Receiver cổ - điểm mặt anh tài
Receiver của những năm 70, 80 với những tên tuổi nổi tiếng như Marantz 2325 hay Pioneer SX-1250 được liệt vào hàng "đồ cổ", nhưng vẫn được dân chơi tìm mua.
Thập niên 70 tới đầu những năm 80 đã chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới khi liên tiếp đưa ra nhiều dòng receiver (ampli tích hợp chức năng bắt sóng radio-tuner). Những mẫu receiver này mặc dù không còn được sản xuất và hết hàng từ lâu nhưng dân chơi âm thanh vẫn tìm mua. Tuy nhiên, những mặt hàng này giờ chỉ còn trong những cửa hàng bán đồ cũ, hay của dân chơi sang nhượng lại cho nhau.
Dưới đây là một số mẫu receiver cổ nổi tiếng nhất, trong đó, 3 mẫu của Nhật Bản, hai sản phẩm của Mỹ và hai tới từ châu Âu.
Marantz 2325 - 'King of Kong'
Marantz 2325 thay thế vị trí độc tôn của Pioneer SX-1010. Trong "cuộc chiến" receiver đầu thập kỷ 70, chiếc Pioneer SX-1010 dường như không có đối thủ. Nhưng vị trí độc tôn của nó lại bị thay thế nhanh chóng khi vào cuối năm 1974 Marantz tung ra Marantz 2325. Máy được trang bị bộ lọc âm thanh Dolby trong khi SX-1010 phải nối với bộ lọc Dolby rời bên ngoài. Toàn bộ máy bọc gỗ bề ngoài toát lên vẻ đẹp sản phẩm hi-end kèm theo màn hình led xanh nước biển rạng rỡ.
Chất âm ấm áp là đặc trưng của hãng này với công suất mạnh mẽ 125 Watt mỗi kênh tiếng (8 Ohm). Marantz 2325 được mệnh danh như “xe tăng” khủng sẵn sàng húc đổ bất kỳ đối thủ nào. Chiếc receiver này được liệt vào hàng các sản phẩm xuất sắc nhất của Marantz mọi thời kỳ.
Thông số kỹ thuật được hãng công bố: Tổng méo hài < 0,15% (THD), đáp ứng tần số 20 Hz - 20 KHz. Năm sản xuất: 1974 - 1976.
Pioneer SX-1250 huyền thoại
Pioneer SX-1250. Năm 1976 Pioneer quyết không để Marantz làm mưa làm gió sau khi nghiên cứu và giới thiệu sản phẩm receiver SX-1250 “huyền thoại” (the legend) nhằm đoạt lại ngôi hậu.
Thiết kế mặt ngoài SX-1250 có màu trắng bạc, vỏ bọc gỗ óc chó màu nâu theo xu hướng các thiết kế thời bấy giờ nhưng mặt hiển thị led có cách tân bằng màu vàng thay thế mà xanh biển đã đi vào lối mòn. Pioneer SX-1250 có tới 03 bộ cọc loa có thể kết nối nhiều bộ loa khác nhau.
Linh kiện sử dụng bao gồm 05 sò FET, 6 IC, 60 Diodes và 82 transistor. Bộ nguồn trang bị rất kỹ càng có tổng dung lượng tụ lọc 4 x 22,000 mF cho công suất 165 Watt (8 Ohm) ra loa, các sản phẩm sau này của Pioneer cũng không có dung lượng tụ lóc lớn đến như thế. Chính vì vậy SX-1250 cho âm thanh đầy uy lực nhưng không kém phần trong trẻo.
Ngày nay mặc dù đã được sản xuất hơn 30 năm nhưng tín đồ chơi receiver cổ vẫn lùng sục tìm kiếm Pioneer SX-1250 để trang bị cho hệ thống của mình.
Thông số kỹ thuật được hãng công bố: Tổng méo hài < 0,1% (THD), đáp ứng tần số 20 Hz - 20 KHz.
'Quái vật' - Sansui 9090 & 9090DB
Sansui 9090 có âm thanh đầy đặn. Trong khi Marantz tung sản phẩm Marantz 2325 cạnh tranh với Pioneer SX-1010 thì Sansui cũng không kém cạnh khi nghiên cứu phát triển receiver model 9090. Sansui 9090 DB được trang bị thêm tính năng lọc âm dolby rất thịnh hành và ưu chuộng khi đó, thêm nữa Sansui 9090 DB tăng công suất 15 Watt cho mỗi kênh. Phần mạch công suất bao gồm 8 transistor NPN. Sansui 9090 có điểm mạnh khi vặn mức volume nhỏ nhưng âm thanh mang lại khá đầy đặn, điều ít thấy ở các sản phẩm cạnh tranh. Thiết kế không thực sự bóng bẩy khiến cho Sansui 9090 và thiếu chức năng dolby khiến cho Sansui 9090 chiếm thị phần bé hơn so với các đại gia khác.
Thông số kỹ thuật được hãng công bố: Công suất 110 Watt mỗi kênh (8 Ohm), tổng méo hài < 0,1% (THD), đáp ứng tần số 20 Hz - 20 KHz. Năm sản xuất: 1975 - 1982.
Concept 16.5 - “Đông Phương bất bại”
Concept 16.5 nổi tiếng đến ngày nay. Concept 16.5 là sản phẩm được thiết kế bởi ngài Richard Schram (Pacific Stereo), người mà hiện tại làm CEO của Parasound. Richard Schram đã dồn tâm huyết để thiết kế sản phẩm này với suy nghĩ đơn giản là mang âm thanh tuyệt hảo tới khách hàng. Ông không ngờ tới rằng Concept 16.5 vô cùng nổi tiếng và được yêu chuộng cho đến ngày hôm nay. Năm 1978 Pacific Stereo là một xưởng sản xuất nhỏ tại Mỹ có số nhân công chỉ vài chục người, nhận nhiệm vụ thiết kế là chủ yếu. Sản phẩm được làm tại Nhật Bản bởi hãng NEC. Tuy vậy, Concept Concept 16.5 viết nên câu chuyện thần kỳ chàng David quật đổ Goliaths khi mà nhiều người đánh giá rằng nó còn xuất sắc hơn cả Pioneer SX-1250 hay Marantz 2325.
Richard Schram đã thiết kế Concept 16.5 dạng dual-mono, hai biến áp riêng rẽ cấp nguồn tới hai bộ khuyếch đại công suất. Các linh kiện còn lại cũng được chọn lọc kỹ lưỡng tại Nhật Bản, điều mà ngay cả các nhà sản xuất danh tiếng Nhật Bản cũng không sử dụng nhiều linh kiện tốt đến như thế trong một sản phẩm của mình. Kết quả chất lượng cho thấy rõ mặc dù hệ số suy giảm là 450 (damping factor) cao hơn nhiều so với thông số công bố bởi các hàng khác nhưng Concept 16.5 lại có âm trầm liệt vào hạng nhất. Nếu so sánh các sản phẩm receiver từ xứ sở Hoa anh đào thì khó có thể vượt qua Concept 16.5. Vì vậy không quá bốc đồng khi receiver này có danh hiệu “Đông Phương bất bại”.
Thông số kỹ thuật được hãng công bố: Công suất 165 Watt mỗi kênh (8 Ohm), tổng méo hài < 0,1 % (THD), đáp ứng tần số 20 Hz - 20 Khz. Tần số bắt sóng FM: 87,5 - 109 MHz; AM: 520 - 1.650 KHz.
McIntosh MAC 4100 danh bất hư truyền
McIntosh MAC 4100 kiểm soát tiếng bass chặt chẽ. Có giá chào bán hơn 1.000 USD vào năm 1978, Mac 4100 là một món hàng đắt đỏ, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tiết kiệm chi phí khi lựa chọn các sản phẩm khác có giá dưới mức 1.000. Bù lại Mac 4100 được cấu thành từ những linh kiện chọn lọc, thiết kế mang đậm nét McIntosh đẹp mắt nên vẫn trở thành đối thủ đáng gờm và được kính nể. Mac 4100 kiểm soát tiếng bass chặt chẽ, tiếng mid và treble dịu dàng. Trong một cuộc thăm dò ý kiến mới đây, khi được hỏi "nếu phải chọn một receiver duy nhất bạn sẽ chọn sản phẩm nào" nhiều người đã không ngần ngại đưa ra câu trả lời: McIntosh MC 4100.
Thông số kỹ thuật được hãng công bố: Công suất 75 Watt mỗi kênh (8 Ohm), tổng méo hài < 0,05%, đáp ứng tần số 20 Hz - 20 KHz. Tần số bắt sóng FM: 87,5 - 109 MHz; AM: 540 - 1600 KHz.
Setton RS 660 lịch lãm
Setton RS 660 có xuất xứ từ Pháp. Setton có xuất xứ từ Pháp, thiết kế bởi Pierre Cardin, vì vậy ngoại thất mang dáng vẻ thanh lịch và kiêu kỳ. Dòng receiver của hãng rất ít ỏi chỉ gồm 3 nhánh: RS-220, RS-440 và đỉnh cao là Setton RS-660. Xuất sưởng năm 1977 có giá chào bán 900 USD, nó thuộc hàng receiver đắt nhất cuối thập niên 70. Âm thanh Setton RS-660 thể hiện cá tính của người Pháp: mềm mại, chi tiết và đầy đặn. Mặt trước máy thiết kế trang nhã bắt mắt, bao gồm hiện thị trạng thái an toàn khi vận hành: boá nhiệt độ transistor cao, tải loa gặp trục trặc… (sản phẩm đồng hạng không có chức năng này).
Thông số kỹ thuật được hãng công bố: Công suất 100 Watt mỗi kênh (8 Ohm). Năm sản xuất: 1977 - 1981.
Tandberg 2080
Tandberg 2080 được sản xuất năm 1978. Tandberg 2080 được sản xuất tại Na Uy năm 1978 là một sản phẩm tên tuổi của hãng Tandberg. Điểm đặc biệt của thiết bị là có thể sử dụng như một pre-ampli bởi nó thiết kế trang bị cổng pre-out. Máy thiết kế giao diện giắc nhiều chân tăm (DIN – theo tiêu chuẩn Đức) cho đầu đĩa than (Phono), đầu cassette (Tape), thêm nữa có cả giắc RCA nên có khả năng kết nối các thiết bị nguồn âm hiện đại. Mặt kính sáng bóng đi cùng lớp vỏ gỗ hồng mộc tạo nét quyến rũ cho TR 2080. Sân khấu âm thanh Tandberg TR 2080 được đánh giá là một trong những receiver cổ hay nhất mặc dù công suất 95 Watt mỗi kênh, khiêm tốn so với các sản phẩm Nhật Bản.
Thông số kỹ thuật được hãng công bố: Công suất 95 Watt mỗi kênh (8 Ohm), tổng méo hài < 0,05% (THD), đáp ứng tần số 6 Hz - 80 KHz. Tần số bắt sóng FM: 87,5 - 108 MHz; AM: 518 - 1600 KHz.
Theo Sohoa