Toàn cảnh xung đột giữa Apple và Samsung, HTC
Trong khi nhiều người còn đang băn khoăn chọn mua Samsung Galaxy S II hay iPhone 4 thì một cuộc chiến giữa các nhà sản xuất thiết bị di động đang diễn ra dữ dội và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng.
Sau nhiều năm êm ả, smartphone bỗng trở thành thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và biến thành đấu trường của các vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Câu chuyện bản quyền vốn đã rất phức tạp và theo ước tính của báo Financial Times, chỉ riêng chiếc điện thoại nhỏ bé nằm gọn trong lòng bàn tay cũng chứa tới 250.000 bằng sáng chế dù cũng có nhiều mẫu sáng chế khá nực cười và gây tranh cãi. Chẳng hạn, Apple sở hữu hẳn một tấm bằng về khả năng bấm gọi các số xuất hiện trong e-mail. Tất cả mớ hỗn độn và thậm chí có phần ngớ ngẩn này hiển hiện rõ nét trong cuộc chiến mà Apple hướng vào Samsung và HTC, mà thực chất là tấn công Google Android.
Apple và Google từng có mối quan hệ rất tốt đẹp. Chủ tịch hãng tìm kiếm Mỹ Eric Schmidt từng có chân trong ban lãnh đạo của "Quả táo". Khi iPhone thế hệ đầu ra đời, 3 dịch vụ Google Search, You Tube và Google Maps còn được cài mặc định trên điện thoại. Nhưng sự thân thiện đó chẳng kéo dài sau khi Android trình làng.
Apple kiện Samsung và HTC nhằm ngăn chặn sự bùng nổ của Android. Ảnh minh họa: CNet.
Tuy không chĩa mũi dùi vào Google, các luật sư của Apple tỏ ra không nương tay khi đệ đơn kiện các hãng sản xuất điện thoại Android xâm phạm nhiều công nghệ, từ việc "thiết kế và kiểu dáng giống hệt iPhone" cho đến cách thiết bị kết nối mạng băng rộng như thế nào.
Bắt đầu từ tháng 3/2010, Apple cáo buộc HTC, hãng điện thoại Android lớn nhất khi đó, vi phạm 20 bằng sáng chế liên quan đến giao diện, phần cứng và cấu trúc nền tảng. Họ yêu cầu Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cấm nhập khẩu thiết bị của HTC vào nước này. Tháng 7/2011, ITC ra phán quyết sơ bộ rằng HTC sử dụng trái phép 2 bản quyền công nghệ của Apple.
Còn cuộc chiến với Samsung mới bắt đầu từ tháng 4/2011. Apple thẳng thừng tuyên bố hãng điện tử Hàn Quốc đã cạnh tranh không lành mạnh khi ngang nhiên cóp nhặt cả về giao diện, thiết kế và nhiều công nghệ khác. Samsung kiện ngược lại rằng Apple cũng xâm phạm không ít sáng chế của họ. Những tranh cãi qua lại khiến "át chủ bài" của Samsung là Galaxy S II vẫn chưa xuất hiện ở Mỹ còn máy tính bảng Galaxy Tab 10.1 vừa bị tạm thời cấm bán ở châu Âu và sắp tới có thể là cả ở Australia, Nhật và Hàn Quốc.
Giới phân tích nhận định mục đích của các vụ kiện cáo này là Apple đang muốn ngăn cản sự bành trướng của Android, hiện chiếm 40% tổng số smartphone được tiêu thụ ở Mỹ trong khi Apple đạt 26,6% theo đánh giá của comScore. Tuy nhiên, Google lại chưa có nhiều động thái bảo vệ mà để đối tác tự xoay sở với Apple. Tháng trước, Eric Schmidt thề sẽ ủng hộ HTC: "Các bạn đã chứng kiến sự bùng nổ của các thiết bị Android trên thị trường, và bởi sự thành công của chúng tôi, đối thủ bắt đầu phản ứng bằng các vụ kiện khi họ không thể đáp trả bằng sự cải tiến. Tôi không quá lo ngại chuyện này". Nhưng khi Apple tỏ ra quyết liệt trong việc gây khó dễ với các hãng sản xuất Android, Google một lần nữa được hỏi có sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho HTC trong trường hợp hãng Đài Loan thua cuộc không, Schmidt chỉ trả lời: "Chúng tôi sẽ đảm bảo họ không thua".
Dù vậy, thái độ nước đôi của Google đang thay đổi sau khi bị tuột mất cơ hội mua 6.000 bằng sáng chế của Novell vào tay liên minh gồm Microsoft, Apple và một số công ty khác như lời cáo cuộc rùm beng trên mạng của họ tuần trước. Có thể hiểu được sự nóng giận của Google bởi trong khi Nokia, Microsoft, Apple nắm trong tay hàng chục nghìn bằng sáng chế thì Google bị coi là kẻ chân ướt chân ráo với con số chỉ "dưới 1.000" và đã không thể tăng thêm sức mạnh sau thương vụ Novell thất bại.
Apple luôn bảo vệ quyết liệt những ý tưởng của họ. Ảnh minh họa: MyLaptop.
Khi mọi chuyện chưa ngã ngũ, giới công nghệ chia làm hai phe ủng hộ Apple hoặc Google. Còn tạp chí PC Magazine đưa ra 3 khả năng sẽ xảy ra nếu các nhà sản xuất Android thua trong cuộc chiến bản quyền:
Khả năng đầu tiên là HTC và Samsung phải trả Apple phí bản quyền trên mỗi điện thoại họ sản xuất. Đây là điều dễ thấy nhất theo quan điểm của các nhà phân tích. Nếu bị kết luận vi phạm, họ phải thương lượng với Apple và trả tiền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, Google cần đứng ra đàm phán bởi "chẳng ai muốn sản xuất thiết bị Android nếu thấy trước mớ hỗn độn và các nguy cơ họ vấp phải khi kinh doanh mà không được bảo vệ", Doug Lichtman, chuyên gia về luật tại UCLA, nhận định. Phí bản quyền sẽ làm đội giá điện thoại Android nhưng cũng không đến mức quá cao. Hiện HTC phải chi tầm 40 USD tiền bản quyền trên mỗi smartphone, trong đó có 5 USD cho Microsoft.
Trường hợp thứ hai là sản phẩm của HTC và Samsung bị cấm phân phối ở một số thị trường. Nguy cơ này đang xảy ra theo phán quyết mới nhất của tòa án Đức đối với máy tính bảng Galaxy Tab 10.1 (Samsung đang chuẩn bị kháng cáo). Tuy nhiên, để có kết luận cuối cùng, các thẩm phán sẽ phải cân nhắc trong nhiều tháng, thậm chí vài năm. Họ cũng phải tính đến những tác động sâu rộng tới lợi ích của người tiêu dùng và mức độ thiệt hại đối với hãng sản xuất.
Viễn cảnh tệ nhất (và cũng khó xảy ra nhất) là Apple sẽ giữ các bản quyền sáng chế đã được đăng ký cho riêng họ. "Apple có lẽ không muốn cấp quyền sử dụng cho các đối thủ, đặc biệt là các mẫu 'khiến iPhone trở nên khác biệt'. Họ kiếm lời cả trăm USD trên mỗi chiếc iPhone và iPad và chẳng có lý gì phải trao quyền cho hãng khác trừ khi hãng đó cũng lại sở hữu những bản quyền mà Apple buộc phải thương lượng", chuyên gia về sở hữu trí tuệ Florian Mueller nhận định. Trong lịch sử, đa số các công ty cuối cùng cũng giải quyết tranh chấp bằng đàm phán và trả phí cho bên giữ bản quyền với giá "hợp lý".
Diễn biến kiện cáo giữa Apple, HTC, Samsung:
Theo VnExpress