Kỳ tích của cô gái tật nguyền
Tôi tìm đến nhà ông Hoàng Chất Lượng - sinh năm 1945, ở phường Minh Xuân, thị xã Tuyên Quang (Tuyên Quang), thương binh hạng 4/4 - qua một dòng tin ngắn. Con ông - cô gái Hoàng Lan Hương, 28 tuổi - bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, chân tay co quắp phải sống chung thân trên chiếc xe lăn, nhưng làm được nhiều việc giúp bố mẹ.
Tự học nhưng Lan Hương biết được chữ ta và cả chữ tây, biết làm toán và sử dụng máy tính. Mọi việc, Hương đều làm bằng... chân.
Chung một chữ "Lương"...
Lần đầu gặp, tôi ngỏ ý muốn viết báo về Hương, nhưng Hương không đồng ý. Ông Lượng nói nhỏ với tôi: "Hôm sau chú tới cho cháu một ít sách báo cũ. Nó ham đọc lắm!". Hương ngoẹo cổ trên xe lăn, quát lên tiếng gì nghe không rõ. Sự mặc cảm về thân phận đau nhói sang người cha - một anh lính báo vụ đơn vị K26 thông tin - B3 (Tây Nguyên)...
Bà Trịnh Thị Mùi (SN 1955) - mẹ Hương, cô nuôi dạy trẻ ở Trường Mầm non Hoa Mai - đau xót kể: Cháu sinh ngày 10-8-1977, xinh tươi như một bông hoa. Nhưng ba tháng sau không biết lẫy, bảy tháng sau chẳng biết bò. Tới chín tháng tuổi, cháu mới gượng lật được cái đầu. Một tuổi, cháu vẫn chỉ lớn bằng trẻ hai - ba tháng.
Ông bà hớt hải đưa con về Bệnh viện Nhi VN - Thụy Điển rồi nhờ người quen chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Tháng sau, tiền hết đành xin về kèm lời khuyên chân thành của bác sĩ: Hãy gắng chăm sóc cho cháu khoẻ, chứ không thể điều trị trở lại bình thường được. Hồi ấy, cứ một quý lại phải xuống Hà Nội lấy thuốc một lần. Tốn kém quá, nhà lại nghèo, ba năm sau chẳng dám xuống nữa...
Bất ngờ từ gian nhà trong, Hương ú ớ gọi ầm lên. Ông Lượng chạy vào, rồi ra cười. Hương lăn xe ra theo cũng cười, nụ cười méo mó tội nghiệp, cổ ngoẹo sang một bên. Nghe con nói gì đấy, bà Mùi "dịch" lại là cháu nó bảo biết chú rồi. Chú viết bài về chú "Vinh còng da cam/ dioxin...", cháu được đọc rồi!
Bà Mùi kể tiếp: Năm ấy, cháu khoảng chín - mười tuổi gì đấy. Bỗng một hôm, ngồi trên chiếc xe gỗ 4 bánh, cháu cặp phấn vào giữa ngón cái và ngón trỏ (chân phải) viết rõ ràng chữ "Lương" xuống nền đất. Cháu ú ớ gọi tôi: "Mẹ ơi! Ba anh em chung một chữ Lương".
Bà gọi chồng ra xem. Cháu đánh thêm dấu nặng (.) vào, nói: "Bố này!". Rồi xoá dấu nặng nói: "Chú Lương này". Rồi thêm dấu ngã (~) nói: "Chú Lưỡng liệt sĩ này". Vợ chồng tôi ngạc nhiên, sung sướng đến trào nước mắt. Ba anh em chồng bà tên là Lượng, Lương, Lưỡng. Chẳng ai dạy cháu cả. Cháu chỉ xem em gái học mà học theo...
Một lần khác, bà thấy Hương mắng em: "Ngu lắm!" khi thấy em làm tính sai (mà cô em bấy giờ đang học lớp 3). Từ đó, bao nhiêu tiền trợ cấp thương tật hằng tháng, ông Lượng dành mua sách, báo, giấy bút cho con học ngay trên cái xe gỗ 4 bánh ấy.
Thương con, bà nhờ người đến chụp một bức ảnh cháu ngồi trên xe gỗ rồi viết kèm lá đơn gửi đi xin trợ cấp. Hồi âm là một lời nhắn: Đại ý, bao giờ bố mẹ cháu chết hết thì được trợ cấp. Chuyện đến tai Chủ tịch UBND tỉnh (lúc đó là ông Trần Trung Nhật), cháu được tặng chiếc xe lăn và hằng tháng được trợ cấp 50.000 đồng, sau đó tăng lên 144.000 đồng như mọi cháu trong tỉnh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin... Hương nói với mẹ, thế là có thêm một chữ "lương" nữa!...
Bức chân dung trên xe lăn
Ông Hoàng Chất Lượng và con gái Hoàng Lan Hương
Khi biết tôi cũng là thương binh, lại cùng chiến trường với ông Lượng, Hương trở nên thân tình, sẵn sàng cho tôi chụp ảnh. Hương ngoẹo đầu, bậm môi, kẹp chặt cây bút chì ký hoạ chân dung mình trên xe lăn.
Có lẽ đã thấy mình trong gương như thế nào nên Hương vẽ khá nhanh và giống nữa là đằng khác. Tay co quắp, chân khoèo, mặt nhìn nghiêng xương xương, nhưng trong sáng ở ánh mắt và nhí nhảnh ở lọn tóc đuôi gà.
Một lần, bà Mùi giật mình khi thấy con xếp một dãy mười cái đĩa bà mới mua về ở chân tường. Tưởng con làm gì, hoá ra Hương lấy mẫu cô tiên trong đó để vẽ tranh...
Dạo còn khó khăn, cả phố mới có dăm nhà có tivi, cứ chiều chiều khi có phim Tây du ký là cháu lại lăn xe ra cửa... nghe. Bà không chịu nổi, sang cậu em vay một chỉ vàng và phụ thêm vào mua được cái tivi đen trắng.
Thế giới đã đến bên Hương. Hương tự tin sống và sống đẹp. Hương học đan len, đan áo cho em, cho mẹ. Thấy người bật bông khâu chăn, Hương xin mẹ tìm mua cho một chiếc kim như thế để khâu len. Ông bật bông thấy áo Hương đan thật khéo và trân trọng tặng kim khâu cho.
Cả cái khu phố Xuân Hoà bên sông Lô này được dân thị xã gọi tếu táo là dân CCCP (cát, cót, củi, phên). Bà Mùi đan cót còn nhiều khi lỗi, chứ Hương đan không lỗi bao giờ, chỉ có điều chậm hơn mà thôi. Có lúc thấy mẹ đan lỗi quá nhiều, Hương gắt: "Mẹ kém thế" rồi lại xin lỗi mẹ con đã lỡ lời. Bà không thấy buồn, ngược lại rất tự hào về đứa con tật nguyền của mình...
Vẽ xong bức tranh, Hương đề dưới đó dòng chữ "Invalid". Ông Lượng nói là tàn phế (?), Hương có vẻ ngượng nghịu. Bà Mùi bảo, chẳng biết nó học tiếng (chữ) Anh như thế nào, chắc qua tivi, qua em gái (em thứ hai đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, hiện dạy ở Trường THPT Đầm Hồng, Chiêm Hoá).
Bố mẹ Hương đều tỏ ý tiếc chiếc máy vi tính mới bị hỏng chưa chữa được, chứ không cháu "biểu diễn" cho chú xem. Bà Mùi khoe, đó là tiền trúng xổ số, còn chiếc tivi Sony 14 inch là tiền nuôi lợn nái một năm. Hương muốn được nối mạng máy tính, nhưng vợ chồng bà chẳng có tiền và cũng chẳng hiểu mô tê gì...
Những bức thư gửi bác Thuý
Bà Mùi nói Hương tìm một bức thư Hương đang viết dở và kể: Một buổi chiều cách đây mấy năm, anh bưu tá đến đưa cho cái giấy mời lĩnh tiền. Nhưng ông bà làm gì có ai thân quen ở Sài Gòn. Cuối cùng, ông Lượng đành cùng ông bưu tá ra bưu điện. Một bà tên là Nguyễn Kim Thuý - ở 284/12, phường 10, quận Phú Nhuận - gửi tặng cháu 150.000 đồng và một chiếc xe lăn.
Sau đó, cứ 3 tháng một lần, bà lại gửi cho cháu 450.000 đồng hoặc 500.000 đồng. Hương đã viết thư cảm ơn bà, có khi còn mượn điện thoại di động nhắn tin cho bà nữa. Vừa rồi, cháu viết thư cho bà nói, "bác ơi, bây giờ gia đình cháu bớt khó khăn rồi, cháu xin bác dành tiền ấy gửi giúp gia đình khác khó khăn hơn".
Nhưng bà Thuý vẫn gửi tiền, gửi ảnh của bà và viết thư nói rằng: "Hoàng Hương đừng băn khoăn". Hương càng thương bà hơn sau mỗi lần xem lại bức ảnh rất đẹp của bà chụp trước khi chồng mất 2 tháng. Thế là giờ ngoài cái xe đầu tiên đã hỏng Hương cất đi làm kỷ niệm, Hương còn hai xe lăn nữa, một của bác Thuý, một của Hội CTĐ tỉnh.
Cả phố này gọi Hương là "cô gái xe lăn" và rất trân trọng nghị lực của Hương. Mấy năm trước khi lũ lụt ở miền Trung, Hương đều gửi 20.000 đồng ra MTTQ thị xã để ủng hộ. Mới rồi khi xem tivi thấy tai hoạ sóng thần khủng khiếp ở một số nước Đông - Nam Á, Hương muốn góp ít tiền ủng hộ mà không ai chịu nhận.
Càng nghe chuyện về Hương, tôi càng thấy Hương có một bộ óc hoàn toàn tỉnh táo, thông minh, một tấm lòng nhân ái, yêu thương quý trọng mọi người. Xem phim trên truyền hình xong, Hương viết nhận xét hết sức xác đáng, khách quan về những nhân vật chính. Ngó thấy những tệ nạn xã hội qua tivi, Hương bức xúc viết ra giấy: "Cánh này không bằng mình, vì họ đã bị tật nguyền trong tâm hồn...".
Bây giờ, Hương vẫn băn khoăn về chuyện em gái út học xong trung cấp công nghệ thông tin, chưa có việc làm. Trong một bức thư đang viết cho bà Thuý, Hương viết: "Đã lâu rồi cháu không viết thư thăm bác, mong bác thông cảm cho cháu. Bác ơi, cháu đang rất buồn vì em cháu không xin được việc làm. Ước vọng của cháu là em cháu có được một công việc để bố mẹ cháu đỡ khổ. Nhưng khó lắm bác ạ, vì ước mơ chỉ là ước mơ mà thôi! Giá như bác ở gần chỗ cháu...".
Hương là thế, không lo cho mình mà chỉ lo cho những người thân; không bi quan về số phận mình, lại nao lòng trước số phận người khác. Trước khi tôi tạm biệt ngôi nhà nồng ấm, thân tình ấy, Hương đề nghị tôi chụp cho cả gia đình cô một bức ảnh. Tôi rất vui thực hiện đề nghị đó và thầm hứa sẽ làm nhiều hơn thế để bày tỏ lòng cảm phục một CON NGƯỜI - cô gái tật nguyền trên xe lăn.