Lập trình viên - Anh là ai?
Những người được gọi là lập trình viên chẳng qua cũng chỉ là thợ thôi, có điều thợ khác làm bằng chân tay còn thợ CNTT thì dùng "cái đầu".
Lập trình viên - công nhân hay kỹ sư?
Lâu nay ta vẫn hiểu CNTT là một ngành mới, kỹ thuật cao, đương nhiên đòi hỏi trình độ cao. Vì vậy, nhắc tới lao động ngành này, mọi người thường nghĩ tới những kỹ sư tin học, kỹ sư phần mềm có trình độ cao siêu, được đào tạo bài bản từ một trường đại học trong hoặc ngoài nước. Lập trình viên cũng là một nhóm trong số này. Thế nhưng, số liệu tuyển dụng của Intel Product cho thấy, trong số 4.000 nhân lực cần tuyển dụng có tới 2.500 lao động ở trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề. Một câu hỏi được đặt ra, lập trình viên là kỹ sư hay chỉ là công nhân nghề?
Ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Trung tâm Đào tạo CNTT HBC Việt Nam đưa ra khái niệm: lập trình viên là người sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra các phần mềm hoàn chỉnh hoặc chỉnh sửa, phát triển và nâng cấp các chương trình sẵn có nhằm làm tăng tính hiệu quả của việc sử dụng máy tính. Cụ thể hơn là vận dụng các cấu trúc dữ liệu, thuật toán sẵn có để chuyển yêu cầu thành mã lệnh cho người dùng máy tính sử dụng.
Anh Quan Anh Đạt, Trưởng nhóm lập trình Công ty hệ thống thông tin FPT cho rằng, cái nghề lập trình cũng như các nghề khác, những người được gọi là lập trình viên chẳng qua cũng chỉ là thợ thôi, có điều thợ khác làm bằng chân tay còn thợ CNTT thì dùng "cái đầu". “Mà đã là thợ thì cứ làm nhiều sẽ quen hết", anh Đạt nói. Phải chăng chúng ta đang lạm dụng cụm từ "kỹ sư" cho công việc này?
PGS.TS. Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) khẳng định, lập trình viên (programer) thực ra chỉ là nghề, nếu là lập trình máy tính thì chỉ cần trình độ cao đẳng nghề, còn kỹ sư CNTT nếu được sử dụng đúng chỗ thì là thiết kế phần mềm, phức tạp hơn và phải có trình độ đại học. Cùng quan điểm này, ông Trần Trọng Hùng, Phó ban nhân sự Công ty hệ thống thông tin FPT cho biết, lập trình viên được chia làm 2 loại. Đối với những người chuyên gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài thì có thể gọi là "thợ", còn với bộ phận khác, tham gia thiết kế hoặc viết phần mềm thì đòi hỏi trình độ cao hơn nên không thể gọi là "thợ". Tuy nhiên, theo anh Hoàng Nam, chuyên viên Trung tâm CNTT - Sở TT&TT Đắk Lắk, khi tuyển người làm lập trình viên, nhất thiết phải có trình độ đại học vì trong chương trình đại học có đầy đủ những môn học cần thiết. Hơn nữa, chất lượng đầu vào của đại học cũng cao hơn.
Theo chị Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng nhóm lập trình Công ty Ứng dụng và công nghệ Tháng Tám (AT&A), số lập trình viên ở công ty có trình độ đại học chiếm khoảng 75% nhưng đôi khi những chứng chỉ phù hợp còn quan trọng hơn tấm bằng đại học. Chẳng hạn, với lập trình viên Java sẽ được ưu tiên tuyển dụng nếu có các chứng chỉ SCJP, SCJD, SCWCD hoặc SCEA của SUN và Oracle, còn với lập trình.NET thì cần một số chứng chỉ do Microsoft cấp.
"Chúng ta không nên gọi họ là công nhân", ông Mạc Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH) nhấn mạnh, "mà phải gọi là lao động kỹ thuật cao". Về thực chất, nếu xét ở trình độ đào tạo thì họ chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp, học nghề, thậm chí không được cấp bằng mà chỉ là chứng chỉ - theo cách hiểu cũ là công nhân. Nhưng đây là "công nhân đặc biệt" bởi họ làm việc trong ngành kỹ thuật cao yêu cầu sự sáng tạo.
Về mặt lý luận, TS.Nguyễn Khánh Mậu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ cấu của giai cấp công nhân hiện đại rất đa dạng, có nhiều trình độ khác nhau và luôn biến đổi theo hướng không thuần nhất: công nhân kỹ thuật ngày càng tăng, được nâng cao về trình độ, đóng vai trò chính trong quá trình phát triển còn công nhân truyền thống giảm dần. Ở các nước phát triển, "công nhân cổ xanh" chỉ chiếm 12-15% tổng số công nhân: tại Italia và Tây Ban Nha, công nhân kỹ thuật cao hay còn gọi là "công nhân cổ trắng" chiếm tỷ lệ 53%; còn ở Nhật Bản, 90% công nhân có trình độ đại học.
Đào tạo thế nào cho đúng
Trước đây, thậm chí là ngay thời điểm hiện nay, công nhân được hiểu là những người lao động chân tay, không có sự sáng tạo mà chỉ làm theo thói quen, chỉ đâu làm đấy. Với tâm lý trọng bằng cấp, không ai muốn con cái đi theo con đường này và luôn cố gắng để vào học ở một trường đại học nào đó. Ngành CNTT cũng không là ngoại lệ. Tuy vậy, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học Bách Khoa cũng chỉ làm thiết kế website - trong khi đó, nhân lực làm công việc này được Trung tâm Aptech đào tạo trong 2 năm và chỉ được cấp chứng chỉ khi tốt nghiệp. Vậy những lập trình viên thực chất là cử nhân hay chỉ cần tốt nghiệp học nghề?
Ông Dương Đức Lân nhận xét, lập trình viên là một khái niệm không rõ ràng về trình độ đào tạo, phần lớn người tốt nghiệp cao đẳng CNTT đều được gọi là lập trình viên. Nhưng đó chỉ là tên công việc, còn cấp trình độ đào tạo thì không có cấp học này.
Với tư cách là một người đã qua đào tạo đại học, chị Nguyễn Thanh Thủy phát biểu, nếu chỉ làm lập trình viên đơn thuần thì không nhất thiết phải học hết 5 năm đại học. Còn theo anh Quan Anh Đạt, khi học ở Genetic (một chương trình đào tạo hợp tác giữa Việt Nam và Singapore thuộc ĐHBKHN) thì trường luôn cố gắng nhồi những kiến thức tổng quan nhất nhưng khi đi làm có nhiều phần không cần thiết.
Có lẽ chính vì điều này mà năm nay, việc chọn ngành CNTT có xu hướng "thực dụng" hơn. Theo kết quả ban đầu về số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển, TS Hoàng Kiếm, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM) cho biết, năm 2008 trường chỉ hy vọng nhận được 2.000 hồ sơ, trong khi con số này của năm 2007 là 3.000. Thống kê của Văn phòng đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM cho thấy, mặc dù hồ sơ đăng ký dự thi đại học gửi về khoảng 55.000 bộ, song chỉ có vài bộ đăng ký vào Đại học CNTT. Ngoài ra, ngành CNTT tại các trường đại học khác cũng có không nhiều thí sinh đăng ký. Ông Hoàng Kiếm nhận định, các trường CĐ, TCCN, học viện CNTT như NIIT, Aptech đã chia sẻ số lượng học viên nộp đơn vào đại học.
Theo TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng phải là hướng đào tạo chính với ngành CNTT nói chung và lập trình viên nói riêng nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ là 70% lao động được đào tạo theo hướng này.
"Những lập trình viên sẽ là những người "thợ" của thời đại mới và đây là điểm khác biệt lớn nhất của ngành CNTT so với những ngành khác",
ông Tùng nói.
(Theo ICTNews)