Mobile TV Việt Nam: Thực tế và tương lai
Việt Nam là nước đầu tiên tại châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới (sau Phần Lan ) được Nokia triển khai dịch vụ truyền hình di động. Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đang là nước triển khai hai công nghệ truyền hình di động là 3G và DVB-H.
Mobile TV của S-Fone. Ảnh: Hoàng Hà.
S-Fone – mạng điện thoại di động CDMA đầu tiên của Việt Nam đã triển khai dịch vụ truyền hình trên điện thoại vào quí 4/2006. Sự kiện đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng bởi những lợi ích cũng như tính di động của dịch vụ. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, theo quan sát của Thế Giới Vi Tính, không nhiều người dùng điện thoại CDMA sử dụng dịch vụ này.
Những nguyên nhân khiến mobile TV của S-Fone chưa phổ dụng tại Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy: Chính sách cước chưa hợp lý với người dùng trong nước và cách tính cước quá phức tạp; chỉ có một mẫu điện thoại hỗ trợ dịch vụ đó; chất lượng đường truyền đôi khi không được tốt... Nhưng nguyên nhân chính có lẽ vẫn là giá cước, nhiều người dùng cho rằng với mức cước khoảng 5.000 đồng/phút như hiện nay thì mobile TV sẽ còn quá xa vời. Thậm chí ngay cả việc S-Fone đã “cải thiện” mức cước này bằng cách phát hành gói cước dữ liệu (chỉ dùng cho dữ liệu không cho thoại) thì cước mobile TV của S-Fone là 1.200 đồng vẫn bị nhiều người cho là quá cao.
Nhìn sang Hàn Quốc, một trong những quốc gia mà mobile TV phổ dụng nhất toàn cầu (dùng công nghệ DMB), người dùng dịch vụ này của SK Telecom (một chủ sở hữu quan trọng của S-Fone) chỉ phải trả cước thuê bao 13 USD (khoảng 200.000 đồng) để xem truyền hình trong một tháng mà không phải trả bất cứ khoản tiền nào khác. Nếu so với kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Nokia đối với người dùng châu Âu thì mức giá 4,90 euro (khoảng 200.000 đồng) được đại đa số người được hỏi cho là hợp lý.
Giá cước luôn là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài S-Fone đã chính thức thương mại hóa mobile TV, tại sự kiện mang tên “Tầm nhìn lãnh đạo trong kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện” diễn ra vào giữa tháng 12/2006 tại Hà Nội, Nokia và VTC (Vietnam Multimedia Corporation) đã một lần nữa nhắc lại thỏa thuận hợp tác nhằm cung cấp các dịch vụ truyền hình di động băng thông rộng dựa trên công nghệ DVB-H tại Việt Nam. Cần phải nói thêm là sự hợp tác này cũng đã được giới truyền thông trong nước nhắc đến nhiều trong nửa cuối năm 2006. Đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nokia về việc giới thiệu chính thức dịch vụ truyền hình di động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cũng là một trong những thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nokia trên toàn cầu. Vậy tại sao không phải là quốc gia khác mà lại là Việt Nam, một quan chức của Nokia cho biết, họ nhận được sự khích lệ của chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.
Nokia N92 - truyền hình di động sử dụng công nghệ DVB-H. Ảnh: Studiodaily.
Theo thỏa thuận, VTC sẽ cung cấp các dịch vụ xem truyền hình trả tiền cho người tiêu dùng tại Việt Nam, người dùng điện thoại của Nokia có thể xem được bảy kênh truyền hình số cũng như dịch vụ video theo yêu cầu. Ông Lê Đoàn Quân, giám đốc công ty truyền hình di động VTC cho biết: “Giải pháp nền tảng công nghệ mở được Nokia cung cấp phù hợp với quan điểm của VTC về gia tăng lựa chọn và sự tham gia của người tiêu dùng và các nhà cung cấp công nghệ khác. Nokia sử dụng OMA DRM để bảo vệ việc chuyển tải dịch vụ và nội dung, cho phép nhiều khả năng bổ sung khác như chuyển tải nhạc chuông, logo, âm nhạc, clip video, trò chơi và các ứng dụng file lớn ngoài các chương trình truyền hình thông thường. Điều này cung cấp cho VTC một nền tảng hiệu quả về chi phí và bảo đảm cho tương lai để thúc đẩy sự phát triển hệ thống kinh tế đa truyền thông sôi động tại Việt Nam”.
Hiện tại, Nokia N92, điện thoại truyền hình theo chuẩn DVB-H đã được bán tại Việt Nam. Điện thoại được trang bị các tính năng tiên tiến như tiếp nhận truyền hình trực tiếp; khám phá kênh tự động; thu lại các chương trình TV; phát nhạc, đài FM có hình, âm thanh stereo chất lượng cao; máy ảnh 2 megapixel.
Đặc điểm kỹ thuật của N92
- Máy DVB-H (470 - 702 MHz)
- Băng thông rộng kênh DVB-H 6, 7 và 8 MHz
- PDC IRD loại B (H.264 AVC 384 Kb/giây, QVGA 15 khung hình/giây, QCIF 30 khung hình/giây và AAC lên đến 128 Kb/giây)
- Hỗ trợ các dịch vụ tương tác
- Bảo vệ nội dung và kênh: OMA DRM 2.0, IPSec
- Hỗ trợ cho việc tiếp nhận dịch vụ 18Crypt
- Màn hình màu lớn 2,8 inch, 16 triệu màu (QVGA độ phân giải 320 x 240 pixel)
- Các kiểu gấp, xoay và đứng cùng với các phím truyền thông chuyên dụng
- Lên đến 5 giờ xem, loa stereo, thẻ nhớ hỗ trợ đến 2GB
Các cuộc thử nghiệm mobile TV tại Phần Lan
Việt Nam là nước thứ hai chính thức có Nokia N92. Ảnh: 3G.
Tại Helsinki, truyền hình di động Phần Lan đã tung ra thử nghiệm thương mại đầu tiên cho các dịch vụ DVB-H từ tháng 3 đến tháng 6/2005. Một phần của cuộc thử nghiệm là 500 người tham gia truy cập dịch vụ truyền hình với điện thoại di động Nokia 7710. Các đối tác dự án bao gồm Nokia chịu trách nhiệm về mặt công nghệ, các công ty phát sóng truyền hình công cộng và tư nhân YLE, MTV3 và TV4 chịu trách nhiệm về nội dung, hai công ty viễn thông chính Elisa và TeliaSonera, nhà điều hành mạng truyền hình chính là Digita. Cuộc thử nghiệm này thu thập được các thông tin sau:
• Truyền hình di động rõ ràng là một dịch vụ thú vị mới, hơn một nửa số người tham gia thử nghiệm tin rằng công nghệ này có tiềm năng phát triển trong tương lai.
• 41% những người tham gia thử nghiệm là khách hàng tiềm năng của các dịch vụ truyền hình di động tương lai.
• THDĐ có vai trò như giải trí di động, người dùng có thể xem thể thao và tin tức bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
• 3 tình huống sử dụng phổ biến nhất: Khi di chuyển bằng phương tiện công cộng, tại nhà hoặc ở công sở.
• Phí cố định hàng tháng là mô hình giá cả được chấp nhận nhiều nhất (bổ sung dịch vụ xem gì trả nấy).
• Những người tham gia thử nghiệm phải trả phí hàng tháng là 4,90 euro (khoảng 200.000 đồng).
• 4,90 euro là mức giá hợp lý; một nửa những người tham gia thử nghiệm không nghĩ rằng phí 10 euro/tháng là quá đắt.
Các nhà phân tích dự đoán vào năm 2010 sẽ có trên 74 triệu người trên toàn cầu sử dụng THDĐ với công nghệ DVB-H.
(Theo Thế Giới Vi Tính)