Thông tin y tế trực tuyến: Nhiều nhưng đừng "liều"
Với lợi thế công nghệ phát triển, lượng người tìm kiếm các thông tin về sức khoẻ trên mạng internet càng ngày càng tăng, nhưng đáng lo ngại là họ tin tưởng những thông tin đó mà không hề quan tâm chúng đến từ đâu.
Một cuộc khảo sát và nghiên cứu vừa được thực hiện tại Học viện Kinh tế London (LSE) bởi hãng y tế Bupa cho thấy càng ngày các thông tin về y tế càng xuất hiện nhiều trên mạng internet, và mọi người càng lúc càng tìm được nhiều cách để tiếp cận những thông tin đó hơn.
Cuộc khảo sát đã đặt nhiều câu hỏi tới hơn 12.000 người ở các quốc gia Australia, Brazil, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Mexico, Nga, Tây Ban Nha và Mỹ; và cho thấy có tới 81% người sử dụng truy cập internet để tìm kiếm những lời khuyên về sức khoẻ, thuốc thang hoặc điều trị y tế.
Theo kết quả khảo sát, người Nga quan tâm tìm kiếm những lời khuyên về sức khoẻ nhiều nhất trên internet, theo sau đó là người Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Brazil. Người Pháp có lẽ rất "tự tin" với sức khoẻ của mình nên tìm kiếm thông tin y tế trực tuyến ít nhất.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 68% số người có khả năng truy cập internet đã sử dụng nó để tìm kiếm thông tin về các loại thuốc đặc trị và khoảng 40% tìm hiểu kinh nghiệm của những người đã từng được điều trị y tế.
David McDaid, chuyên viên nghiên cứu tại LSE nói: "Các công nghệ mới đang giúp mọi người trên khắp thế giới tìm hiểu thêm về sức khoẻ của chính họ và có những quyết định chắc chắn hơn. Tuy nhiên mọi người cần đảm bảo rằng thông tin mà họ tìm thấy sẽ giúp sức khoẻ của họ khá hơn chứ không phải làm nó tồi tệ đi."
Tại Vương quốc Anh, hãng Bupa dự đoán trong tuần này sẽ có khoảng 40 triệu lượt tuy cập vào các trang web về y tế, do nhu cầu bảo đảm sức khoẻ đầu năm mới sau kỳ nghỉ Giáng sinh của mọi người. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng rất nhiều thông tin y tế trực tuyến không hề được kiểm định và khó có thể tin được.
Theo kết quả thu được, 73% cư dân mạng Anh quốc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trực tuyến, 60% trong số đó tìm kiếm thông tin về thuốc thang và 58% sử dụng những thông tin đó để tự điều trị. Trong khi đó chỉ có khoảng 25% số người được hỏi cho biết họ có kiểm tra xem những lời khuyên trực tuyến đó đến từ đâu.
Việc phụ thuộc vào những thông tin không rõ ràng có thể khiến người ta "đánh liều" sức khoẻ vào những phương pháp điều trị không phù hợp, phí phạm tiền bạc và gây lo lắng phiền hà không cần thiết. Mọi người thường tìm kiếm trực tuyến để rồi bỏ qua những triệu chứng nghiêm trọng, trong khi họ hoàn toàn có thể nhận lời khuyên tin cậy từ bác sĩ.
Theo VnMedia