Các xu hướng phát triển công nghệ của ngành ngân hàng trong năm 2008 (Kỳ II)
Quản lý rủi ro tín dụng, đẩy mạnh công tác dự báo… và đặc biệt là Cải thiện hệ thống ngân hàng lõi trong công nghệ và nghiệp vụ Corebanking là những xu hướng phát triển công nghệ hết sức quan trọng của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2008.
Mobile Banking được xem là một xu thế quan trọng của ngành ngân hàng
Quản lý được rủi ro tín dụng
Tại Việt Nam, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong thu nhập của các ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động này luôn tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam bởi hệ thống thông tin thiếu minh bạch và không đầy đủ, trình độ quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế, tính chuyên nghiệp của cán bộ ngân hàng chưa cao… Do đó, yêu cầu xây dựng một mô hình quản trị rủi ro tín dụng có hiệu quả và phù hợp với điều kiện Việt Nam là một đòi hỏi bức thiết để đảm bảo hạn chế rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng, hướng đến các chuẩn mực quốc tế trong quản trị rủi ro và phù hợp với môi trường hội nhập.
Phó chủ tịch Công ty Giải pháp phần mềm ngân hàng Admerex Solutions (Australia), ông Nic Davies đưa ra nhận định: “Thị trường ngân hàng Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, nhiều ngân hàng mới được thành lập trong năm vừa rồi, quá trình cổ phần hóa các ngân hàng cũng đang được tiến hành. Ngày càng nhiều ngân hàng nhận thức được tầm quan trọng của năng lực quản lý rủi ro đối với sự sống còn và phát triển của mình.
Đây cũng là thách thức trước mắt của các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Qua tìm hiểu các ngân hàng thương mại Việt Nam nhiều năm nay, tôi thấy các ngân hàng thương mại vẫn chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ ngân hàng hiện đại của thế giới. Chính vì vậy, các bạn có những hạn chế nhất định về quản lý rủi ro”.
Giải quyết thách thức này, ông Nic cho rằng nhập khẩu công nghệ tiên tiến là một sự lựa chọn không đắt mà lại hiệu quả. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần thiết kế lại quy trình tín dụng nhằm tập trung nỗ lực vào những vấn đề cần thiết và đạt hiệu quả cao nhất; đưa ra các thước đo rủi ro chính xác để nhân viên kinh doanh sử dụng; đảm bảo các hệ thống trong ngân hàng thu thập cơ sở dữ liệu đầy đủ về các nhân tố rủi ro. Một yếu tố quan trọng nữa là xây dựng khả năng phát hiện và quản lý rủi ro không chỉ ngay tại thời điểm tạo một giao dịch, mà còn ở cấp độ toàn danh mục đầu tư.
Ông Phạm Công Uẩn, Giám đốc Trung tâm Thông tin ứng dụng NHNN cũng cho rằng: “Hoạt động ngân hàng chủ yếu là những hoạt động rủi ro. Trong các rủi ro về hoạt động thì có rủi ro về quy trình, về hệ thống và về con người. Không những thế còn có những rủi ro liên quan đến khách hàng, đến đối tác của khách hàng. Hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng hiện nay đó là vấn đề yêu cầu cao trong điều kiện mà tất cả các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau không những là trên một địa bàn trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu”. Để giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động ngân hàng, ông Uẩn khẳng định: “Phải có công nghệ cao và hệ thống cơ sở dữ liệu tốt. Hay nói cách khác, nếu ta có rủi ro trong hoạt động ngân hàng thì ta cũng phải có những giải pháp công nghệ cao hơn để phòng ngừa”.
Ông Phạm Công Uẩn, Giám đốc Trung tâm Thông tin ứng dụng NHNN
Thực tế cho thấy, nếu có một công nghệ tốt thì nhiều ngân hàng có thể đứng ngoài cuộc "đua" lãi suất vừa qua. Hoặc nếu có tham gia, thì quản lý rủi ro là công cụ phòng vệ tốt nhất để các ngân hàng không bị “ngã ngựa”. Chẳng hạn, khi mặt bằng lãi suất cho vay cao, rủi ro khoản vay sẽ tăng lên, định giá rủi ro và quản lý rủi ro tốt cho phép bạn từ chối những hồ sơ tín dụng kém.
Đẩy mạnh công việc phân tích dự báo
Business Inteligence – BI (tạm dịch là giải pháp quản trị doanh nghiệp thông minh) là một hệ thống báo cáo cho phép tổ chức/doanh nghiệp khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau về khách hàng, thị trường, nhà cung cấp, đối tác, nhân sự... và phân tích/sử dụng các dữ liệu đó thành các nguồn thông tin có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc ra quyết định. Thông thường cấu trúc một bộ giải pháp BI đầy đủ gồm một kho dữ liệu tổng hợp (datawarehouse) và các bộ báo cáo, bộ chỉ tiêu quản lý hiệu năng TC/DN (Key Perfomance Indicators – KPIs), các dự báo và phân tích giả lập (Balance Scorecards, Simulation and Forecasting...)
Trong lĩnh vực ngân hàng, hệ thống thông tin liên lạc khi được sử dụng kết hợp với công nghệ BI sẽ đưa ra các chỉ số chính xác về khách hàng sử dụng hệ thống, tác động ngược lại hệ thống thông tin liên lạc khiến hệ thống này, từ chỗ chỉ là một trung tâm nhận và trả lời các cuộc điện thoại của khách hàng, phát triển thành một trung tâm thông tin đa kênh.
Những thông tin này sẽ được hệ BI chia sẻ tới nhiều bộ phận trong ngân hàng, giúp ngân hàng đảm bảo phương châm kinh doanh “lấy khách hàng làm trọng tâm” của mình.
Hiện ở Việt Nam, thị trường cung cấp giải pháp BI còn khá sơ khai nhưng cũng đã quy tụ khá nhiều tên tuổi như: Business Objects, Cognos, Hyperion, SAP, Oracle ... Mỗi giải pháp đều có sự khác nhau về tính năng, khả năng tích hợp, phân tích và xử lý thông tin. Như bất cứ giải pháp/phần mềm nào, BI chỉ là một công cụ, do vậy khi lựa chọn và sử dụng,các ngân hàng cần cân nhắc tới tính khả dụng và khả năng tích hợp của nó với các hệ thống khác trong ngân hàng. Đồng thời luôn đảm bảo trong khi vận hành, thông tin đầu vào cho BI phải luôn là thông tin xác thực
Cải thiện hệ thống ngân hàng lõi trong công nghệ và nghiệp vụ
Phần mềm lõi Corebanking (hay còn gọi là chương trình Ngân hàng lõi) là mục tiêu hướng tới của các ngân hàng, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của một hệ thống giao dịch tài chính hiện đại, đặc biệt trong vấn đề quản lý rủi ro ở tầm vĩ mô, kiểm soát an toàn, xử lý giao dịch tự động nhanh chóng, đưa ra sản phẩm mới trên thị trường một cách nhanh nhất.
Corebanking sẽ giúp các ngân hàng cung cấp các dịch vụ hoàn chỉnh và thích hợp thông qua nhiều kênh phân phối (mạng ATM, ngân hàng điện thoại, ngân hàng Internet...), mở rộng quy mô hoạt động của ngân hàng và xử lý khối lượng công việc hoặc giao dịch lớn nhưng không làm tăng chi phí tài nguyên và cơ sở hạ tầng tương ứng.
Khi áp dụng Corebanking, ngân hàng có thể mở rộng một cách không giới hạn các chi nhánh, giúp ban lãnh đạo quản trị rủi ro về tín dụng, quản trị rủi ro về thị trường. Ngoài ra do sử liệu dữ liệu tập trung nên ngân hàng sẽ sử dụng được nguồn vốn của mình một cách hiệu quả hơn. Khi một ngân hàng có một corebanking tốt họ sẽ có thể đa dạnh hóa các dịch vụ ngân hàng của mình, mang lại sự tiện dụng cho khách hàng từ đó tăng lợi nhuận, cạnh tranh với các ngân hàng khác,…
Trên thế giới hiện có rất nhiều các giải pháp corebanking khác nhau như Flexcube của iFlex Solution(
www.iflexsolutions.com/) , Finacle từ Infosys (
www.infosys.com/) và B@ncs từ TATA consultancy Services (
www.tata.com )
Corebanking thể hiện sức mạnh công nghệ của ngân hàng. Ứng dụng Corebanking trong ngân hàng TMCP Toàn cầu (G-bank) là một minh chứng tiêu biểu. Nhờ công nghệ, ngân hàng này đã tạo cho mình một kỉ lục mới, đây là ngân hàng đầu tiên ở VN cho phép khách hàng khi giao dịch được sử dụng G-Name (tên giao dịch), thay vì phải mệt mỏi nhớ đến 14 số tài khoản dài dằng dặc hoặc lưu thẻ tài khoản như hiện hay).
Công nghệ thân thiện với môi trường
Khái niệm Green IT (công nghệ Xanh hay công nghệ thân thiện với môi trường) gắn liền với sử dụng năng lượng hiệu quả ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với ngành công nghiệp CNTT. Những yếu tố cơ bản của CNTT Xanh bao gồm: các sản phẩm và quy trình sản xuất với độ ô nhiễm thấp, tiêu thụ ít năng lượng và áp dụng CNTT nhằm tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp.
Công nghệ thông tin xanh là sự nghiên cứu và thực hiện việc sử dụng các tài nguyên điện toán một cách có hiệu quả. Các hệ thống kỹ thuật hay các sản phẩm điện toán dựa trên những nguyên tắc của công nghệ thông tin xanh phải được xem xét kỹ ở ba khía cạnh cơ bản : khả năng kinh tế, trách nhiệm xã hội, và những tác động đến môi trường. Điều này khác với những hoạt động truyền thống của doanh nghiệp là chỉ tập trung vào khía cạnh kinh tế khi xem xét một giải pháp công nghệ thông tin.
Các chuyên gia ước tính ngành công nghệ thông tin thải ra 2 % lượng khí CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính. Chính vì vậy công nghệ này sẽ góp phần gia tăng, cải thiện nhận thức về việc bảo vệ môi trường, mối quan tâm về chi phí cho điện năng, những yêu cầu về điều tiết năng lượng, những quy định của các chính phủ về nguồn cung cấp nguyên-nhiên-vật liệu, và các doanh nghiệp ngày càng nhận thấy họ phải có trách nhiệm nhiều hơn với xã hội.
Một trong những xu hướng kế tiếp của ngân hàng 2008 sẽ là tăng cường các đặc tính tiết kiệm năng lượng cho những thiết bị công nghệ được áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng.
Tăng cường các kênh dịch vụ bán lẻ (Thông qua hệ thống ATM, POS, e-banking mobile banking…)
Trong những năm gần đây, dưới áp lực cạnh tranh về cung cấp dịch vụ ngân hàng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào khai thác thị trường bán lẻ. Nhiều ngân hàng đã đầu tư rất mạnh cho công nghệ để tạo lập cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chủ động đối mặt với những thách thức của tiến trình hội nhập.
Các hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng và linh hoạt hơn như tiết kiệm lãi suất bậc thang, tiết kiệm dự thưởng, tiết kiệm rút lãi và gốc linh hoạt, tiết kiệm kết hợp bảo hiểm. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng từ dân cư đã tăng mạnh và chiếm 35-40% vốn huy động. Lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng ngày càng tăng (năm 2007 đạt khoảng 6,5 tỷ USD), góp phần tạo nguồn ngoại tệ đáng kể cho các ngân hàng và tăng thu nhập từ phí thanh toán.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về năng lực tài chính, công nghệ, quản trị điều hành, cơ cấu tổ chức và mạng lưới kênh phân phối, hệ thống sản phẩm dịch vụ. Nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã được triển khai thực hiện như dịch vụ tài khoản, séc, thẻ, quản lý tài sản, tín dụng, cầm cố, tín dụng tiêu dùng.
( Theo VTV )