• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

CÁC TIN TỨC THỜI SỰ HÀNG NGÀY NGOÀI XÃ HỘI!!!

Status
Không mở trả lời sau này.
Xe máy chưa hẳn là nguyên nhân gây ùn tắc​

Lập luận cho rằng xe gắn máy là thủ phạm chính gây nên cảnh tắc nghẽn giao thông hiện nay không phải luôn luôn đúng. Nghiên cứu của các nhà khoa học mới đây khẳng định, hạn chế xe máy và thay bằng ôtô sẽ làm tình trạng thêm nghiêm trọng.

"Trong một giờ, một dòng xe có 11 nghìn xe máy sẽ chở được hơn 12,5 nghìn người qua vạch dừng của một đường rộng 3,5 m. Giả sử thay thế phân nửa số xe máy bằng ôtô (với tỷ lệ trung bình xe máy chở 1,14 người, ôtô 1,6 người) thì số người qua vạch chỉ còn gần 8,6 nghìn", nhóm chuyên gia gồm ông Nguyễn Quốc Hiển - Frank Montgomery - Paul Timms (Vương quốc Anh) cho biết.

Trong Hội thảo Giải pháp phát triển giao thông tại các nước đang phát triển (CODATU lần thứ 13) chiều 12/11, tại TP HCM, nhóm chuyên gia này đã đưa ra kết quả gần như lật ngược với những ý kiến cho rằng sự gia tăng chóng mặt số lượng xe máy là nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật Đại học Bách Khoa TP HCM nêu lên thực trạng, các thành phố lớn tại Việt Nam cũng không thoát khỏi ùn tắc nếu như đường phố toàn ôtô và không có xe máy.

Theo nhiều đại biểu, cốt lõi của phát triển giao thông đô thị hiện nay của Việt Nam là hạn chế xe cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Cũng với nghiên cứu trên, nếu chuyển đổi việc di chuyển 5.500 xe máy bằng 691 xe buýt (mỗi xe chở 10 hành khách), dòng giao thông sẽ chở được hơn 13 nghìn người qua vạch dừng. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho tiện ích giao thông cộng cộng.

"Hệ thống giao thông công cộng hiện chỉ đáp ứng 5 tới 7% nhu cầu của người dân, điều này dẫn tới sự ách tắc thường xuyên tại tất cả các nút giao tại Sài Gòn. Vì thế, việc phát triển xe buýt là không thể thiếu trong giai đoạn từ nay đến 2015 và sau đó kết hợp với hệ thống metro, monorail... mới thực sự có ý nghĩa với TP HCM", ông Mai khẳng định.

Theo ông Mai, năm 2010 nhu cầu đi lại bằng giao thông công cộng của TP HCM sẽ lên đến 16 triệu lượt người một ngày, năm 2015 là 20 triệu trong khi tuyến metro đầu tiên đến năm 2014 mới có. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi, biện pháp tốt nhất là hoàn thiện mạng lưới tuyến hiện hữu và đưa vào sử dụng loại xe buýt nhanh BRT (năng suất lớn, chi phí thấp, chỉ 12-18 tháng là hoàn thành).

Các đại biểu cũng lưu ý bên cạnh ưu tiên phát triển xe công cộng, không chỉ riêng TP HCM mà Việt Nam còn nhiều vấn đề phải làm nếu muốn phát triển đô thị một cách bền vững.

Chuyên gia giao thông đến từ Pháp, ông Bernard Rivalta và David Margonstern nhấn mạnh, trong tương lai để không xảy ra sự chồng chéo, mất hiệu quả, các thành phố lớn phải có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm phối hợp và đưa ra những mức vé phù hợp ở tất cả các loại hình vận tải công cộng như metro, xe điện mặt đất…

Đồng thời, phải huy động những thành phần kinh tế đóng góp vào việc phát triển giao thông (như đề ra một loại thuế thông minh), ở Pháp 35-37% chi phí phát triển giao thông có được từ những nguồn này.

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Anh Đức thuộc Đại học Kiến trúc TP HCM nêu quan điểm về sự bất hợp lý giữa phát triển hạ tầng giao thông và nhà ở đang là khó khăn của các thành phố lớn.

“Đặc biệt, 6 vấn đề về quản lý như: đất đô thị, môi trường, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở, dịch vụ xã hội, phát triển kinh tế hầu như chưa được nghiên cứu trong mối quan hệ gắn kết với nhau để một thành phố phát triển là một bài toán nan giải”, ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP HCM nêu thực trạng.
 
Người Mỹ phát sốt vì lễ nhậm chức tổng thống​

Các hãng hàng không đang tăng giá vé, khách sạn không nhận đặt phòng nữa, văn phòng của các nghị sĩ ngập trong những yêu cầu xin vé dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Barack Obama. Những điều đó cũng không khiến công chúng nản lòng.

Họ vẫn quyết tâm đến chứng kiến thời khắc nước Mỹ lần đầu tiên có một tổng thống người da màu. Ước tính 1,5 triệu người sẽ hiện diện ở buổi lễ này, gấp 3 lần số người tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Bush năm 2005, giám đốc cơ quan du lịch của Washington D.C. cho biết.

Tại Chicago, rất nhiều người đang náo nức chuẩn bị cho kế hoạch ngày 20/1 của mình. Anh Keith Chambers và vợ đã đặt 6 phòng khách sạn ở thủ đô, và mua xong vé máy bay. Anh đặt phòng ngay sau đại hội đảng Dân chủ hồi tháng 8.

"Tôi biết Obama sẽ thắng", anh nói. "Không gì có thể ngăn ông ấy giành chiến thắng. Vợ chồng tôi tin chắc như thế. Chúng tôi chưa bao giờ nghi ngờ điều đó".

Ngay sau ngày bầu cử, Chambers đã vận động để kiếm vé đến dự lễ nhậm chức và các sự kiện liên quan. Đến nay, gia đình và họ hàng anh đã chắc chắn ở hết bốn phòng khách sạn ở Washington D.C., nhưng Chambers vẫn giữ hai phòng kia đề phòng những người bạn anh có thể cần đến.

"Tôi chẳng ngại nếu không vào được đến nơi, hoặc thậm chí phải đứng cách xa đến 10 dặm", Chambers nói. "Tôi phải được tận mắt chứng kiến thời khắc đó".

Còn bà Barbara Hill, hiệu trưởng trường trung học Dunbar trong thành phố, đang vận động quyên tiền để đưa một nhóm học sinh đến chứng kiến lễ nhậm chức của tân tổng thống.

"Đó là thời khắc lịch sử có một không hai", bà Hill nói và cho biết thêm rằng bà hy vọng ban nhạc của trường có thể tham gia vào cuộc diễu hành sau lễ nhậm chức. "Chúng tôi tự hào về Obama. Ông ấy người Chicago, người miền nam. Chúng tôi muốn là một phần của sự kiện trọng đại này".

Một hãng du lịch ở Chicago đã nhanh chóng tung ra tour du lịch trọn gói lên thủ đô giá 1.300 USD, và nhanh chóng bán hết. Giá vé máy bay đến Washington DC và trở về trong những ngày cận kề 20/1 đang được rao bán từ 436 USD đến 1.222 USD cho hạng phổ thông. Trong khi đó, cũng hành trình này mà sớm hơn một tuần, giá vé chỉ 200 USD.

Có vé máy bay rồi cũng khó mà tìm được chỗ ở. Tòan bộ 95.000 phòng khách sạn ở khu vực Washington đang nhanh chóng được đặt, một số khách sạn đã đầy ắp. Một số người phải đặt phòng ở những khu vực rất xa. Trên mạng, nhiều người rao cho thuê căn hộ với giá 10.000 USD cho một tuần vào thời gian tổng thống mới nhậm chức.

Rồi còn chuyện vé mời nữa. Văn phòng của hạ nghị sĩ Jesse Jackson Jr. của bang Illinois lập một trang web để nhận yêu cầu về vé của cử tri, nhưng nó ngay lập tức bị tắc. Trong số những người xin vé có nhiều cựu thị trưởng và lãnh đạo chính quyền.

Văn phòng của hạ nghị sĩ Bobby Rush cho biết họ đang chìm ngập trong những cuộc điện thoại của người xin vé, đến mức ông phải ra thông báo rằng văn phòng chẳng có chiếc vé nào để phân phát. Nghị sĩ sẽ chỉ nhận được một lượng vé có hạn một tuần trước khi lễ nhậm chức diễn ra. "Tôi nói với các cử tri rằng họ cần cân nhắc điều đó khi định đi lên thủ đô", ông kể.
Nhưng các cử tri của ông nhất quyết sẽ đi, dù có hay không có vé. Bác sĩ Renee Matthews ở Bronzeville đã thông báo với họ hàng ở Washington D.C. chuẩn bị đón nhiều khách vào tháng giêng. Cha mẹ cô sẽ lái xe từ Michigan đến, em gái cô và hai người bạn nữa sẽ bắt tàu hỏa từ New Jersey và New York.

"Tôi không thể bỏ lỡ sự kiện này", Matthew sốt sắng. "Đây là lần đầu tiên có một tổng thống Mỹ gốc Phi... Ôi, tôi không thể bỏ lỡ được".
 
Người Sài Gòn bất ngờ trước đỉnh triều lịch sử
Không quá lạ cảnh ngập lụt do triều cường, song, nhiều cư dân TP HCM vẫn cảm thấy bất ngờ trước sự dâng cao của con nước chiều tối 13/11. Nhiều khu vực trung tâm thành phố chưa bao giờ ngập, nay cũng bị nước tấn công.

"Không thể tin nước có thể dâng cao như thế; Từ mấy mươi năm nay, con đường này chưa bao giờ bị ngập, thế mà hôm nay nước đã vào nhà". Đó là những câu nói được rất nhiều người Sài Gòn than thở trong chiều 13/11, khi mà mực nước từ các miệng cống cứ đen ngòm, hôi thối, chui lên.
Nước tràn bờ sông chảy thẳng ra đường Nguyễn Văn Luông, quận 6. Ảnh: Thiên Chương.

Từ 14h30, triều đã bắt đầu dâng tại hầu hết tuyến đường ven sông tại quận 6, 8, Bình Thạnh, 12, Thủ Đức...

15h, tất cả các con hẻm dọc tuyến quốc lộ 1A, quận 12, ngập trong nước. Một số nơi, nước vượt bờ tràn vào nhà dân khiến nhiều người hoảng loạn.

Phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, rạch Đúc Nhỏ đe dọa tràn bờ. Người dân buộc phải đem cừ tràm ra gia cố. Đến 18h, việc đắp cát gia cố các vị trí xung yếu vẫn diễn ra, tuy nhiên đường Kha Vạn Cân đã đầy nước, mực nước cao gần tới yên xe.

18h30, nhiều khu vực trũng thấp khác của thành phố bắt đầu bị ngập sâu. Khu vực Thanh Đa, phường 26, 27, (quận Bình Thạnh), dù các trạm bơm đã chạy hết công suất nhưng vẫn không làm vơi được biển nước.

19h, người dân sống ở những nơi vốn đã quen với cảnh ngập nước vì triều cường như tuyến đường Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy (quận 8), Nguyễn Văn Luông (quận 6), tỏ ra bất ngờ trước con nước hung dữ cứ dâng cao từng phút. Ghi nhận của VnExpress.net, nhiều điểm nằm trên tuyến đường này đã bị ngập gần 70cm

"Dù đã chuẩn bị tinh thần dọn dẹp đồ đạc trong nhà do sáng 13/11 triều lên khá cao, nhưng chúng tôi không ngờ, chiều tối cùng ngày, nước còn dâng cao hơn", ngồi xổm trên ghế, anh Hiệp, ngụ tại đường Phạm Thế Hiển, quận 8, nói. Tại con đường này, nước ngập kéo dài hơn 2 km, khiến xe tắt máy hàng loạt. Giao thông ngừng trệ, hàng đoàn người đi xe máy phải đứng đợi nước rút.

Không chỉ tấn công khu vực ngoại thành ven sông, triều cường còn đe dọa các quận nội thành vốn ít bị ngập úng. Một số hộ dân sinh sống tại đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, cho biết, từ 40 năm nay, đây là lần đầu tiên con đường trước nhà họ bị ngập do triều cường. Nhiều hộ dân sống tại đường Nguyễn Trãi, cùng quận, cũng hết sức ngạc nhiên vì lần đầu tiên họ thấy, triều "liếm" miệng cống.

Tuyến Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận đoạn gần cầu Kiệu như bị biến thành sông, nhiều người ngán ngẫm khi buộc phải dắt bộ trong dòng nước sông hôi thối. Nạn kẹt xe cục bộ cũng diễn ra khi mọi người thi nhau tránh nước bằng cách đi lên lề. Riêng đường Điện Biên Phủ, đường D2 (quận Bình Thạnh)... nước ngập cũng dâng từ đường vào hẻm, tràn cả vào nhà dân, khiến việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Theo nhận định của một số người dân sống tại đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8 và phường Hiệp Bình Phước - Thủ Đức, tốc độ triều dâng trong đợt này khá chậm, tuy nhiên đỉnh triều lại cao nhất từ trước đến nay.

Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão TP HCM, cho biết, chỉ riêng đợt triều sáng nay, toàn thành phố đã vỡ 13 đoạn đê bao với chiều dài 39 m, 32 đoạn tràn bờ (dài 3.186m), ảnh hưởng nặng nề nhất là quận 12 và Thủ Đức.

Còn theo ông Trần Văn Tấn - Chủ tịch phường An Phú Đông, quận 12, trong hai ngày qua, triều cường đã gây thiệt hại khoảng 50 ha hoa màu, cây cảnh, tràn bờ một số khu vực.

Theo Chi cục Thủy lợi TP HCM, ngày 14/11 triều vẫn còn ở mức 1,51m (thấp hơn ngày 13/11 0,01 m), sau đó sẽ xuống ở mức 1,47 m; 1,44 m và 1,38 m vào các ngày tiếp theo.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vị trí tâm đợt áp thấp nhiệt đới ở biển Đông đang cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 330 km về phía Đông. Trong 24h tới, áp thấp di chuyển theo hướng Tây, đợt áp thấp này được cảnh báo sẽ gây bất lợi cho TP HCM do sẽ có mưa lớn.

Như vậy trong những ngày tới Sài Gòn vẫn bị đe dọa bởi tình trạng ngập nước.
 
Nhập đồ giả hàng hiệu tuồn vào khu mua sắm Sài Gòn

Hàng ngàn bộ quần áo thể thao giả nhãn hiệu các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới như Jacket, Nike...được đội quản lý thị trường phát hiện sáng 13/11 tại căn hộ trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Tất cả lô hàng đều không in địa chỉ sản xuất nhưng lại được gắn các nhãn mác nước ngoài. Đại diện của hãng thời trang thể thao Nike đặt tại Việt Nam đã xác nhận với Đội quản lý thị trường quận Bình Thạnh, số hàng trên là giả.

Ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường quận Bình Thạnh cho biết, chủ của số hàng nói trên là bà Minh Châu. Tại thời điểm kiểm tra, bà Châu đã không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoá đơn, chứng từ của lô hàng.

Bà Châu khai nhận, toàn bộ số hàng trên là bà thu mua từ nguồn hàng trôi nổi trên thị trường với giá từ 100- 110 USD/cái. Sau khi thu gom đủ các mặt hàng, bà Châu đem trưng bày bán cho khách thích hàng hiệu tại khu mua sắm Saigon (quận 1).

Sau khi lập biên bản, toàn bộ số hàng trên đã bị tịch thu, niêm phong.
 
Sàn vàng báo nhầm mức phí, nhà đầu tư khiếu nại​

Mức phí rút vàng mặt tại sàn Phố Wall đột ngột được nâng từ 40.000 đồng lên 500.000 đồng, rồi vài giờ sau đưa về 50.000 đồng cùng dòng chữ xin lỗi vì nhầm lẫn trên bảng điện tử. Sự việc khiến nhiều nhà đầu tư nổi nóng.

Chiều 13/11, hơn 4 giờ sau "sự cố" về mức phí rút vàng mặt tại điểm nhận lệnh của Công ty CP Vàng Phố Wall tại Công ty chứng khoán VNS trên phố Đào Duy Anh (Hà Nội), nhiều nhà đầu tư vẫn tập trung để bày tỏ bức xúc.

Ông An Phương, đại diện những nhà đầu tư, cho hay, vào 9h sáng, sau khi phiên giao dịch bắt đầu được một giờ, bảng điện tử hiển thị dòng chữ "mức phí rút vàng mặt là 500.000 đồng/lượng, áp dụng từ 13/11/2008". Trước khi có thông báo này, mức phí là 40.000 đồng mỗi lượng (áp dụng từ ngày 7/8).

Sau khi thấy có thông báo mức phí mới, các nhà đầu tư lập tức bán hàng ra, nhằm tránh thua lỗ. Khác với một vài sàn vàng khác có mức giá giao dịch sát với quy đổi từ thị trường thế giới, nhà đầu tư tại sàn vàng Phố Wall lấy quy chiếu là giá vàng vật chất tại thị trường trong nước để tính giá khớp lệnh. Cụ thể, họ lấy giá vàng vật chất trừ đi mức phí rút vàng, để xác định giá giao dịch. Ví dụ, khi giá vàng trên thị trường tự do Hà Nội là 16,50 triệu đồng mỗi lượng, thì giá khớp lệnh có thể ở mức 16,55 triệu đồng.

Với giá vàng miếng trên thị trường Hà Nội sáng 13/11 là 16,5 triệu đồng mỗi lượng, khi mức phí tăng mạnh lên 500.000 đồng, nhà đầu tư phải bán ra với mức 16 triệu đồng. Nếu không, họ sẽ tiếp tục thua lỗ khi giá giảm thêm. Do nhiều người vội vàng bán ra, trong vòng một giờ sáng 13/11, giá trên toàn sàn đã giảm từ 16,505 triệu đồng mỗi lượng xuống 16,4 triệu đồng.

Một số nhà đầu tư cũng đến trụ sở của Công ty CP Vàng Phố Wall tại phố Lê Phụng Hiểu khiếu nại về việc mức phí được nâng lên quá nhanh. Đến 10h30, bảng điện tử tại điểm nhận lệnh xuất hiện dòng chữ "đính chính" của sàn vàng, trong đó cho hay mức phí rút vàng là 50.000 đồng mỗi lượng, đồng thời xin lỗi nhà đầu tư về sự nhầm lẫn.

Theo nhà đầu tư An Phương, thông tin về mức phí lên tới 500.000 đồng khi rút mỗi lượng của sàn vàng khiến nhà đầu tư hoảng loạn, vội bán tháo và gây thiệt hại. Mặt khác, ông Phương cho hay, trước đây các thông báo của sàn vàng đều là bằng văn bản, và chuyển đến các điểm nhận lệnh trước khi phiên giao dịch bắt đầu.

Trao đổi với VnExpress.net chiều 13/11, đại diện của Công ty CP Vàng Phố Wall khẳng định, không có sự cố tại sàn vàng vào sáng cùng ngày. Ông Vũ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Vàng Phố Wall cho hay, sự việc nhà đầu tư đến trụ sở công ty phản ánh thông tin chỉ là phản ứng nóng giận trước việc bị thua lỗ.

Tuy nhiên, sau khi phóng viên VnExpress.net đưa ra bằng chứng cho thấy dòng chữ xin lỗi khách hàng chạy trên bảng điện tử tại điểm nhận lệnh, ông Tuấn Anh xác nhận, đây là nhầm lẫn của nhân viên điều khiển bảng điện tử. "Nhân viên đã nhầm mức phí 50.000 đồng thành 500.000 đồng", ông Tuấn Anh lý giải.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Vàng Phố Wall cũng cho rằng, sự việc sáng 13/11 là sự cố nhỏ. "Việc này không gây thiệt hại với nhà đầu tư, vì mức phí rút vàng mặt không liên quan đến hoạt động giao dịch", ông Tuấn Anh khẳng định. Một đại diện khác của sàn vàng này, ông Hoàng Thế Toàn, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Quản lý môi giới, cũng cho rằng, sự nhầm lẫn diễn ra trong thời gian rất ngắn, khoảng 5-10 phút, nên không có khả năng ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Ông Vũ Tuấn Anh cho hay, Công ty Vàng Phố Wall sẽ làm việc thêm với những nhà đầu tư còn thắc mắc, và trao đổi với các nhà đầu tư bằng văn bản. Hiện lãnh đạo của công ty này cũng đã báo cáo Hội đồng quản trị để thông tin lại với nhà đầu tư.
 
Cô bé 15 tuổi bị cưỡng hiếp trong rừng

Sau gần một năm xảy ra sự việc (tháng 12/2007), ngày 11/11 Phàn Gớ Thó, 25 tuổi ở Bát Xát (Lào Cai) bị cảnh sát Trung Quốc bắt.

Theo lời khai của Thó, thấy cô bé đang chẻ củi, hắn nảy sinh tà tâm. Sau khi sát hại cô bé chết, Thó kéo nạn nhân giấu vào lùm cây. Rạng sáng hôm sau, hắn dùng dây buộc hòn đá vào bụng rồi lăn xác xuống đáy ao.

Sự việc chỉ được phát hiện nhờ một người đàn ông sống ở thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, Bát Xát (Lào Cai).

Theo cơ quan điều tra, sau khi trốn sang Trung Quốc, Thó đã xin làm con nuôi của một gia đình người Trung Quốc.
 
Hà Nội sẽ khan rau trong vòng 1 tháng

Sau ngập lụt, thị trường rau xanh tại Hà Nội đến thời điểm này vẫn chưa hạ nhiệt. Mặc dù, tại các vùng trồng rau lớn cung cấp cho thành phố, bà con nông dân đã rục rịch xuống đồng làm lứa rau mới, nhưng có thể thấy, ảnh hưởng của úng lụt sẽ có thể gây thiếu rau cho thị trường từ nay đến Tết khoảng 30-40%.

Cả vùng chuyên canh rau xã Vân Nội, huyện Đông Anh sau trận lụt chỉ còn lại chưa đầy 1ha vùng cây giống sống sót. Đã 12h trưa, nhưng nhiều nông dân vẫn nhẫn nại trên đồng.

Chị Chử Thị Chính cho biết: "Sau mấy ngày nắng, đất trồng rau đã tơi trở lại, chị và những người dân ở đây đang tích cực làm lứa rau mới để cung cấp cho thị trường. Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng 20-30 ngày nữa thì mới có rau bán...".

Theo ông Trần Văn Thoan, Chủ tịch UBND xã Vân Nội, hiện diện tích khôi phục sản xuất mới đạt khoảng 10%. Trong khi bà con chưa nhận được sự hỗ trợ nào, thì giá cây giống hiện nay tăng cao đang khiến nhiều vùng rau khó khăn trong khôi phục sản xuất. Dù rất tích cực, nhưng việc cung ứng rau cho thị trường Hà Nội sẽ thiếu 30-40%.

Khan hiếm rau là tình trạng chung của nhiều chợ đầu mối vào thời điểm này. Chợ rau Vân Trì trước đây kín hàng, nhưng nay cũng vắng. Rau quả chủ yếu được chuyển từ Đà lạt, Sapa về. Rau Vân Nội chỉ lác đác vài điểm ở những chân ruộng cao còn giữ được.

Vấn đề đặt ra cho thị trường rau Hà Nội là, hiện nay thời vụ của những cây rau có giá trị như ớt ngọt, cần tây, tỏi tây, xu hào... không còn nữa, chỉ có thể trồng được rau lá ngắn ngày, nhưng hiện nhiều nông dân lại băn khoăn, nếu nhà nào cũng trồng rau thì rồi đến lúc lại ế không bán được. Vì thế việc khôi phục rau cho Hà Nội rất cần một sự điều tiết vĩ mô về thị trường và cơ cấu giống.
 
Nguyên Ủy viên một hiệp hội bất động sản lĩnh án tù

Ông Ngô Phát Đạt, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam, kiêm Trưởng ban đào tạo phụ trách văn phòng thường trực phía Nam tại TP.HCM vừa bị tuyên phạt 5 năm tù vì tội “lừa đảo chiểm đoạt tài sản”.

Ông Ngô Phát Đạt (SN 1960, thường trú tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), bị VKSND quận Phú Nhuận truy tố với tội danh kể trên, và vừa bị TAND cùng cấp đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 14/11.

Theo cáo trạng, trong quá trình làm việc tại đây, dù không được giao nhiệm vụ nhưng Ngô Phát Đạt đã lợi dụng chủ trương nhận hội viên của hiệp hội để chiếm đoạt tiền hội phí của người xin gia nhập hiệp hội.

Theo đó, công văn hướng dẫn của Hiệp hội Bất động sản nhà đất Việt Nam, ngày 31/12/2002 về thủ tục xin làm hội viên thì các cá nhân, đơn vị muốn trở thành hội viên của hiệp hội phải nộp hồ sơ đăng ký về văn phòng tại số 37 Lê Đại Hành (Hà Nội) và nộp lệ phí vào tài khoản tại ngân hàng.

Trong thời gian này, mặc dù không được phép nhận hồ sơ và thu lệ phí, nhưng thấy nhu cầu tham gia làm hội viên rất đông, nên ông Đạt nảy sinh ra ý định lừa đảo. Do tin tưởng chức danh của ông Ngô Phát Đạt, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ, lệ phí gia nhập hiệp hội.

Từ năm 2003 đến tháng 8/2005, ông Đạt đã thu lệ phí xin gia nhập hiệp hội của 20 đơn vị, 8 cá nhân với tổng số tiền là 92 triệu đồng. Thế nhưng, đến tháng 3/2006, vẫn chưa có tổ chức cá nhân nào được cấp thẻ hội, và biết mình bị lừa nên làm đơn tố cáo Đạt.

Cũng trong thời điểm này, hiệp hội có chủ trương mở lớp đào tạo về bất động sản (BĐS), giao cho ông Đạt tổ chức thực hiện việc quản lý thu chi, chiêu sinh đào tạo nghề kinh doanh BĐS (học phí 5,5 triệu/ học viên/ khóa 9 tháng), và thẩm định giá BĐS (học phí 3 triệu đồng/ học viên/ khóa 6 tháng).

Từ năm 2003 đến tháng 5/ 2005, ông Đạt tổ chức được 6 khóa học, trong đó chỉ có học viên khóa 1 và 2 được cấp chứng chỉ; các khóa 3, 4 và 5 học xong nhưng chưa được cấp chứng chỉ; riêng khóa 6 đang học dở dang thì cơ sở ngừng hoạt động không rõ lý do, khi học viên liên lạc thì Đạt cố tình tránh mặt nên họ đã làm đơn tố cáo Đạt đến hiệp hội và cảnh sát.

Tháng 3/2006, ông Đạt bị cảnh sát bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố bị can sau đó.
 
Chủ nhà băng Nga vào tù vì thuê giết phó thống đốc

Chủ tịch của một ngân hàng không mấy tên tuổi của Nga hôm qua bị tuyên án 19 năm tù vì đã thuê người sát hại một quan chức cao cấp ngành ngân hàng để trả thù

Alexei Frenkel đã ra lệnh giết ông Andrei Kozlov, phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga, sau khi ông này rút giấy phép của nhà băng mà Frenkel làm chủ.

Kozlov bị bắn chết hồi tháng 9/2006, trong thời gian ông đang tiến hành chiến dịch chống nạn rửa tiền và tham nhũng trong ngành ngân hàng. Vụ sát hại xảy ra bên ngoài một sân vận động ở Matxcơva. Kozlov bị các tay súng xả đạn vào người vào buổi tối sau khi ông vừa xem bóng đá. Phó thống đốc qua đời sáng hôm sau đó.

Các công tố viên đề nghị tuyên án chung thân, tuy nhiên tòa tuyên 19 năm tù.

Frenkel là thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng VIP Holding, không mấy tên tuổi. Theo tài liệu của bên công tố, y đã trả tiền cho một phụ nữ quen biết để lập kế hoạch ám sát Kozlov. Phụ nữ này lại qua hai tay trung gian khác để trả tiền cho ba kẻ thất nghiệp người Ukraina bắn hạ ông Kozlov.

Ngoài Krenkel, tòa án còn tuyên phạt tù đối với 6 người khác có liên quan đến vụ ám sát. Tay súng đã bắn Kozlov nhận án tù chung thân, những người khác bị tuyên từ 6 đến 26 năm tù.
 
Lễ nhậm chức của Obama sẽ thu hút được 1 triệu người tham dự

Nhiều người đã thông qua trang web Craigslist để đặt mua vé ngồi theo dõi buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Obama sẽ diễn ra vào ngày 20/1 tới.

Màn hình TV cỡ lớn sẽ được đặt tại Quảng Trường Quốc gia để người dân có thể theo dõi lễ nhậm chức cũng như lễ diễu hành chào mừng tổng thống mới.

Đại biểu Quốc hội của Quận Columbia, bà Eleanor Holmes Norton còn kêu gọi các nhà tổ chức sử dụng thêm các sân vận động, các đấu trường để người dân có thể tiện theo dõi lễ nhậm chức thông qua các màn hình TV lớn. Bà còn kêu gọi các nhà thờ tổ chức các bữa tiệc theo dõi lễ nhậm chức.

Buổi lễ nhậm chức Tổng thống được coi là một sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt của Mỹ. Cơ quan mật vụ Mỹ sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo việc phối hợp mọi hoạt động liên quan tới việc đảm bảo an ninh cho sự kiện. Có khoảng 58 cơ quan luật pháp và an ninh liên bang, tiểu bang, địa phương sẽ cùng đảm trách nhiệm vụ này.

Cảnh sát trưởng Cathy Lanier cho biết 4 năm trước, các nhà tổ chức đã phải huy động tới 3000 sỹ quan cảnh sát trên cả nước tham gia hỗ trợ lễ nhậm chức của Tổng thống Bush nhưng lần này có thể sẽ phải huy động khoảng 4000 sỹ quan cảnh sát.

Năm 2005, vé ngồi theo dõi lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống được bán với giá từ 15 đến 150 USD số tiền thu được được dùng để đầu tư cho buổi lễ diễu hành chào mừng tân tổng thống. Hiện chi tiết về giá vé của buổi lễ nhậm chức của Obama chưa được tiết lộ vì Uỷ ban Nhậm chức Tổng thống của Obama, những người sẽ phụ trách tổ chức cuộc diễu hành vẫn đang được thiết lập.

Lễ nhậm chức tổng thống thu hút được đông người tham dự nhất từ trước tới nay của Mỹ là của Tổng thống Lyndon B. Johnson năm 1965 với 1,2 triệu người. Năm 1981, lễ nhậm chức của Tổng thống Ronald Reagan có 500.000 tham dự và lễ tuyên thệ của Tổng thống Bill Clinton năm 1993 thu hút được khoảng 800.000 người.
 
Bị giam vì ngáp không che miệng

Một binh sĩ Israel bị giam 21 ngày vì tội vô lễ trong lễ kỷ niệm sự kiện cố thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát.

Mẹ của binh sĩ này cho biết, con trai bà thuộc biên chế của một căn cứ không quân Israel. Anh đã ngáp nhưng không che mồm khi người chỉ huy căn cứ không quân đọc bài phát biểu trong lễ kỷ niệm vào ngày 4/11.

Khi phát hiện hành vi không đẹp ấy, viên chỉ huy ngừng bài phát biểu và nhắc nhở. Sau buổi lễ, ông ta yêu cầu người binh sĩ ngồi tù 3 tuần.

Cố thủ tướng Yitzhak Rabin được coi là một vị anh hùng ở Israel bởi sự nghiệp lẫy lừng trong quân đội và những nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa Israel và Palestine. Một kẻ cực đoan đã bắn ông vào ngày 4/11/1995 hòng ngăn chặn nỗ lực hòa giải với người Palestine.
 
Giấu ma túy trong mũ bảo hiểm

Chiều 10/11, Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) tuần tra tại tuyến đường thuộc xã Thiết Ống đã dừng xe máy do một thanh niên điều khiển, nhưng người này bỏ chạy. Anh ta đã đâm xe vào ôtô và ngã xuống đường.

Sau đó, người này bò dậy ôm mũ bảo hiểm vứt vào bụi cây bên đường. Cảnh sát phát hiện bên trong mũ bảo hiểm có nửa bánh heroin được bọc bằng ni lông, dán băng dính bên ngoài và nhét sâu vào bên trong lớp xốp.

Tại cơ quan công an, thanh niên này khai là Thào Văn Súa, 22 tuổi. Số heroin được mua từ bên Lào, đang trên đường vận chuyển, bán cho một người ở Thanh Hóa.
 
Triệt phá băng cướp liên tỉnh, bắt ba đối tượng

Ngày 13/11, Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết cơ quan này đã bắt được ba trong bốn đối tượng, gây ra hàng loạt vụ cướp trên địa bàn huyện và khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh.

Ba đối tượng đó là Phạm Ngọc Hòa (sinh năm 1991, ngụ TP Hồ Chí Minh), Võ Minh Nghĩa và Trần Thanh Hải (đều sinh năm 1990, ngụ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này thừa nhận đã thực hiện 6 vụ cướp xe máy tại địa bàn huyện Dầu Tiếng và khu vực giáp ranh TPHCM. Vụ gần nhất chúng thực hiện trước khi bị bắt vào khoảng 0 giờ ngày 12/11.

Vào thời điểm trên anh Bùi Minh Phương (SN 1989, ngụ xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng) khi đang điều khiển xe mô tô trên đường ĐT 748, thuộc xã An Lập bất ngờ bị 4 đối tượng bịt mặt đi trên hai xe gắn máy áp sát.

Chưa kịp phản ứng, hai đối tượng ngồi sau đã rút mã tấu khống chế định cướp xe máy. Nhưng bị chống cự quyết liệt, đồng thời kêu người dân gần khu vực xảy ra vụ cướp giúp đỡ nên 4 đối tượng này đã phóng xe bỏ đi.

Qua truy xét, 4 đối tượng gây ra vụ cướp “hụt” trên là Hòa, Nghĩa, Hải và đối tượng đã bỏ trốn Võ Nhựt Định (SN 1988, ngụ TPHCM).

Hiện công an huyện Dầu Tiếng đang phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh truy bắt Định về xử lý theo pháp luật.
 
Giá xăng giảm còn 13.000 đồng/lít


Theo Tổ giám sát liên Bộ Tài chính - Công Thương về giá xăng dầu, trong lần giảm giá này, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được giảm giá xăng, dầu hỏa thêm 1.000 đồng/lít, giá ma-zút giảm 1.500 đồng/kg, giữ nguyên giá bán dầu diezen. Cụ thể, kể từ ngày mai, giá các mặt hàng xăng dầu bán lẻ trên toàn quốc như sau:


-Xăng RON 92

13.000

- Diezen 0,05S

13.000

- Dầu hỏa

13.500

- Ma-zút 3,5S
9.000

Giá bán các loại xăng, dầu khác giảm tương ứng với từng chủng loại xăng, dầu trên cùng thị trường và được áp dụng trong ngày 15/11.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương về giá xăng dầu cho hay: Trong thời gian vừa qua do giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm, cùng với việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh giá xăng dầu và lần điều chỉnh gần đây nhất là vào ngày 8/11.

Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, để điều hành giá mặt hàng xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước (có thu được thuế), người dân (được mua xăng dầu với mức giá hợp lý) và doanh nghiệp (có mức lợi nhuận hợp lý), liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đồng ý với phương án giảm giá mà doanh nghiệp đưa ra.

Bên cạnh quyết định giảm giá, trong ngày 14/11, Bộ trưởng Tài chính cũng có Quyết định số 105/2008/QĐ - BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, với mức tăng thêm 5%.

Việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm tiếp giá các mặt hàng từ 1.000 đồng - 1.500 đồng/lít vào ngày 15/11, được đánh giá là “hành động mạnh tay”, tiệm cận với diễn biến mặt bằng giá thế giới.



Hiện tại, giá xăng A92 tại thị trường Singapore giảm xuống mức 47,89 USD/thùng, diezen 0,25S có giá 67,5 USD/thùng và ma-zút có giá 225,28 USD/tấn.
 
Tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng cao


Sáng nay 14/11, các cửa hàng kinh doanh ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) niêm yết giá USD không đồng đều. Mức giá cao nhất của tỷ giá USD/VND hiện nay là: 17.430 VND (mua vào) - 17.480 VND (bán ra), tăng 80 VND so với hôm qua.

Một vài cửa hàng lại niêm yết giá mua khá “mềm”, ở mức 17.350 VND, bán ra 17.450 VND.

Tỷ giá USD/VND chợ đen liên tiếp tăng cao trong những ngày gần đây không phải do sức ép cung - cầu, theo đánh giá của giới chuyên gia, đó là do một bộ phận đầu cơ đẩy giá lên.

Theo thông báo của NHNN, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 14/11 ở mức 16.494 VND/ 1 USD, giảm 3 VND so với hôm qua; tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là: 16.970 VND (mua vào) - 16.985 VND (bán ra), tăng 35 VND.

Sau khi nới biên độ tỷ giá USD/VND lên +/-3%, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững.

Tuy nhiên, theo dự báo của NHNN, trong thời gian đầu khi áp dụng biên độ mới, các tổ chức tín dụng có thể sẽ không sử dụng hết biên độ được phép. NHNN cũng sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định tương đối của tỷ giá trong biên độ mới.

Với thị trường vàng, giá vàng SJC sáng nay tăng tới 11.000 đồng/chỉ so với chiều qua, lên mức 1,643 triệu đồng/chỉ (mua vào) - 1,659 triệu đồng/chỉ (bán ra); trong khi giá vàng Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức giá 1,638 triệu đồng/chỉ - 1,648 triệu đồng/chỉ.
Trên thế giới, giá vàng giao vào tháng 12 tại New York giảm 13,3 USD/ounce (tương đương 1,9%), xuống mức 705 USD/ounce; trong phiên giao dịch, có lúc giá loại vàng này rơi xuống mức 698,2 USD/ounce. Tại thị trường giao ngay, giá vàng tăng 25,4 USD/ounce, lên mức 734,9 USD/ounce.

Một số chuyên gia cho hay, thị trường vàng thế giới đang chịu áp lực lớn từ nguy cơ giảm phát, giá hàng hóa và giá ngũ cốc hạ.
 
Đoạn trường đi... khám bệnh

Có bệnh thì phải cầu đến bác sĩ. Nhưng đến các bệnh viện, người bệnh lạc vào thế giới quá phức tạp như mê hồn trận với những xét nghiệm, kết quả chẩn đoán bệnh khác biệt giữa nơi này và nơi khác

Sau khi khám sức khỏe định kỳ tại TT Y khoa Medic, đồng nghiệp của tôi bị phát hiện cao huyết áp, cholesterol tăng, men gan cũng tăng nhẹ. Mượn hồ sơ này, tôi bắt đầu hành trình vào mê hồn trận ở các bệnh viện (BV) tại TPHCM.

Thoạt tiên, tôi đến BV Đa khoa Vạn Hạnh. Tôi được hướng dẫn đóng 52.000 đồng tiền khám bệnh trước khi vào gặp bác sĩ. Tôi yêu cầu bác sĩ cho toa điều trị từ kết quả của Medic. Sau khi xem xét hồ sơ và đo mạch của tôi, bác sĩ liền cho một phiếu xét nghiệm và hẹn sau khi có kết quả thì quay lại để cho toa uống thuốc. Tôi phát hoảng khi nhìn vào phiếu thấy tổng cộng có đến 10 xét nghiệm sinh hóa được liệt kê, như: SGPT, SGOT, Triglyceride, Urea, Creatinin..., kèm theo là xét nghiệm miễn dịch Anti HCV. Tổng cộng tiền xét nghiệm lên đến 330.000 đồng.



Cũng bộ hồ sơ này, tôi sang BV Chợ Rẫy. Sau khi đóng 20.000 đồng tiền khám bệnh, tôi được tiếp cận với một nữ bác sĩ của Khoa Nội tổng quát. Liếc qua hồ sơ của tôi, bác sĩ liền cảnh cáo: “Sức khỏe thế này mà không lo điều trị, chờ tới bao giờ?!”. Tôi cho biết đã có các xét nghiệm của Medic, nhờ bác sĩ kê toa giùm. Bác sĩ lắc đầu, lại... liệt kê ra hàng loạt các loại xét nghiệm cần làm. Chỉ riêng xét nghiệm sinh hóa máu, tổng cộng có 18 loại mà bác sĩ đã yêu cầu tôi phải thực hiện 14 loại!



Chưa hết, tôi lại được yêu cầu xét nghiệm thêm 6 loại khác, từ nước tiểu, siêu âm bụng, đến đo điện tim... Điều kỳ lạ là trong hồ sơ bệnh của đồng nghiệp mà tôi mang theo, Medic đã thực hiện đầy đủ các loại xét nghiệm này. Tổng cộng các xét nghiệm tại BV Chợ Rẫy mất 250.000 đồng.



Trong khi đó, khi đến BV Bình Dân, bác sĩ Nguyễn Bá Minh Nhật khẳng định khi đọc hồ sơ tôi đưa: “Những xét nghiệm của Trung tâm Medic đã quá rõ ràng, chẳng có gì phải lo lắng!”. Bác sĩ Nhật cũng đã cho toa thuốc để tôi uống điều trị.



Chưa hài lòng, tôi lại tiếp tục sang BV Đại học Y Dược. Tại đây, tôi được hướng dẫn đóng tiền khám bệnh rồi lấy số, chờ khám tổng quát. Đã 16 giờ mà khu khám bệnh vẫn đông nghịt người, ước lượng gần cả ngàn bệnh nhân, trông ai cũng phờ phạc. Thấy vậy, tôi đành ra về.

Hôm sau, tôi trực tiếp đi khám bệnh và có kết quả dở khóc dở cười: Hai lần khám, từ một người khỏe mạnh tôi đã trở thành người có bệnh!



Mới 6h15, tôi đã đến BV Đại học Y Dược để lấy số thứ tự sớm, song đã là số 442. Khi làm hồ sơ bệnh lý, dù không bị gì nhưng tôi vẫn ghi triệu chứng là xây xẩm, chóng mặt. Tôi được chỉ vào phòng khám thần kinh. Chờ đến hơn 9h, tôi được gọi vào khám. Sau khi hỏi triệu chứng, làm một vài thử nghiệm tại chỗ, bác sĩ kết luận: Tôi bị “đau đầu căng cơ, chóng mặt” và cho toa mua thuốc uống, hai tuần sau sẽ tái khám. Té ra, tôi phải chờ đợi suốt hơn 3 giờ mà khám chỉ trong vòng 5 phút. Toa thuốc của tôi có 3 loại, mua mất 250.000 đồng.



Để kiểm tra, tôi trở lại BV Bình Dân. Tôi được chỉ định vào phòng khám tổng quát. Chờ mòn mỏi mới được gọi vào phòng khám, song nhìn hoài chẳng thấy bác sĩ đâu. Vài người sốt ruột hỏi thì được chị điều dưỡng cho biết: “Bác sĩ sang bên kia đường một lát”. Hơn 20 phút sau, bác sĩ phụ trách phòng khám mới trở về, bắt đầu khám. Đến lượt mình, tôi tự nhủ phải trả lời cho đầy đủ các triệu chứng để bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.



“Bị cái gì?”, bác sĩ hỏi. “Dạ, em bị xây xẩm, chóng mặt...”, tôi đáp. Vị bác sĩ không hỏi gì nữa, ghi vài dòng vào cuốn sổ khám bệnh của tôi và ném qua bàn chị điều dưỡng. Chị này cho biết tôi phải đi đóng tiền chụp X-quang xoang, có kết quả rồi quay lại khám tiếp. Mãi đến đầu giờ chiều tôi mới nhận được kết quả X-quang với kết luận: “Các xoang mặt sáng bình thường”. Sau khi xem kết quả, bác sĩ kết luận tôi bị viêm xoang và cho toa thuốc uống trong một tuần sẽ tái khám!



Khám cùng lượt với tôi có bà N.T.B, 72 tuổi, ở Tây Ninh, bị đờm ở cổ, nói chuyện và ăn uống đều khó khăn. “Tôi đã khám ở BV Tai-Mũi-Họng TP. Sau khi chụp X-quang xoang và nội soi thực quản, nơi này kết luận tôi bị “vướng họng kéo dài” và chuyển sang BV Bình Dân để chữa trị”, bà B. kể. Tại BV Bình Dân, bà B. lại được yêu cầu chụp X-quang và nội soi, dù đã đưa kết quả thực hiện bên BV Tai-Mũi-Họng. Sau khi có kết quả X-quang, bà B. trở lại phòng khám và được bác sĩ kết luận bị bệnh... dạ dày! “Tôi hỏi về cái cổ bị đờm thì bác sĩ im lặng, không nói gì”, vừa chuẩn bị đi về, bà B. vẫn chưa hết ngơ ngác...
 
Xe cứu thương đâm chết người

Khi đi qua địa phận xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, xe cứu thương của Công ty cấp cứu vận chuyển Trường An đã đâm vào một người đi xe đạp làm nạn nhân chết ngay tại chỗ


Tai nạn xảy ra vào hồi 12h30 trưa nay, tại km 446 + 500 trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Nghi Long.



Khi đó, tài xế Lê Đình Huỳnh (58 tuổi, trú tại huyện Diễn Châu) điều khiển xe 37N-5891 chạy theo hướng Hà Nội - Vinh đã tông vào xe đạp của ông Đặng Doãn Thành đang đi cùng chiều.



Hậu quả, ông Thành (47 tuổi, trú tại xóm 3, xã Nghi Long) chết ngay tại chỗ.



Công an huyện Nghi Lộc đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn.
 
Một du khách nước ngoài chết tại sân bay Nội Bài

Tối ngày 13/11, một nhân viên tại nhà ga T1 - Nội Bài hoảng hồn khi phát hiện xác một hành khách quốc tế nằm sấp dưới sàn, gần cửa ra vào khu vệ sinh công cộng. Đây là vụ việc chưa từng xảy ra tại các cảng hàng không Việt Nam.


Theo thông tin ban đầu, khoảng 22h30 ngày 13/11, một nhân viên vệ sinh tại nhà ga T1 Nội Bài tình cờ phát hiện một hành khách người ngoại quốc đang nằm bất động theo tư thế sấp tại khu vực gần cửa ra vào khu vệ sinh, ở sảnh công cộng phía trước nhà ga T1.

Ngay sau đó, lực lượng an ninh cảng vụ, y tế tại nhà ga Nội Bài có mặt, tiến hành kiểm tra và xác định hành khách trên đã tử vong.

Danh tính người khách xấu số là Posdamer Leslie Robert (SN 1948), quốc tịch Mỹ. Ông Robert đi cùng với vợ, đã làm xong thủ tục và đang chờ lên chuyến bay của Korean Airlines ký hiệu KE 680, dự định cất cánh đi Hàn Quốc lúc 23h50.

Sự việc mau chóng được thông báo cho nhà vận chuyển, đồn công an Nội Bài và sứ quán Mỹ. Khoảng 2 giờ sáng ngày 14/11, thi thể vị khách này đã được đưa về Bệnh viện Việt Đức.

Một lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây là vụ việc chưa từng xảy ra tại các cảng hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có trường hợp khách đột quỵ tử vong ngay cả trên máy bay.
 
Chú đánh chết cháu vì “bất kính”

Vụ việc xảy ra vào tối 12/11 khi Hoàng Văn Đại đến nhà chú của mình là Nguyễn Văn Hải rủ đi uống rượu. Bị chú từ chối, Đại đập cửa và đòi hành hung cả gia đình chú. Trong lúc thiếu kiềm chế, Hải đã dùng thang giường đánh Đại vỡ sọ.


Thông tin từ CA huyện Sóc Sơn cho biết, cơ quan này vừa tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Hải (SN 1976, ngụ tại thôn Xuân Long, xã Tân Dân) để làm rõ hành vi giết người. Theo thông tin ban đầu từ cơ quan CSĐT, vào khoảng 21 giờ ngày 12/11, Nguyễn Văn Hải cùng người cháu đằng vợ là Hoàng Văn Đại (SN 1983) và một số thanh niên trong thôn đi uống bia. Sau cuộc vui, Hải về nhà trước.

Sau đó ít lâu, Đại tìm đến nhà Hải, đập cửa rủ chú đi uống tiếp. Hải từ chối, Đại có những lời “bất kính” thậm chí đòi hành hung cả gia đình chú. Trong một phút thiếu kiềm chế, Hải đã dùng thang giường (vốn để chống cửa) đập vào đầu Đại khiến nạn nhân bị vỡ sọ, chết ngay tại chỗ.

Sau khi gây án, Hải mang theo hung khí đến Trạm cảnh sát Kim Anh đầu thú. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
 
Phát hiện 1 xác chết nữ chưa rõ nguyên nhân

Ngày 13/11, người dân xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) đã phát hiện một xác chết là nữ. Thông tin ban đầu cho biết, giấy tờ tùy thân của nạn nhân mang tên Nguyễn Thị Hoa (SN 1980, trú tại Nghệ An).


Tại hiện trường dưới một cánh đồng lúa, nạn nhân chết do bị đập và đâm nhiều nhát vào ngực. Ngành chức năng ghi nhận tài sản của nạn nhân vẫn còn và nhận định ban đầu đây không phải vụ án giết người cướp tài sản.

Thông tin cho hay trong đêm xảy ra vụ án trên có tiếng cãi vã, khóc lóc của cô gái với một thanh niên.

Được biết, nạn nhân đang làm ở một công ty dệt may. Nguyên nhân vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Back
Top