Sự thật về xe “mới” ở Việt Nam
Để thu hút khách hàng, các nhà sản xuất liên tục tung ra các mẫu xe mới. Tuy nhiên, ở nước ta, việc giới thiệu xe mới có thực sự đúng với ý nghĩa của nó hay là câu chuyện “có một không hai” trên thế giới?
Đầu năm nay, Vidamco đã đưa ra thị trường mẫu xe đa dụng Chevrolet Vivant. Bước đầu, mẫu xe này đã được khá nhiều người tiêu dùng đặt mua. Tuy nhiên, sau khi tận mắt xem xét kĩ, nhiều khách hàng nhận ra mẫu xe này có nét gì đó “hao hao” chiếc Daewoo Nubira - ẫu xe mà chính Vidamco đã ngừng sản xuất cách đây khá lâu - và các chi tiết nội thất có phần “cổ lỗ” so với một mẫu xe đời 2008.
Những cảm nhận này là hoàn toàn chính xác bởi Chevrolet Vivant được sản xuất trên cùng một khung gầm với Daewoo Nubira và giới thiệu lần đầu cách đây đã 8 năm, từ năm 2000. Doanh số của nó ở các thị trường khác trên thế giới, trên thực tế, cũng đã ở bên kia sườn dốc biểu đồ.
Vậy mà ở Việt Nam, rất nhiều khách hàng vẫn chịu cảnh xếp hàng, thậm chí chấp nhận chi ra những khoản "lót tay" cho nhân viên bán hàng, chỉ để mua về mẫu xe đã sắp đi hết dòng đời sản phẩm (thông thường, dòng đời của 1 mẫu xe hơi kéo dài từ 3-5 năm) chỉ vì quá hấp dẫn với mức giá 25000 USD mà Vidamco đưa ra.
Thực tế, trường hợp của Chevrolet Vivant chỉ là lần gần đây nhất chứ không phải là lần đầu tiên các công ty lắp ráp xe hơi trong nước đưa ra các mẫu xe “mới” theo kiểu như vậy. Năm 2003, liên doanh Visuco lần đầu giới thiệu chiếc Suzuki Vitara tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là mẫu xe thuộc thế hệ đầu tiên đã ngừng sản xuất trên toàn thế giới từ năm ... 1998! Thế hệ thứ 2 của Vitara cũng chỉ được sản xuất từ năm 1999 đến năm 2004 trước khi bị thay thế bởi thể hệ thứ 3 hiện thời.
Mẫu Suzuki Vitara lắp ráp tại Việt Nam - thế hệ đầu tiên
Vitara thế hệ thứ 2 tại nước ngoài, 1999-2004
Ngay với Toyota - LD luôn có doanh số cao nhất ở dòng xe du lịch tại Việt Nam - cũng không là ngoại lệ: mẫu xe Zace có thiết kế động cơ không khác gì mẫu xe “nhà binh” UAZ của Liên Xô cũ - trục cam dưới tác động lên xu-páp qua đũa đẩy.
Mitsubishi Pajero là một ví dụ nữa. Chiếc Pajero được giới thiệu từ cuối năm 2002 và hiện vẫn được bán tại thị trường Việt Nam là mẫu xe cải tiến của thế hệ thứ 2 trong khi ở các thị trường khác nó đã bị “khai tử” từ năm 1999. Trên thế giới, Mitsubishi Pajero hiện đã chuyển sang thế hệ thứ 4 từ cuối năm 2006.
Mẫu Pajero lắp ráp trong nước
.
Pajero thế hệ thứ 4 ở các nước khác
Ngoài ra còn có thể loại “bình mới, rượu cũ”: Ford Everest, Ranger 2007 có hình thức mới nhưng “ruột” vẫn cũ: động cơ diesel I4 2.5, trục cam đơn với tăng áp truyền thống; trong khi tại Thái Lan, dòng xe này đã trang bị động cơ I4 2.5, trục cam kép với tăng áp turbo điều khiển cánh từ đầu năm 2006.
Thực tế là trên thị trường Việt Nam có khá nhiều mẫu xe hiện vẫn được các nhà sản xuất là thành viên VAMA chào bán trong khi trên thế giới, chúng đã được thay thế được một thời gian khá lâu. Có hai lý do đối lập giải thích cho hiện tượng này: hoặc vì những mẫu xe đó vẫn còn sức hút thương mại lớn (như Daewoo Matiz hay Mercedes-Benz Sprinter) hoặc vì chúng thu hút được quá ít khách hàng, các liên doanh chưa thể bán nốt những chiếc xe còn lại (như trường hợp của Mitsubishi Pajero hay Ford Mondeo); hay nói cách khác, các nhà sản xuất chưa muốn thay thế các mẫu xe này.
Về ngắn hạn, chiêu thức kinh doanh hay cách đối xử với thị trường Việt Nam như vậy của các thành viên VAMA có thể đem lại cho họ nhiều lợi ích khi người tiêu dùng còn quá thiếu kiến thức và thông tin. Tuy nhiên, về dài hạn, khi cạnh tranh sẽ trở nên ngày càng bình đẳng và gay gắt hơn, hiểu biết về xe hơi của người Việt Nam được nâng lên thì lòng tin của người tiêu dùng vào các nhà sản xuất xe hơi trong nước sẽ không còn.
Về phía người tiêu dùng, hãy tìm hiểu thật kĩ lưỡng trước khi đưa ra sự lựa chọn để tránh mua phải những chiếc xe không xứng đáng với giá trị đồng tiền mà mình bỏ ra