Tám năm sau khi chia tay với người đi "B", cả nhà cô giáo Trần Thu Hà vùi thân dưới đống gạch vụn, tại phố Khâm Thiên, ngay Hà Nội. Người tình đi "B" có lẽ cũng chẳng hay là cô đã chết. Chính anh, từ ngày ấy, có tin gì gửi về đâu?...
Hạnh Đào kể với Hoàng về trận bom B52 Mỹ trải thảm xuống Hà Nội liên tiếp trong mười hai ngày trước Giáng Sinh 1972 như sau:
"Sáng hôm sau, tất tần tật dân còn ở lại Hà Nội tay cuốc, tay xẻng đổ xô về khu phố Khâm Thiên... Mọi người đào bới, moi người còn sống lẫn với thây người đã chết. Người ta chết ngay, vì bom cháy... Người ta chết chờ, vì không sao cứu ra được đống gạch đè lên thân... Nguyên cả chợ và cả con phố rền vang tiếng rên la, van nài, kêu khóc. Tất cả lẫn trong tan tành, sấp ngửa, chất đống giữa gạch vụn. Thống khổ dâng tràn trời xanh! Người ta quên đi tội ác của loài người! Người ta tưởng như vạ trời rơi xuống!... Nhà báo Lữ Phán có tặng bố em tập thơ, có bài khóc thương những cánh hoa phù dung ở phố Khâm Thiên hôm đó. Em còn nhớ được vài câu như sau:
Sớm tinh mơ linh hồn em trinh trắng
Đẹp vô ngần rạng nắng trời trong
Chiều hoàng hôn má em hồng kỳ vọng
Sau trận bom, phố đã vắng em rồi.
Phố hoá mồ côi!"
Hoàng ngồi lặng im nghe Hạnh Đào nói. Lòng người như tờ giấy thấm, bây giờ đã loang kín dấu mực thẫm...
Không lẽ cô giáo Trần Thu Hà, chủ nhiệm lớp Hạnh Đào học, lại là Cô Bé Áo Len Đỏ trong sương mù của mùa đông năm xưa?...
Hoàng đánh rơi mất hiện tại, quên luôn Hạnh Đào bên cạnh. Dấu hỏi trong đầu quay tròn cùng năm tháng. Chuyện ngày xưa, chuyện bây giờ, cái gì mà chẳng có thể xẩy ra?...
Thì, cô em út của Hoàng vẫn thế; tới bây giờ cô vẫn từ chối mọi lời mời mọc. Người tình đầu của cô phải chết, chỉ vì anh ta là giáo sư dậy tiếng Anh. Những người chiếm được Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968, dứt khoát quyết định đơn giản như vậy. Và nấm mồ tập thể vùi nông cả ngàn nạn nhân tại Cố Đô cũng đã chôn luôn con tim rớm máu, cùng với người tình duy nhất của cô em...
Rồi mới hôm qua đây, có đến hai đám cưới kéo nhau lên Sài Gòn chụp hình, quanh bên Nhà Hát Thành Phố. Mấy tay lái xe cho đám cưới kháo với nhau:
"Hai chú rể là anh em bà con với nhau. Họ đều là người Trung Quốc cả."
"Cô dâu khóc vì lo. Không biết số tiền để lại, có giúp đủ vốn cho ba má kiếm sống. Cô cũng còn lo vì sẽ phải sống nơi xa lạ, bơ vơ giữa đám người không nói cùng một thứ tiếng. Lo vì lạc lõng. Và lo vì lỡ làng."
"Sao biết?"
"Tôi đón họ từ dưới Long An lên. Nhà gái không đòi hỏi cỗ bàn hay đưa đón gì. Ba má và cô dâu, chỉ có ba người, lên Sài Gòn là do ý đàng trai muốn có tấm hình. Trên xe cả ba đều dấm dứt, thở dài. Cô dâu nhờ gửi lại một lời lỗi hẹn với ai, dưới miệt vườn."
Hoàng không muốn nghe nữa. Anh trở bước, đẩy người bạn đi. Bạn anh ở lại Việt Nam sau ngày nước nhà thống nhất; bây giờ hai người mới gặp lại nhau. Họ quen nhau từ hồi còn đi học. Ngày ấy nữ ca sĩ Khánh Ly đi chân đất, tới sân trường Đại Học Văn Khoa, hát nhạc Trịnh Công Sơn...
"Mẹ kiếp! Mày vào bưng kháng chiến chống Mỹ, cực khổ như vậy; để bây giờ lại như thế à?. Trường Sa, Hoàng Sa tít ngoài khơi, còn thác Bản Giốc ngay biên giới đấy! Tây chiếm, ta đánh được; Mỹ tới ta đuổi đi; Tầu đớp thì chỉ có đi đứt! Lịch sử còn ghi lại chuyện lưỡng Quảng, tức Quảng Đông, và Quảng Tây, giáp biên giới đấy!."
Sau câu nói, Hoàng nghiêng mặt nhìn bạn. Anh ân hận vì đã thở ra lời ai oán. Lòng người chợt trùng xuống, và tình thương bốc lên cao.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Cùng là người Việt với nhau cả!
Huống chi lại là bạn thân của nhau, từ cái thuở cả hai cùng dấm dứt, dùng dằng, rồi chia tay nhau mỗi người theo một ngả.
3. LỠ
Từ hai ngã đường khác nhau, họ gặp nhau ở đây.
Hạnh Đào đi công tác Vũng Tầu, cùng với những người khác, bằng xe của cơ quan. Hoàng theo đường sông, đi tầu Cánh Ngầm tới Vũng Tầu, thuê phòng trong khách sạn Hải Ấu, ngay bên kia đường, chỗ con tầu cặp bến.
Hai người hẹn gặp nhau sáng thứ bẩy, ngoài bãi sau.
Trên đầu họ là bầu trời trong, cao, tràn ngập nắng vàng. Cả hai đi mãi, dọc theo bờ biển, bỏ bãi tắm đông người lùi tít lại đằng xa. Gió dìu những đám mây trắng, nhẹ như bông đi lang thang theo họ. Hình như mây chỉ cho sóng biển tràn lên, xoá sạch dấu chân trên cát vàng.
Dưới trần gian, không một ai lần ra được dấu tích của họ nữa. Giữa vùng hoang vu ấy, chỉ có hai người bên nhau. Lời họ lẫn với lớp sóng trắng tràn lên, thấm xuống cát vàng. Chuyện tình của người này thấm vào lòng người kia tưởng như muối mặn, trong nước biển, lắng sâu dưới cát.
Hạnh Đào nghe Hoàng nói; cái năm Hoàng kể, nàng đã sinh ra đời đâu mà biết. Giọng Hoàng vẫn như trong mơ; mơ về cô giáo Trần Thu Hà, mơ lại mầu đỏ, đã cuốn lôi lòng trẻ... Chuyện đầu đời đó, một mình anh, anh biết; bây giờ là hai:
"Mùa đông năm 1953, tại thành phố Nam Định, ngoài Bắc Việt. Khói sương mù đục, nhuốm mầu u sầu vào những chiều mùa đông lạnh lẽo, từ từ tan loãng. Sắc hồng ấm áp của những xao động đầu đời trong lòng Cậu học trò mười tuổi, dần dần tràn ngập không gian."
Rồi Hạnh Đào cũng kể chuyện của mình. Lời trầm của lòng ngẩn ngơ, tiếc một thời đã mất:
"Em yêu hoa, thích cây cối, ham leo trèo. Từ cành cây cao nhất trên bờ đê, em ngóng mắt trông về phố huyện, chờ mong bóng dáng chiếc xe ô tô của bố mẹ vẫn lại thăm em, nơi trường đang sơ tán. Có lẽ đời em đã bị bom đạn cắt mất giòng mật ngọt của tình yêu đôi lứa. Tuổi lớn lên, em đợi người tình đến. Em mộng mơ mong đợi. nhưng tất tật những người trai trẻ còn đang vướng mắc trong lưới đạn. Không như anh. Em chưa biết yêu là gì."
Khi đất nước hoà bình, phải chờ cả chục năm sau đời sống mới tạm ổn định. Năm tháng đó, Hạnh Đào đã bước vào lứa tuổi thản nhiên. Đám trai trẻ thoát lửa đạn trở về cũng trầy trụa quá đỗi.
Phải tham dự vào cuộc chiến quá sức tưởng tượng, đám trẻ tơ bị bom đạn và hoá chất đẩy lùi dần tới đường ranh bấp bênh giữa sống và chết. Họ cũng chẳng thiết sống, hay sợ chết nữa; khi hiện tại, họ đang vật vờ giữa địa ngục của trần gian. Vì thế đám trẻ tơ hồi trước, bây giờ đã quá tuổi mơ hoa với bướm, ngơ ngoáo thoát về, dật dờ bị cuốn hút vào mọi nhu cầu của đời sống khô cằn. Nhu cầu phải có vợ hay có chồng là cần nhất. Càng sớm càng tốt! Bởi vì tuổi đã muộn từ lâu rồi...
"Ơ hơ. Anh làm gì ở đây?"
"Ở đâu thì ở đâu. Anh cũng phải làm cái gì để mà sống chứ?"
"Vậy là anh làm ở đây à?"
Đó là vài câu đối thoại mở đầu, của hơn hai mươi năm về trước, khi Hạnh Đào gặp lại Đức, cậu bé cùng khu phố. Và câu chót của buổi tình cờ đó là lời mời của Đức:
"Chiều mai, anh gặp lại em?"
"Ờ... ờ... để xem có bận gì không?"
"... nếu trời không mưa?"
"Nếu trời không mưa. Ừ! Nhưng ở đâu?"
Chiều hôm sau trời không chiều lòng người. Nhưng mưa với nắng là chuyện của những người yêu nhau, thường hay mơ với mộng. Đằng này thì khác. Vì thế có tiếng sáo huýt ở ngoài đường, bên cửa sổ. Và vì thế mới có lời trách nhẹ, để dò xem ý tứ của nhau:
"Anh chờ em mãi!"
"Thì anh đã hẹn, nếu trời không mưa, cơ mà."
"Nếu trời không mưa!. Chỉ là bước lùi, để em dễ nhận lời."
Hạnh Đào yên lặng. Khoảng trống thời gian này đủ để Đức yên tâm, tiến theo điều đã định trong đầu; khô khan đến độ chỉ những người sống sót sau cuộc chiến, và cùng cảnh ngộ mới hiểu nổi:
"Anh muốn cưới em làm vợ!. Em về suy nghĩ. Một hai hôm nữa trả lời anh cũng được."
Hạnh Đào phá lên cười:
"Nếu trời không mưa, là một bước lùi. Em về suy nghĩ, là bước lùi thứ hai. Một hai hôm nữa, là bước lùi thứ ba. Anh cứ làm như anh đang đánh trận không bằng!. Bây giờ hết chiến tranh rồi anh ơi!"
Hạnh Đào ngừng lại một chút để dứt cười, và để Đức lấy lại bình tĩnh sau chuỗi cười vừa qua của mình; rồi nói tiếp, cũng dứt khoát như trên sân khấu của vở kịch, viết về một mùa xuân đã lỡ:
"Khỏi phải nghĩ ngợi lôi thôi gì hết. Em trả lời anh luôn. Em đồng ý lấy anh đấy!"
Ngừng kể chuyện xưa, Hạnh Đào dừng lại, đưa chân khoắng một lớp sóng lớn, dâng nước biển ngập nửa bắp chân nàng. Hoàng yên lặng chờ, vì đoán chừng thế nào Hạnh Đào cũng lên tiếng tiếp: