BKAV: Kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử
Trong 7 năm thực hiện Chính phủ điện tử thông qua phần mềm BKAV eGov, BKAV đã trả lời được 5 câu hỏi để đảm bảo cho sự phát triển Chính quyền điện tử thành công tại các địa phương
Xây dựng Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, góp phần tăng chất lượng dịch vụ hành chính công.
7 năm - 23 tỉnh thành - 300 doanh nghiệp
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị và triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Công ty An ninh Mạng BKAV đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình 7 năm triển khai chương trình BKAV eGov xây dựng Chính phủ điện tử tại các địa phương.
Chương trình BKAV eGov được bắt đầu thực hiện từ năm 2003. Bộ giải pháp bao gồm các phần mềm Bkav eOffice, Bkav eGate, Bkav ePortal và giải pháp chứng thực chữ ký số BkavCA.
Mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử - Tỉnh điện tử Bkav eGov gồm có 5 "tầng", với triết lý lấy người sử dụng làm trung tâm. Cụ thể, kiến trúc 5 tầng của Bkav eGov được bắt đầu từ hạ tầng truyền thông, điều hành tác nghiệp, xử lý văn bản trong nội bộ các cơ quan, sau đó kết nối liên thông liên văn phòng tạo ra nền tảng văn hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ các cơ quan, đơn vị.. Tiếp đến là cung cấp các dịch vụ công theo cơ chế một cửa và cuối cùng là cung cấp giao diện tương tác với người dân thông qua Cổng thông tin điện tử.
Cho đến nay, chương trình này đã triển khai được ở 23 tỉnh thành từ Bắc vào Nam như Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ngãi, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kon Tum…, ở các Bộ Ngành như Bộ TT&TT, Bộ Nội Vụ, Văn phòng Quốc hội…và hơn 300 doanh nghiệp.
Chính phủ điện tử là phục vụ người dân trên nền tảng của CNTT-TT.
5 kinh nghiệm khi triển khai Chính phủ điện tử
Trong quá trình triển khai, theo ông Quảng, BKAV đã rút ra được những kinh nghiệm để đảm bảo sự thành công khi thực hiện Chính phủ điện tử tại địa phương.
Đầu tiên, đó là việc triển khai tin học hóa hay cải cách hành chính trước. Về vấn đề này, ông Quảng cho rằng, đã là một quy trình làm việc thì hiển nhiên nó sẽ phải có sự thay đổi theo thời gian và không thể tồn tại một quy trình bất biến được. Vì thế, BKAV phải thiết kế phần mềm đáp ứng được sự thay đổi của quá trình làm việc dù đơn vị hay địa phương đó cải cách hành chính trước hay tin học hóa trước. Ví dụ như ở Bộ TT&TT, BKAV đưa phần mềm BKAV eGov vào triển khai theo đúng mô hình mà Bộ đang áp dụng. Khi đó, mọi người thấy được ngay là chỉ việc thay đổi, cấu hình lại hệ thống phần mềm một chút là hoàn toàn có thể đáp ứng được.
“Như vậy, tin học hóa đã tác động vào việc cải cách hành chính. Ngược lại, cải cách hành chính thấy tin học có thể làm được nhiều thứ nên lại tiếp tục cải cách tiếp và cuối cùng chúng ta sẽ có được quy trình làm việc tốt”, ông Quảng nhấn mạnh.
Thứ 2, là việc xây dựng Cổng thông tin (Portal) hay dịch vụ công trước. Nhiều năm qua, mọi người thường chỉ chú trọng xây dựng Cổng thông tin. Tuy nhiên, như mô hình BKAV eGov, đầu tiên chúng ta triển khai trong nội bộ và nhận được sự ủng hộ của chính những người trong cơ quan, lúc đó mới có thể cung cấp các dịch vụ cho người dân tốt được. “Khi bản thân các cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước đã có “văn hóa” ứng dụng CNTT thì tự khắc họ sẽ có nhu cầu “đẩy” ứng dụng đó ra cho người dân được hưởng”, ông Quảng cho biết thêm.
Ví dụ như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã triển khai và thực hiện tốt trong nội bộ các cơ quan trên địa bàn, sau đó là một cửa điện tử eGate. Sắp tới, chúng tôi đang tư vấn cho tỉnh xây dựng Cổng thông tin điện tử, dựa trên các nền tảng như vậy thì mới có thể đảm bảo được sự thành công.
Thứ ba, hạ tầng như thế nào là đủ để xây dựng Chính phủ điện tử. Theo ông Quảng, hầu hết các hạ tầng hiện nay của chúng ta đã đủ. Tại một số một số nơi, do chắp vá nên lúc nào cũng tưởng là thiếu nhưng chỉ cần các chuyên gia tư vấn, các thiết bị đều đã được vận dụng hết khả năng và địa phương đó mới hiểu ra là hạ tầng của họ đáp ứng được. Tuy nhiên, khi chúng ta phát triển hơn nữa thì sẽ nảy ra nhu cầu mua sắm thêm thiết bị.
Thứ tư, làm thế nào để triển khai rộng Chính phủ điện tử khi có rất nhiều sự khác biệt giữa các đơn vị hành chính trong cùng một địa phương như một số nơi dù là trung tâm thành phố nhưng lại rất e ngại trong việc thực hiện. Đối với những địa phương này, BKAV chọn cách “lấy nông thôn bao vây thành thị”, triển khai ở vùng sâu, vùng xa trước như Sơn Hà (Quảng Ngãi) hay Cao Lộc (Lạng Sơn), Mường Nhé (Điện Biên)… Khi đã có sự thành công ở những nơi khó khăn như vậy thì lập tức các đơn vị quản lý ở thành phố cũng sẽ thực hiện theo.
Cuối cùng là liên thông nhiều ứng dụng của các nhà cung cấp khác nhau.. Vấn đề này, BKAV đã đưa ra chuẩn mở các nhà cung cấp có thể kết nối được với nhau.
“Tôi tin tưởng rằng với những bài học kinh nghiệm trên, việc triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam sẽ rất thành công”, ông Quảng khẳng định.
Theo ICTNews