Thị trường ampli đèn bình dân vắng vẻ
Người chơi âm thanh bình dân muốn mua ampli đèn thường không chọn được đồ mới, "hàng hiệu", vì giá quá cao. Trong khi các hãng gia công trong nước thì nhỏ lẻ và mới chỉ tập trung ở TP HCM.
Ampli đèn Einstein có giá hơn 200 triệu đồng. Ảnh: N.K.
Những năm gần đây, ampli đèn trở lại như một thú chơi âm thanh chất lượng, kéo theo một lượng lớn những người chơi yêu mến âm thanh nhẹ nhàng, mềm dẻo đặc trưng. Khi nhu cầu của người chơi ngày một nhiều, nguồn cung xuất hiện và phát triển với đa dạng các chủng loại, thương hiệu cả ở trong nước lẫn nước ngoài.
Du nhập về Việt Nam đầu tiên phải kể đến những thương hiệu ampli nước ngoài nổi tiếng như VLT, Marantz, Audio Carry, Dynaco... Thời gian trở lại đây, người chơi ampli đèn còn có những sự lựa chọn mới hơn của Audio Research, Consonance, Cronus, Einstein… Tuy nhiên, ampli đèn của những hãng này chỉ bán ở những cửa hàng âm thanh cao cấp với số lượng hạn chế và mức giá cao ngất ngưởng. Ví dụ, ampli xuất xứ châu Âu, Mỹ như Audio Research, Einstein có giá từ trên dưới 50 đến hàng trăm triệu đồng, các thương hiệu Nhật Bản, Trung Quốc như Sun Audio, Consonance giá "mềm" hơn, nhưng rẻ nhất cũng 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, cái giá đó cũng bao gồm cả các chế độ chăm sóc khách hàng, như nghe thử trực tiếp tại phòng nghe tiêu chuẩn, hoặc có người tới tận nhà để hướng dẫn phối ghép. Anh Hưng, phụ trách cửa hàng Công Audio trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết, cửa hàng anh còn bảo hành ampli đèn cho khách tới 18 tháng, trong khi chế độ của hãng chỉ được một năm.
Ampli đèn của Teablue có thiết kế tinh tế. Ảnh: Teablue.
Do giá của ampli đèn nhập ngoại quá đắt so với khả năng của nhiều người tiêu dùng, nên từ những năm 1995, đã có các đơn vị sản xuất thiết bị âm thanh trong nước lắp ráp và bán loại ampli này. Những người chơi âm thanh lâu năm còn nhớ tới công ty ổn áp Lioa trước đây cũng sản xuất ampli đèn và sản phẩm của họ khá phổ biến trong giới âm thanh thời bấy giờ. Tuy nhiên, công ty này không còn sản xuất ampli đèn nữa nhưng sản phẩm cũ của họ vẫn được trao đổi và mua bán giữa giới "nghiền" âm thanh với nhau với mức giá khoảng 10 triệu đồng.
Các đơn vị sản xuất ampli đèn trong nước hiện nay chủ yếu tập trung ở TP HCM với các tên tuổi như Feeling Audio, Teablue, Thi Văn, Ngầu Ký… Các công ty này, phần lớn nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách nên đáp ứng được nhu cầu của người chơi là có ampli phù hợp với sở thích và trường phái nghe nhạc của riêng mình.
Anh Hiền, phụ trách Feeling Audio, cho biết, mỗi đơn vị sản xuất ampli đèn nội địa có một sở trường nhất định, phù hợp với một phong cách riêng nên không mấy cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ, ở Feeling Audio là ampli đèn mạch single-end phù hợp với chất nhạc lãng mạn, êm ái, còn Thi Văn chủ yếu chế tạo ampli đèn mạch push-pull cho công suất lớn, dễ phối ghép hơn với các loa độ nhạy thấp.
Ampli LX-845i của Thi Văn. Ảnh: ThivanAudio.
Nhìn chung, ampli đèn Việt Nam có lợi thế giá cả "mềm" hơn những sản phẩm mới của thế giới, nhưng vẫn không hề rẻ, thông thường khoảng trên dưới 25 đến 80 triệu đồng. Lý do là gia công theo đặt hàng nên thời gian và công sức cho một sản phẩm khá lớn. Anh Văn, phụ trách nhãn hàng Thi Văn, chia sẻ, tùy vào sở thích nghe nhạc của khách mà anh chọn loại bóng đèn phù hợp. Sau khi thành phẩm, nhà sản xuất còn phải chỉnh sửa nhiều lần khi khách hàng chưa ưng ý, đẩy thời gian hoàn thiện lên đến hàng tháng hoặc lâu hơn nữa.
Một khó khăn khác đối với người mua ampli đèn Việt Nam là quy mô sản xuất của các hãng còn khá nhỏ lẻ, chưa có văn phòng đại diện, showroom trưng bày sản phẩm ở các nơi khác nhau, nên khách hàng càng ở xa TP HCM thì chi phí vận chuyển càng lớn. Đó là chưa kể khó khăn trong việc phối ghép, nghe thử sản phẩm với các khách hàng ở xa.
Theo Sohoa