Dùng chung hạ tầng các mạng di động: Tại sao không?
Đánh giá về thị trường viễn thông di động năm 2007, nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì đối đầu, tranh chấp, các DN trong nước sẽ đối thoại, ’’bắt tay’’ với nhau để xây dựng hạ tầng mạng đủ mạnh, cạnh tranh với quốc tế...
Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá dự báo, trong 5 năm tới, khi đã phát triển hạ tầng riêng đủ mạnh, các mạng di động sẽ hướng đến việc dùng chung hạ tầng.
Một trong những động thái tích cực là hợp tác triển khai hạ tầng mạng chung giữa các "ông alô", thay vì mỗi nhà ’’chạy’’ theo một kiểu khác nhau. Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá nhận định rằng: ’’Bộ luôn khuyến nghị các doanh nghiệp viễn thông nên sử dụng chung hạ tầng. Các loại thông tin di động dù GSM và CDMA đều gọi mạng lưới BTS là mạng tổ ong (cell). Các doanh nghiệp cần phải phối hợp để phủ kín mạng tổ ong này trên toàn quốc.
Vì vậy, cũng có chỗ cần phối hợp, và không cần phối hợp. Sau khi quan sát quy hoạch mạng, nếu vị trí trùng nhau, cách nhau vài trăm mét, thì nên lắp đặt cùng trạm phát sóng để tiết kiệm chi phí. Các DN có thể thỏa thuận để lắp đặt chung antena trên một cột (vì tần số khác nhau nên không ảnh hưởng đến nhau).
Thực ra, về đầu tư công nghệ, hạ tầng viễn thông hiện nay đã thực hiện được việc chia sẻ hạ tầng. Ví như mạng thông minh IN đáp ứng được sự roaming, cả với thuê bao trả trước, cả quốc tế. Tuy nhiên, điều kiện để cho các DN. Nếu chỉ dựa vào hạ tầng DN khác, thì chỉ phát triển được ít thuê bao.’’
Bộ trưởng cũng cho biết: ’’Như vậy sẽ thuận lợi nhất. Nhìn tổng thế, các DN nên nhìn theo quy hoạch chung của quốc gia, Cả nước sẽ là một tổ ong lớn, mỗi lỗ của tổ ong đó, là cột bất kỳ của DN nào.’’
Mới đây, Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã có đề xuất: ’’Trong năm 2007, Bộ BCVT nên chính thức hoá đưa vào chương trình hành động việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Để minh họa cụ thể, ông Hùng cũng ví dụ: ’’các công ty di động khi phủ trong các tòa nhà vẫn chưa hợp tác với nhau. Trong các nhà cao tầng, nếu một DN ’’vào’’ trước rồi, chủ toà nhà không cho DN khác vào nữa; và nhiều công ty đi trước chưa có thoả thuận về chia sẻ cơ sở hạ tầng trong toà nhà với công ty đi sau.’’
Hậu quả là hàng loạt thuê bao của các mạng di động, và cả mạng ĐT cố định đều ’’ngoài vùng phủ sóng’’, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chính những người đang làm việc trong tòa nhà đó, nếu chưa muốn nói là các đối tác, hoặc khách đến giao dịch làm ăn...
Trong khi đó, việc phủ sóng ở các toà nhà lớn rất đắt, đến hàng trăm nghìn đôla, nếu chỉ riêng một doanh nghiệp triển khai chắc chắn sẽ rất khó khăn. Nhiều công ty vẫn chấp nhận giá cao mà chưa sẵn sàng hợp tác với các DN khác.
Dùng chung hạ tầng theo thỏa thuận kinh tế
Chỉ tính riêng trong năm 2007, Viettel Mobile sẽ lắp thêm 2.000 trạm BTS, nâng số trạm BTS của Viettel Mobile lên 5.000 trạm. Tại hội nghị triển khai kế hoạch trong năm, VNPT cũng giao chỉ tiêu cho hai mạng di động VinaPhone và MobiFone phải phát triển ’’gấp’’ 3.000 trạm BTS/mạng.
Như vậy, nếu tính riêng cơ sở hạ tầng mạng di động công nghệ GSM, trong năm nay, tổng số trạm BTS lên tới 15.000 trạm BTS trên phạm vi toàn quốc. Số lượng lớn là vậy, nhưng việc thuê bao ’’ngoài vùng phủ sóng’’ vẫn thường xuyên diễn ra. Chỉ cần các mạng ’’chịu’’ roaming, hỗ trợ nhau (như Vina, Mobi đã từng làm tại một số địa phương), người sử dụng sẽ được đảm bảo về chất lượng mạng lưới cũng như thông suốt liên lạc.
Cụ thể, mới có hai mạng VinaPhone và MobiFone đã roaming vùng phủ sóng trên toàn quốc, chỉ trừ những tỉnh, thành phố có dung lượng cuộc gọi lớn để cạnh tranh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn.
Chung ý tưởng với ông Hùng, ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc công ty Thông tin di động VMS - MobiFone cho biết: ’’Gần đây sự hợp tác giữa các mạng rất tốt. Trong những ưu tiên về đầu tư thì hợp tác kết nối giữa các mạng di động và cố định là rất tốt.’’
Hiện tại, các DN đang đề xuất lên Bộ BCVT đưa ra biện pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan nhằm cho phép triển khai song song ít nhất là hai hệ thống kỹ thuật: GSM hoặc CDMA. Như vậy, khi chủ đầu tư xây dựng hệ thống liên lạc cho phép một trong hai hệ thống này, thì sẽ có ít nhất 3 mạng di động có thể hoạt động bên trong...
Trong năm qua, dấu ấn ’’đối thoại’’ của các mạng di động được thể hiện bằng việc ký kết hợp đồng kinh tế kết nối, thay cho cơ chế hành chính ’’xin, cho’’. Vậy thì trong năm nay, chắc chắn quá trình hợp tác sẽ bắt đầu bằng việc các doanh nghiệp, thay vì bỏ ’’tiền tấn’’ ra xây dựng hạ tầng, sẽ ngồi lại với ’’đối thủ’’, để chung lưng mở rộng mạng lưới, với chi phí thấp nhất.
Trên thực tế, các DN viễn thông đã chủ động quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển mạng, ví như việc trao đổi cáp quang, trao đổi sợi. Hiện tại, VinaPhone và MobiFone (cùng trực thuộc một cơ quan chủ quản là Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT) đã thực hiện roaming với nhau. Viettel sử dụng chung trạm BTS với S-Fone và trao đổi 3 tuyến cáp đi các tỉnh với VTN; VNPT cũng có hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối và dùng chung hạ tầng với Viettel.
Về phía mạng di động lớn là VinaPhone, nhiều thuê bao cho rằng, khi sử dụng chung hạ tầng, mạng này sẽ chịu ’’thiệt thòi hơn’’ so với những đàn em khác. Trả lời về thông tin này, đại diện VinaPhone cũng khẳng định rằng: ’’Việc chia sẻ, sở hữu chung hạ tầng mạng là động thái tất yếu sẽ phải thực hiện giữa các mạng di động trong nước. Và sẽ đến lúc, hạ tầng này không còn là của mạng nào, mà sẽ là tài nguyên quốc gia. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hợp tác theo thỏa thuận kinh tế với các mạng khác, kể cả không cùng Tập đoàn.’’
Chung nhưng vẫn giữ lại...’’vốn riêng’’
Trong tương lai, các thuê bao di động nội địa sẽ có thể dùng sóng roaming liên mạng. Tuy nhiên, theo ý kiến từ phía chuyên gia Bộ BCVT, việc chia sẻ hoặc dùng chung các trạm phát sóng BTS là rất khó, vì mỗi đặc tính kỹ thuật, vị trí, cũng như độ cao của các trạm này thường do doanh nghiệp sở hữu tự quy định. Các doanh nghiệp khác thường khó tác động nên việc sở hữu chung là khó thể xảy ra.
Trong những trường hợp bắt buộc và khẩn cấp liên quan đến mục đích sử dụng chung phục vụ cho lợi ích quốc gia như: chống bão lụt, hay roaming phục vụ an toàn thông tin đất nước, đảm bảo liên lạc cho mạng lưới... thì Bộ sẽ có chỉ đạo cho các DN sử dụng dung hạ tầng của nhau. Và đây sẽ là công tác đòi hỏi sự thống nhất, và đồng bộ cao.
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của thế giới, việc dùng chung hạ tầng mạng hoặc ’’chia sẻ sóng’’ di động cũng phụ thuộc phần lớn vào thiết bị phần cuối của người sử dụng. Tại nhiều nước tiên tiến, điện thoại cho phép chuyển từ công nghệ GSM sang CDMA và ngược lại đồng thời cho phép các thuê bao dùng nhiều sim trong một máy, với các mạng di động khác nhau. Như thế, chiếc điện thoại di động luôn được ’’roaming’’, và không sợ bị ’’tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng’’ tại bất cứ nơi đâu.
Mới đây, khi trả lời câu hỏi về thời gian thích hợp thực hiện việc dùng chung hạ tầng cho các mạng di động, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cũng đã dự báo: ’’Tôi dự đoán khoảng 5 năm nữa các mạng di động sẽ sử dụng chung hạ tầng. Khi đó, ta cũng sẽ mở cửa cho quốc tế. Khi sự phát triển ĐT trở nên bão hòa, không còn sự cạnh tranh về mặt thu hút khách hàng mới, nếu chúng ta tổ chức roaming, khách hàng sẽ được sử dụng mạng với vùng phủ sóng tốt nhất. Nhà khai thác này có thể mượn sóng của nhà khai thác kia, vì không sợ mất doanh thu của mình.’’
Vốn riêng của từng mạng sẽ là chất lượng dịch vụ, giá trị của các dịch vụ gia tăng...Vấn đề là đặt trên nền móng hạ tầng chung đó, các mạng di động thay vì chạy theo trào lưu khuyến mại, hút khách mà đầu tư vào mạng lưới theo hướng liên kết với đối tác, thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích bền lâu, và yên tâm ’’không rời mạng’’.
(VIETNAMNET.VN)