• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

1001 CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG!!!

Status
Không mở trả lời sau này.
Ba người kia tình nguyện chết, chỉ có Lân ngồi im. Ánh trừng mắt hỏi Lân:

"Trượng phu quý mạng sống thế à?"

Lân chắp tay: "Chúa công đừng giận. Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người!"

Nói rồi nhặt hòn đá ở mạn thuyền ném con vịt giời bay qua. Vịt giời rơi xuống nước, cá sấu thấy vậy vội bỏ thuyền lao đến chỗ vịt giời. Ánh cười ha hả bảo rằng: "Thế này thì nghiệp ta thế nào Trời cũng cho thành".

Ánh đi đâu cũng cho Lân đi theo, cũng nhiều khi Ánh xem ý Lân để liệu xử thế với người, lần nào cũng trúng. Có lần, lúc này thế Ánh như diều gặp gió, trước Tết Nguyên đán, các tướng lĩnh, các nhà hào phú quanh vùng, cả dân chúng Gia Ðịnh nữa cũng mang lễ vật đến mừng, Ánh cho Lân ra nhận lễ vật. Lân ra nhận, cho ráo vào cả một kho. Khách đến chúc mừng Ánh, chỉ đi chân tay không mà vào. Bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh thấy lễ vật của mình cũng bị xếp cùng với lễ vật những người khác thì căm tức. Bọn này phàn nàn với Ánh, ý trách Ánh để tả hữu coi thường mình. Ánh cười bảo rằng: "Lân là người có văn, có võ, lại cương trực, trung thành với chủ, cứ để hắn khu xử. Hắn có cách khu xử của hắn. Những người gần ta không phải kẻ tầm thường đâu".

Sáng mồng một, lập đàn tế thần, Ánh cho Lân đứng ra chia lộc thánh. Lân chia phần đều ai cũng như ai, mọi người rất hớn hở. Sau việc này, Ánh hỏi Lân, Lân đáp: "Nghiệp chúa công chưa thành, thế mà đã có kẻ dâng lễ vật nhiều, dâng lễ vật ít. Biết lễ vật của từng người, chúa công sau này dùng họ khó." Ánh bảo: "Phải!" Lân lại nói: "Việc chia phần đều nhau là để ai cũng thấy mình phải cố gắng". Ánh bảo: "Cũng phải". Ngồi một lúc Ánh nói: "Chỉ e ngươi căn cơ quá chăng?" Lân đáp: "Ðầy tớ không căn cơ có hại cho chủ". Ánh bảo: "Ngươi là dân Bắc Hà; Ngươi không hiểu dân Ðàng Trong như ta được. Ngươi tưởng làm thế là chu toàn, nhưng bậc vương giả thích sự tiện lợi hơn cả". Lân bảo: "Chúa công nói phải, căn cơ chỉ hợp với bần tiện, nhưng đất của Chúa công bây giờ nhiều hơn đất của Tây Sơn hay của Tây Sơn nhiều hơn?" Ánh cau mày đáp: "Ta chỉ vỏn vẹn có ba thước đất chôn thây thôi". Lân bảo: "Không phải thế. Chúa công được lòng trời đất, chỉ cần Chúa công thành tâm". Ánh ngồi im, lát sau lại hỏi: "Nhạc không nói làm gì. Lữ không nói làm gì. Huệ có cách gì mà giỏi giang thế?" Lân đáp: "Huệ giỏi dùng người tài nhưng không giỏi dùng người thường. Chúa công khác Huệ". Ánh ngồi im không nói năng gì.
 
Khi Nguyễn Huệ chết, con trai là Nguyễn Quang Toản lên ngôi, Tây Sơn năm bè bảy mối. Ánh mừng lắm sai mở tiệc mừng. Lân đứng ra can: "Chúa công đừng làm thế, dân chúng nhìn vào không cho ta là người đại lượng". Ánh bảo: "Huệ coi ta là quốc thù, hịch truyền khắp nơi, lời lẽ bẩn thỉu lắm. Ta với Huệ không đội trời chung. Nó chết ta cười cũng không được ư?" Lân đáp: "Huệ không có tội gì, chỉ là một người tài, bị trời hành, cũng như Chúa công vậy. Nhưng lực lượng của Huệ không được hưởng phúc lâu dài, thế là Huệ dăm bảy đường thiệt. Ta lấy lộc của kẻ được hưởng phúc trời mà cư xử, trời thấy ta phải, người cũng thấy ta phải". Ánh nghe Lân nhưng nghiến răng nói: "Khi nào ta thành nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó". Lân bảo: "Chẳng lâu đâu, Chúa công cứ nhịn cười, lúc ấy cười một thể". Quả nhiên sau này khi Ánh chiếm Thăng Long, thống nhất giang sơn, Ánh trả thù Tây Sơn rất thảm khốc.

Khi Ánh chiếm Phú Xuân, cướp được một ca nữ xinh đẹp lạ lùng, tên là Ngô Thị Vinh Hoa, vừa tròn mười tám tuổi. Vinh Hoa hát hay, đàn giỏi, điệu bộ rất duyên dáng. Một đêm, Ánh hứng khởi, sai Lân đưa Vinh Hoa vào bày tiệc, ngồi nghe hát. Lân bảo: "Hát bài Triều Thiên Tử". Vinh Hoa ôm đàn hát:

Kìa xanh xanh
Mấy nụ non
Mấy lá non
Nhờ mưa xuân mang sữa cho
Nhờ gió xuân mang khí thổ cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Càng lớn, nhan sắc càng mỹ miều
Càng lớn, phẩm hạnh càng thanh sạch
Càng lớn, càng cả thẹn
Thơ nào tả được vẻ đẹp này
Bút nào vẽ được ý tứ này
Ai tương tư mà chau mày
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời cho
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim.

Ánh vỗ tay reo: "Hát hay quá". Lân lại bảo:" Hát bài Tình Sông Núi". Vinh Hoa ôm đàn hát:
 
Kìa núi cao cao
Kìa sông xanh xanh
Núi do đâu mà ra
Sông do đâu mà ra
Tráng sĩ xa nhà
Lặn lội trên đường
Nơi cố hương
Mẹ già bạc đầu
Gái quý đêm nằm trằn trọc
Lấy gì trả nghĩa tình
Uống chén rượu sầu
Mời núi cao một chén
Lạy thiên tử ba lạy
Chẳng quên tình sông núi
Chỉ thương tình mẹ già với người đẹp phương xa.

Ánh cau mày: "Hát hay nhưng buồn quá". Vinh Hoa quì xuống lạy: "Tiện thiếp làm rầu lòng người trời". Lân đỡ dậy, bảo rằng: "Người chớ lo, Chúa công lòng rộng, những thứ tình cảm sướt mướt của bọn người thường không hợp với Chúa công đâu". Nói xong, Lân sụp xuống lạy Ánh: "Ngày mai Chúa công ra trận vui thú ít thôi, cần nghỉ ngơi". Ánh thở dài đứng lên: "Cũng phải ngươi ép ta, đến nay là chín năm rồi, ta còn nhớ. Từ khi ngươi cắp gươm hầu ta, ăn ngủ cũng phải tính giờ. Xưa kia ta đâu phải vậy?" Lân đáp: "Chúa công chịu mệnh trời, gánh nặng hơn người". Ánh bảo: "Ta chỉ thích như người thường thôi!" Tuy nói thế nhưng cũng rũ áo vào trướng. Vinh Hoa ôm đàn lui ra. Hôm sau, Ánh bảo Lân: "Ta đi mà cứ văng vẳng tiếng hát ca nữ bên tai, tiếng gió thổi, tiếng gươm dao không át được". Lân bảo: "Chúa công còn nhiều cơ hội nghe hát, nhưng cơ hội diệt Tây Sơn chỉ có một".

Ánh họp các tướng, bàn kế hoạch đánh ra Thăng Long. Lê Văn Duyệt tâu: "Bắc Hà có nhiều danh sĩ tài giỏi. Sao cho cờ của ta đến đâu, bọn khốn nạn này mà theo thì dân chúng cũng phải theo thôi". Ánh bảo: "Không được. Ta ủy mệnh trời, cần gì mua chuộc ai? Ta đến đâu, đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống, dân chúng không theo không được". Quan tướng ai cũng thấy phải, ngồi yên lặng cả.

Ðêm ấy Ánh thao thức không ngủ được, gọi Lân đến bảo múa kiếm cho xem. Lân cầm thanh kiếm gia truyền, múa loang loáng, nghe như có gió thổi bốn bề. Ánh nhìn toát cả mồ hôi, đoạn bảo đưa kiếm cho xem. Ánh cầm thanh kiếm hai tay, phát đứt một cây hoa dại vòng gốc như cột nhà mà chỉ bằng một nhát. Nhựa cây phun ra như máu trắng. Ánh hỏi: "Kiếm của ngươi sao sắc bén vậy?" Lân bảo: "Ðây là kiếm thần, không rõ xuất xứ, tổ phụ truyền lại". Ánh hỏi: "Sao bây giờ ta mới thấy nó?" Lân bảo: "Trước Chúa công chỉ thấy đầu rơi dưới kiếm, bây giờ mới nhìn rõ kiếm. Thế là sắp thanh bình thịnh trị rồi đó". Ánh cầm thanh kiếm không muốn rời tay.

Ánh hỏi: "Trưa nay khi nói việc ta muốn chôn danh sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt?" Lân tâu: "Lân là người Bắc Hà nên tủi phận mình sợ cho mình". Ánh bảo: "Ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồn hèn mọn cả". Lân bảo: "Ða số như thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm sang cho chúa công". Ánh bảo: "Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm". Lân bảo: "Thế là chúa công vẫn quen dùng người thường, ở bậc cao nhân còn gì còn chuyện vô đạo, hữu đạo? Tâm ở sự thành, đâu phải ở lòng? Chúng không chịu hiểu là lỗi ở chúng. Ðã ai hiểu việc chúa công dùng Bá Ða Lộc, dùng người ngoại quốc? Chúc công còn phải mang tiếng ba trăm năm". Ánh lo sợ nói: "Phải làm sao?" Lân bảo: "Chẳng làm sao được, nhưng bên cạnh chúa công có vài người như Ngô Thì Nhậm thì không sao cả".

Ánh bảo: "Ta muốn cho ngươi đi trước, chiêu mộ đôi ba người, thế là công to lắm". Lân sụp lạy: "Ðược thế còn gì bằng, Lân cũng không thẹn mặt với nơi sinh ra mình". Ánh bảo: "Ta giữ thanh kiếm này để khi ngươi quay về, có tin hay, ta có cớ mà khen thêm. Còn không được việc, ta có linh khí mà trừng phạt". Lân tái mặt nhưng đành phải chịu.

ít bữa sau, Lân cãi trang, giắt theo ít vàng bạc, tìm đường ra Bắc Hà. Lúc này Bắc Hà nhốn nháo lắm, triều đình Tây Sơn như trứng để đầu đẳng. Bọn tướng của Tây Sơn tranh giành nhau, chẳng còn biết giữ gìn tiếng tăm nữa. Lân thân cô, thế cô, lang thang đây đó, đi khắp nơi tìm người tài giỏi nhưng không thấy ai ưng ý.

Một hôm, Lân vào nghỉ ở một quán trọ ven đường, thấy có một người cốt cách hiền lành, dáng điệu bồn chồn đang ngồi uống nước chè suông. Hai người nói chuyện. Lân ngạc nhiên thấy người này trong trẻo lạ thường, tâm hồn sạch như nước ở suối ra. Lân cố mời rượu, người này chỉ uống một tí đã đỏ mặt. Con gái chủ quán rất xinh đứng ra hầu rượu. Người trẻ tuổi bảo: "Khách ở nơi xa đến, mệt mỏi vì công danh không đâu, chưa biết thế nào là đường đi lối lại, cô Cầm hát một bài cho nghe đi". Lân thoáng ngạc nhiên, rồi bình tâm lại, vật nài mãi, cô con gái chủ quán bèn ôm đàn ra đưa cho người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi gảy đàn, cốt cách rất ư thanh lịch. Cô con gái chủ quán hát:

Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau
Nhờ mưa mang sữa cho
Nhờ đất mang lương thực cho
Chẳng chịu cho ai hái
Ai hái cũng phí
Nhan sắc mỹ miều cũng qua thôi
Phẩm hạnh thanh sạch cũng nhạt thôi
Càng lớn càng cả thẹn
Cố tả được vẻ đẹp này
Gắng vẽ được ý tứ này
Ai tương tư cho rầu lòng
Ngủ thì thôi, tỉnh lại nhớ
ấy là trời buộc
Cô quạnh vì nàng
Ta đi săn, đi câu
Vẻ đẹp hoàn hảo
Vẻ đẹp thiên kim
Bao giờ bốc mộ
Nhỏ cho một giọt nước mắt
Kìa trăm năm
Tài mệnh là gì
Chỉ thấy đớn đau

Lân nghe xong, thở dài trào máu ra từ ngũ khiếu. Lân kêu to: "Trời hỡi trời, sao giống bài Triều Thiên Tử vậy?" Cô con gái chủ quán cười cười chỉ tay vào người trẻ tuổi: "Bài này không có tên, do người này làm ra, chỉ để riêng cho Cầm hát". Lân thở dài nói: "Bài hát hay quá, thật Lân này chưa biết thế nào là đường đi lối lại". Nói rồi Lân cáo từ vào trong nằm nghỉ. Hôm sau Lân dậy sớm, bỏ đi không chào chủ quán, cũng không hỏi người khách trẻ tuổi với cô Cầm, con gái chủ quán.

Khi Lân đến được Thăng Long thì Nguyễn Ánh đã vào thành rồi. Quân Ánh đi như nước lụt, Lân như cánh bèo bị sóng cuốn trôi. Thâm tâm Lân cũng chẳng biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động.

Lân gặp Ánh xin chịu tội vì không làm được việc. Ánh ngồi trên ngai vàng, tả hữu gươm giáo sáng quắc hai bên. Lân tự trói mình, quì xuống sân rồng. Ánh bảo: "Ngươi theo hầu ta thế là chín năm một trăm ngày. Chín năm không làm hỏng việc gì, còn một trăm ngày thì hỏng việc, vô tích sự. Thế là trèo lên cây mà không hái được quả, đáng tội chết". Lân không nói năng gì, vươn cổ ra chịu chém. Nghe nói Nguyễn Ánh đã sai đao phủ dùng thanh kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân. Khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại.

Ðoạn Kết

Tôi, người viết truyện này, gần đây lên Ðà Bắc, đến Tu Lý ở trong nhà một người Mường. Chủ nhà tên là Quách Ngọc Minh có cho xem bài vị thờ tổ tiên. Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông Quách Ngọc Minh cho biết tổ tiên ông là người Kinh. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông tên là Ðặng Phú Lân, có vợ tên là Ngô Thị Vinh Hoa vốn là một ca nữ. Lân và Hoa trốn vua lên Ðà Bắc, giả làm người Mường, về sau lập trại, sinh con đẻ cái ở đây. Ông Quách Ngọc Minh có nói tổ phụ ông sinh thời từng gặp Nguyễn Du, tác giả cuốn Ðoạn Trường Tân Thanh nổi tiếng. Tôi còn được con gái ông Quách Ngọc Minh tên là Quách Thị Trinh hát cho nghe một bài hát xưa, lời lẽ rất thanh tao về những chồi cây xanh.

Viết truyện ngắn này, tôi muốn để tặng gia đình ông Quách Ngọc Minh để cám ơn thịnh tình của gia đình ông đối với riêng tôi. Tôi cũng xin cảm ơn một số nhà nghiên cứu lịch sử và bạn bè quen biết đã giúp tôi sưu tầm chỉnh lý những tư liệu cần thiết cho công việc viết văn, vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa của tôi...

-- Nguyễn Huy Thiệp, Hà Nội 1988
 
Ông Sêkhốp có một truyện độc đáo và thú vị, là Anh Béo và anh Gầy. Câu chuyện đang viết đây, vốn bị hoãn nhiều lần chỉ vì không tìm được cái tên vừa ý, tôi bắt chước ông, gọi là anh Dũng Cảm và anh Hèn.

Xin bắt đầu câu chuyện, trước hết về anh Dũng Cảm.

Ở huyện ngoại thành Hà Nội nọ có một người nổi tiếng dũng cảm, không phải chuyện chiến trường hoặc săn bắt cướp, dù cả hai việc này anh từng trải qua. Dũng cảm với nghĩa đấu tranh chống những điều chướng tai gai mắt, được gọi là hiện tượng tiêu cực, đang đầy rẫy khắp nơi, đến mức nhiều người cũng dũng cảm như anh đâm nản. Nhưng anh thì không, cương quyết không. Anh đã qua tuổi ba lăm, to con, khỏe mạnh, từng là lính đặc công nên giỏi võ. Tiếc là trong cuộc chiến này anh không được phát huy những sở trường đó.

Hóa ra ở đời làm người tử tế và dũng cảm thật khó. Cái giá phải trả cho sự dũng cảm cũng không nhỏ. Từ chiến trường trở về với đủ loại huân huy chương, các bằng dũng sĩ, anh được hồ hởi chào đón và bố trí một chân trong chính quyền địa phương, phù hợp với công trạng. Nhưng rồi dần dần, người ta đã khéo léo gạt anh ra ngoài, trù dập anh một cách tinh tế, khiến anh dù biết mà không bắt bẻ vào đâu được. Cuối cùng, anh chỉ còn là một lực điền cày sâu cuốc bẫm như bao người khác, để nuôi cô vợ hay đau ốm và ba đứa con còn nhỏ. Tất cả chỉ vì anh không giống các cán bộ khác - quá thẳng thắn, quá thật thà, quá yêu công lý và quá dũng cảm.

Làm ruộng là sở trường của anh, vì anh vốn từ đồng ruộng mà lớn lên rồi ra trận. Anh tháo vát, biết lo toan, lại chịu khó nên nói chung cuộc sống không đến nỗi. Anh chẳng có gì để phàn nàn. Cái làm anh khó chịu là những chuyện bất công xung quanh, "những việc đâu đâu" như vợ anh nói. Dù không phải lúc nào chúng cũng liên quan đến anh, nhưng hễ thấy là anh cứ lao vào đấu tranh, theo kiểu "đâu có giặc là ta cứ đi” ngày trước. Mà anh đấu tranh mạnh mẽ, trực diện, không chút khoan nhượng, đôi lúc thiếu mất sự tế nhị cần thiết. Nhiều khi anh làm quá, không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn bị coi là hâm gàn và không hiểu thời cuộc. Một kiểu Đông Kisốt mà người ta thấy vừa đáng yêu vừa tội nghiệp.

Một hôm, vợ anh lên cơn hen nặng, phải đi bệnh viện cấp cứu. Việc này năm nào cũng xảy ra, ít thì một, nhiều có khi ba bốn lần, nên anh có chút kinh nghiệm, ít ra cũng biết phải làm gì.
 
Giống mọi lần, người ta cho vợ anh hít thở qua một loại máy đặc biệt ba ống Ventolin Nebule, loại 5mg. Thuốc được một cô bác sĩ trẻ viết lên tờ giấy rồi chỉ cho anh sang phòng bên mua. Ngồi trong phòng cấp cứu, dẫu lo lắng và thương vợ, anh vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Anh biết chốc nữa vợ anh sẽ tỉnh lại, thở được, và nếu không có gì nghiêm trọng thì sau mấy tiếng họ có thể về nhà tự điều trị tiếp. Bệnh hen là vậy.

Anh lặng lẽ đưa mắt nhìn quanh. Vẫn những cảnh quen thuộc. Phần lớn bệnh nhân là dân quê, với vẻ ngơ ngác sợ sệt thường trực trên mặt và sự khúm núm trong thái độ. Lo cho bệnh tình đã khổ, họ còn bị ám ảnh bởi một cái khổ khác còn ghê gớm hơn, là tờ phiếu thanh toán viện phí và thuốc men đang đợi. Tờ phiếu với những con số đáng sợ, nhất là khi quy ra thóc, thứ hàng duy nhất họ có mà lại đang ngày càng xuống giá.

Các nhân viên y tế thì vẫn cái vẻ bình tĩnh nghề nghiệp, bình tĩnh đến mức người nhà bệnh nhân cảm thấy sốt ruột và nghĩ hay vì mình chưa làm đủ những thủ tục bất thành văn nào đó. Anh quá quen với cảnh này, luôn nhắc mình kiềm chế không đấu tranh vì lẽ phải cùng những thiên thần áo trắng ở bệnh viện. Họ có chuyên môn, cũng phải làm việc vất vả, và từng cứu sống nhiều người, trong đó có vợ anh. Đây là lĩnh vực tế nhị, anh thầm nghĩ, có tiêu cực chút ít cũng không nên cố chấp. Đạo làm người không cho phép lấy oán trả ân. Xưa nay anh chưa bao giờ to tiếng ở bệnh viện, và theo lệ chung, người ta làm gì anh làm nấy, cả những việc mà ở nơi khác, anh nhất định không bỏ qua. Tất nhiên anh cảm thấy chút ít bứt rứt, khó chịu.

Ba tiếng sau, cũng tại phòng cấp cứu, anh được yêu cầu thanh toán để xuất viện. Anh bình tĩnh, lặng lẽ thực hiện yêu cầu chính đáng đó. Nhưng anh bỗng nhíu mày nhìn tờ giấy thanh toán. Đắn đo một lúc, anh hỏi người thu tiền:

- Xin lỗi cho tôi hỏi. Loại thuốc Ventolin Nebule này ngoài quầy thuốc giá bốn mươi nghìn một vỉ năm ống, sao ở đây ghi hai mươi nghìn một ống? Tức là đắt hơn sáu mươi nghìn...

- Tôi không biết - Người kia khó chịu đáp - Tôi chỉ thu tiền.

- Vậy ai biết? - Anh hỏi lại, cố giữ giọng nhẹ nhàng.

- Tôi đã bảo không biết mà. Cứu được người rồi, không lo mà về, còn thắc mắc rách việc.

Anh lại đứng suy nghĩ, đắn đo hồi lâu, rồi đi tìm cô bác sĩ trẻ. Anh nhắc lại thắc mắc của mình một cách mềm mỏng và lịch sự.

- Anh này hay nhỉ - cô ta đáp, hình như cố tình to tiếng để làm anh phải xấu hổ - Anh biết thế sao không ra hiệu thuốc mua, để bây giờ khỏi mè nheo vì tiếc tiền. Đã tiếc tiền sao còn đưa vợ đến đây cấp cứu?

Anh thấy nóng mặt vì thái độ của cô, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh.

- Nhưng chính chị chỉ cho tôi sang phòng kia mua, chứ không bảo ra quầy thuốc chỉ cách đây vài chục bước. Tôi xin hỏi chị: giá này do bệnh viện quy định hay các chị tự đặt ra, thích bao nhiêu thì bán bấy nhiêu?

Thấy giọng anh cứng rắn, lập luận chắc chắn, khác hẳn những ông bà nông dân khác, cô bác sĩ thoáng chút bối rối, nhưng cố nói át:

- Thời buổi thị trường, mỗi nơi một giá. Giữa cái sống cái chết mà anh còn so đo vài chục nghìn! Tiếc đắt thì lần sau tự chữa lấy ở nhà, đừng đến đây nữa.

- Vậy là các người thông đồng với nhau, lợi dụng điều mà các người gọi là giữa cái sống cái chết ấy để bắt chẹt, ăn chặn những bệnh nhân nghèo, là những người nhà quê như tôi - Anh nói to, rành rọt. Anh đã không còn giữ được bình tĩnh và quên hẳn sự kiềm chế vẫn luôn tự nhắc mình khi vào bệnh viện - Các người là một lũ ăn cắp!
 
- Anh nói sao? Anh dám bảo chúng tôi ăn cắp? - Cô kia lu loa.

- Đúng thế - anh hạ giọng, cúi sát mặt cô ta - Tôi xin nhắc lại rằng cô là một con ăn cắp, trắng trợn vô liêm sỉ. Cô ăn cắp ngày này sang ngày khác. Nhưng hôm nay tôi bắt quả tang. Và theo luật, tôi phải đưa cô đến đồn công an để giải quyết như với những con ăn cắp khác. Bây giờ cô phải đi theo tôi - Anh túm chặt tay cô ta, định lôi đi.

- Ối làng nước ơi, cứu tôi với! - Cô kia la lên- Thằng điên, thằng mất dạy này đang làm nhục tôi.

- Câm mồm! Nếu mày không phải đàn bà thì tao đánh vỡ mặt. Ăn cắp còn già mồm.
Thấy động, mọi người nhanh chóng kéo lại. Khi biết chuyện, nhiều bệnh nhân và người nhà tỏ ý đồng tình. Họ mừng ra mặt vì bỗng dưng có anh chàng lập dị nói hộ điều họ vẫn ấm ức mà không dám nói.

- Xưa nay họ vẫn thế mà nào ai dám nói!

- Lương y như từ mẫu. Đẹp gớm!

- Phải trị cho chúng một trận!

- Trả tiền lại cho người ta, không nuốt được đâu!

- Nhưng cái ông kia cũng quá đáng. Phải cho người ta sống với chứ. Làm vất vả, lương ít. Có mấy đồng bạc...

- Bà nói sai bỏ mẹ. Việc gì ra việc ấy. Lương ít thì đòi nhà nước tăng. Bà tính, một người chúng ăn chẹt mấy chục nghìn như thế, mỗi ngày cấp cứu bao nhiêu người, chia nhau mỗi đứa bao nhiêu?

- Đánh bỏ mẹ nó đi!

Một thanh niên mặc áo trắng hùng hổ đi lại, xô mạnh vào ngực anh Dũng Cảm, định gỡ cô bác sĩ vẫn bị anh túm chặt cổ tay.

- Bỏ ra. Bỏ ra ngay! Anh định gây rối à?

- Câm mồm! Nó thì tao không đánh, chứ mày thì tao đánh đấy - Anh quắc mắt, bóp mạnh vào vai hắn bằng bàn tay còn lại, khiến hắn đứng đờ ra bất động, chẳng nói được lời nào nữa - Bây giờ thì mày phải theo tao ra đồn công an, con ăn cắp!

Anh kéo cô bác sĩ, lúc này đang khóc vì đã bắt đầu hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

- Chúng tôi là công an đây. Anh cần gì? Có chuyện gì vậy? - Hai anh công an vừa vội vã bước lại, vừa nói.

- Thế thì hay quá. Các anh đến thật đúng lúc - Anh Dũng Cảm sung sướng nói. Rồi anh vắn tắt kể lại những gì đã xảy ra - Bây giờ nhờ các anh đưa hộ con ăn cắp này về đồn xử lý theo đúng luật pháp nhà nước. Các anh có mang còng theo không. Cần nhiều đấy, không phải một đâu.

Hai anh kia tỏ vẻ lúng túng. Họ không thể không nhận thấy anh Dũng Cảm nói có lý. Xung quanh nhao nhao tiếng đồng tình của nhiều người.

- Chúng tôi chỉ là công an bảo vệ bệnh viện - một người nói - Vả lại, theo tôi, gọi đây là hành vi tiêu cực thì đúng hơn, chứ anh bảo là ăn cắp kể cũng hơi quá...

- Ăn cắp, theo tôi, là lợi dụng lúc người khác không để ý hoặc cả tin, không hiểu biết để lấy tiền. Vậy đây là hành vi ăn cắp chứ không phải tiêu cực.

- Đành thế, nhưng dẫu sao... Biết nói với anh thế nào nhỉ?

- Các anh là người đại diện và bảo vệ pháp luật. Các anh biết phải xử lý thế nào - Anh Dũng Cảm hạ giọng - Tôi đã bắt quả tang. Giấy thanh toán đây, thuốc đây, giá đây. Bây giờ các anh định giải quyết thế nào
 
Một chốc sau, cả bọn, gồm anh Dũng Cảm, hai nhân viên công an và cô bác sĩ, cùng lên phòng giám đốc bệnh viện.

Ông giám đốc là một người nghiêm khắc, một giáo sư nổi tiếng và đáng kính. Ông chăm chú nghe anh Dũng Cảm, chốc chốc lại gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Nghe xong, ông ngồi im lúc lâu, mặt ửng đỏ, một bên má giật giật. Cuối cùng ông nói, thong thả và dứt khoát trong khi cô bác sĩ - ăn cắp cúi nhìn xuống đất, và vẫn còn khóc.

- Thứ nhất, thay mặt toàn bệnh viện, tôi thành thật xin lỗi anh và những người như anh. Với tư cách là thủ trưởng cơ quan, tôi cũng có lỗi, vì vậy tôi xin lỗi anh. Thứ hai, tôi đồng ý khi anh gọi việc làm đáng xấu hổ này là hành vi ăn cắp, một cách có hệ thống, hằng ngày. Tôi thực sự đau lòng và xấu hổ vì việc làm này của các nhân viên tôi.

Rồi ông cho người gọi trưởng khoa cấp cứu đến, bắt lập tức mang tiền chênh lệch trả lại.

- Tôi hứa sẽ kỷ luật nghiêm khắc những người có lỗi, và sẽ không để lặp lại hiện tượng này.

- Cảm ơn giáo sư - anh Dũng Cảm nói - Xin giáo sư cho biết bệnh viện sẽ kỷ luật như thế nào?

- Chúng tôi sẽ đem vụ này ra hội đồng kỷ luật của bệnh viện và xử lý theo quy định của bộ.

- Nhưng đây là hành vi ăn cắp như chính giáo sư đã thừa nhận. Mà tội ăn cắp, thì phải truy cứu hình sự, tức là phải xử ở tòa án chứ không giải quyết nội bộ qua hội đồng kỷ luật.

Đến lượt ông giáo sư lúng túng:

- Vâng, có lẽ anh nói đúng. Quả thật đây là lần đầu tôi gặp người nhìn nhận sự việc theo hướng này. Mà tôi lại không am hiểu lắm về luật pháp. Tôi sẽ nêu ý kiến của anh trước hội đồng kỷ luật và các cơ quan chức năng. Anh biết đấy, ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Tôi rất mong và hy vọng không vì việc này mà anh mất niềm tin vào bệnh viện chúng tôi. Xin anh cho biết địa chỉ. Tôi sẽ đích thân thông báo kết quả xử lý vụ này cho anh.

Rồi anh Dũng Cảm, nhân vật của chúng ta, đưa vợ về nhà. Dọc đường đi, không hiểu sao anh bỗng thấy thật buồn. Anh đạt được cái anh muốn, vợ anh đã qua cơn nguy hiểm, ấy vậy mà anh vẫn cảm thấy buồn, như có cái gì đấy hẫng hụt trong lòng. Anh không hiểu và không thể xác định rõ đó là cái gì. Anh căm ghét tất cả bọn ăn cắp, nhất là bọn ăn cắp mặc áo blu trắng. Nhưng chính cái bọn ăn cắp thứ hai ấy lại vừa cứu vợ anh thoát chết. Anh có làm quá không, có thực sự anh đã lấy oán trả ân không? Nếu con bé ăn cắp kia bị đuổi việc, bị tù tội thật thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra với nó và gia đình nó? Càng nghĩ, anh càng thấy rối. Suốt đêm anh cứ quẩn quanh mãi với những suy nghĩ chẳng vui vẻ này. Cuối cùng, anh quyết định khi nhận được tin báo của giáo sư giám đốc bệnh viện, anh sẽ tự mình xin tha cho cô kia, nếu mức độ trừng phạt quá nặng.

Đấy, chuyện anh Dũng Cảm là như thế. Bây giờ chắc các bạn sẽ hỏi: Còn chuyện anh Hèn thì sao?
 
Anh Hèn là tôi. Tôi phải xin lỗi bạn đọc rằng chẳng hề có anh Dũng Cảm nào cả. Cũng như không hề có chuyện anh ta sống ở ngoại thành, đưa vợ cấp cứu cùng những việc làm đáng khen của anh. Tất cả đều do tôi hư cấu, hay phịa ra như người ta vẫn nói. Tôi là nhà văn mà. Phịa, nhưng trên cơ sở những chuyện có thật.

Sự thật đó là: cách đây không lâu tôi phải đưa vợ tôi vào bệnh viện cấp cứu. Cũng bệnh hen, cũng bị nhân viên phòng cấp cứu thông đồng nhau bắt mua mỗi ống Ventolin Nebule với giá hai mươi nghìn, trong khi chính quầy thuốc bệnh viện ấy bán vỉ năm ống giá bốn mươi nghìn. Tôi cũng ngạc nhiên và bất bình không kém. Thậm chí tôi suýt làm ầm lên, tất nhiên không ở mức như anh Dũng Cảm. Nhưng tôi đã nhẫn nhục im lặng chẳng nói gì. Thứ nhất vì vợ tôi ngăn không cho làm. Bà ấy đang ốm nặng, lại dễ xúc động, làm sao tôi có thể hy sinh mạng sống vợ vì cái công lý trừu tượng nào đó? Sau nữa, mà đây mới là lý do quan trọng nhất: tôi hèn.

Trong ý nghĩ, tôi hình dung, tôi muốn tôi phải là anh Dũng Cảm kia, phải làm đúng những việc anh đã làm. Nhưng trong thực tế tôi lại không có được sự dũng cảm ấy. Tôi sợ làm vợ buồn, sợ mất thời gian, sợ căng thẳng thần kinh, sợ người khác cười chê vì tiếc mấy nghìn bạc mà làm ầm ĩ, sợ mình có nói cũng chẳng giải quyết được gì. Chính cô nhân viên quầy thuốc bệnh viện bảo tôi rằng việc ấy vẫn xảy ra thường xuyên, trước đây cũng như bây giờ và có lẽ cả sau này nữa. Đâu cũng thế. Tóm lại là tôi hèn, và có cớ xác đáng để hèn.

Chẳng ai đem cái hèn của mình ra khoe. Tôi cũng vậy. Nhưng sự thật thế nào thì phải công nhận đúng thế ấy. Thế mà trước đây, các bạn biết không, tôi cũng thuộc loại người hễ thấy bất công ở đâu là xông vào cơ đấy. Và tất nhiên, cũng lãnh đủ, nhưng tôi chưa một lần hối tiếc về việc mình làm. Chẳng qua mỗi tuổi một cách suy nghĩ, hành động, hay sông có khúc, người có lúc như các cụ nói.

Bây giờ tôi đã già, an phận với vị trí yếm thế của người về hưu. Tôi viết văn, suốt ngày gõ gõ bên chiếc máy vi tính. Trọng lượng cơ thể cứ như kéo tôi dính chặt vào ghế, không cho bay lên cao như ngày nào. Các hoài bão, ham muốn, cả thể xác lẫn tinh thần, cứ teo dần, teo dần, và cùng với nó là cái quyết tâm đấu tranh vì công lý và lẽ phải. Nghĩa là trong chừng mực nào đó, tôi đã là kẻ thoái hóa. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cố cưỡng lại không đầu hàng, chừng nào còn có thể. Truyện ngắn này tôi viết cũng nhằm mục đích ấy. Tôi hy vọng nó đến được tay những người cần đến. Biết đâu họ sẽ làm cái gì đó để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trên. Đã biết phận mình hèn thì chỉ dám đặt mục tiêu khiêm tốn thế thôi.

Vì không muốn biến truyện ngắn của mình thành bài phóng sự, tôi xin phép không nêu đích danh tên người, tên bệnh viện cùng ngày giờ xảy ra những việc có thật. Tuy nhiên, dẫu hèn, tôi vẫn không có ý định giấu tên mình. Như các bạn thấy, tôi vẫn còn đủ dũng cảm để viết ra câu chuyện này.
 
Cây đu đủ - Truyện ngắn của Nguyễn Thơ Sinh
16:03:51, 15/04/2006Nguyễn Thơ Sinh



Trẻ con thấy cái gì cũng khai ra. Tôi cũng là trẻ con các bạn ạ. Bị ăn đòn không biết bao nhiêu trận mà tôi vẫn không sao bỏ được cái tật ấy. Cứ thấy ai làm cái gì tôi cũng về nhà mách mẹ. Nào mẹ có thích nghe đâu. Mẹ bận. Lam lũ cả ngày. Bố cũng thế. Chỉ mê đánh cờ và hay ngủ trưa. Chẳng ai có thời gian nghe chuyện của tôi. Vậy mà tôi vẫn mách. Anh Hoạt ghét tôi về cái thói ấy lắm. Anh bảo là: Con trai cái mồm như đít vịt. Sau này lớn lên sẽ thành đàn bà, chẳng làm được việc gì cả.


Anh Hoạt thích chị Xuyến lắm. Hay hẹn nhau ra gốc đu đủ nói chuyện. Tôi ngồi trên gác nhà, nhìn thấy tất cả những gì đang xảy ra dưới gốc cây đu đủ ấy.

Một hôm nhà có rổ khoai luộc, khói còn đang nghi ngút. Cả chị Xuyến hôm ấy cũng sang chơi, ngồi cạnh mẹ tôi, hai con mắt cứ nhìn trộm anh Hoạt. Tôi hết lúc, hết chỗ, hết chuyện mà ngứa mồm, lựa ngay lúc ấy bảo mẹ tôi rằng: Mẹ ơi ! Chiều hôm qua con thấy anh Hoạt hôn chị Xuyến ngay dưới gốc cây đu đủ ấy.

Anh Hoạt hét lên, gần như lạc cả giọng. Cấm tôi không được kể tiếp. Thầy mẹ tôi có anh Hoạt là con trai cả. Hẳn là chuyện ấy phải là hỷ sự. Có người yêu rồi ! A, sẽ có cháu nội! Thế là thầy mẹ đe anh Hoạt. Họ thúc tôi kể lại rành mạch các chi tiết từ đầu. Chị Xuyến xanh mặt lại, tái mét như tàu lá chuối non. Ú ớ đôi mắt.

Bình thường người khác không buồn nghe tôi đã ham kể. Nay thấy thầy mẹ chăm chắm con mắt nhìn, ra chiều hăng say nghe tôi thuật chuyện. Như có chất xúc tác hóa học, tôi càng tợn kể hơn. Tôi diễn tả bàn tay anh Hoạt bấu vào đít chị Xuyến ra làm sao. Chị Xuyến đu người lên hôn vào mồm anh Hoạt tôi như thế nào. Và đủ những trò mà tôi càng kể, mặt chị Xuyến càng tái xanh đi. Mặt anh Hoạt thì càng lúc càng đỏ gắt lại. Bố mẹ tôi tưởng thế là hay, vỗ tay khen anh Hoạt thế mà giỏi. Chẳng ai đá động gì đến tôi, mặc dù tôi là người kể chuyện.

Chị Xuyến thẹn quá, tông ra khỏi cửa chạy về mất. Anh Hoạt đuổi theo. Bố mẹ tôi vẫn cười: Thế là nhà mình sắp có cháu nội bồng rồi. Thằng Hoạt vớ được con Xuyến là chuột sa chĩnh nếp đấy!

Hôm sau anh Hoạt lừa thầy mẹ, kéo tôi ra một cánh đồng làng. Xa lắm. Tôi đã biết lành ít dữ nhiều, thin thít khóc, mong anh Hoạt thương tình mà mở lượng hải hà tha thứ. Trong đầu tôi cứ nghĩ anh đem tôi ra đây để những cái tát tai, những cái đấm, đá, thúc cùi chỏ, lên đầu gối sẽ dạy cho tôi bài học nhớ đời. Và dù tôi có già họng cách mấy cũng không la lên cầu cứu được. Tôi vốn nỏ mồm nhưng nhát gan, sợ bị đánh. Hôm nay tôi biết mình sẽ no đòn. Chết chắc! Chẳng làm sao khác được. Con cóc chết vì to mồm. Chuyện đời hẳn là thế. Ai bảo mày ngu thế, Bát ơi?

Anh Hoạt bắt tôi ngồi xuống. Anh ngả người trên bờ cỏ. Anh nằm im không nói gì cả. Tôi thút thít khóc, không cả dám xin tha hay xin chừa. Cứ thế im lặng cái mồm mãi.

Mảnh trăng gầy nhô lên. Sáng nhưng buồn. Gió hiu hiu, không mát mà lại xạc xào khô khốc. Anh Hoạt nằm mãi một lúc mới bảo: Chị Xuyến thôi chơi với anh rồi. Tại vì chị ấy xấu hổ. Anh năn nỉ mà chị ấy không nghe. Lần sau Bát đừng kể chuyện của người khác ra nữa nhé. Thôi anh em ta về. Trời khuya lắm rồi.

Thì ra anh Hoạt không ác như tôi đã nghĩ.

Anh Hoạt và chị Xuyến nghỉ chơi với nhau thật. Nhưng anh Hoạt chẳng lâu sau quen với chị Mai là bạn của chị Xuyến. Họ lại đưa nhau ra gốc đu đủ. Tay anh Hoạt vẫn sờ soạng vào đít chị Mai, và chị Mai cũng đu lên hôn vào mồm anh Hoạt. Chỉ khác là lần này ăn khoai luộc với bố mẹ, tôi chẳng bảo sao cả. Chỉ nhìn chị Mai rồi lém lỉnh cười.

Anh Hoạt và chị Mai làm đám cưới. Qua năm sau thầy mẹ tôi có cháu đích tôn để bồng.

Chị Xuyến chẳng hiểu làm ăn ra thế nào. Chị đẹp lắm, lại có duyên. Thế mà cứ như bó cải ngồng ngoài chợ, chẳng ai chịu khuân đi cho. Chợ ế. Vứt héo cả đi. Trông tội lắm.

Cho đến khi thằng cháu đích tôn của bố mẹ tôi sắp sửa thi vào phổ thông trung học, chị Xuyến nom vẫn còn trẻ nhưng cứ giữ bo bo không chịu lấy chồng.

Em gái chị Xuyến thích tôi lắm. Nhưng tôi cứ nghĩ đến chuyện ngày xưa lại không dám đem quân tấn công vào thủ đô. Chỉ ven ven ở chỗ ngoại thành. Phí bao nhiêu là đạn dược và lương thảo. Em gái chị Xuyến bảo với chị ấy rằng vì tôi ngại chị mà lừng khừng với cô em gái. Chị tranh thủ gặp tôi, chủ động trước: Bát ạ, chị vì tự ái chuyện em kể về gốc đu đủ mà đã đánh mất một tình yêu. Em cũng đừng vì cái ngại mà mất đi một người con gái chung thủy. Em gái của chị nó thương Bát lắm. Thương thật đấy. Em hãy thương lại con bé đi, Bát nhé.

Tôi sướng như thằng bờm có được nắm xôi. Tốc về nhà xin mẹ: Cho con cơi giầu, mẹ nhá. Mẹ tôi tất nhiên là gật ngay. Lớn rồi, cứ như là thằng nghệch ấy! Em gái chị Xuyến càng gật đầu tợn hơn. Thế là họ chờ tôi xong xuôi đại học là chọc tiết lợn.

Tôi không bóp mông em chị Xuyến. Cô ấy cũng chẳng đu lên người tôi mà hôn. Chúng tôi chỉ lý sự cùn về đủ mọi thứ trên đường từ nhà ra trường phổ thông trung học ngoài thị trấn. Chuyện tình của bọn tôi không ăn nhập dính dáng gì đến một cây đu đủ sau vườn.

Thầy giáo dạy tiếng Anh bậc đại học của tôi được mời đến ăn đám hỏi em gái chị Xuyến. Chị Mai cũng sang làm cơm hộ với chị Xuyến. Anh Hoạt lâu lâu nhìn trộm chị Xuyến. Còn thầy giáo của tôi thì cứ nhìm trộm cả hai người đàn bà.

Léng phéng thế nào mà ông thầy của tôi lại thích nghe chị Xuyến nói chuyện. Thầy hỏi người nhà quê chúng tôi vườn tược ra làm sao. Chị Xuyến vui vẻ kể rõ chi tiết về các sự vật quen thuộc trong nhà, ngoài vườn, ngoài ngõ...

Tôi và em chị Xuyến ngồi ở một cái xích đu bằng tre gần đấy. Cố ý nghe ngóng xem thầy tôi có định xua quân đánh thốc vào thủ đô hay không. Chị Xuyến thật thà kể về một cây đu đủ và một mối tình đầu. Thầy giáo tôi chả hiểu có phải đã ăn tiết canh dê hay sao lại ngứa mồm hỏi: Thế có phải trồng một cây đu đủ khác thì chị Xuyến mới có một mối tình thứ hai hay không ? Chị chỉ nheo mắt cười: Chỉ cần thầy giáo mua cau ngoài chợ về là được.

Hai chị em chị Xuyến đám cưới cùng một lượt. Chú rể là hai thầy trò nhà tôi. Cỗ cưới không to nhưng vui. Chỉ bịn rịn nhất là cảnh hai cô dâu mỗi người đi một ngả. Chỉ có bà mẹ chị Xuyến, không nhễ nhãi nước mắt, giọng thật thà với hàng xóm: Thế là ơn Giời. Người ta khuân hộ hai quả bom nổ chậm ấy ngay cho cùng một lúc.

Hóa ra thầy trò nhà tôi dại thật. Dám đưa bom nổ chậm về nhà mình.

Texas 2005
 
Những Vì Sao_Alphonse Daudet (Trần Viết Minh Thanh ch

Trong thời gian chăn súc vật tại Luberon, tôi đã trải qua nhiều tuần liên tiếp không trông thấy một bóng hình, chỉ một mình tôi trên cánh đồng xanh với chú chó Labri, và đàn súc vật. Thỉnh thoảng tôi có nom thấy một ẩn sĩ sống vùng Mont de L'ure đi ngang qua để kiếm, chắc để tìm kiếm các vật dụng cần thiết. Vài khi tôi cũng gặp mấy khuôn mặt đen nghịt của những người phu mỏ vùng Piémont; nhưng tất cả đều có dáng vẻ dửng dưng, lặng lờ. Có lẽ vì sống đời cô độc quen rồi, họ đánh mất bản tính thích chuyện trò của loài người. Họ cũng chẳng màng biết đến bất cứ câu chuyện thời sự nào đang được bàn tán trong những làng hay tại các thành phố dưới đồng bằng.

Thế nên, cứ mỗi mười lăm ngày, khi được nghe từ trên con đường đi lên núi, tiếng chuông của chú lừa mang thực phẩm định kỳ, rồi dần dần trên sườn núi xuất hiện cái đầu cậu bé lon ton của nông trại, hay bộ tóc hung đỏ của dì Norade, tôi vui mừng quá đỗi. Tôi bắt họ kể những tin tức mới từ miền dưới, như các buổi lễ rửa tội cho trẻ con và những đám cưới. Nhưng điều tôi tha thiết nhất, vẫn là những gì mới lạ xảy ra chung quanh cô con gái ông chủ, cô Stéphanette, nhan sắc nhất vùng. Làm bộ như chẳng mấy lưu tâm, thật ra tôi nhặt nhanh tin tức về cô, nào là cô có đi dự tiệc nhiều không, có bao nhiêu chàng trai mới đeo đuổi cô ... Và, nếu có ai hỏi tôi những điều như thế có ích lợi gì cho tôi, một tên chăn cừu nghèo trên đầu núi, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đã 20 tuổi rồi, và cô Stéphanette, trong mắt tôi là người đẹp nhất trên đời mà tôi được biết.

Một sáng chủ nhật nọ, trong lúc ngóng lương thực cho nửa tháng tới, tôi bỗng nhận ra nó đến trễ hơn thường lệ. Lúc sáng tôi đã nhủ thầm: “Chắc tại nhà thờ có buổi lễ lớn", đến trưa, trời đổ cơn giông, tôi lại đóan chắc tại con lừa không chịu cất bước vì đường chắc xấu lắm. Cuối cùng, chừng ba tiếng đồng hồ nữa, trời quang tạnh, cả vùng núi ướt mưa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, tôi nghe xen giữa tiếng nước rỏ tí tách từ đầu các ngọn lá và tiếng nước chảy tràn của con suối, tiếng chuông reo vui của chú lừa đầy nhiệt huyết, tựa như tiếng chuông ngày lễ Phục Sinh.

Thế nhưng không phải là cậu bé lon ton của nông trại, cũng chẳng phải là bà già Norade cưỡi chú lừa như mọi khi. Mà là ... bạn thử đoán xem là ai nào? Cô tiểu thư của chúng ta đấy, trời ạ, cô nàng bằng xương bằng thịt, ngồi ngay ngắn giữa những giỏ mây, đôi má ửng hồng vì khí núi và cơn mưa giông vừa qua. "Thằng bé bị bệnh, dì Norade đi nghỉ mát tại nhà mấy người con", người đẹp Stéphanette báo tin ấy cho tôi khi cô tuột khỏi lưng con lừa, và cô đến trễ vì bị lạc đường
 
Trông cách phục sức của cô nàng, áo đẹp ngày Chủ Nhật, với khăn buột tóc cột thành hoa, váy ren lộng lãy, hình như cô đến chậm vì còn mãi dừng chân đó đây, nhảy nhót tại buổi tiệc nào đó, chứ không có vẻ gì là bị lạc lối lung tung với các bụi rậm ven đường. Ồ, thật là một tạo vật mỹ miều! Ðôi mắt tôi không ngắm cô không biết chán. Quả thật, tôi chảng bao giờ có dịp nhìn cô gần đến thế! Thỉnh thoảng vào mùa đông, có khi đoàn súc vật bị lạc xuống đồng, tôi vào trại để ăn buổi tối, cô đi ngang qua phòng ăn rất vội, dường như không bao giờ chuyện trò với những người làm công, dáng điệu lúc nào cũng hơi xa cách, thoáng chút kiêu kỳ. Vậy mà bây giờ, nàng đang hiện diện trước mặt tôi đây, cho riêng mình tôi thôi, có điên đầu không chứ?

Sau khi trút thực phẩm trong cái làn mây ra, Stéphanette bắt đầu tò mò nhìn chung quanh cô. Nhẹ nhàng nàng chéo váy đẹp lên, cô bước vào không gian của tôi, cô muốn xem chỗ tôi ngủ, cái khoảng đệm rơm phủ da cừu, cái áo choàng tôi móc lên tường, cây thập giá, viên đá lửa nhồi. Tất cả những vật đó khiến cô thú vị.
- À, thì ra anh sống ở đây, anh chăn cừu tội nghiệp của tôi ơi? Làm sao để anh khỏi phải buồn chán, một mình nơi đây? Anh làm gì? Anh nghĩ đến điều gì?

Tôi rất muốn trả lời: "Tôi nghĩ đến cô đó, cô chủ nhỏ à". Quả thật tôi không nói láo đâu, nhưng lúc này lòng rất đỗi xao xuyến, tôi cứ im như thóc vì không tìm được câu đáp nào. Hình như cô nàng cũng nhận biết thế, và cô bé lấy làm thích thú một cách dễ ghét. Cô càng muốn khiến tôi thêm bối rối với những câu hỏi tinh nghịch như:
- "Thế cô bạn gái của anh thì sao, anh chăn cừu, cô có thỉnh thoảng lên thăm anh không? ... Có lẽ cô sẽ cưỡi con dê bằng vàng, hay nhờ phép thần thông của tiên nữ Estérelle, chỉ khẽ nhún chân một cái là tới núi thôi ...





Cô có ngờ đâu chính cô mới giống nàng tiên Esterelle, với tiếng cười dòn vui tươi, mái đầu nghiêng nghiêng, cùng sự vội vàng ra đi của cô cho tôi cảm giác buổi viếng thăm của cô như thể là cô là nàng tiên vậy.
- Chào anh chăn cừu nhé!
- Chào cô chủ nhỏ.
Và rồi cô ra đi, đem theo những chiếc giỏ mây trống trơn.
Khi bóng cô khuất trên lối mòn lưng núi, tôi có cảm giác như những hòn cuội, lăn từ chân chú lừa, rớt từng viên một trên trái tim tôi. Tôi còn nghe mãi tiếng lăn của chúng thật lâu, thật lâu; và cho đến cuối ngày tôi vẫn như mơ, như mộng, không dám đọng cựa, sợ rằng chúng biến khỏi giấc mơ của tôi.
 
Khi chiều xuống, đáy thung lũng một màu xanh thẫm, những con cừu xúm xít lại với nhau, cất tiếng kêu đàn trên đường về chỗ ngủ, tôi chợt nghe tiếng ai gọi mình từ lưng núi. Rồi tôi thấy cô tiểu thư của chúng ta xuất hiện, hết dáng điệu vui tươi lúc ban ngày, mà cô đang run lảy bảy vì lạnh, vì sợ, thân hình ướt đẫm. Chuyện là trên đường về, khi qua con suối ngập nước vì cơn bão, cô bé đã nhất quyết lội qua, suýt nữa bị cuốn đi. Khổ thân cô, giờ này không có cách nào về lại nông trại. Ði băng qua núi, chắc một mình cô không tìm được lối, còn tôi thì không thể bỏ đàn cừu được. Ý nghĩ phải ngủ qua đêm ở nơi này làm cô băn khoăn, nét lo lắng hiện rõ. Còn tôi, chỉ biết cố hết sức trấn an cô:
- Tháng Bảy, đêm rất ngắn, cô chủ à .. CÔ phải trải qua một chút bực mình nhỏ thôi mà!
Tôi vội vàng nhóm một ngọn lửa lớn để hong áo cho cô, và sưởi ấm đôi chân ướt lạnh vì lội qua suối. Rồi tôi đem thức ăn tới cho cô, gồm sữa và những khoanh phô mách nhỏ, nhưng cô bé đáng thương không màng ăn uống hay sưởi ấm. Nhìn nước mắt cô tuôn rơi, tôi cũng muốn khóc theo luôn.
Lúc này đêm đã hầu như khắp nơi. Chỉ còn lại trên đỉnh núi một chút bụi ánh sáng, một làn khói mờ nhạt nơi chân trời. Tôi mời cô tiểu thư vào nằm nghỉ ngơi trong túp lều bé nhỏ của tôi. Trên ổ rơm mới thay, tôi đã trải một bộ da khác, rồi tôi chúc cô ngủ ngon, và ra ngoài ngồi canh cửa. Chúa chứng dám lòng tôi, dù ngọn lửa tình yêu đang cháy nóng tâm can, không một ý nghĩ xấu xa nào len vào tâm tôi, chỉ có niềm kiêu hãnh vô bờ khi nghĩ đến trong góc nhỏ của khu đồng xanh trên núi này, giữa đám cừu tò mò nhìn cô bé đang ngủ, cô con gái của ông chủ, nàng như một con bê quý giá và trắng ngần, yên tâm nằm nghĩ dưới sự canh thức của tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bầu trời sâu thăm thẳm như đêm nay, và các vì sao sáng thế!

Bỗng nhiên cửa lều mở, và cô nàng xinh đẹp Stéphanette xuất hiện! Hóa ra cô bé không ngủ được vì đàn cừu cựa quậy, xao động trên đống rơm, đôi khi lại cất tiếng kêu be he nho nhỏ trong giấc mơ của chúng. Cô bảo cô thích ngồi gần ngọn lửa hơn. Tôi vội khoác lên vai cô tấm khăn choàng bằng lông cừu của tôi, và chúng tôi ngồi im lắng bên nhau.
Nếu bạn có lúc nào trải qua một đêm dưới bầu trời vằng vặc đầy sao, bạn sẽ biết là vào giờ mọi người đang yên giấc, một thế giới huyền bí đang mở ra trong cô đơn và thinh lặng. Lúc ấy, tiếng suối reo vui và thanh thoát nhất, những chiếc mặt hồ tĩnh mịc và thánh thót hơn. Mọi linh hồn của núi tự do bay lượn, không khí chuyển động, những ân thanh lúc bình thường ta không cảm nhận được, hình các thân cây đang lớn lên và đám cỏ đang vươn cao hơn. Ban ngày là đời sống của sinh vật, nhưng ban đêm thuộc về các thực vật. Khi chưa quen, người ta có cảm giác sợ hãi ... Thế nên, cô tiểu thư của chúng tôi run lập cập và lại ngồi sát thêm vào tôi, mỗi khi có tiếng động bất chợt vang lên. Có tiếng kêu dài, buồn bã, phát sinh từ mặt ao sáng lung linhn, gợn sóng nhấp nhố từ phía dưới, vọng lên tận chỗ chúng tôi ngồi, vừa đúng lúc một ngôi sao xẹt băng qua trên đầu chúng tôi, như thể tiếng thán mà chúng tôi vừa nghe được, đem theo cùng với nó một làn ánh sáng vậy.
- Cái gì thế? Stéphannette thì thào hỏi tôi.
- Cô chủ à, một linh hồn vừa vào thiên đàng.
Và tôi làm dấu thánh giá. Cô cũng làm dấu thánh giá, mặt ngước nhìn lên bầu trời, nét mặt đầy cảm khái. Rồi cô nói:
- Có thật vậy không, anh chăn cừu, các anh có phải là phù thủy, những người có lối sống khác với người thường như chúng tôi?
- Không phải vậy đâu, cô chủ ạ. Nhưng vì chúng tôi sống ở núi cao, gần các vì sao hơn, nên chúng tôi biết nhiều điều xảy ra hơn là người sống dưới đồng bằng.

Mặt cô vẫn đăm đăm nhìn lên trời, tay chống cầm, mình khoác tấm chăn cừu, trông cô giống như một thiên thần chăn chiên vậy.
- Nhiều sao ghê! Thật đẹp quá! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sao như thế! Anh chăn cừu à, anh có biết tên của chúng không?
- Biết chứ cô chủ! Này, ngay trên đầu chúng ta là giải Ngân Hà, con đường của thánh Jacques. Ông ta đi từ nước Pháp thẳng đến xứ Tây Ban Nha. Chính Thánh Jacques de Galice đã vẽ đường cho người hùng Charlemagne đi đánh trận với quân Sarrasins. Xa hơn tí, cô thấy kìa chiếc xe ngựa chở linh hồn (sao Hùng) với bốn cái trục sáng chói. Ba ngôi sao đi đằng trước là ba con thú, và ngôi sao bé tí là người cưỡi xe. Cô có thấy chung quanh chúng một loạt ngôi sao rơi rụng xuống không? Ấy là những linh hồn mà Thượng Ðế không muốn chúng đến cạnh Ngài. Xa hơn chút nữa, là ngôi sao của Ba Vuạ, là ngôi sao dùng làm đồng hồ cho những người như chúng tôi. Chỉ cần nhìn chúng, là tôi biết bây giờ đã quá nửa đêm rồi! Ðàng xa nữa, phía ngôi sao hôm, là sao Jean de Milan, ngọn đuốc của các vì tinh tú. Giới chăn cừu chúng đã truyền miệng câu chuyện như thế này: Một đêm nọ, anh chàng Jean de Milan, cùng ba vị vua và ngôi sao Văn Học được mời đến dự đám cưới của người bạn chung. Sao Văn Học gấp gáp đi trước, vì thế vì nó nằm ở vị trí cao nhất. Nhìn trên xa kìa, tận trên đỉnh trời cao đó. Ba ông vua nằm phía dưới, đang theo đuôi chàng Văn Học, còn cậu lười biếng Jean de Milan, vì ngủ dạy trễ nằm tận cuối cùng. Cậu tức giận, bèn ném cây gậy lên. Vì thế vì sao "Ba Vua" còn được gọi là "Cây Gậy của chàng Jean de Milan" . .. Nhưng mà cô chủ à, ngôi sao đẹp nhất trong các vì sao, là sao của chúng tôi, “ Ngôi sao của những người chăn cừu “, mọc lên để soi đường lúc tờ mờ bình minh, khi chúng tôi lùa đàn cừu ra đồng, và lúc hoàng hôn xuống chúng tôi đem cừu về. Chúng tôi gọi nói là cô nàng Maguelonne. Nàng Maguelonne chạy theo chàng Thổ Tinh, và cứ bảy năm lại làm đám cưới với chàng một lần.
- Thôi đi anh chăn cừu, các vì sao mà cũng làm đám cưới à?
- Ðúng thế đây, cô chủ à!

Ðúng lúc tôi cố tìm cách giải thích cho cô hiểu thế nào là đám cưới của các vì sao thì tôi cảm thấy một vât gì vừa mát lại vừa êm, nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Ðó là đầu cô chủ, mệt mỏi ngả đầu và thiếp trên vai tôi, trong tiếng xột xoạt dễ thương đăng ten, cùng mái tóc quăn của cô. Cô tựa người vào tôi như thế, yên ả, cho đến khi màu tro nhạt trên bầu trời tan biến vào tia mặt trời đầu ngày. Tôi nhìn cô ngủ, lòng xao xuyến, nhưng may được các vì thánh che chở trong buổi tối an lành này, với toàn ý nghĩ thật đẹp đẽ. Chúng quanh chúng tôi, các vì sao tiếp tục cuộc hành trình lặng lẽ, ngoan ngoãn như một đàn cừu khổng lồ. Bỗng nhiên tôi cảm thấy như một vì sao trong số đó, vì sao xinh đẹp nhất, rực rỡ nhất, đã lạc đường, sa xuống vai tôi mà ngủ yên lành.
_________________
Vẫn như ngày xưa, tôi chẳng lý giải được vì sao tôi yêu anh nhiều đến vậy. Cũng như tôi chẳng bao giờ hiểu vì sao những cơn mưa vẫn cứ mãi rơi...........
 
Chí Phèo - Nam Cao

Hắn vừa đi vừa chửi . Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi . Bắt đầu chửi trời . Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời . Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai . Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ-đại . Nhưng cả làng Vũ-đại ai cũng nhủ, "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả . Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Ðã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều . Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo . Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo ? Có trời mà biết ! Hắn không biết, cả làng Vũ-đại cũng không ai biết...
***
Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem về cho một người đàn bà góa mù . Người đàn bà góa mù này bán hắn cho một bác phó cối không con, và khi bác phó cối này chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ . Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho ông lý Kiến, bấy giờ cụ bá Kiến, ăn tiên chỉ làng. Hình như có mấy lần bà ba nhà ông lý, còn trẻ lắm mà lại hay ốm lửng, bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy . Người ta bảo ông lý ra đình thì hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà thì lại sợ cái bà ba còn trẻ này . Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì hay đau lưng lắm; những người có bệnh đau lưng hay sợ vợ mà chúa đời là khoẻ ghen. Có người bảo ông lý ghen với anh canh điền khoẻ mạnh mà sợ bà ba không dám nói . Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều . Mỗi người nói một cách. Chẳng biết đâu mà lần. Chỉ biết một hôm Chí bị người ta giải huyện rồi biệt tăm đến bảy, tám năm rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về . Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai . Trông đặc như thằng sắng cá ! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông thày tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế . Trông gớm chết!
 
Hắn về hôm trước hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa cho đến xế chiều . Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi . Cụ bá không có nhà . Thấy điệu bộ hung hăng của hắn, bả cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. Mắc phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại nhăm nhăm cầm một cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả ... Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chặt, rồi mặc thây cha nó, nó chửi thì tai liền miệng ấy, chửi rồi lại nghe . Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượụ Thật là ầm ỹ ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả : xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới được nghe người ta chửi lại cả nhà cụ bá . Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngắt làm sao! Họ bảo nhau : phen này cha con thằng bá Kiến đố còn dám vác mặt đi đâu nữa! Mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất. Cũng có người hiền lành hơn bảo, "Phúc đời nhà nó, chắc ông lý không có nhà ...". Ông lý đây là ông lý Cường, con giai cụ bá nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm rác. Phải ông lý Cường thử có nhà xem nào ! Quả nhiên họ nói có sai đâu ! Ðấy, có tiếng người sang sảng quát , " Mày muốn lôi thôi gì ? Cái thằng không cha không mẹ này ! Mầy muốn lôi thôi gì ?..." Ðã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng lý Cường. Lý Cường đã về ! Lý Cường đã về ! Phải biết... A ha! Một cái tát rất kêu . Ôi! Cái gì thế này ? Tiếng đấm, tiếng đá nhau bình bịch. Thôi cứ gọi là tan xương! Bỗng "choang" một cái, thôi phải rồi, hẳn đập cái chai vào cột cổng... Ồ hắn kêu ! Hắn vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu!
 
Ôi làng nước ôi! Cứu tôi với ... Ôi làng nước ôi! Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!... Và họ thấy Chí Phèo lăn lộn dưới đất, vừa kêu vừa lấy mảnh chai cào vào mặt. Máu ra loe loét trông gớm quá! Mấy con chó xông xáo quanh hắn, sủa rất hăng. Lý Cường hơi tái mặt, đứng nhìn mà cười nhạt, cười khinh bỉ . Hừ! Ngỡ là gì, chẳng hoá ra nằm ăn vạ! Thì ra hắn định đến đây nằm vạ!

Người ta tuôn đến xem. Mấy cái ngõ tối chung quanh đùn ra biết bao nhiêu là người! Thật ồn ào như chợ. Bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá vững dạ vì có anh lý, cũng xưng xỉa ra chửi góp. Thật ra, các bà muốn xem Chí Phèo ra làm sao ? Không khéo nó có ý gieo vạ cho cụ ông phen này ...

Nhưng kia cụ ông đã về . Cụ cất tiếng rất sang hỏi: "Cái gì mà đông như thế này ?" Chỗ này "lạy cụ" chỗ kia "lạy cụ", người ta kính cẩn đứng giãn ra, và Chí Phèo bỗng nằm dài không nhúc nhích rên khe khẽ như gần chết.

Thoáng nhìn qua, đã hiểu cơ sự rồi . Làm lý trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lý trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì . Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:

- Các bà đi vào nhà: đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì ?

Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:

- Cả các ông các bà nữa, về thôi đi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này ?

Không ai nói gì, người ta lảng dần đi . Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi . Ai dại gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá . Bây giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi:

-- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế ?

Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:

- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi . Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm: người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười .

- Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Ðời người chứ có phải con ngoé đâu ? Lại say rồi phải không?

Rồi đổi giọng cụ làm thân mật hỏi:

- Về bao giờ thế ? Sao không vào tôi chơi ? Ði vào nhà uống nước.

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:

- Nào đứng lên đi . Cứ vào đây uống nước đã . Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau . Cần gì phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả .

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:

- Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi . Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ . Chỉ tại thằng lý Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau . Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy .

Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi . Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát :

- Lý Cường đâu ! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước, mau lên !

Cụ dắt Chí Phèo đứng dậy, giục thêm vài tiếng nữa, và Chí Phèo chịu đi; hắn chỉ cố khập khiễng cái chân như bị què . Là vì lúc ấy trong người hắn rượu đã hơi nhạt rồi, không còn kêu gào chửi bới ; và không còn nghe kêu gào chửi bới, hắn thấy hình như không hăng hái nữa . Sự ngọt ngào làm mềm nhũn, vả lại những người đứng xem về cả rồi, hắn thấy hắn hình như trơ trọi . Cái sợ cố hữu trong lòng thức dậy, cái sợ xa xôi của ngày xưa, hắn thấy quá táo bạo . Không táo bạo mà dám gây sự với cha con bá Kiến, bốn đời làm tổng lý . Và nghĩ thế, hắn thấy hắn cũng oai . Hắn làm cái ông gì ở làng này ? Không vây cánh, không họ hàng thân thích; anh em không có, đến bố mẹ cũng không... Ờ, thế mà dám độc lực chọi nhau với lý trưởng, chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ-đại, Chánh Hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu, khét tiếng đến cả trong hàng huyện. Thử hỏi đã có mặt nào trong cái làng hơn hai nghìn xuất đinh này làm được thế ? Kể làm rồi có chết cũng là cam tâm. Vậy mà không: cái cụ bá thét ra lửa ấy lại xử nhũn, mời hắn vào nhà xơi nước. Thôi cũng hả, đã xử nhũn thì hắn vào . Nhưng bỗng hắn lại hơi ngần ngại: biết đâu cái lão cáo già này nó chả lại lừa hắn vào nhà rồi lôi thôi ? Ồ mà thật, có thể như thế lắm! Này nó hãy lôi ngay mấy cái mâm cái nồi hay đồ vàng, đồ bạc ra khoác vào cổ hắn, rồi cho vợ ra kêu làng lên rồi cột cổ hắn vào, chần cho một trận om xương, rồi vu cho là ăn cướp thì sao ? Cái thằng bá Kiến này, già đời đục khoét, còn đớn cái nước gì mà phải chịu lép như trấu thế? Thôi dại gì mà vào miệng cọp, hắn cứ đứng đây này, cứ lăn ra đây này, lại kêu toáng lên xem nào . Nhưng nghĩ ngợi một tí, hắn lại bảo: kêu lên cũng không nước gì ! Lão bá vừa nói một tiếng, bao nhiêu người đã ai về nhà nấy, hắn có lăn ra kêu nữa, liệu có còn ai ra ? Vả lại bây giờ rượu nhạt rồi, nếu lại phải rạch mặt thêm mấy nhát thì cũng đau . Thôi cứ vào ! Vào thì vào, cần quái gì . Muốn đập đầu thì vào ngay giữa nhà nó mà đập đầu còn hơn ở ngoài . Cùng lắm, nó có giở quẻ, hắn cũng chỉ đến đi ở tù . Ở tù thì hắn coi là thường. Thôi cứ vào ...
 
Vào rồi, hắn mới biết những cái hắn sợ là hão cả . Bá Kiến quả có ý muốn dàn xếp cùng hắn thật. Không phải cụ đớn, chính thật cụ khôn róc đời, thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân. Chí Phèo không là anh hùng, nhưng nó là cái thằng liều lĩnh. Liều lĩnh thì còn ai thèm chấp ! Thế nào là mềm nắn rắn buông? Cái nghề làm việc quan, nếu nhất nhất cái gì cũng đè đầu ấn cổ thì lại bán nhà đi cho sớm. Cụ vào bảo lý Cường như thế đấy . Vũ dũng như hắn mà làm được lý trưởng là nhờ có cụ . Cụ mà chết đi rồi "chúng nó" lại không cho ăn bùn.


Tiếng vậy, làm tổng lý không phải việc dễ . Ở cái làng này, dân quá hai nghìn, xa phủ xa tỉnh, kể ăn thì cũng dễ ăn nhưng không phải hễ làm lý trưởng thì cứ việc ngồi mà khoét. Hồi năm nọ, một thầy địa lý qua đây có bảo đất làng này vào cái thế "quần ngư tranh thực", vì thế mà bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi . Mồi thì ngon đấy, nhưng mà năm bè bảy mối, bè nào cũng muốn ăn. Ngoài mặt tử tế với nhau, nhưng thật ra trong bụng lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ . Ngay thằng Chí Phèo này đến đây sinh sự biết đâu lại không có thằng nào ẩy đến? Nếu cụ không chịu nhịn, làm cho to chuyện có khi tốn tiền. Cái nghề quan bám thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu ? Bỏ tù nó thì dễ rồi; nhưng bỏ tù nó, cũng có ngày nó được ra, liệu lúc ấy nó có để yên mình không chứ ? Cụ phải cái vụ thằng Năm Thọ, mãi đến bây giờ chưa quên.
Năm Thọ vốn là một thằng đầu bò đầu bướu . Hồi ấy, bá Kiến mới ra làm lý trưởng, nó hình như kình nhau với lão ra mặt; lý Kiến muốn trị nhưng chưa có dịp. Ðược ít lâu, hắn can dự vào một vụ cướp bị bắt giam; lý Kiến ngấm ngầm vận động cho vào tù . Vẫn tưởng một người vai vế như Năm Thọ mà thất cơ lỡ vận đến nỗi tội tù làm gì còn dám vác cái mặt mo về làng? Lý Kiến mừng thầm rằng đã nhổ được cây đinh trước mắt. Nào ngờ một buổi tối lý Kiến đang ngồi một mình soạn giấy má thì Năm Thọ vác dao xộc vào . Nó đứng chặn lấy cửa và bảo: nếu kêu lên một tiếng thì đâm chết liền, thì ra nó vượt ngục và về đây nhờ ông lý một cái thẻ mang tên một người lương thiện và một trăm đồng bạc để trốn đi . Nó bảo: nghe nó thì nó đi biệt, mà không nghe nó thì nó đâm chết, rồi muốn ra sao thì ra; còn muốn sống với vợ con thì nghe nó .
 
Lẽ tất nhiên là lý Kiến nghe, Năm Thọ đi phen ấy là mất tăm, cũng không bao giờ về nữa thật. Nhưng thói đời, tre già măng mọc, có bao giờ hết những thằng du côn? Năm Thọ vừa đi, lại có binh Chức ở đâu lần về . Mà thằng này lúc nó còn ở nhà, nào nó có ngạo ngược gì cho cam! Người ta đã phải gọi hắn là cục đất. Ai bảo sao thì ư hữ làm vậy, mới quát một tiếng, thì đã đái ra cả quần, thuế bổ một đồng thì đóng quá hai, đến nỗi có con vợ hay hay mắt, bị người ta ghẹo cũng chỉ im im rồi về nhà hành vợ chứ chẳng dám ho hoe gì, thế đấy: cái nghề đời hiền quá cũng hoá ngu, ở đâu chứ ở đất này đã ngu, đã nhịn thì chúng nó ấn cho đến không còn ngóc đầu lên được. Hắn làm thì làm cật lực mà quanh năm nghèo rớt mồng tơi; chỉ vì một miếng cũng không giữ được mà ăn; đứa nào nó vớ nó cũng xoay, mà đứa nào xoay cũng chịu . Sau cùng bực quá, hắn ra đi lính. Lại càng thêm tội ! Không bực còn được vợ, tuy rằng thỉnh thoảng có bị sây sớt ra ngoài, những vẫn còn là vợ mình. Bực thì hoá ra mất vợ . Bởi vì chị vợ ở nhà còn trẻ, mới hai con, cái mắt sắc như dao lại hồng hồng đôi má, bỗng nhiên lại sinh ra vắng chồng, của ngon trờ trờ ngay trước mắt, ai mà chịu được?

Nhà chị binh ở gần đường. Ông phó đi đánh bạc ban đêm về cũng tạt vào; anh trương tuần đi tuần cũng tạt vào; anh hàng xóm cũng mò sang, thậm chí đến cái thằng hương điền, đầu hai thứ tóc, già đời làm đầy tớ cho các ông lý trưởng, cũng mon men vào gạ gẫm. Vợ binh Chức đã nghiễm nhiên thành một con nhà thổ không phải trả tiền để bọn lý dịch lớn nhỏ trong làng chuyên đổi . Chính ngay lý Kiến, tuy hồi ấy đã có đến ba vợ, cũng không nỡ bỏ hoài cái của không dưng được trời cho; và không bỏ hoài, ông còn được lợi . Mỗi lần chị binh đi lĩnh lương hay lĩnh măngda của chồng, phải mượn ông lý đi nhận thực. Không ông lý nào vác của nhà đi ăn mà nhận thực cho người ta, điều ấy đã cố nhiên. Nhưng với lý Kiến thì không những cơm rượu tiền túi, còn phải cho ngồi chung xe và còn ở lại tỉnh nữa . Thế là mấy đồng bạc lương đi đời; mấy đứa con của chị ngày mai chỉ được mấy cái kẹo đạn mút, hay hậu hĩnh ra thì được mấy cặp bánh giầy giò ăn. Thành thử công lao anh binh, rút lại chỉ cho chị binh mỗi tháng mỗi lần hưởng những cuộc vui với ông lý nhà .

Chẳng hiểu anh ta cũng biết thế mà chán cảnh nhà hay sao mà mãn hạn ba năm cũng không thấy về . Rồi ít lâu sau, có trát về làng bắt tróc nã và áp giải tên Trần Văn Chức. Lý Kiến khai tên ấy thuộc hạng dân lưu tán không về làng. Nhưng khai hôm trước thì hôm sau hắn về . Lý Kiến sai đầy tớ đem trát đến nhà đòi hắn. Hắn đến ngay, nhưng lại dẫn theo cả vợ và hai con. Không đợi ông lý nói một câu, hắn rút một con dao chọc tiết lợn ra, nhăm nhăm cầm ở tay mà bảo rằng: "Chẳng nói dấu gì ông, tôi can án giết người . Nếu ông không thương, mà bắt giải thì vợ con tôi chết đói . Thôi thì đằng nào chúng nó cũng chết, tôi đâm chúng nó chết ở đây rồi ông bắt đi ở tù luôn thể". Mắt hắn đỏ ngầu; lưỡi dao hắn hoa lên loang loáng, chỉ trông cũng lạnh gáy . Hắn có thể giết người được lắm, mà không phải chỉ giết có vợ và con thôi, khi hắn đã có gan đâm chết vợ con hắn thì hắn có kiêng gì đến cái cổ của người khác nữa ? Lý Kiến nghĩ ngợi một lúc rồi bảo cứ về rồi ông liệu . Ông liệu nghĩa là ông che đậy cái án của hắn cho không ai biết và mỗi lần có trát về nhắc, ông lại khai rằng: vẫn chưa có tên Chức về . Thế là hắn cứ nghiễm nhiên sống ở ngay chính giữa quê hương hắn. Và bây giờ người ta thấy vợ hắn rất chính chuyên mà lại trung thành, thị chăm chỉ làm để nuôi hắn. Những ông trưởng, ông phó tự nhiên nghĩ bụng rằng: người ta có chồng rồi mà còn chàng màng thì phải tội; ai cũng sinh tử tế cả chỉ trừ anh binh, bởi vì Chức bây giờ lại rất mực là ngang ngược. Hắn ăn vườn đấy, nhưng chẳng chịu nộp thuế cho ai . Thúc hắn thì hắn chửi, cắm vườn hắn thì hắn chém, sinh chuyện với hắn thì chính lý trưởng làng có lỗi bởi vì cố ý ẩn lậu hắn là một tên can phạm. Ấy thế mà hắn cũng chưa vừa lòng đâu . Một hôm, không hiểu nghĩ ngợi thế nào, hắn vác dao đến bảo thẳng vào mặt lý Kiến rằng:
 
Hồi tôi còn tại ngũ, tôi gởi về nhà có trăm. Không biết vợ tôi có tiêu pha gì, hay là cho trai mà không còn một đồng nào cả . Tôi hỏi thì nó bảo: ở nhà, đàn bà con gái một mình, không dám giữ tiền, được đồng nào mang gửi ông lý cả . Tôi sợ nó bịa ra nên đã trói sẵn nó ở nhà . Bây giờ tôi đến thưa với ông, tính toán xem được bao nhiêu cho đem về nuôi cháu . Thiếu một đồng thì tôi không để yên cho chúng nó .

Lý Kiến hiểu rằng: "chúng nó" đây có thể gồm cả ông. Ông cười nhạt bảo rằng:

- Thế này này anh binh ạ: chị ấy gửi tôi thì quả là không có ...

Hắn trợn mắt lên quát:

- Thế thì thằng nào ăn đi ?

Lý Kiến vội nói lấp ngay:

- Thế nhưng mà anh có thiếu tiền thì cứ bảo tôi một tiếng. Chị ấy trót tiêu đi rồi thì có giết cũng chẳng ra . Lôi thôi làm gì sinh tội .

Ông mở tráp ra quăng hắn năm đồng bạc. Hắn cầm lấy, "lạy ông" tử tế, rồi xách dao ra về . Từ hôm ấy hắn thành tử tế với lý Kiến, nhận là chỗ đầy tớ chân tay, nhưng lý Kiến thỉnh thoảng vẫn phải cho hắn tiền. Cho mãi đến năm ngoái đây, hắn chết...

***
Thì năm nay lại nảy ra Chí Phèo, một thằng hiền lành như đất - tội nghiệp cho hắn, có lần lý Kiến thấy hắn vừa bóp đùi cho bà ba, vừa run run! Bỗng nhiên vùng dậy, giở toàn những giọng uống máu người không tanh. Thì ra già néo đứt dây . Cụ tiên chỉ làng Vũ-đại nhận ra rằng: đè nén con em đến nỗi nó không chịu được phải bỏ làng đi là dại . Mười thằng đã đi ra thì chín thằng trở về với cái vẻ hung đồ, cái tính ương ngạnh học được từ phương xa . Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào "vì thương anh túng quá" ! Và cũng phải tùy mặt nữa: những thằng có máu mặt, vợ đẹp, con đàn, chính là những thằng sợ quan và dễ bóp; trái lại, những thằng tứ cố vô thân, giết chúng nó thì dễ, nhưng được chỉ còn có xương; mà gây với chúng là mở một dịp tốt để cho các phe nghịch xoay lại mình. Làng nào cũng có nhiều cánh, mỗi cánh kết bè đảng chung quanh một người: cánh cụ bá Kiến, cánh ông đội Tảo, cánh ông Tư Ðạm, cánh ông Bát Tùng... Bằng ấy cánh du lại với nhau để bóc lột con em, nhưng ngấm ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ hở để mà trị nhau . Cụ lại nhận ra rằng: ở cái đất nhà quê, bọn dân hiền lành chỉ è cổ làm nuôi bọn lý hào, nhưng chính bọn lý hào, nhiều khi lại phải ngậm miệng cung cấp cho những thằng cùng hơn cả dân cùng liều lĩnh, lúc nào cũng có thể cầm dao đâm người hay đâm mình.
Nhưng cụ không phải là một người ưa than thở . Than thở chẳng ích gì cho ai, cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén kia sỡ dĩ bị đè nén suốt đời chỉ vì khi bị đè nén chúng chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác. Cụ bá Kiến không cần than thở : trị không lợi thì cụ dùng. Cụ nghĩ bụng cũng phải có những thằng đầu bò chứ ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò ? Thế lực của cụ sở dĩ lấn át được các vây cánh khác, một phần lớn cũng bởi cụ biết mềm biết cứng, biết thu phục những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù . Những thằng ấy chính là những thằng được việc. Khi cần đến, chỉ cho nó dăm hào uống rượu, là có thể sai nó đến tác hại bất cứ anh nào không nghe mình. Gặp người bướng bỉnh, đanh thép thì nó lừa đốt nhà hay cho mấy lát dao; gặp người non mặt, thì nó quăng chai rượu lậu, hay gây sự rồi lăn ra kêu làng. Có chúng nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn, nếu không thì giữa đám dân hiền lành và yên phận này, khéo lắm chỉ bóp nặn được vào vụ thuế . Thuế một năm có một lần nếu chỉ trông vào đấy thì bán cha đi cũng không đủ để bù vào chỗ ba, bốn nghìn bạc chạy chọt để tranh triện đồng.

Vì thế, đêm hôm ấy, ở nhà bá Kiến ra về, Chí Phèo vô cùng hả hê ! Bá Kiến đã không vu vạ gì cho hắn, lại còn giết gà mua rượu cho hắn uống, xong lại đãi thêm đồng bạc để về uống thuốc. Ðồng bạc, làm gì đến thế ? Hắn loạng choạng vừa đi vừa cười; hắn chẳng cần đến ba xu . Lúc ngồi tù, hắn có học mót được mấy bài thuốc giấu: chỉ vài nắm lá, là mặt hắn lại đâu vào đấy ngay . Còn đồng bạc lại để đi uống rượu ...
 
Hắn uống được có vừa ba hôm, hôm thứ tư thì hắn trợn mắt lên, bảo con mẹ hàng rượu rằng:
- Hôm nay ông không có tiền; nhà mày bán chịu cho ông một chai . Tối ông mang tiền đến trả .

Mụ hàng rượu hơi ngần ngừ . Thế là hắn rút bao diêm đánh cái xòe, châm lên mái lều của mụ . Mụ hoảng hốt kêu la om xòm vội dập tắt được ngọn lửa vừa mới cháy . Rồi khóc khóc mếu mếu, mụ đưa chai rượu . Hắn hầm hầm, chĩa vào mặt mụ bảo rằng:

- Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin nhà mày đâu! Mày tưởng ông quỵt hở ? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao giờ không? Ông không thiếu tiền! Ông còn gửi đằng cụ bá, chiều này ông đi lấy về ông trả .

Mụ vừa kéo vạt áo lên quệt nước mũi, vừa bảo:

- Chúng cháu không dám chắc lép, nhưng quả là ít vốn.

Hắn quát lên:

- Ít vốn chỉ tối nay ông trả . Nhà mày đã chết ngay bây giờ hay sao ?

Rồi hắn xách chai ra về . Hắn về cái miếu con ở bờ sông, vì vốn từ trước đến nay không có nhà . Lúc đi đường hắn đã vặn được ở nhà nào đó bốn quả chuối xanh, và bốc của một cô hàng xén một rúm con muối trắng. Bây giờ hắn uống rượu với chuối xanh chấm muối trắng và thấy rằng cũng ngon. Hắn uống rượu với cái gì cũng ngon.

Uống xong hắn chùi miệng, rồi ngật ngà ngật ngưỡng đến nhà bá Kiến. Gặp ai hắn cũng bảo: hắn đến nhà bá Kiến đòi nợ đây! Mới trông thấy hắn vào đến sân, bá Kiến đã biết hắn đến sinh sự rồi . Cái mắt thì ngầu lên, hai chân thì đi lảo đảo, cái môi bầm lại mà run bần bật. Cũng may, hắn không cầm vỏ chai, bá Kiến cũng dõng dạc hỏi:

- Anh Chí đi đâu đấy ?

Hắn chào to:

- Lạy cụ ạ . Bẩm cụ ... Con đến cửa cụ để kêu cụ một việc ạ ! Giọng hắn lè nhè và tiếng đã gần như méo mó . Nhưng bộ điệu thì lại như hiền lành; hắn vừa gãi đầu gãi tai, vừa lải nhải:

- Bẩm cụ từ ngày cụ bắt đi ở tù, con lại sinh ra thích đi ở tù, bẩm có thế, con có nói gian thì trời tru đất diệt, bẩm quả đi ở tù sướng quá! Ði ở tù còn cơm để mà ăn, bây giờ về làng về nước, một thước cắm dùi không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho con đi ở tù ...

Cụ bá quát, bắt đầu bao giờ cụ cũng quát để thử dây thần kinh của người .

- Anh này lại say khướt rồi .
 
Hắn xông lại gần, đảo ngược mắt giơ tay lên nửa chừng:

- Bẩm không ạ, bẩm thật là không say . Con đến xin cụ cho con đi ở tù mà nếu không được thì ... thì ... thưa cụ ...

Hắn móc đủ mọi túi, để tìm một cái gì, hắn giơ ra: đó là một con dao nhỏ, nhưng rất sắc. Hắn nghiến răng nói tiếp:

- Vâng, bẩm cụ không được thì con phải đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện.

Rồi hắn cúi xuống, tần mần gọt cạnh cái bàn lim. Cụ bá cười khanh khách - cụ vẫn tự phụ hơn đời cái cười Tào Tháo ấy - cụ đứng lên vỗ vai hắn mà bảo rằng:

- Anh bứa lắm. Nhưng này, anh Chí ạ, anh muốn đâm người cũng không khó gì . Ðội Tảo nó còn nợ tôi năm mươi đồng đấy, anh chịu khó đến đòi cho tôi, đòi được tự nhiên có vườn.

Ðội Tảo là một tay vai vế trong làng. Vây cánh ông ta mạnh, vẫn kình nhau với cánh nhà cụ bá mà cụ bá thường phải chịu bởi hắn là cựu binh, lương hưu trí nhiều, quen thuộc nhiều, lại ăn nói giỏi . Hắn vay cụ bá năm mươi đồng đã từ lâu, bây giờ đột nhiên trở mặt vỗ tuột, lấy cớ rằng số tiền ấy tính vào món tiền chè lý Cường ra làm lý trưởng, chưa tạ hắn. Cụ bá tức như chọc họng, nhưng chưa biết làm thế nào, bởi vì thằng binh Chức, đầy tớ chân tay của cụ, khả dĩ đương đầu với hắn được, chết năm ngoái rồi . Bây giờ cụ mới lại gặp được Chí Phèo, có thể thay cho binh Chức. Cụ thử nói khích xem sao . Nếu nó trị được đội Tảo thì tốt lắm. Nếu nó bị đội Tảo trị thì cụ cũng chẳng thiệt gì, đằng nào cũng có lợi cho cụ cả .

Chí Phèo nhận ngay ! Hắn tức khắc đến nhà đội Tảo, và cất tiếng chửi ngay từ đầu ngõ . Giá gặp phải hôm khác, thì có án mạng rồi : đội Tảo cũng có thể đâm chém được, chưa bao giờ chịu hàng trước cuộc giao tranh. Nhưng phúc đời cho hắn, hay là cho Chí Phèo, hôm ấy hắn ốm liệt giường, không sao nhắc mình dậy được, có lẽ hắn cũng không biết Chí Phèo chửi hắn. Vợ hắn, thấy Chí Phèo thở ra mùi rượu, và biết rõ đầu đuôi món nợ, lấy năm mươi đồng giấu chồng đưa cho người nhà đi theo Chí Phèo . Ðàn bà vốn chuộng hoà bình ; họ muốn yên chuyện thì thôi, gai ngạnh làm gì cho sinh sự . Vả lại, bà đội cũng nghĩ rằng chồng mình đang ốm ... chồng mình có nợ người ta hẳn hoi ... Và năm chục đồng bạc đối với nhà mình là mấy, lôi thôi lại chả tốn đến ba lần năm chục đồng!

Vì thế, Chí Phèo mới được vênh vênh ra về: hắn thấy hắn oai thêm bậc nữa . Hắn tự đắc: "anh hùng làng này cóc có thằng nào bằng ta !" Cụ bá thấy mình thắng bên địch mà không cần đến hội đồng làm biên bản xem chừng thích chí . Cụ đưa luôn cho anh đầy tớ chân tay mới luôn năm đồng.

- Cả năm chục đồng này phần anh, nhưng nếu anh lấy cả thì chỉ ba hôm là tan hết. Vậy anh cầm lấy chỗ này uống rượu còn để tôi bán cho anh mảnh vườn; không có vườn đất thì làm ăn gì ?

Chí Phèo "vâng dạ" ra về . Mấy hôm sau, cụ bá bảo lý Cường cho hắn năm sào vườn ở bãi sông cắm thuế của một người làng hôm nọ . Chí Phèo bỗng thành ra có nhà . Hồi ấy hắn mới đâu hăm bảy hay hăm tám tuổi ...
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Back
Top