Hòa mạng di động cuối năm: Nhiều lựa chọn, lắm đắn đo!
Sáu mạng di động VinaPhone, MobiPhone, Viettel, S-Fone, E-Mobile và HT Mobile đang đua nhau tăng tốc cho thời điểm cuối năm, dịp "chật ních" các ngày lễ Noel, Tết tây, rồi Tết ta. Trong cơn lốc đó, khách hàng đang ở vào tình thế "ù tai hoa mắt" khi ''chọn mặt gửi vàng''....
Cước di động ngày càng phải chăng và bình dân. Ảnh: Quantrimang.
Trào lưu "nhân tài khoản khi mua sim mới"
Đua nhau tặng không Sim, rồi nhân đôi, và nhân ba tài khoản cho thuê bao mới hòa mạng là chiêu thức được duy trì đồng loạt của tất cả các mạng di động hiện nay. Thời gian này, với MobiFone, thuê bao trả trước nạp tiền từ 50.000 đồng trở lên đã được tặng tới 21% giá trị nạp tiền, còn thuê bao trả sau hoà mạng mới, được tặng 93.000 đồng và 66.000 đồng cước thuê bao.
Tương tự như vậy, Viettel Mobile lại chào đón thuê bao mới nhân dịp Giáng sinh với chiêu thức nhân đôi tài khoản và biếu không cước thuê bao từ ngay đầu tháng... 11 và kéo dài cho đến quá Tết dương lịch. Trong khi đó, VinaPhone ưu ái tới mức ngay cả người giới thiệu thêm ''đối tác'' hòa mạng mới cũng sẽ được tặng tiền và ngày sử dụng vào tài khoản. Chưa kể, EVN Telecom và HT Mobile cũng đang tăng cường ưu đãi khách hàng ngay khi mới vừa ra mắt mạng mới trong năm nay.
Thống kê cho thấy, khi VinaPhone đưa ra chương trình khuyến mãi "Thêm bạn, thêm vui", con số thuê bao nhập mạng mới lên đến 24.000 thuê bao mới/ngày. Trong những đợt khuyến mãi, Viettel Mobile và MobiFone cũng đạt khoảng 12.000 - 17.000 thuê bao mới mỗi ngày. Vào thời điểm cao trào khuyến mãi của các mạng di động, toàn thị trường đã vọt lên con số khoảng 50.000 thuê bao/ngày.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi kết thúc thời hạn khuyến mãi, các thuê bao ''tạm'' này sẽ lần lượt ''ra đi''. Kết quả là thuê bao ảo tăng đột biến, chất lượng dịch vụ suy giảm. Và người tiêu dùng chủ yếu mua sim mới, thay vì mua thẻ nạp tiền, tiếp tục duy trì số ĐT cũ... Sự lựa chọn mạng di động khuyến mãi rầm rộ cũng chưa phải là đích đến cuối cùng của người sử dụng.
Thực trạng "Cước giảm, chất lượng giảm"
"Thượng đế" hiện đang có rất nhiều lựa chọn với mức cước ngày càng ''phải chăng, bình dân'' của các mạng di động. Nếu như trước đây, người ta phải hạn chế rất nhiều mỗi khi muốn liên lạc bằng ĐTDĐ do cước sử dụng quá cao thì ngày nay, cước chỉ còn tính bằng ''tiền lẻ''. Với ưu thế của người đi sau, các mạng mới S-Fone, E Mobile và HT Mobile liên tục tiến hành các đợt giảm cước tới mức sàn nhằm thu hút thuê bao.
Đứng trước làn sóng này, VinaPhone và MobiFone cũng không thể ''làm ngơ'' như trước, nếu không muốn mất dần khách hàng và tụt hậu. Đặc biệt, việc Bộ BCVT cho phép hai mạng lớn này được tính cước theo block 6s+1 từ ngày 1/6 năm nay càng khiến cho cuộc đua giảm cước di động giữa các mạng càng thêm ''nóng''.
Điển hình cho trường hợp hạ giá tới ''chóng mặt'' là S-Fone. Gồng sức phát triển thuê bao mới, mạng 095 trong năm nay lại tiếp tục phải đương đầu với hai đối thủ nặng ký ''đồng công nghệ'' CDMA là HT Mobile và E-Mobile (EVNTelecom). Mạng di động CDMA đầu tiên này đã dùng hết tuyệt chiêu tặng máy, giảm cước, miễn phí ''toàn phần'' và mới đây nhất là tung ra gói cước Smile.
Ban lãnh đạo mạng này cho biết: ''Ngay cả việc trình làng hai dịch vụ xem truyền hình và nghe nhạc trên di động mới cung cấp cũng chưa thể thu hút được nhiều thuê bao 095 là mấy! Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục duy trì biện pháp cạnh tranh là tung ra các gói cước đại hạ giá.'' Chỉ có điều, khi tất cả các mạng đều áp dụng chiêu thức hạ giá và thị trường trở nên bão hòa, người sử dụng dịch vụ sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng ''giá rẻ nhất nhưng chất lượng thì chưa chắc đã tốt nhất''.
Phân tích về hiện tượng này, thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng cho rằng: ''Tất nhiên, khi doanh nghiệp mới vào thị trường bao giờ cũng khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới. Để phát triển mạng, họ phải đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bằng mọi giá, doanh nghiệp mới phát triển thuê bao mà quên chất lượng.
Ví dụ điển hình đã từng xảy ra là tình trạng mạng di động khuyến mại ồ ạt, gây ảnh hưởng đến chất lượng.Trước mắt, người tiêu dùng có thể dùng vì rẻ nhưng thời gian sau, khi thấy chất lượng không tốt, họ sẽ chuyển ngay sang mạng khác. Nếu doanh nghiệp đưa ra chính sách không đúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích doanh nghiệp...Bản thân nhà cung cấp dịch vụ nên nhìn lợi ích lâu dài chứ không chỉ trông vào lợi ích cục bộ''.
''Người đi, kẻ ở''
Xu thế tất yếu của quá trình cạnh tranh sẽ là quy luật đào thải: mạng di động yếu kém sẽ bị loại bỏ, và trụ lại trên thị trường là các doanh nghiệp được người sử dụng chấp nhận. Thị trường viễn thông VN đang dần hội nhập với viễn thông quốc tế, sau khi gia nhập WTO.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, ''Vì chủ yếu là các DN Nhà nước nên khi gia nhập WTO, tâm lý chung là sẽ lo ngại. Đồng thời, có thêm nhà cung cấp nước ngoài thì thị trường trong nước càng khó khăn hơn. Vấn đề là ở chỗ nhà cung cấp nào vượt qua được những khó khăn đó để hoạt động. Khi cạnh tranh, sẽ có nhà cung cấp phải rút khỏi cuộc chơi, và khi họ rút lui, sẽ để hạ tầng VT cho người ở lại.
Tuy nhiên, việc tham gia WTO cũng có những tác động tích cực khác. Kinh nghiệm cho thấy rằng, nước láng giềng Trung Quốc đã dùng WTO làm cú huých bắt buộc các DN phải cạnh tranh - động lực cho các DN vốn chỉ quen ''nước đến chân mới nhảy''. Với VN, khi các doanh nghiệp đã tạo dựng cho mình thương hiệu, có hạ tầng tốt, đối tác sẽ sẵn sàng hợp tác với mình. Bạn hơn ta ở tư duy logic, makerting và quản lý, trong khi ''mình'' lại có con người, hạ tầng và văn hóa VN.''
Theo đánh giá, thị trường thông tin di động của Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường nhiều tiềm năng nhất thế giới bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế theo dự đoán tiếp tục đạt ở mức cao, trong khi mật độ thuê bao/dân số còn thấp. Đến thời điểm này, khi sắp cận kề năm mới 2007, VinaPhone công bố tổng thuê bao thực đạt 5 triệu, còn MobiFone gần tới ngưỡng 7 triệu thuê bao (theo cách tính cả thuê bao ảo).
Viettel công bố 6,5 triệu thuê bao; S-Fone với 1,1 triệu thuê bao, và E-Mobile với hơn 80.000 thuê bao di động. Tuy nhiên, theo thống kê từ phía Bộ BCVT, trong năm nay, tính theo lượng thuê bao thực, VN mới có khoảng 15 triệu thuê bao di động, và đến năm 2010, con số này sẽ lên từ 36 đến 45 triệu thuê bao.
Với lượng thuê bao đáng kể như vậy, rõ ràng người tiêu dùng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định chất lượng mạng di động và quyết định nhà cung cấp nào sẽ tiếp tục đứng vững trên thị trường.
Hoàng Hùng (VNN)