở Hang Kia Phà Cò, Thanh Loan cùng đoàn làm phim lên tận bản Thung Mặn (Mai Châu, Hoà Bình) với bà con người Mông. Quên mọi tiện nghi ở Hà Nội, Thanh Loan cũng ăn ở với bà con trong cảnh thiếu nước, thiếu điện. Bù lại, cô được bà con quý mến vô cùng. Theo cô, công việc đạo diễn rất vất vả, đòi hỏi cô phải gồng mình lên để làm cho kịp tiến độ. Bên cạnh đó, điều mà cô luôn trăn trở là khi làm phim, mọi công việc gia đình đều phải nhờ ông xã lo hộ.
Thanh Loan có hai con, cả hai người con không có năng khiếu nghệ thuật nên không theo nghề mẹ. Con gái cô đang làm việc tại Hãng hàng không Pháp, cậu con trai là kỹ sư tin học. Còn chồng cô là một nhà khoa học bận bịu với công tác nghiên cứu nhưng rất yêu nghệ thuật. Thanh Loan bây giờ đã nghỉ hưu, là bà ngoại của hai cháu, vẫn yêu nồng nhiệt, yêu cuộc sống, yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu các loài vật. Thanh Loan tuổi Mão, nên trong nhà nuôi đến hàng chục con mèo đủ chủng loại, lớn bé khác nhau. Ngoài 50 tuổi, lên chức bà rồi, nhưng Thanh Loan vẫn còn đẹp lắm, dẫu có tuổi, nhưng cô vẫn dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao, đơn giản như: đi bộ, chơi cầu lông, bơi… để giữ sức khỏe tốt. Chiều chiều, Thanh Loan lại sắp xếp thời gian để lên sàn nhảy, không chỉ dìu dặt với vũ điệu cổ điển mà còn quyến rũ với những vũ điệu hiện đại.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)