• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

1001 CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG!!!

Status
Không mở trả lời sau này.
Hạnh Híp nằm im suy nghĩ, lúc lâu sau nó mới thở ra một cái dài đến thượt mà rằng:

- Không được đâu mày ạ.

- Sao ? Tiến Chuột vặn lại.

Hạnh Híp giải thích:

- Phải có phương tiện. Với hai cái xe đạp cà khổ của mày với tao, hì hục thồ được mấy cân thịt lên đến chợ thì trời đã trưa. Gặp hôm trời nóng ba chín, bốn mươi độ, lòng, ruột, xương xẩu... ôi hết có mà đổ cho chó. Ðấy là chưa kể đến chuyện thằng Dũng Sứt còn có bố con ông chú mua lợn, làm lợn trước cho, còn mày với tao thì nhờ ai ? Ði thuê à ? Mỗi thằng nó chỉ cần ăn cắp vài ba lạng, nửa cân thì cũng hết cả lờ với lãi.

Tiến Chuột thấy bạn nói có lý thì năm im, nhưng chỉ một lúc sau thì Hạnh Híp đã gọi nó:

- Tao có quả này, hay lắm.

- Quả gì ?

- Quả đồ cổ.

Hạnh Híp kể tiếp:

- Tao biết một thằng ở dưới chợ Ngõ Ngang. Nó có ông anh họ làm phiên dịch cho bọn chuyên gia. Thằng anh ấy lại có cầu buôn bán đồ cổ. Trúng lắm. Tao thấy nó nói bọn ấy chỉ thanh toán với nhau bằng vàng với đô la thôi.

Tiến Chuột nói:

- Mày kể làm tao phát thèm. Nhưng buôn bán những cái của quí ấy thì phải trường vốn lắm. Ðô la với vàng thì tao với mày đào đâu ra. Mấy đồng bọ mua cái xe chở lợn còn không kiếm nổi nữa là ?

Hạnh Híp cười tít mắt, ngồi hẳn dậy, lấy hai tay xoa xoa vào hai đầu gối của thằng bạn thân:

- Thế mới lên chuyện. Nước lã mà vã nên hồ được mới giỏi chứ.

Rồi nó kể tiếp:

- Tao có ông bác họ ở nhà quê. Ông ấy làm trưởng họ. Dạo sắp đi lính, tao theo ông già về quê chào bà con, họ hàng. Ðến nhà ông ấy. Ông già vào nhà từ lễ tổ. Tao cũng theo vào. Thấy trên bàn thờ đầy những lư hương, đỉnh trầm với những long, ly, qui, phượng, cò, hạc bằng đồng đỏ, đồng đen. Còn bát, đĩa, độc bình, nậm rượu, chén tống, chén con, ấm pha chè... vẽ hoa lá, phong cảnh, sự tích ta, sự tích Tầu, thấy bảo từ đời nảo đời nào thì nhiều lắm. Nay mình về cuỗm một mẻ thì đời ra vấn đề...
 
Chưa nghe hết câu, Tiến Chuột đã cắt lời:

- Thôi mày hãy từ từ hãy nói đến đoạn đời ra vấn đề như thế nào. Vấn đề là làm sao lấy được cái mớ đồ cổ ấy đã. Tao nghĩ rằng, với những của quí, hiếm như vậy, vào thời buổi này ông bác họ nhà mày lại chẳng hết sức đề phòng, canh giữ cẩn thận. Dễ gì mà đụng vào được.

- Thì tất nhiên rồi. Nhưng đấy là đối với người ngoài. Còn tao đường đường là con, là cháu cơ mà. Mày có biết câu: Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà. Cực chẳng đã thì mình mới phải làm ong, làm cáo một phen thôi.

Tạm bằng lòng với cách giải thích ấy, nhưng Tiến Chuột vẫn chưa hết phân vân:

- Vậy mày làm cách nào để lấy được ? Tao thấy khó lắm đấy.

Hạnh Híp lại phải giảng giải tiếp, chứng tỏ nó đã nghĩ về phương án này đến nát nước ra rồi:

- Có gì mà khó, mày ? Cứ cho một liều thuốc mê nhè nhẹ, khoảng năm sáu tiếng... Ðợi đến lúc các vị ngủ biến đi rồi thì mình muốn làm cái gì mà chẳng được.

- Nhà các cụ ấy có đông người không ? - Tiến chuột vẫn thắc mắc.

- Không đông lắm đâu. Chỉ hai ông bà già, vợ chồng ông trưởng nam với hai đứa cháu thôi.

- Vừa một mâm ?

- ừ. Vừa một mâm.

Mấy hôm sau, Hạnh Híp và Tiến Chuột rủ nhau ra phố mua mấy gói kẹo gia công, ba bốn cái bánh mỳ và một bịch thuốc lá cuộn gọi là mang về quê làm quà. Hai thằng đạp được nửa đường thì mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Trời nắng chang chang, nóng hầm hập, con đường gập ghềnh đầy ổ gà, ổ chó, nhưng không có lấy một bóng cây. Chúng đang vừa thở hồng hộc vừa đạp thì chợt bánh sau của Tiến Chuột xì ra một tiếng dài rồi bẹp dí. Nó nhảy xuống xe, nắn cái bánh nóng bỏng không còn một tí hơi nào rồi ngửa mặt lên, thở than:

- Chắc là lại mấy miếng vá bị bong ra đây mà...

Nhìn trước, nhìn sau thấy hai ben đường toàn đồng không, mông quạnh, chẳng có nhà cửa, quán xá gì, Hạnh Híp mới nói:

- Thôi mày dắt xe rồi ngồi lên đây tao đèo.

Tiến Chuột nhìn cái bánh xe nứt nẻ của bạn, ái ngại:

- Tao sợ mày chở nặng quá, rồi nổ lốp thì sao ?

Hạnh Híp gạt đi. Nó vừa dục thằng bạn ngồi lên sau xe, vừa nói:

- Thì cứ đi đi đã... Ðến lúc nào nổ hẵng hay.

Nhưng nó vừa mắm môi, mắm lợi đạp chưa được chục mét thì đã nghe có tiếng lẹt xẹt phía bánh sau. Hai thằng hấp tấp nhảy ngay xuống, chúng thấy ở chỗ lốp bị nứt, một bong bóng cao su mỏng dính đang phình ra mỗi lúc một to thêm. Tiến Chuột quẳng ngay cái xe của mình xuống đất, xông đến định mở van xả bớt hơi. Nó lóng ngóng mãi đến lúc cái ruột xe phình to như quả bóng đá rồi nổ đến bình một tiếng mà vẫn chưa tháo được cái nắp van.

Hai thằng dắt xe đi bộ hàng năm cây số mới gặp một cái quán của hai vợ chồng thương binh, vừa sửa chữa xe đạp, vá xăm lốp, vừa bán nước. Chúng quẳng hai cái xe cho ông chồng què một tay, cụt một chân rồi xà xuống chõng hàng của bà vợ vừa lệch một bên miệng, lại hỏng một bên mắt, gọi hai cốc chè tươi, mượn mấy cái quạt vừa xì xụp uống vừa quạt phành phạch.

Ông chồng tháo tung hai cái bánh xe ra để giải phẫu. Ông tuyên bố, chỗ nổ ở xe Hạnh Híp, lốp phải vá chín xăm phải măng xông một đoạn dài, cũng phải măng xông chín, còn mấy chỗ bong miếng vá ở xe Tiến Chuột thì nhẹ hơn, muốn vá sống, vá chín thế nào, tùy. Hai thằng bảo ông cứ vá chín đi cho chắc chắn, còn chờ lâu và đắt tí cũng được rồi ngồi vừa tán chuyện vừa xem ông làm.

Trong lúc ông chồng chăm sóc cái lốp thì bà vợ cũng lôi bàn chải ra, vừa cạo xăm bà vừa hỏi hai ông khách:

- Các chú về đâu mà nắng nôi vất vả thế này ?

Hạnh Híp thay mặt thằng bạn trả lời:

- Bọn em về dưới H. thăm ông bác. Ông ấy bị ốm mệt.

Bà khen hai thằng hiếu nghĩa quá, rồi lại rót nước nữa cho chúng uống. Lúc ông chủ thử xong mấy cái xăm vào chậu nước, thấy không còn chỗ nào rò rỉ nữa mới tính tiền từng khoản. Vốn liếng của hai thằng còn dăm chục nghìn, mấy miếng vá và vài cốc nước chè tươi ấy đã xơi tái mất quá nửa.

Hai thằng lóc cóc đạp xe về đến H. thì trời đã nhá nhem. Nhà ông bà bác của Hạnh Híp đang chuẩn bị nấu cơm tối. Ông anh với mấy đứa nhóc còn tắm ngoài bờ ao, bà chị dâu đang đóng cửa chuồng gà. Thấy thằng cháu dẫn bạn vào, ông bác bảo chúng rửa chân tay ngồi nghỉ, chờ ăn cơm đã rồi tí nữa sẽ nói chuyện sau. Hạnh Híp ra vẻ lanh chanh chạy lên, chạy xuống, lúc giúp việc này, lúc làm việc khác, lăng xa lăng xăng cứ như là vốn dĩ đã siêng năng lắm vậy. Ông anh, bà chị thấy thằng em chẳng nề hà gì thì cất tiếng khen:

- Cái thằng... Chăm chỉ cứ như là con gái ấy.
 
Hạnh Híp không nói gì, chỉ cười, hai mắt tít lại bé như hai sợi chỉ, rồi lại tiếp tục làm nữa. Trong lúc bê cơm, canh dưới bếp lên, nó bí mật thả vào xoong canh một búng thuốc mê, rồi cứ thế múc ra bát. Xong việc, nó nhấp nháy với Tiến Chuột:

- Mày muốn ăn gì thì ăn... Nhưng miễn là đừng có đụng vào mấy bát canh mà nhỡ hết việc.

Như mọi khi, hôm nào nhà có khách, mà lại là khách ở tỉnh về, cả nhà ông bác họ của Hạnh Híp phải thứckhuya lắm. Chuyện gì các cụ cũng muốn hỏi, muốn biết. Nhưng hôm nay chẳng hiểu sao, chưa xong bữa mà mắt người nào, người ấy đã díp hết cả lại. Cả bốn người gia đình nhà ông anh, bà chị đều nghĩ là tại mấy bữa nay ăn nhiều món canh rau lạc tiên nên dễ buồn ngủ, xin lỗi các chú ngay lúc vừa xong bữa. Còn ông bác thì lại cho là do mấy chén rượu. Ông bảo bà bác, mà cũng là nói với hai thằng cháu luôn:

- Có lẽ tại lâu rồi không uống gì nên tối nay vừa làm tí đã chếch choáng. Thôi tí nữa bác nó làm giường chiếu cho hai cháu ngủ. Tôi đi nằm trước đây.

Nhưng vì vừa nãy, lúc thu dọn mâm bát, đã trót uống nốt mấy chỗ canh dở nên bà lại còn mệt hơn cả ông. Chưa kịp làm gì bà đã nằm lăn ra giường cất tiếng ngáy vang. Trong lúc đó, ông cố gượng gật gật thêm vài cái nữa rồi cũng đặt mình xuống chiếu ngủ nốt.

Thấy mưu kế đã đạt, Hạnh Híp và Tiến Chuột lấy hai cái vỏ chăn mỏng phủ lên từng người từ ông lão bà lão , ông anh, bà chị, đến hai đứa cháu cho các vị đỡ lạnh, khỏi đi tầu suốt luôn, lại thả màn xuống tử tế rồi mới bắt đầu ra tay. Chúng đi đến chỗ bàn thờ, khấn khứa vài câu, đại để, vì hoàn cảnh, túng nên phải liều, mong các cụ xá tội chết cho rồi mới nhấc mấy cái đỉnh đồng, lư hương, và mấy chồng bát, đĩa, vài cái chai lọ cổ nhét đầy hai cái tay nải.

Hạnh Híp và Tiến Chuột mới có khôn mà chưa có ngoan. Hai thằng không thể nào biết được là ngay từ lúc mới lạch xạch dắt xe trên con đường làng, bộ dạng của chúng đã khiến ông trưởng công an xóm nghi ngờ. Lập tức, ông triệu tập bọn công an viên, vốn là con cháu trong nhà lại, giao nhiệm vụ:

- Mấy thằng chúng mày nghe đây: Ðêm nay chia nhau canh thật kỹ mấy con đường vào xóm cho tao. Thấy gì khả nghi thì phải giữ lại ngay. Thế nào cũng vớ món bẫm đấy.

Ông nói không sai tí nào. vào khoảng bốn, năm giờ sáng, lúc dân làng đang ngủ say, Hạnh Híp và Tiến Chuột lọ mọ dắt xe ra khỏi nhà ông bác, vừa đi được một đoạn thì gặp hai anh công an xóm đang đi tuần. Lấy cớ là hai thằng không mang theo giấy tờ tùy thân, bọn này bèn giải ngay chúng về trụ sở.

Ông trưởng công an xóm bắt hai thằng mở tay nải ra, thấy bên trong toàn đồ cổ. Chúng đã tưởng ông làm um lên, sẽ trói giật cẳng tay ra đằng sau rồi giải lên huyện, nhưng lại không phải vậy. Ông xử rất mềm:

- Của đồng chia ba, của nhà chia đôi. Tao biết những của này lấy từ trong nhà thờ họ chúng mày. Nếu không muốn lôi thôi thì chia ra, bọn mày nửa, chúng tao nửa.

Tất nhiên là bọn chúng không muốn. Mất một nửa còn hơn là không được tí gì... Với lại ai mà biết được cái lôi thôi của các ông nó như thế nào. Chia chác xong thì đã tang tảng sáng. Ông trưởng công an xóm sai người dẫn hai thằng ra khỏi làng, đưa ra tận đường cái. Chúng lên xe đạp đi, đến gần chỗ sửa xe hôm qua thì chẳng hiểu sao xe hai thằng đều hết hơi, lại phải dẫn vào nhờ hai vợ chồng ông thương binh sửa.

Vừa giúp hai thằng cởi bỏ hai cái tay nải từ trên boocbaga xuống, ông thương binh vừa sờ sờ, nắn nắn, vừa bảo vợ, bằng một giọng rất đặc biệt:

- Có ấm chè ngon mới pha đấy. Bu nó rót ra mời các chú ấy uống giải nhiệt.

Bà vợ cũng đáp lại bằng những lời có cánh hiếm thấy:

- Vâng ! Có chè ngon đây. Mời các chú sang uống cho đỡ khát.

Nhìn hai thằng cầm hai chén nước chè, vừa thổi vừa uống, nét mặt ông bà chủ quán thật hân hoan. Bởi chỉ một lát sau, vừa đặt hai cái chén không xuống mặt chõng thì chúng cũng gục xuống, vì một liều thuốc mê vừa đủ độ.

Ông chủ quán mở hai cái tay nải, lấy ra những lư, đỉnh, chén, đĩa, cò, hạc bảo vợ cất kỹ đi, xong lấy một lô những chén, bát, chai, lọ, toàn một loại gia công dày trùng trục, tối tăm, bở như đất, mấy cái đèn dầu hỏa han rỉ, chiếc mấy quai, chiếc thủng đáy, cả một mớ những đùi, đĩa, xích líp hỏng... cho vào buộc lại như cũ rồi mới ngồi xuống giở mấy cái lốp xì hơi ra xem.

Khoảng một giờ sau Hạnh Híp và Tiến Chuột tỉnh dậy. Ông chủ cũng vừa vá xong mấy cái xăm. Thấy chúng kêu đau đầu, ông chỉ vại nước bảo ra rửa mặt cho mát. Rồi vừa giúp hai thằng buộc mấy cái tay nải lên boocbaga, ông vừa làm bộ bỗ bã hỏi:

- Các chú chở những cái gì mà lỉnh kỉnh thế này ?

Hạnh Híp có vẻ ma cô hơn tranh trả lòi:

- Có gì đâu, toàn bát đĩa cũ với mấy thứ đồng nát vất đi ấy mà.

Hai vợ chồng ông thương binh nhìn nhau cười. Hạnh Híp và Tiến Chuột trả tiền xong lên xe cắm cổ đạp về thành phố. Chúng dấu thật kỹ hai cái tay nải vào gầm giường, đợi đến hôm cả nhà đi vắng hết mới mở ra xem lại trước khi gọi ông phiên dịch cho đoàn chuyên gia đến ăn giá. Cả hai thằng đều vò đầu bứt tai không hiểu tại sao trước mắt chúng lại toàn một thứ mảnh sành, đồng nát. Của này có gọi ai mà biếu không, chắc người ta cũng ngỡ là mình không điên thì cũng hâm mà chửi hay đánh cho, chứ lại còn dám nghĩ đến chuyện đô la với vàng.
 
Dấu lặng trong điệp khúc _Dương Thụy

Anh đã nhận ra cô ngay khi cô còn chưa bước chân vào nhà hàng qua tấm kính trong . Cô mặc áo dài màu sẫm, tóc đã uốn ngắn lưng lửng nơi vai, trông lớn hơn nhưng cũng đẹp hơn bội phần so với lần gặp cuối cách đây 1 năm. Cô đi với 1 nhóm khách ngoại quốc. Anh nghĩ “Vậy là lại theo truyền thống của khoa ngoại ngữ dành cho con gái có ngoại hình đẹp”, rồi bất giác nhếch mép cười.

Và kể từ lúc cô xuất hiện trong nhà hàng, anh cảm thấy mình bất ổn. Anh nói năng không được mạch lạc, làm đổ rượu ra bàn, cầm nhầm dao ăn của khách …Các ông tây ngạc nhiên vì sự bất cẩn của anh, nhưng rồi họ cũng khám phá ra anh đang bị tà áo dài ngồi ở cuối phòng chi phối.

-Cô ấy đẹp đó chớ !
-Trông cô ấy cười duyên dáng quá!
-Như thế mới làm thông dịch viên với khách nước ngoài được chứ !

Anh chỉ cười khi nghe họ ồn ào nhận xét về cô, tự hứa sẽ không để lộ bất cứ chuyện gì nữa. Nhưng anh lại thấy nhấp nhỏm, anh muốn được chuyện trò với cô. Cuối cùng thái độ ngồi trên lửa của anh làm những người khách cùng bàn bật cười và họ tế nhị xin phép về trước:
-Tôi hiểu, cậu còn trẻ lắm.
-Cảm ơn đã đi ăn tối với chúng tôi
-Cứ thế nhé, chúc thành công với cô ấy!

Thở phào nhìn họ rút lui trong trật tự, anh bình tâm ngồi lại ngắm nhìn cô kỹ hơn. “Tưởng rằng đã quên, hoá ra”, anh tự thú nhận “mình vẫn còn …”

Ngày đó cả trường đều biết rằng anh và cô phải lòng nhau, họ nói 2 người rất xứng đôi ừa lứa, ít ra là nhìn từ bề ngoài. Bản thân anh cũng nhận thấy như vậy và thầm mơ ước thật sự trở thành tri kỷ với cô. Và chắc rằng, cô cũng mong như vậỵ Nhưng phàm ở đời, không có gì đơn giản và dễ dàng. Anh biết mình khó có thể vượt qua bức tường vô hình ấy, còn cô thì …

Cả bàn cô ngồi đã lục đục đứng dậy chuẩn bị ra về . Anh hốt hoảng, nếu để vuột cơ hội này, sợ không còn dịp để chuyện trò cùng cô . Lúc cô đi ngang qua, anh lúng túng cất lời:

-Ly đi phiên dịch hả ?

Cô nhìn anh không vui không buồn, không bất ngờ cũng không hồ hởi. Cô cươì nửa vời:

-Thưa thầy! thầy cũng đi với khách ?
-Ừ, anh gật đầu, vẫn công việc cũ .

Cô quay sang giới thiệu vớI khách của mình anh là một người quen xin tạm biệt họ tại đây. Anh khó chịu “Thật ra chẳng bao giờ cô ta xem mình là thầy cả!”
Cô vén tà áo dài rất điệu nghệ, tự tin mỉm cườI ngồi xuống ghế đối diện với anh .
-Thầy nghỉ dạy luôn ? Em tiếc cho lứa đàn em sau này.
-Ly là người từng chê bai tôi dạy khó hiểu mà – Anh vẫn chưa quên chuyện cũ .
-Dạ đúng! Thì em nói tiếc là tiếc cho lứa đàn em không có dịp được thọ giáo một người khó hiểu như thầy !

Lại méo mó . Anh lắc đầu cười. Lâu lắm rồi hình như không có ai nói chuyện theo cái lối dễ chạm tự ái kiểu này với anh . Và hình như trong đời anh, cô là người dám làm chuyện đó .

-Tôi dạy khó hiểu thì OK ! Anh lấy lại phong độ và bản lãnh của 1 chàng trai sớm thành đạt – Nhưng tôi thiết nghĩ, để bị cho là người khó hiểu, thì phải nên xét lại. Vì sao những bộ fim đoạt giải Oscar, những quyển sách đoạt giảI Goncour đều được cho là khó hiểu ? Vấn đề là ở chỗ, người đối diện không được thông minh lắm .

Cô nhướng mày nhìn anh, cười phô hàm răng ngọc ngà, mắt cô long lanh, khuôn mặt bừng bừng sáng . Anh thấy nhói đau nơi tim: Cô đẹp quá ! Cô không đốp chát lạI anh câu này, chỉ cười, thật lạ !

-Mà không phảI chỉ 1 mình Ly chê tôi khó hiểu- Anh nói tiếp vẻ tự tin và hơi ngạo mạn – Tôi cũng tiếc cho mình: đến nay vẫn chưa có ai kiên nhẫn để tìm hiểu tôi .
-Thầy!- Cô vẫn còn cười - Thầy có biết không, một viên kim cương còn thô thì người ta có đủ kiên nhẫn để mài dũa nó cho đẹp hơn sáng hơn; chứ 1 viên đá bình thường thì cùng lắm là ngườI ta đủ sức mài mòn cho nó trơn láng, ai đâu đủ kiên nhẫn mà mài gọt nuôi hy vọng sẽ phát hiện 1 viên ngọc trong đá . Đã là đá rồi thì có làm gì, bản chất của nó cũng chỉ là đá thôi.Vô dụng!
 
Lần này thì anh tái mặt . Cái ví dụ của cô mới thật là hỗn xược. Thế mà cô vẫn tỉnh bơ, lại có ý dò xét thái độ của anh .

-Tôi tự hỏi – Anh hít hơi- Tại sao tôi và Ly cứ nói chuyện theo kiểu này hoài ? Dù sao tôi cũng là …
-Em xin lỗi- Cô lại cười, vẻ mặt chẳng tỏ gì là ngườI biết lỗi – Em chỉ mạo muội thử lòng kiên nhẫn của thầy 1 chút thôi mà ! Như thầy, đã nắm trong tay mình 1 viên kim cương mà còn không đủ kiên nhẫn để …

Anh hiểu, cô đang trách móc anh . Anh đã chạy trốn, đã bỏ đi viên ngọc mà nhiều người mơ ước .

-Thôi được, Tôi-không-phải-là-người-có-kiên-nhẫn, Anh đều giọng. Nhưng xin mạn phép cho tôi hỏi điều này: Ly đã tìm thấy ai đủ sức mài dũa kim cương chưa ?

Lần này, anh nhận thấy đến phiên cô tái mặt. Nhưng cô cũng bản lãnh lắm:
-Hứa để mài dũa khi đã sở hữu kim cương thì có rất nhiều người – Cô xuống giọng- Nhưng em còn nghi ngờ tay nghề và con mắt nhìn ngọc của họ .
-Tôi và Ly lại sa đà vô cách nói chuyện theo trường phái trừu tượng nữa rồi –Anh thốt lên khi thấy cô bắt đầu không còn giữ được bình tĩnh –Mình nói chuyện khác nhé ?
-Lúc thầy đi du học, thầy đã làm đơn nghỉ dạy rồi phải không ? Cô gượng gạo đổi đề tài - Ở bên đó 1 năm thầy có bị các cô đầm bao vây không ?
-Không! Mấy cô đó chê tôi – Anh nói xong mới thấy mình lỡ lời vạch áo cho người xem lưng- Ly biết chê gì không ?
-Dạ không – Cô thật thà .
-Họ chê tôi chỉ có một điểm- Anh mỉm cười, nghĩ mình có thể chuyển hướng câu thú nhận ngu ngốc vừa rồi - Họ chê tôi sao toàn vẹn quá !
-À, cô cũng hơi bị bất ngờ vì tài bẻ lái của anh . Cũng đúng thôi, họ chê thầy là phải. Vì như nhận định từ ngàn xưa “Nhân vô thập toàn”, thầy đã thập toàn thì ắt không còn là nhân nữa .
-Ly! –Anh kêu lên- Không thay đổI 1 chút nào hết !
-Thầy cũng vậy- Cô đột nhiên ấm ức- Em ghét thầy !

Thế rồi cả 2 ngỡ ngàng nhìn nhau. Trong ánh mắt của cô anh vẫn dễ dàng nhìn ra hình bóng của mình. Nhưng những gì đã qua … Anh đã chạy trốn cô, trốn viên ngọc sáng giá dù chưa gọt dũa. Anh sợ mình sẽ lu mờ bên cạnh cô . Anh tìm ngươì ít lấp lánh hơn . Anh đã tập quên cô và hình như sắp toại nguyện nếu như đừng có cuộc gặp gỡ này. Anh chợt hiểu, anh sẽ không bao giờ thoả mãn với bất kỳ người con gái nào khác, vì họ sẽ trở nên thô kệch trong mắt anh qua lăng kính con người cô . Còn nhượng bộ ? Anh không có ý định đó với cô . Anh biết mình ích kỷ .

-Bao quanh thầy và em ngày ngày là những người khách nước ngoài – Cô lên tiếng trước- Họ đến rồ đi, chẳng cần để ý quan tâm gì . Còn dân mình lại cho công việc của thầy và em là tuyệt diệu . Em hiểu, thâỳ có lý của mình khi quyết định bỏ dạy để đầu tư vô ngành ngoại giao . Và em cũng hiểu vì sao gia đình và bạn bè lạI chân thành khuyên em sau này ra trường đi theo ngành du lịch. Em không cưỡng được sức hút của cuộc sống … Thầy !

Cô chợt gọi anh đầy thảng thốt . Anh thì có thể làm gì . Anh cũng như cô .
-Đừng suy nghĩ rắc rối nữa- Anh mỉm cười tỏ vẻ bao dung khích lệ- Cứ sống như mọi người và … tìm cho mình 1 chỗ dựa, không còn quá sớm nữa đâu .

Cả anh và cô đều hiểu, 1 khi anh đã nói ra điều này, lý trí vẫn còn làm chủ trái tim, anh vẫn giữ nguyên quyết định của mình . Anh vẫn hoài là người ích kỷ .
-Em mệt mỏi lắm- Cô buồn bã gượng cười- Tìm làm gì hở thầy, tìm ra mà người ta không cho mình dựa hoặc ngỡ đã tìm ra đến khi dựa vào mới hay nó mục rỗng thì … thà là cứ đứng 1 mình giữa đời này còn hơn .
-Ly bi quan quá- Anh thấy lòng mình chùng xuống hết cỡ- Chúa dạy “cứ đi sẽ đến, cứ tìm sẽ gặp, cứ gõ sẽ mở....”
-Thầy!- Cô thốt lên, ánh mắt vụt giễu cợt- Thế nếu bây giờ em gõ vào đây …

Cô đưa tay lên và chậm rãi đặt nó lên lồng ngực trái của anh . Anh nghe xây xẩm mặt mày .

-… Em gõ vào đây thì thầy hãy dạy dùm em, nó có mở ra không hay bao nhiêu lời dị nghị, đàm tiếu và cả sự khi dễ của người chủ cánh cửa này sẽ vây bọc lấy em !?!

Lúc anh choàng tỉnh, mở mắt ra thì cô đã đi đâu mất rồi .
_________________
 
Răng con chó của nhà Tư sản - Nguyễn Công Hoan

Lúc ấy, độ sáu giờ chiều. Một cái ô tô đằng xa chạy lại. ánh sáng hai ngọn đèn pha chiếu tóe đến chân trời. Xe qua cầu, đến trước cái nhà tây có giậu sắt thì còi bóp ran như ếch kêu và dừng lại. Khi ô tô chưa đỗ hẳn, thì đã thấy con chó nhảy vọt từ trên xuống đất, ngoe nguẩy đuôi vừa sủa, vừa chồm lên hai người đương bước xuống. Hai người đó, một người là chủ nhà này, còn một người là khách.

Đèn xe tắt. Cửa xe đóng. Chủ khách bước vào nhà. Họ đều âu phục, mặc lối đi săn, trên đôi ghệt còn bê bết những bùn, vai đeo súng, tay xách xâu chim nặng trĩu. Con chó chạy trước, vừa chạy vừa quay cổ lại, vừa vẫy đuôi, vừa ẳng.

Chủ mời khách vào xa lông. Buồng này bày biện đúng kiểu tân thời, toàn đồ bằng gỗ lát đánh bóng nhoáng. Tường nhà quét vôi xanh, gạch chỉ xanh, lại được ngọn đèn măng sông ánh sáng cũng xanh xanh. Cứ trông buồng khách, cũng đủ đoán tất ông chủ nhà này là một nhà giàu, ăn chơi lịch thiệp.

Bà chủ vừa trang điểm xong, ra ngồi đó để tiếp khách. Trên chiếc ghế thứ tư, con chó nhảy tót lên, ngồi chồm chỗm, thè lưỡi, nhìn hết người nọ đến người kia.

Người đời ai được phú quý cũng hay khoe của. Cho nên, dù khôn ngoan khéo léo hơn người, ông chủ nhà này cũng mắc phải cái bệnh ấy. Nay cái dinh cơ này, cái ô tô này, cái bộ buồng khách, buồng ăn này, đối với ông, đã là cũ rồi, khoe lắm cũng chán miệng, cho nên ông nói đến cái mới. Cái mới đây, là con chó Lu.

- ấy, chính nó là giống Bleu d'Auvergne đấy, bác ạ. Tôi mua nó mất ba trăm bảy mươi đồng. Cái người Tây bán nó cho tôi, vì nể tôi lắm, mới để rẻ thế. Cứ kể ra thì những hơn bốn trăm kia! Cũng có con đẹp hơn thế này, những hơn năm trăm. Nhưng kể ra An Nam mà đã dám bỏ ra ngót bốn trăm bạc để mua chó, thì đã là ngông lắm rồi! Vả lại, người mình mấy ai chơi chó sành, cho nên mua con nhiều tiền quá cũng phí mất. Này, bác ngắm kỹ nó mà xem. Giống chó này tai to, mũi lúc nào cũng ướt ướt, chân cao và to, lốm đốm. ấy, không biết nhận xét thì lầm với giống khác đấy. Con này, tôi chỉ yêu về cái đầu vuông như chữ điền, này, nét ngang đây nhé nét sổ đây nhé,, thần tình không? Con nào được cái bụng thon, mõm ngắn, nhất là hai lườn phình ra như lườn dê thế này, là khoẻ và nhanh lắm đấy. Hẳn ban nãy, bác đã thấy cái dáng nó oai vệ là ngần nào rồi đấy nhỉ. Có phải bao giờ nó cũng đi trước tôi mười thước không? Cứ lấy thước mà đo, cũng chả sai mấy tí đâu. Lúc đi như thế, cái mắt nó đưa đưa cái mũi nó ngửi ngửi, trông đẹp đáo để. Khi nào nó đánh hơi thấy chim nấp ở trong bụi, thì nó gục đầu xuống, khẽ ngỏng ngỏng cái đuôi. Thế là tôi biết hiệu. Lúc tôi lắp đạn xong, tôi "chutt!" một tiếng, thì nó chồm ngay vào con chim. Anh chim bay ra, "Pan!" thôi còn chạy đằng trời! Mười lượt như thế cả mười, chẳng sai một lượt nào!
 
Lúc ấy, con Lu ngồi trên ghế, đối diện với chủ, chúm chúm cái mõm để nghe chuyện.

- Không những nó săn giỏi, mà giữ nhà, tìm đồ đánh mất cùng tài. Bây giờ bác thử đưa cái kính của bác cho nó ngửi hơi một lúc, rồi bác giấu vào trong vườn, tôi bảo nó tìm cho mà xem.

Được ông bạn cũng là người hâm mộ chó, cho nên thử biệt tài con Lụ Quả nhiên, chưa được năm phút, con Lu đã ngoạm cái kính, ngoe nguẩy đuôi, đưa trả khách.

ông chủ đắc chí, cười ha hả, vuốt ve, vỗ mãi má nó, rồi bế nó vào lòng, hôn lấy hôn để, vui thú như được cậu con hay chữ vậy!

- Tôi nuôi nó cẩn thận lắm. Tôi không cho nó ăn dưới đất bao giờ. Cho nên nó quen thói sạch sẽ và khôn ngoan lắm. Thế mới biết cái giống chó Tây nó cũng hơn cái giống chó An Nam mình thực. Chó An Nam thì lông đã xấu, lại hay ăn bẩn, đã ăn bẩn lại hay cắn càn. Lắm bận, nó lừ lừ ở đằng sau mình, rồi đớp trộm ngay một miếng vào quần, mới nan du chứ! Con này, hễ đã lên tiếng thì y như có kẻ gian vào nhà. Nó chồm hẳn lên mặt mà cắn, thằng trộm nào vô phúc vào nhà này thì hẳn là mất chỗ đội nón! Nhưng chỉ từ mười giờ đêm trở đi, nó mới sủa mà thôi.

Lúc ấy, cơm bưng lên, để trên bàn ăn. Chủ khách đang mời nhau lại ngồi, thì con chó đã nhảy tót lên bàn, chồm chỗm ngồi trước chủ.

- Con Lu này được cái lễ phép lắm. Tôi dạy mãi mới được đấy. Này, đĩa đồ ăn của nó đây nhé, cơm trộn với thịt, ngon lành thế này, nhưng tôi chưa cho ăn, thì đố dám ăn. Ngay khuất mắt mình cũng vậy.

ông chủ cầm đĩa đồ ăn của con chó, mang ra sân đằng trước. Khách và con vật đi theo sau.

Con Lu vẫy đuôi, ra dáng mừng rỡ. Ông chủ để đĩa cơm ở giữa sân. Con Lu cúi cổ xuống ngửi. Nó sắp ăn, thì chủ nó mắng ngay bằng tiếng tây:

- Tăng xông1

Thấy không được phụng dưỡng tử tế như mọi khi, con Lu từ từ lui ra.

- Ta không cần phải coi. Lúc ta ăn xong, mà đĩa này nó vẫn không dám đụng đến đâu. Thôi, mời bác vào xơi cơm.



---------------------------------------------------------------------- ----------

1. Liệu hồn.

---------------------------------------------------------------------- ----------



Lúc bấy giờ, giá ông chủ có ý một tí, thì chắc đã thấy một vật gì đen đen, lù lù ở ngay ngoài cổng. Đó là một người ăn mày, ngồi bó giò ở đấy. Người ấy đội cái nón toạc tung cả cạp, đã đóng khố, lại mặc cái áo rách cụt cả taỵ Thành ra bốn chân tay khẳng khiu, đen thui thủi, dài ngoằng ngoẵng. Cái bị bẹp há hốc miệng, nằm chờ bên cạnh cái dạ dày lép kẹp.

Người ăn mày chờ đấy từ lâu. Thấy trong nhà lạch cạch tiếng đũa bát, mùi đồ xào theo chiều gió đưa ra, hắn gào lên xin, mà cũng chẳng có ai nghe tiếng. Lúc hai người ra sân, hắn lạy van vã bọt mép. Nhưng hai ông còn đương dở bận chơi với chó, không ai để ý đến người.

Người ăn mày biết thế, nên lại cố lấy sức để gào tọ Nhưng cái tiếng hết hơi của hắn đập đến màng tai ông chủ, thì ông chủ trợn mắt, hầm hầm quát:

- Làm gì mà léo nhéo lên thế? Làm át cả câu chuyện của người ta! Bước ngay! Không ông đá cho một cái thì chết bây giờ!
 
Người khốn nạn im thin thít. Chủ khách bèn vào buồng ăn cơm.

Lúc ấy, hai con mắt người ăn xin chòng chọc nhìn vào đĩa cơm của con chó. Hắn thèm quá. Nước dãi chảy ròng ròng, không nuốt kịp. Muốn vào ăn trộm một miếng, nhưng chỉ sợ con chó cắn cho một miếng thì chết! Hắn thấy con chó cứ đứng gần đĩa cơm mà không ăn, thì không hiểu ra làm sao. Hắn tưởng con chó chê cơm nhạt, không thèm ăn, thì hắn muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giàu!

Giá con chó biết tiếng người, hẳn hắn đã lân la đến gần để đánh bạn, rồi kể lể nỗi đói khát, có lẽ, chỗ anh em, con chó cũng động tâm mà lấy tình "nhân đạo" nhường cho hắn đĩa cơm ấy. Hay là vì hắn xù xù ngồi đó, cho nên con chó phải đứng canh chăng? Hắn liền lẩn ra sau cái cột cổng để dòm vào. Một lúc, quả hắn thấy con chó lừ lừ ra nằm chỗ khuất bóng ở cạnh tường.

Được dịp may, người ăn mày đánh liều dồ ra, tiến gần lại mấy bước. Nhưng con chó lập tức đứng dậy, cũng tiến gần lại mấy bước, vừa đi vừa gừ. Thằng người giương hai mắt nhìn con chó, con chó cũng giương hai mắt nhìn lại thằng người. Thành ra đĩa cơm ở giữa, người tiến thì chó cũng tiến, người lui thì chó cũng lui. Hai bên hầm hè nhau, người lườm chó, chó lườm người đều cùng giữ miếng nhau, như hai kẻ thù không đội trời chung vậy.

Cứ như thế, không bên nào chịu bên nào. Độ hơn mười phút, người ăn mày cùng thế, nghĩ ngay được một kế. Tay hắn vớ được hòn đá to tướng, thu thu đằng sau, chạy tọt lại đĩa cơm, rón một miếng rõ nhanh, đút tỏm vào mồm.

Nhưng con chó nhanh hơn. Nó cũng chồm vọt lại, nhẩy xổ lên, há mồm, nhe răng ra cắn. Người ăn mày giơ thẳng cánh tay, nhằm giữa mồm con chó, uỵch hòn đá một cái rõ mạnh. Con chó ẳng lên một tiếng, rồi nhanh như chớp, nó vật được kẻ thù xuống đất, giơ hai chân ra cào mặt và móc mồm. Nhưng nó bị ngay một cái đấm nữa vào đầu. Nó chịu buông thằng người ra, nằm sóng soài, ẳng rầm lên.

ông chủ đương ăn cơm, nghe tiếng chó kêu, vội bỏ cả bát đũa, lẫn vợ, lẫn khách, ông cầm đèn hấp tấp chạy ra:

- Thôi chết rồi! Con Lu làm sao thế này! ối giời ơi! Nó gãy hai cái răng rồi! Khổ tôi quá!

Thế rồi thét người nhà váng lên, ông bế con Lu vào. Còn mình thì chạy ra cổng xem ai đánh chó. Bỗng ông trông thấy ở đằng xa, có cái bóng đen đen, chạy nhanh tít, ông bèn bấm đèn ôtô để chiếu theo, thì trông rõ người ăn mày ban nãy đương chạy.

- à, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!

Nói đoạn, ông tắt đèn pha, phóng xe hết sức nhanh để đuổi theo...

Viết 12-1929

(Đăng Annam tạp chí số 23 - 1931

với nhan đề Răng con vật nhà tư bản).


Hết
 
Mối tình đầu_ Đỗ Hằng Nhi

Anh ạ, hôm nay trời đẹp lắm. Đầy sao và ánh trăng sáng ngời. Nhìn bầu trời mà môi em mằn mặn. Có phải đó là những giọt lệ khóc thầm cho mối duyên tình sớm tàn lụi?

Mình quen nhau như thế nào anh nhỉ? Đó là một đêm sinh nhật định mệnh đã ghép chặt cuộc đời của em với cuộc đời của người con trai dễ mến. Cũng vào đêm đó mà hình ảnh của anh làm tim em rung lên từng hồi, lạc nhịp mà từ trước đến giờ không bao giờ như vậy! Anh đã là thần tượng: hát hay, đàn giỏi, đôi môi quyến rũ và đôi mắt biết nói. Em đã yêu anh bằng tất cả những rung động đầu đời của con gái mới lớn, mới bắt đầu yêu. Còn anh một chàng trai đã nhuốm bụi phong trần, từng trải qua thời tuổi trẻ biết yêu.

Thế là mình vẫn yêu nhau, vẫn nhớ nhau dù em biết rằng tất cả những tình cảm đó ở phía bên em. Bên cạnh anh, em luôn thầm lo sợ cho sợi dây tình cảm của mình. Nó quá mong manh và chỉ cần một tác động dù là nhỏ nhoi nó sẽ đứt phăng ra. Và sự nhạy cảm, lo sợ của người con gái trong em không lầm. Anh đã xa em, xa em bên cạnh anh không còn là em nữa mà là một cô gái khác. Em dẫu biết điều đó sẽ xảy ra nhưng anh ơi đó vẫn là một cú sốc quá nặng nề trong cuộc đời con gái của em. Anh biết đấy, đối với một người con gái thì mối tình đầu là mối tình trong sáng nhất, đẹp nhất và khó phai nhất. Anh bảo em quên đi thì anh ơi làm sao em quên được. Em cũng chẳng trách anh đâu vì trái tim của chúng mình đã không cùng chung nhịp đập. Tình yêu mà, phải để trái tim lên tiếng gọi. Em yêu anh cũng vậy, đó là tiếng gọi của trái tim dẫu biết rằng lí trí bảo đừng yêu anh. Và trái tim đã thắng, em phải khổ khi nhắc đến tên anh. Cái tên làm bao lâu nay em thổn thức, cái tên của niềm tin, niềm hy vọng của một người con gái nhạy cảm. Em đang cố quên anh nhưng thần tình ái đã một lần nữa đánh gục em. Một lẫn nữa anh lại bước qua đời em, nhóm lên trong tim em một ngọn lửa đang tàn theo năm tháng. Em có lẽ đã quá ngốc khi nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc bên nhau anh nhỉ? Trong em, anh lại là ánh sao, là niềm hy vọng không bao giờ vụt tắt trong bầu trời của cuộc đời em. Và rồi một lần nữa anh đã dối em, anh đùa giỡn với tình yêu của em – một tình yêu khờ dại và mù quáng.

Anh yêu, khi đọc những dòng chữ này có lẽ anh sẽ hiểu em hơn. Và anh phải biết rằng trong tim em vẫn còn hình ảnh của người đã hai lần làm cho em đau khổ. Em sẽ đi xa, thật xa để mãi cố quên đi hình ảnh của anh. Anh ạ, em đang bước lên khỏanh khắc hoàn toàn mới, đưa em ra cuộc đời mới. Cuộc đời không phiền muộn, không nhớ, không khổ và không có anh. Tạm biệt anh! Tạm biệt mối tình đầu!
 
Bồ câu chung mái vòm_ Dương Thụy


Cửa sổ phòng tôi trông thẳng ra một nhà thờ đá cổ kính, lúc nào cũng đầy những chú chim bồ câu tá túc trên các mái vòm phủ rêu xanh êm đềm. Bàn học được tôi đặt ngay cửa sổ, sáng sớm đón bình minh với những dải nắng phủ hờ trên tháp chuông, chiều tà nhìn hoàng hôn dần buông xuống ngọn thánh giá.

Những ngày đông tuyết rơi trắng mấy viên đá phủ nhà thờ trầm mặc, những chiều hè mưa rớt lao xao vào các tấm kính ghép những bức tranh màu sặc sỡ. Với một khung cửa sổ mơ mộng và yên bình, lẽ ra tôi có thể ngồi học cả ngày không mệt mỏi. Thế nhưng sau lưng tôi là cánh cửa, mở ra hành lang chung của ký túc xá, mở ra một thế giới thu nhỏ sôi động.

Tầng hai của tôi có tất cả mười sáu phòng với tổng cộng mười quốc tịch, bốn tôn giáo và ba màu da. Giờ cao điểm, bếp ăn trộn lẫn nhiều mùi vị của thịt cừu sa mạc, gà nướng châu Phi và nước mắm Việt Nam. Buổi sáng hành lang đầy tiếng chân vội vã, tiếng vòi sen hăm hở chảy trong nhà tắm vọng ra, tiếng chào hỏi í ới và chúc nhau một ngày tốt đẹp.

Chiều về hành lang rộn rã tiếng cười vô tư của những anh chàng da đen, tiếng tranh cãi ồn ào của đám đông da trắng và tiếng thẽ thọt của dân da vàng. Khuya đến, khi hành lang bị tắt điện và ánh đỏ lờ mờ của chiếc đèn ngủ được thay thế, tiếng đọc kinh rì rầm của những cô cậu đạo Hồi bất chợt vang lên. Đó là những âm thanh của hòa bình.

Những ngày chiến tranh, tôi không sao học được vì tiếng cãi cọ giành chọn kênh truyền hình trong phòng đọc sách, tiếng cằn nhằn của những chị em trong phòng tắm vì quần áo bị cầm nhầm, tiếng đôi co đổ tội dơ bẩn cho nhau trong nhà bếp. Đặc biệt, một loại âm thanh không ra hòa bình, chẳng phải chiến tranh nhưng làm nhiều người đau đầu. Mỗi khi có ai dẫn tình nhân về phòng qua đêm, hai bên hàng xóm đành cùng nhau mất ngủ...

Trong thế giới thu nhỏ ở tầng hai, tôi thích giao du với những người da đen và kết thân với hai chị. Vic đến từ Madagasca, đã lập gia đình, có hai con trai. Chị từng du học sáu năm ở Trung Quốc nên khá thông hiểu về văn hóa phương Đông. Vic cư xử khá lịch thiệp và tế nhị. Chị có đôi mắt rất mượt, lãng mạn và đa tình.

Ngược với Vic, Rita giữ nguyên bản tính hồn nhiên, vô tư lự và mộc mạc của châu Phi hoang sơ. Rita người Cameroon, thân hình cân đối, khỏe mạnh. Chị có chồng, một “Cameroon kiều” - Philipe hiện sống theo kiểu bất hợp pháp ở Bruxelles. Cuối tuần Rita lại đáp xe lửa từ Liège đến thủ đô thăm chồng. Thỉnh thoảng Philipe đến Liège thăm vợ.

Tôi cũng giao thiệp với những người da trắng nhưng chỉ dừng lại ở những câu chào đơn điệu, họ không thân thiện ngay cả với những người cùng màu da. Những người Bắc Phi da sáng, nói tiếng Ả Rập, tuy lịch sự nhưng có vẻ bí hiểm. Đặc biệt, tôi có một đồng hương, giảng viên đại học. Anh Việt kín đáo, không bao giờ nói lên những suy nghĩ thật của mình. Anh ít bộc lộ ý kiến cá nhân, thích hô hào và sống theo phong cách luôn tự kiểm duyệt mình. Ngoài tôi, anh hầu như không giao du với ai.
 
Rất nhanh sau lần gặp đầu tiên, Vic, Rita và tôi đã là một bộ ba dù đôi lúc xảy ra nhiều hiểu lầm do bất đồng văn hóa. Trên tinh thần chân thành, chúng tôi xây dựng một tình bạn gắn bó. Do học cùng lớp, hai chị thường đi chung hơn. Thường tôi về ký túc xá sớm vì học kinh tế không phải đi quá xa. Hai chị học nuôi trồng thủy sản phải đáp xe lửa đến một tỉnh nhỏ lân cận, có hồ nhân tạo. Những lúc không quá bận bịu việc học, tôi làm bếp, những món Việt Nam chờ Vic và Rita về cùng ăn.

- Đây là món gì, Tâm? - Vic nhướng đôi lông mày được chăm sóc cẩn thận hỏi - Nhìn lạ quá, nếm cũng lạ.
- À, món này tên là... - Tôi bối rối - Thật ra nó không có tên, nhưng đảm bảo đây là một món đặc trưng của Việt Nam.
- Chị nghi quá? Thú nhận đi, đây là món do em tự chế phải không? - Vic không tha - Nhìn tạng em biết không làm bếp được, tự chế đại phải không?

Vic vẫn thường lật tẩy tôi, chị tự hào về vốn văn hóa Trung Quốc của mình. Rita mặc kệ tôi bị căn vặn, chị đi học về đói bụng, chẳng cần mời, cứ bốc thoải mái thức ăn. Rita ăn khỏe và đơn giản. Chị trút hết mớ thức ăn còn lại trong nồi, vét sạch nhẵn mới thôi.

- Đừng có lấy hai cây gậy nhỏ gắp nữa, Tâm! - Rita đề nghị - Tao trút vậy cho lẹ!
- Đã bao nhiêu lần em nói với chị đây gọi là đũa, không phải hai cây gậy nhỏ, nhớ chưa?
- Hí, hí, hí - Vừa nhồm nhoàm, Rita vừa hồn nhiên cười - Tao thấy giống làm xiếc quá. Công nhận tụi châu Á có truyền thống riêng, có bản sắc dân tộc, vẫn còn xài đũa. Châu Phi tụi này bị Tây hóa rồi.
- Trước khi Tây xâm chiếm, người châu Phi dùng gì để ăn?
- Không có gì hết, không nĩa, không dao. Bốc.

Rita vẫn thường làm tôi cười vì những lời nói thật thà của mình. Chị hay hồn nhiên kể về mối tình với người chồng yêu dấu và cả những chuyện phòng the.
- Sao Việt Nam tụi bay sợ nói đụng chuyện sex - Rita đưa đôi bàn tay đen nhẻm của mình thoăn thoắt tết những bím tóc - Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Thấy Vic không? Chị ta thèm chồng nên quắt queo lại...
- Đúng - Vic tán thành - Sau hai ngày cuối tuần bên Philipe, thứ hai Rita đi học tràn đầy sinh lực, phát biểu lia lịa, còn chị... hẻo quá!

Tôi biết Vic nói thật. Anh Việt kể có lần một đêm học khuya, lúc đi vệ sinh anh tình cờ gặp Vic ở hành lang. Thế là chị mời anh về phòng uống ly nước. Anh Việt bảo: “Hình như Vic bức xúc lắm?”. Còn Vic bỏ nhỏ với tôi “Anh chàng đồng hương của em buồn cười quá. Hắn tâm sự đã ngoài ba mươi nhưng chưa từng được hôn. Lo học nhiều đâm cù lần, khó tìm người yêu - Chị cười rụt cổ - Nhưng mà “chuyện đó” thì biết, ăn bánh trả tiền đó mà”.

Thời gian đầu anh Việt rất sợ những người da đen do không quen mắt. Khi tôi nấu những món Việt Nam mời Vic và Rita, tôi đều gọi anh nhưng anh bảo: “Nhìn họ đen thui, ăn mất ngon”. Dần dần chính anh bị bọn da trắng nhìn từ bên trên nên đâm ra quí những người bạn châu Phi thật thà. Với tôi, anh ngại nói những điều to tát sợ bị đánh giá. Nhu cầu tâm sự rốt cuộc bung sang Vic.

- Tâm biết không, Việt nhìn khô khan vậy nhưng cũng tình cảm - Vic kể hết những gì chị biết - Hắn nói tuy làm giảng viên đại học nhưng lương không cao, nuôi cha mẹ ở quê chưa chu đáo. Thì bên Madagasca của chị cũng vậy. Chị hỏi sao không nghỉ dạy, ra làm cho những xí nghiệp nước ngoài. Hắn bĩu môi: "Không muốn phục vụ bọn tư bản”. Chị ngạc nhiên quá. Thì làm việc ăn lương, sao gọi là phục vụ. Nghe giống thời còn chế độ nô lệ da đen.

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán, dân trong ký túc xá gặp tôi và anh Việt đều chúc “Năm mới Trung Quốc vui vẻ”. Anh Việt cau mày, gắt: “Phải gọi là năm mới theo âm lịch. Thế giới này ngoài Trung Quốc còn nhiều nước đón tết âm lịch”. Bọn họ tẽn tò, bực bội: “Thì dù sao Trung Quốc cũng là nước lớn nhất, chứ cái nước Việt Nam của mày ai mà biết!”. Anh Việt quay lưng, làu bàu: “Thế mà nước tao có truyền thống đánh bại những nước lớn đấy, cả Trung Quốc, Nhật, Pháp, Mỹ. Lớp trẻ chúng mày chẳng biết gì về lịch sử!”.
 
Chỉ đợi anh bỏ đi vào phòng đóng sầm cửa, bọn nước ngoài bu lấy tôi: “Đồng hương của mày hiếu chiến quá! Tụi tao chúc tết mà còn bị hắn giận”. Tôi cười giảng hòa: “Anh ấy là một người yêu nước chân chính!” rồi vụt chạy vào bếp xem nồi thịt kho hột vịt của mình. Tôi mời Vic, Rita và anh Việt ăn một bữa tiệc tất niên. Vic mặc áo đầm dài, đưa chiếc lưng đen bóng của mình ra bảo anh Việt cài dây kéo giúp. Rita đội mái tóc giả màu hung, mang giày bốt, tô đôi môi dày bằng màu son chói chang.

- Chúc mừng năm mới! - Vic hào hứng - Hồi học bên Trung Quốc chị cũng được đón giao thừa như thế này, vui lắm! Tết Trung Quốc có ý nghĩa truyền thống hơn.
- Lại còn gọi là tết Trung Quốc à? - Anh Việt nhăn mặt.
- Thôi mà, đừng cực đoan nữa! - Rita bốc một cuốn chả giò nhồm nhoàm - Chúa ơi! Ngon quá!

Quan trọng từ ngữ làm gì, cái chính là phải nhìn nhận sự thật. Rõ ràng là hàng hóa Made in China ở khắp nơi. Nè, bộ tóc giả tôi đang đội, đôi giày tôi đang mang, chất lượng CEE nhưng sản xuất tại Trung Quốc.
- Hồi sáng chị và Tâm vô siêu thị Việt Nam mua đồ làm tiệc tối nay, cũng toàn nước mắm Thái Lan, gạo Thái Lan. Hàng Việt Nam còn ít lắm - Vic góp lời.

- Nước của tôi cũng vậy - Rita hai tay hai cuốn chả giò - Bọn đàn ông tự hào Cameroon nổi tiếng vì bóng đá, còn tôi chỉ thấy nghèo quá.

- Madagasca của chị bao nhiêu cảnh đẹp - Vic nhướng một bên mày cong - nhưng bọn du lịch đến chỉ thích mua những tấm bưu thiếp hình ảnh lam lũ, đói nghèo. Bọn da trắng ở ký túc xá này gặp chị cứ hỏi thăm về nạn đói, về nội chiến, về lũ lụt.

- Còn tôi bị họ hỏi về sư tử, về ngựa vằn, về sa mạc - Rita nhóp nhép, than phiền.

Anh Việt uống cạn ly rượu chát, khoát tay: “Dù gì tôi cũng tự hào về đất nước tôi. Các bạn cũng nên như vậy!”.

Hè về, mặt trời chói chang chiếu sáng không mệt mỏi. Đến tận mười giờ tối, ánh nắng vàng còn thong thả đậu trên tháp chuông nhà thờ. Ký túc xá nóng bức như lò nướng bánh mì. Rita rủ tôi ra công viên hóng gió, học bài. Mấy anh chàng châu Phi cởi trần, khoe thân hình rắn chắc, đầy cơ bắp như những bức tượng đồng đen. Các cô bạn da trắng mặc những chiếc áo thật nghèo, đưa da thịt tái mét như những viên thuốc aspirin ra ngoài trời phơi nắng.

Mùa thi học kỳ đến trùng với World Cup. Cả ký túc xá sôi sùng sục, hầu như chẳng ai ngủ trọn vẹn cho một thời điểm nóng bỏng. Ông quản lý lo ngại soạn những tờ nội qui mới dán khắp hành lang. Dòng chữ “Xem bóng đá trong tinh thần hòa bình giữa các dân tộc” dán to đùng trước cửa phòng truyền hình. Bà bếp ở căngtin nấu súp thịt bò phát miễn phí mỗi người một bát, bồi dưỡng cho mùa thi. Rita ghé sát lỗ tai tôi: “Vụ “phát chẩn” này kéo dài một tuần, đỡ vã!”.

Tôi không phải dân mê bóng đá nhưng không thoát được không khí chung. Khi đội Senegal thắng, tất cả người da đen hoan hô vang dậy. Lúc đội Ý thua, những chàng trai của xứ spaghetti đá thúng đụng nia, phá tan nát những chiếc thùng rác vô tội. Cộng đồng nói tiếng Ả Rập thì ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, cùng một đạo Hồi.
 
Mọi người hỏi tôi và anh Việt là fan của ai. Chúng tôi lắc đầu: “Chẳng ai cả”. Nhưng khi Hàn Quốc lập thành tích, họ vui vẻ chúc mừng. Tôi thi một môn ngay ngày Bỉ thua Brazil 3-0. Ông thầy vừa xem đá bóng xong thì gọi nhóm tôi vào phòng thi, nhìn danh sách nhóm, điểm danh: “Morocco, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Việt Nam. Toàn sinh viên nước ngoài, cũng may không có ai Brazil!”.

Thế nhưng rốt cuộc nhóm cũng rớt. Ngồi trên xe buýt tôi thấy những người Brazil diễu hành, thổi kèn, ca hát sung sướng. Những người Bỉ nhìn nhau, nhún vai cười trừ. Tôi lê gót về ký túc xá, mặt buồn thiu. Anh chàng người Chile ở lầu một nghe tôi kể bèn an ủi: “Thay mặt châu Mỹ Latin, xin lỗi bạn!”. Tôi bật cười, lên phòng húp tạm chén súp thịt bò nguội ngắt từ ngày hôm qua.

Mở toang cửa sổ nhìn sang tháp chuông cổ kính của nhà thờ, tôi tự hỏi vì sao Thượng đế lại tạo ra con cái của người nhiều màu da và lắm ngôn ngữ. Những con chim bồ câu vẫn ung dung đi lại trên mái vòm phủ rêu xanh êm đềm. Không biết trong cộng đồng loài chim hòa bình này, chúng có phân biệt màu lông trắng hay đen?

Hết thi học kỳ, ký túc xá lại lao vào không khí học tập mới: chuẩn bị thi lại và bảo vệ luận văn. Tôi không còn hứng nấu ăn, thường nhịn đói, uống sữa cầm hơi. Vic và Rita tối mịt mới về, họ nói phải chăm sóc những con cá tới hồi quyết định.

Anh Việt thỉnh thoảng mời tôi sang ăn bát cơm nấu nhão. Thấy tôi nuốt trợn ngược trợn xuôi, anh than: “Ăn thế làm sao mà đẻ, thôi lo về lấy chồng cho xong, học làm gì cho khốn khổ!”. Trong nhà bếp gặp nhau ai cũng hỏi “Mày thi lại bao nhiêu môn?”. Anh bạn George người Congo phá kỷ lục với thành tích thi lại trọn gói tám môn, mặt tỉnh rụi, lại còn nói: “Tại tôi lo xem bóng đá!”. Vic và Rita đều có vài môn thi lại. Hai chị trông mệt mỏi nhưng không căng thẳng.

- Tâm! - Vic khuyến cáo tôi - Tại sao em trở nên bực bội, khó chịu, mặt nhăn như một con đười ươi thế?
- Đừng bắt chước bọn da trắng, lúc nào cũng nghiêm trọng, gay gắt, không một nụ cười - Rita vò vò những lọn tóc xoăn tít - Bọn họ giàu có làm gì, đất nước lớn mạnh làm gì mà mặt mày nhăn nhó, lúc nào cũng như ... táo bón lâu ngày?
- Em đừng nghĩ đến giá trị vật chất, đừng lo sợ không lấy được bằng cấp - Vic đưa tôi ly nước trái cây, âu yếm khuyên - Hãy làm hết sức mình là được. Chị sang đây học phải bỏ lại chồng con trong nước, nhớ nhung quá sức. Chị em mình cùng cố gắng. Chị sẽ cầu nguyện cho em.

Tôi trở về phòng tiếp tục học. Đến bốn giờ sáng nghe anh bạn hàng xóm người Morocco thức dậy đọc kinh rì rầm, tôi xếp tập lại. Nhắm mắt lơ mơ ngủ, tôi nghe tiếng chân của Vic đi trước, tiếng chạy hấp tấp của Rita đuổi theo. Họ phải đi học xa nên thức sớm ra ga đón xe lửa. Thế là đã sáu giờ. Tôi lại ngồi dậy, ra hành lang đi lại cho đỡ chồn chân. Anh Morocco đang từ phòng tắm đi ra:

- Dạo này thấy cô thất sắc quá. Đêm qua học khuya lắm hả? Tôi nghe cô ho khúc khắc.
- Zakaria - Tôi ngáp không thèm che miệng - Tôi đuối lắm rồi. Anh cầu nguyện Thánh Allah cho tôi đi!
- Tôi không cầu nguyện cho người ngoại đạo.
- Ích kỷ vậy?
- Nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn vào đạo Hồi trước - Zakaria vuốt những sợi tóc ướt - Rồi sẽ cầu nguyện cho bạn bình an sau.
Tôi không biết anh ta đùa hay thật. Zakaria nắm hai vai tôi, cười thân thiện:
- Thật ra chúng ta cùng chung một cha trên trời. Tôi sẽ cầu nguyện cho cô.

Những ngày cuối cùng của kỳ thi đến gần. Mọi người trong ký túc xá động viên, khuyến khích nhau. Dường như thời điểm này chẳng ai quan tâm đến những rào cản quốc tịch, màu da hay tôn giáo nữa. Chúng tôi giúp nhau in ấn, chỉnh trang, đóng các tập luận văn. Sáng nào thấy có người mặc đồ lịch sự, complet, giày đen là những người còn lại chúc cho buổi bảo vệ được thành công.

Vic có vẻ bình tĩnh trước buổi bảo vệ nhưng kết quả không cao. Rita khá hồi hộp, rốt cuộc đạt điểm ngoài mong đợi. Ngày bảo vệ của tôi trễ nhất. Nhìn mọi người trong ký túc xá trở về, mặt giãn ra, thở phào nhẹ nhõm nói “Rồi cũng xong?” tôi càng thêm lo lắng. Và rồi tôi bảo vệ thành công, không biết nhờ Thánh Allah của Zakaria hay Đức Chúa của Vic. Khi tôi nói điều này với anh Việt bằng một giọng nửa đùa nửa thật, anh khịt mũi: “Tin vào bản thân mình là tốt nhất”.

Tôi vẫn còn giữ cuốn thánh kinh Vic tặng, bộ áo cổ truyền Cameroon màu sắc sặc sỡ của Rita và tờ giấy Zakaria viết tên tôi theo lối thư pháp bằng tiếng Ả Rập. Dẫu biết khó có dịp gặp lại vì ai cũng ở nước nghèo, chúng tôi đã chia tay nhau vui vẻ. Anh Việt còn ở lại, anh viết email nói phòng tôi giờ có một anh chàng người Ý cao hai trăm lẻ sáu centimet chiếm.

Tôi tưởng tượng người “kế nhiệm” cao kều của mình trong căn phòng hẹp, anh ta xoay xở ra sao với cái giường đóng chung cho mọi người? Và, khi ánh ban mai buông xuống tháp chuông nhà thờ, lũ bồ câu đến mổ vào cửa sổ vòi ăn, anh lấy gì cho chúng? Những con bồ câu của tôi, của Vic, của Rita, của những người đến từ phương xa tìm kiến thức...

Từ mái vòm phủ rêu xanh êm đềm, chúng đã chứng kiến bao nhiêu chộn rộn của những tháng ngày phấn đấu. Lũ bồ câu hẳn rồi phải đổi gu, chuyển sang món mì ống spaghetti, làm sao anh ta có thể tìm cho chúng những hột cơm nguội vét ra từ nồi cơm điện tí hon?
 
Bất chợt ở La Mã_ Dương Thụy

Thêm một lần Tùng thất hứa với Thảo. Khi mùa xuân ấm áp làm nở những bông hoa xinh tươi khắp Paris và mọi người đang nôn nao cho chuyến du lịch trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Anh bảo “Xin lỗi, anh bận rồi". Thảo chấp nhận lý do này dễ dàng như cô vẫn thường có thói quen nghe anh xin lỗi. Cô đặt vé máy bay và chuẩn bị khởi hành đi Ý như dự định.
Cô đeo ba lô lên vai, xuống hầm xe điện ngầm dài hun hút ra phi trường Charles de Gaules.
Thảo đi theo đoàn người của thủ đô văn minh chạy trốn cuộc sống đô thị. Chưa kịp lấy lại thăng bằng sau chuyến đi tưởng rất hiện đại với đủ mọi loại hình giao thông, dân Ý làm Thảo một phen chới với. Anh chàng đẹp trai ở quầy tiếp tân cho cô biết khách sạn đã hết chỗ và họ chưa từng nhận được email đặt phòng trước của cô. Sau một hồi tranh cãi không kết quả, Thảo bực tức vác ba lô lên vai :
- Thôi được ! Cứ cho là anh đúng. Tôi tìm khách sạn khác. Nhưng tôi phải nhắc lại rằng các người là bọn thất tín !
Đã gần một giờ sáng. Cô nháo nhào chạy vào chững khách sạn khác, nhưng chẳng nơi nào còn phòng. Trước khi bước vào khách sạn cuối cùng của dãy phố, Thảo tự ra tối hậu thư : “Tùng ơi ! Nếu đêm nay em phải chết rét ngoài đường và bị hãm hiếp thì em sẽ giết anh đó !"
Khách sạn lại hết chỗ. Trước khi Thảo kịp ngất xỉu vì thất vọng, một cứu tinh xuất hiện. Anh ta là người Hồng Kông, vừa đi mua pizza về ăn khuya. Trông cô run lên vì viễn cảnh bị tống ra đường giữa màn đêm lạnh lẽo, anh đề nghị cùng cô chia phòng. Thảo gật. Nếu phải mạo hiểm, cô chọn giải pháp tối ưu.
Anh ta dẫn Thảo lên lầu :
- Tôi tên Vương. May cho cô. Bạn gái tôi vào phút chót không đi du lịch được. Phòng có hai giường đơn, đặt khá xa nhau. Và tôi hứa...
Thảo gắt :
- Đời tôi gặp nhiều bọn thất hứa rồi !
Vương cắt bánh pizza, chia cho cô một góc. Thảo thành thật :
- Tôi sắp chết đói rồi, cho tôi luôn nguyên cái đi ! Rồi tôi đưa tiền anh mua cái khác !
Vương mặc áo khoác :
- Tôi bắt đầu hối hận vì lời đề nghị của mình. Hãy hứa, cô sẽ không làm phiền tôi nữa !
Thảo gật.
Vương quay về, Thảo đã cuộn tròn trong chăn. Cô mặc hết cả áo quần mà vẫn lạnh. Cô đề nghị :
- Đừng tắt đèn ! Tôi sợ bóng đêm !
Vương ăn pizza, mặt cáu kỉnh :
- Sao cô không nói thẳng ra là sợ tôi ? Tôi thật sự hối hận rồi !
Và Vương hối hận dài dài khi vừa đặt lưng xuống, Thảo lại rên rỉ :
- Tôi lạnh quá, tôi có cảm giác gió lùa vào người. Anh đóng hết cửa sổ lại chưa ? Kiểm tra lại xem !
Vương tá hỏa la toáng lên khi nhận ra một ô cửa đã vỡ kính được nguỵ trang khéo léo dưới lớp màn.
- Sao lúc nhận phòng anh không kiểm tra ? Thật là khờ quá !
Vương cáu :
- Tại tôi tin họ ! Mà hình như rắc rối bắt đầu từ khi cô bước vào phòng này. Tốt hơn hết là cô chấp nhận hoàn cảnh đi, dù sao ở đây còn sướng hơn ngủ ngoài đường.
- Ngay ngày mai tôi sẽ không ở đây nữa, tôi tìm khách sạn khác. Anh đừng làm ra vẻ ban ơn với tôi. Tôi có ở miễn phí đâu.

Cãi nhau chán chê, hai người lăn kềnh ra gà gật. Thảo mơ thấy hình ảnh Tùng và Vương lẫn lộn. Cô còn bám theo Vương, nói hết sức vô duyên :”Vương ! Wo ai ni ! Wo ai ni ...” (Em yêu anh).
Thảo choàng tỉnh, nhận ra Vương đang nhìn mình tủm tỉm. Hai người thu dọn hành lý, đường ai nấy đi. Thảo đưa phần tiền của mình trả khách sạn, nhưng Vương từ chối. Anh bảo để lần sau.
- Lần sau ? Anh nghĩ còn lần sau ? Hay tụi mình đi chung ? Anh một mình, tôi cũng một mình...
 
Vương làu bàu :
- Dù sao đi du lịch ở thành phố nghệ thuật Roma cũng không thú vị lắm...
Họ đi với nhau. Cùng chụp hình lưu niệm trên đấu trường Colosseo, cùng ngồi trên đồi Palatino trầm trồ những phế tích La Mã...
Khi vào nhà hàng ăn món mỳ spaghetti, bà chủ tiệm mập mạp và lắm lời cứ quả quyết hai người là vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật.
- Những cặp vợ chồng son đều được tôi tặng một món tráng miệng miễn phí. Kem Ý nhé,hay cà phê cappuccino ?
Vương nhận bừa họ là vợ chồng mới cưới để được nhận miễn phí món tráng miệng. Bà khuyên “hai vợ chồng" nên đến làng Verona, quê hương của Roméo và Juliette.
Vương làm ra vẻ đắn đo :
- Vợ tôi đã có ý định sau khi thăm Roma thì đi Firenze. Chúng tôi chưa có kế hoạch đi Verona.
Tạm biệt bà chủ tiệm ăn, Thảo chợt nhận ra đóng vai người vợ trẻ cũng ngồ ngộ. Chưa bao giờ Tùng nói với cô về dự định đám cưới.
Ăn trưa xong, họ tiếp tục đi thăm toà thánh Vatican. Thảo xuýt xoa khi trông thấy những người đàn ông có khuôn mặt tươi sáng, mặc áo thụng đen, vai rộng, ngực nở, eo thon. Mối khi họ bước qua cổng đều được những lính gác Thuỵ Sỹ dập gót, đưa tay chào.
Thảo vừa nhấm nháp chiếc kem mùi vanille vừa hào hứng nhận xét :
- Chúa ơi ! ở Roma tôi chỉ thấy có hai điều đáng chiêm ngưỡng hơn cả những tác phẩm nghệ thuật ! Đó là linh mục và cảnh sát !
Vương há hốc :
- Sao ? Cô đặt linh mục ngang với cảnh sát à ?
- Họ có điểm chung : đẹp trai quá !
- Cô có vẻ..mê trai ?
- Tôi yêu vẻ đẹp của người đàn ông, bởi vậy mới đến Roma xem những bức tượng cẩm thạch khoả thân nổi tiếng của Michel-Ange !
Vương hỏi đố :
- Cô biết vì sao Michel-Ange lại thành công với những bức tượng nam khoả thân nhiều cơ bắp không ?
- Vì ông ta có tài.
- Chỉ đúng một phần. Thực chất, vì bản thân ông ta là người đồng tính !

Giờ cả hai mới phát hiện họ có chung niềm đam mê nghệ thuật . Dù Vương là kỹ sư tin học và Thảo là dân kinh tế.
Vương nháy mắt :
- Thì ra cô đến Roma cũng với mục đích chiêm ngưỡng nghệ thuật. Vậy mà tối qua, nhìn bộ dạng của cô tôi tưởng cô đi du lịch vì thất tình !
Thảo thở hắt ra. Không biết vì lẽ gì, cô thành thật tâm sự chuyện tình cảm của mình cho người bạn mới quen. Và Thảo ngao ngán kết luận :
- Tôi tên Thảo, tiếng Hán có nghĩa là “cỏ". Người yêu là “cây tùng". Nhưng anh ta chẳng che chở cho tôi được bao nhiêu.
- Vậy sao cô yêu ?
Thảo nói đại một lý do :
- Tại tôi mê đẹp trai !
Buổi tối, họ lại quay về nơi có ô cửa sổ vỡ. Làm sao tìm được khách sạn khác trong mùa cao điểm này ?
Đêm nay Vương lại tiếp tục rên rỉ :“Tôi hối hận quá !” .Lọ dầu xanh anh đem theo đã gần hết vì phục vụ xoa bóp hai bắp chân mỏi nhừ của Thảo. Cô cười khoái chí dù ra vẻ áy náy :“Tôi đâu có thói quen đi bộ cả ngày trời. Đôi giày này cũ rồi ...”

Vương lầm bầm : “Tự dưng tôi thành nô lệ massage cho cô. Bình thường tôi chẳng phục vụ ai cả, người yêu tôi phải chăm sóc tôi chu đáo !”. Rồi Vương tâm sự mình dang du học ở Anh và có người yêu lớn hơn năm tuổi.
Nửa đùa nửa thật, anh lý giải :
- Cô biết không, tôi vẫn luôn thích phụ nữ lớn tuổi. Dường như trong tôi thiếu thốn tình mẫu tử thì phải. Mẹ tôi mất khá sớm mà.
- Anh có thật sự yêu cô ấy không ?
Vương làm bộ nhíu mày tư lự :
- Thế nào là thật sự và không thật sự ? Dù sao cô ta đã nói câu: “Vương, Wo ai ni”.
Hai người cười phá lên. Thảo tự dưng thấy người bạn mới thật gân gũi. Khi tắt đèn ngủ, Vương cười khẽ trong đêm :“Hôm nay không bắt tôi phải để đèn suốt đêm nữa à ? Có tiến bộ !”.
Thảo nhột. Suốt đêm cô khó ngủ, chẳng phải nhớ “cây tùng". Giường bên, tiếng ngáy nhỏ đều đều của người chia phòng thật ấm áp.
Ngày chót, hai người tham quan Roma. Vương cầm quyển sách hướng dẫn xuýt xoa :
- Còn nhiều nơi chưa đi quá !
Thảo đề nghị :
- Mình còn kịp giờ đến một chỗ nữa. Đi Terme di Caracalla nhé !
- Thuận đường không ?Hơi xa đó, phải đón xe điện ngầm và cuốc bộ một đoạn.
- Được mà ! Sách ghi đó là một nhà tắm công cộng, có sức chứa đến một ngàn sáu trăm khách . Tôi muốn biết người La Mã tắm như thế nào.
Vương chiều cô, họ cùng đi về hướng Terme di Caracalla. Trời tháng tư đã ấm áp lắm, đi bộ một đoạn ai cũng bỏ hết lớp áo ngoài. Nhưng sao hai người càng đi càng thấy hoang vắng kỳ lạ.
Thảo ngờ ngợ :
- Lạc rồi ! Quay lại thôi !
- Tụi mình tim đường quay về nhà ga luôn nhé ! Đợi đến lúc có tàu đi Firenze luôn !
Thảo không chịu. Họ tiếp tục đi, cho đến khi Vương nhận ra cô rất đau chân và khuôn mặt đỏ hồng mồ hôi nhỏ giọt. Thảo bặm môi nói không sao mà nước mắt bắt đầu rơi.
- Anh làm ơn ...cõng tôi đi ! Tôi đi hết nổi rồi !
Vương cười méo miệng :
- Thôi được ! Lần đàu tiên trong đời tôi bị hành hạ thế này !
Khi đã yên vị trên phưng tiện giao thông thô sơ và độc đáo này, Thảo có vẻ áy náy :
- Người yêu có lòng mẫu tử của anh mà biết, hẳn đau lòng lắm !
Vương không đáp. Anh nhận ra hình như mỗi bước đi của mình giờ hoá ra nhẹ bỗng. Thảo lấy áo khoác đưa lên đầu, che nắng luôn cho Vương. Hai người tha nhau đi ngược lại đoạn đường dài.
Mãi đến khi leo lên dốc cao, anh mới nhận ra mình gần kiệt sức. Trên lưng anh, Thảo khuyến khích :
- Ráng lên, gần đến rồi ! Chút xíu nữa tụi mình vô nhà tắm công cộng tắm luôn cho mát ! .
Terme di Caracalla quả là một nhà tắm công cộng, nhưng được xây dựng vào năm 212 nên giờ đây chỉ còn là phế tích.
Hai người ngã lăn ra cỏ. Vương la toáng lên :
- Cô hại tôi rồi ! Hại tôi rồi !
Thảo lấy bản đồ quạt cho Vương :
- Thì ...có đến nơi mới biết nó hoang tàn thế này. Lỡ rồi ! Nghỉ một chút đi, rổi ... cõng tôi ra ga !
Vương hét lên não nùng :
- Chúa ơi !
Chúa không thể giúp anh. Vương tiếp tục vác cô bạn bé nhỏ nhưng giờ đã có sức nặng ngàn cân trên lưng, lếch thếch tìm đường ra ga. Đến ga, Thảo cười lỏn lẻn :
- Đói bụng không ?
Vương gật. Cô lại cười :
- Còn kịp cho anh xếp hàng ở quầy Mc Donald mua hamburger cho hai đứa. Vương cầm tay cô, thều thào một cách thành thật :
- Từ lúc tôi gặp được cô, cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi !
Tuy anh ra vẻ trách, nhưng Thảo nhận ra mắt anh đang cười.
Tàu đến Firenze. Hai người nắm tay nhau vào đại một khách sạn. May thay còn một phòng và họ mừng rỡ vì điều đó. Lần này các ô cửa không bị vỡ, nước trong nhà tắm nóng sực và hai chiếc giường đon không đặt quá xa nhau. Họ mua pizza với nhiều quả ô liu như những viên kim cương trang trí. Cô xung phong xoa bóp hai bắp chân ê ẩm của Vương và âu yếm gọi anh là “vị vua không ngai của thiếp”.Anh cười, ôm cô vào lòng. Họ bỗng mong muốn thuộc về nhau...
Phút chót, họ chợt buông nhau ra. Vương thảng thốt :
- Khoan ! Anh chợt có linh cảm ... giữa tụi mình, không phải là một kiểu yêu đương trong phút chốc, kiểu tình du lịch !
Thảo bối rối :
- Là tình yêu phải không ,Vương ? Nghiêm túc phải không anh ?

Cố gắng giữ lời hứa, Tùng ra sân bay chờ đón Thảo từ Ý trở về. Đã muộn ... Anh nhận được email cô viết từ làng Verona, bảo rằng mình đang rất hạnh phúc.
Tùng sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Anh không phải là người có thể tin vào những tình cảm bất chợt...
_________________
 
Tâm Sự Của Con Chó Già - Minh Trang

Tôi sinh ra đời năm 1973, được ông chủ đặt cho một cái tên rất bình dân và rất Việt Nam: Ba Tô. Tính cho đến nay, năm 1998, tôi đã được 25 tuổi, tương đương với một con người thọ 90 tuổi. Cuộc đời của tôi thật là sôi nổi, vui sướng cũng lắm mà buồn phiền cũng nhiều. Hôm nay đã gần đất xa trời, sống xa chủ, tôi giãi bày những tâm sự của tôi với các bạn cho vơi bớt nỗi cô đơn...
Lúc ra đời mới được có một tháng, vẫn còn đang bú mẹ thì tôi đã phải xa lìa mẹ tôi. Lý do vì tôi có bộ lông đẹp và có nhiều tướng tốt! Sở dĩ tôi biết tôi có nhiều tướng tốt là vì khi mới về nhà ông chủ, mọi người trong nhà đã đổ xô ra nhìn tôi, rồi bình luận loạn xạ:
- Ái chà, chó lông vàng, mặt đen, đốm tứ túc!
- Coi tướng lực lưỡng quá, ngực nở, bốn chân thật to và chắc!
- A ha, nó có "bốn mắt"! (Tôi có hai đốm đen trên mắt)
- Cái mõm thật là to, ngữ này chắc là sủa lớn lắm đây!
- Tướng này cắn lộn thì phải biết!
- Trông nó giống con gấu quá, cái đầu to bè bè!
Ông chủ cạy miệng tôi ra, chỉ cho mọi người xem:
- Con chó này đốm lưỡi nhá!
Thằng Tý con ông chủ liền thắc mắc hỏi:
- Đốm lưỡi là sao vậy bố?
Ông chủ giải thích:
- Chó đốm lưỡi là chó khôn và trung thành với chủ. Nó cũng "chữa bệnh" hay lắm. Ai mà bị ghẻ, đưa cho nó liếm là hết ngay!
Ông hàng xóm nhấc bổng tôi lên và nhìn vào háng tôi:
- Ái chà, cu cậu là chó đực, có đốm ở háng nữa chứ! Ngữ này thì "hào hoa" phải biết!
Thôi thì đủ thứ bình luận hết. Thật tôi không ngờ tôi lại có nhiều tướng tốt đến như vậy! Có lẽ chính vì thế mà tôi đã phải xa lìa mẹ tôi và các anh em thật là sớm, lúc mới được có một tháng tuổi! Nhưng cũng may cho tôi vì nhà ông chủ tôi chỉ cách nơi mẹ tôi ở có vài con đường: tôi ở xóm trên còn mẹ tôi ở xóm dưới. Sau này lớn lên, lúc chạy đi chơi rông ngoài đường, tôi vẫn thường gặp lại mẹ. Bà thường đến khuyên nhủ tôi nhiều điều, mà sau này, những lời khuyên đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Có lẽ những lời nhận xét của mọi người về tôi là rất đúng, bởi vì khi đến tuổi trưởng thành, tôi bắt đầu trổ mã và phát tướng "đẹp trai" hơn lúc bé rất nhiều. Người tôi to lớn, vạm vỡ, tiếng sủa rất lớn, bộ lông thì vàng mượt, có pha sắc nâu, mõm ngắn, mặt đen. Tôi có khuynh hướng phát triển bề ngang nhiều hơn, bốn chân của tôi thật to, ngực nở và chắc nịch. Có lẽ vì thế mà tôi hơi bị "lùn"! Nhiều người nói tôi giống con gấu, thật đúng lắm lắm! Nhờ có bộ mã "đẹp trai", hào hoa phong nhã mà tôi có bạn gái thật là nhiều, trải dài từ làng trên xuống xóm dưới, biết bao nhiêu nàng mê tôi lăn lóc! Nhưng càng yêu nhiều thì càng khổ nhiều, tôi sẽ kể cho các bạn nghe những khổ lụy vì tình của tôi!
Sau khi ra mắt mọi người trong nhà xong, việc làm
 
Sau khi ra mắt mọi người trong nhà xong, việc làm đầu tiên của ông chủ là cạy miệng tôi ra, nhổ một bãi nước miếng vào đó. Ông ta giải thích rằng làm như vậy để tôi khỏi có đi lạc! Còn bà chủ thì bẻ một cọng chổi chà, đo cái đuôi ngắn cũn cỡn của tôi, rồi ngắt cọng chổi, đem liệng ra ngoài đường. Bà ta nói rằng làm như vậy để tôi khỏi có ỉa bậy ở trong nhà, khi ỉa thì sẽ ra ngoài đường mà ỉa! Lúc ấy tôi mới được có một tháng tuổi nên được ông bà chủ cho uống sữa bò. Độ một tháng sau, tôi bắt đầu ăn cơm và rồi tôi lớn lên rất nhanh, khoảng tám tháng sau, tôi đã trở thành một chàng thanh niên cường tráng, khỏe mạnh. Phải nói rằng tôi có phước được về làm tôi tớ cho ông bà chủ, bởi vì suốt cuộc đời niên thiếu của tôi là những chuỗi ngày dài tràn đầy hạnh phúc. Ông bà chủ rất thương tôi, cho tôi ăn uống rất no đủ, thậm chí rất dư thừa nữa là khác. Ở nhà có cái tô bị mẻ miệng, thế là ông chủ cho tôi làm của riêng. Phần ăn hàng ngày của tôi được đựng trong đó chớ không đến nỗi phải đổ xuống đất như những con chó nhà nghèo khác! Khi đến tuổi choai choai, sức ăn của tôi nhiều hơn, ông chủ lại sắm cho tôi cái thau nhựa lớn hơn để tôi ăn cho vừa sức. Đến mùa mưa lạnh, bà chủ dọn cho tôi một cái ổ để ngủ cho ấm: bà lấy cái áo nhà binh đã cũ rách của ông chủ ra, lót trong một thùng giấy lớn và để ở phía trước nhà. Vào những đêm mưa gió bão bùng, trời lạnh như cắt, tôi chui vào đó ngủ thật là ấm áp, sướng mê tơi! Những dịp cuối tuần, bà chủ thường nấu nướng nhiều món ăn rất ngon cho cả nhà ăn, tôi tha hồ được hưởng "sái", ngồi chầu rìa dưới gậm bàn mà xương đủ loại cứ vất tới tấp xuống dưới đất, lượm ăn không kịp! Tôi thích nhất là món phở và bún bò vì hai món này có nhiều xương. Cứ mỗi lần bà chủ nấu các món này là tôi trúng mánh: xương gặm cấm cắc mấy ngày cũng chưa hết! Ông bà chủ cũng thường bắt ve cho tôi nữa. Mỗi khi thấy người tôi dơ vì đi lùi đất cát ở ngoài đường thì hai ông bà lại tắm cho tôi bằng xà bông bột. Tắm xong, họ cột tôi vào gốc cây sa-bô-chê trên sân xi măng phía trước nhà, cho tôi phơi nắng cho khô lông. Ông chủ có chiếc xe jeep, đến mùa hè ông chở vợ con đi tắm biển và dĩ nhiên là tôi cũng được đi theo!
 
Phía sau nhà ông chủ có một khu vườn, nơi đó ông ta có trồng mười mấy bụi xả. Ông thường nói với mọi người trong gia đình:
- Mình trồng xả một công đôi chuyện: khi bị cảm, nhổ vài cây xả, nấu nồi nước xông là khỏi! Ngoài ra, đó cũng là "thuốc" trị bá bệnh của loài chó. Mỗi khi bị trái gió trở trời, chúng thường ăn lá xả là hết bệnh!
Lời nói của ông chủ rất trùng hợp với những lời dạy của mẹ tôi. Sau này khi lớn lên, có lần tôi tình cờ gặp bà ta ở ngoài đường, bà đã truyền lại kinh nghiệm tự chữa bệnh cho tôi như sau: " Bất cứ khi nào bị bệnh, con hãy tìm lá xả mà ăn. Hết bệnh ngay lập tức!" Chính bản thân tôi cũng đã thí nghiệm "thuốc" lá xả vài lần, thấy rất hiệu nghiệm. Khi ăn xong, tôi thấy trong người nóng râm ran, bụng sôi èo ẽo, rồi tôi đi ngủ. Khi ngủ dậy, tôi vội phóng ra đường, thải ra vài... bãi, thế là xong! Cơ thể tôi lại mạnh khỏe, hoạt động bình thường trở lại! Chính vì vậy mà tôi rất mang ơn vợ chồng ông chủ, đã nuôi nấng tôi thật là chu đáo, ngoài việc cho tôi ăn uống rất đầy đủ, lo chỗ ngủ cho tôi, rồi lại còn lo luôn cả việc thuốc thang chữa bệnh cho tôi nữa!
Nói tóm lại, thời ấu thơ và thanh niên của tôi là tràn đầy hạnh phúc, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Tôi được xem như một thành viên trong gia đình của ông bà chủ gồm có ba đứa con, thằng Tý lớn nhất 10 tuổi, thằng Tèo 5 tuổi và con Thúy 2 tuổi.
Thế nhưng bỗng vào một ngày kia, vào khoảng tháng ba năm 1975, người ở đâu kéo đến nhà ông bà chủ thật là đông. Họ sống chen chúc trong nhà tới mấy chục người, nằm ngủ la liệt, bò lê bò càng ở dưới đất, nằm ngủ luôn cả ngoài sân, kế bên cái "giường" của tôi. Họ bàn tán xôn xao, vẻ mặt ai nấy đều nhuốm màu rất sợ hãi. Hình như họ bàn tính chuyện rủ nhau đi trốn đến một nơi nào xa xôi lắm. Chắc là có một thứ ma quỷ gì rất ghê gớm tràn về thành phố làm cho người ta phải sợ hãi mà bỏ chạy hàng loạt như vậy? Sau đó thì mọi người lại tất bật xách gói ra đi, không hiểu họ đi đâu? Riêng ông bà chủ thì cũng rất là lo sợ, cứ thì thầm bàn tán suốt đêm!
 
Rồi một hôm nọ, tôi thấy ông chủ xếp đồ đạc vào chiếc ba lô, vẻ mặt buồn và lo lắng vô hạn. Ông ta đi biến luôn kể từ hôm đó, cả năm trời cũng không thấy về nhà. Con Thúy lúc đó mới có hai tuổi rưỡi, nhớ bố, nó cứ thường khóc hoài. Nó cứ hỏi:"Mẹ ơi, bố đâu rồi?" Cứ mỗi lần nó hỏi, bà chủ lại đáp: "Bố đi học đại học, con à!" Con Thúy lại hỏi: "Chừng nào bố về?" Bà chủ lại đáp:" Sắp về rồi!"
Tôi nhớ đến giữa năm 1980, ông chủ mới trở về. Gặp lại ông, tôi mừng vô hạn, chạy đến liếm tay, chồm lên liếm ngực và mặt ông. Nhưng lần này gặp lại ông, tôi thấy ông lạ quá: người ông ốm nhom, già cằn cỗi và đen cháy như củ tam thất! Trước đây ông rất là trắng trẻo, mập mạp và đẹp trai chớ đâu có đến nỗi đen và quá xấu xí như bây giờ? Quái lạ, ông đi học "đại học" gì mà ghê gớm đến như vậy? Tôi "nói" thật là nhiều nhưng những tiếng nói của tôi chỉ là những tiếng ư ứ, hi hí mà tôi biết chắc ông chủ không thể nào hiểu được "ngôn ngữ" của loài chó chúng tôi! Trái lại, khi ông bà chủ nói chuyện, tôi nghe đều hiểu hết, chỉ tiếc là tôi nói... tiếng người không được mà thôi! Ông chủ xoa đầu tôi thật nhiều. Ông vỗ vỗ vào người tôi rồi nói với bà chủ:
- Con Tô dạo này sao ốm quá!
Bà chủ trả lời:
- Mọi người ai cũng ốm hết, đâu riêng gì nó. Có gì ăn đâu mà mập cho được! Riêng em bị sụt hết tám kí lô!
À quên, để tôi kể nghe những chuyện xảy ra ở nhà khi ông chủ đi học "đại học". Từ khi ông chủ đi, cuộc sống tự nhiên bị đảo lộn tất cả. Gia đình mình bị nghèo đi rõ rệt, đồ ăn thức uống không còn dồi dào như xưa nữa. Gạo trở nên rất hiếm hoi, chỉ dành cho người ta ăn thôi, còn loài chó như tôi thì phải ăn khoai mì dài dài! Thật ra, theo tôi biết, mọi người trong nhà cũng không có đủ gạo mà ăn, phải ăn cơm độn với khoai mì! Không hiểu khoai mì ở đâu mà nhiều thế, tôi đi lang thang trong xóm thấy nhà nào cũng đua nhau xắt những củ khoai mì thành từng lát rồi đem phơi khô. Khi nấu cơm, họ bốc những lát khoai mì đó bỏ chung vào nồi để ăn độn! Chỉ tội cho những người già và trẻ em răng yếu ăn không nổi vì khoai mì nấu chung với cơm vẫn còn cứng lắm! Đã vậy ăn khoai mì nhiều thì "nóng", ỉa mắc đít, con Thúy cứ kêu khóc cả ngày! Riêng đối với tôi thì sao cũng được, có cơm thì ăn cơm, còn không thì cứ khoai mì, khoai lang ăn cả đời cũng được. Bao tử của tôi tốt lắm, hơn nữa tôi biết thân phận mình là ... chó, đâu dám đòi hỏi gì nhiều. Được bà chủ cho ăn ngày hai bữa khoai là phước lắm rồi! Ăn uống thì khổ cực, còn đồ đạc trong nhà thì bà chủ đem ra chợ trời bán gần hết! Bà ta đem bán hết quạt máy, ti vi, tủ lạnh, máy cát xét, tủ giường, bàn ghế v..v.. Đến nỗi trong nhà chỉ còn lại có một cái giường cũ dành cho bà chủ, còn ba anh em thằng Tý, Tèo và con Thúy thì ngủ dưới đất! Chưa hết, bà ta còn đem bán luôn cả quần áo nữa. Toàn bộ quần áo mới phải lần lượt theo nhau ra chợ trời, những người trong nhà chỉ còn mặc toàn quần áo cũ, vá víu. Tệ nhất là cái áo lính cũ của ông chủ cho tôi để lót ổ chó, làm chỗ ngủ cho tôi hằng đêm, cũng bị một người quen của bà chủ đến xin. Nghe bà chủ nói người này trốn ở vùng kinh tế mới về! Còn cái thau nhựa dành cho tôi ăn cơm thì cũng đã bị bà chủ thu gom đem bán ve chai cùng với nhiều thứ lặt vặt khác trong nhà. Thế là toàn bộ "gia tài" của tôi gồm chiếc áo lính cũ và cái thau nhựa cũng đi mất! Tôi chẳng còn gì nữa hết ngoài bộ lông dính trên người và tấm lòng trung thành vô hạn với chủ.
Cuộc sống vật chất trở nên nghèo nàn và nhiều chuyện tinh thần khác cũng đổi thay luôn. Tôi còn nhớ một hôm có một người đàn ông ăn mặc luộm thuộm, người vô cùng hôi hám, dơ dáy, bên hông đeo một chiếc cặp da, đến gõ cửa nhà mình. Tôi tưởng là người ăn xin nên sủa tới tấp và xua đuổi ông ta ra khỏi nhà. Thực phẩm dạo này đã thiếu thốn rồi mà còn đến ăn xin thì còn gì cho ... chó như tôi! Thế nhưng bà chủ vội vã chạy ra quát nạt tôi và mời ông ta vào nhà với vẻ sợ hãi, lo âu. Ông này ngồi nói chuyện với bà chủ một hồi rồi ra về. Kể từ đó có nhiều người đàn ông tương tự như vậy cứ thường ghé nhà mình, lúc vào ban ngày, lúc vào ban đêm. Tôi vẫn cứ sủa và xua đuổi họ và bà chủ thì cứ quát nạt, ngăn cản tôi. Lạ quá, cứ theo như "công thức" cha truyền con nối của giòng họ chó của tôi thì những người ăn mặc rách rưới, dơ dáy là những người xấu, cần phải xua đuổi, còn những ai ăn mặc sang trọng là người tốt, chỉ cần sủa lấy lệ. Chính ông bà chủ trước đây cũng đã huấn luyện cho tôi điều này. Vậy mà bây giờ bà chủ không cho tôi sủa những người này. Tôi nghe bà ta gọi họ là "cán bộ"! Chắc đây là những con người có quyền thế ghê lắm!
Có một lần, một thằng cán bộ đã đến nhà nói với bà chủ:
- Này chị Sương, tôi muốn chị đổi cho tôi con chó lấy sáu ký gạo được không?
Bà chủ đáp:
 
Dạ không được đâu anh Tám. Tôi chỉ có một mình nó để giữ nhà.
Thằng cán bộ nói một cách đểu cáng:
- Nhà chị còn đồ đạc gì nữa đâu mà giữ! Gạo thóc bây giờ đang hiếm, đổi quách nó đi kiếm mấy ký gạo cho con ăn, có phải hơn không?
Bà chủ cố vẫn cố bảo vệ tôi:
- Dạ, anh Tám thông cảm. Con chó này nó khôn, tôi thương nó lắm!
Thằng cán bộ đưa cặp mắt nhìn tôi một cách thèm thuồng:
- Tôi khoái con này vì nó đứng hàng thứ nhì trong "nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm"! Làm chả chìa, rựa mận thì hết ý!
À thì ra thằng cán bộ này muốn ăn thịt tôi! Nghe hắn nói như vậy, tôi tức giận run người. Tôi lừ mắt nhìn hắn rồi thừa lúc hắn không để ý, tôi phóng tới táp vào bắp chân hắn một phát. Nhưng may cho hắn, nhờ rút cẳng lại kịp nên tôi đã táp hụt, tuy vậy cũng làm hắn bị trầy da rướm máu. Bà chủ lập tức cầm cây chổi chà đập túi bụi vào người tôi và la lớn:"Ba Tô, Ba Tô". Cắn xong, tôi bỏ chạy ra ngoài đường. Lúc ngoái cổ nhìn lại, tôi thấy thằng cán bộ đang vén ống quần ka ki lên, để lộ khúc cẳng gầy đét ra cho bà chủ xức dầu!
Sau này cũng thằng cán bộ đó lại tới nhà mình thường xuyên hơn. Mỗi lần đến, hắn lại "ăn vạ", vẻ mặt nhăn nhó, vén quần lên cho bà chủ băng bó và xức dầu! Tôi nghe bà chủ nói hắn tên là Tám Sanh, cán bộ, trưởng Ban Kinh tế mới của Phường Phước Tân. Tên Tám Sanh lại tiếp tục gạ gẫm:
- Chị đổi cho tôi con chó lấy mười ba ký gạo được không?
Bà chủ không dám từ chối thẳng nhưng bà ta lắc đầu. Tên Tám Sanh bèn nói bằng giọng giận dỗi:
- Mười ba ký gạo là cả một tháng lương thực của tôi đó. Tôi dám "chơi đẹp" với chị như vậy mà chị tiếc con chó với tôi à? Chưa nói tới cái tội nó cắn trộm tôi lần trước!
Bà chủ phải năn nỉ tên cán bộ:
- Anh Tám thông cảm cho ... em. Em nuôi nó lâu rồi nên không muốn xa rời nó!
Lần đầu tiên tôi nghe bà chủ xưng "em" với thằng cán bộ. Tên Tám lại tiếp tục dọa dẫm:
- Đúng ra nó là con chó hung dữ, dám cắn cán bộ Phường là tôi có thể xin lệnh trên để đem nó đi... xử lý. Nể mặt chị, tôi còn để cho nó sống tới giờ này đó! Chị phải biết... điều!
Nói xong hắn móc trong túi xách ra một quyển sổ, hý hoáy viết gì đó rồi xé một tờ đưa cho bà chủ:
- Đây là giấy mời, ngày mai đúng tám giờ sáng chị phải lên phường gặp tôi để... "làm việc"! Nhà chị thuộc diện ngụy quân, ngụy quyền, có chồng đi cải tạo cho nên "được" có tên trong danh sách đi xây dựng vùng kinh tế mới! Căn nhà của chị sẽ do nhà nước quản lý!
Nghe hắn nói xong, bà chủ mặt tái mét, cắt không còn hột máu. Không hiểu "kinh tế mới" là gì mà bà chủ lại sợ đến như vậy? Bà chủ ơi, nếu đi thế được, tôi sẵn sàng đi thế cho bà! Bà có biết là tôi cảm động quá nên đã khóc không? Nước mắt của tôi đã ứa ra khi thấy bà dám liều lĩnh từ chối mười ba ký gạo của thằng cán bộ để bảo vệ tôi, cho tôi được sống! Tôi biết mười ba ký gạo, vào thời điểm đó là rất quý vì ai cũng đói dài dài. Vậy mà bà đã dám từ chối! Bây giờ nếu cần hy sinh cả tánh mạng của tôi cho gia đình bà, tôi cũng sẵn sàng!
Kể từ đó, tôi thấy thằng Tám Sanh năng lui tới nhà mình hơn. Nhìn cái điệu bộ của nó là tôi biết nó muốn... thả dê bà chủ! Tôi cũng đã từng đi "dê" nhiều rồi nên tôi biết! Thằng Tám là người nhỏ con, lùn xủn, ốm nhách như con khỉ. Đã vậy hắn còn xấu trai nữa chớ, răng thì hô, vàng khè, mặt chuột, tai dơi. Trong khi đó bà chủ là người cao lớn, xinh đẹp, đứng cao hơn thằng Tám tới nửa cái đầu! Hắn có giọng cười rất "dê" và đểu cáng, tiếng cười cứ ri rí, ri rí trong cuống họng, nghe như loài rắn rít gió vậy! Có vài lần tôi thấy thằng Tám kêu bà chủ đi "làm việc" vào ban... đêm. Bà chủ mặc bộ quần áo mới, trang điểm rồi tất tả ra đi. Thấy cảnh tượng đó, tôi rất là buồn vì trứng đã giao cho ác! Nhưng thật là may khi bà chủ trở về, tôi không ngửi thấy mùi của thằng Tám! Tôi còn nhớ trước đây ông chủ đã giảng cho thằng Tý, thằng Tèo rằng loài chó có thể phân biệt được mấy ngàn mùi khác nhau và nghe được siêu âm. Đúng là như vậy đó, ông chủ. Tôi có thể ngửi một mùi, xong rồi đưa vào "bộ nhớ" của tôi là nhớ luôn tới chết cũng không quên! Tụi cán bộ có một mùi chung là dơ dáy, hôi hám nên rất dễ nhớ. Đặc biệt là trong cái mùi hôi hám đó, tôi còn ngửi thấy mùi bạc ác và bất nhân, bất nghĩa nữa! Thế cho nên khi bà chủ về nhà, tôi chỉ cần nghếch mũi lên ngửi là biết là bà ta đi đâu đó, chớ không phải đi gặp thằng Tám. Sau này, có lần ông bà chủ đã cãi lộn kịch liệt vì ông chủ nghe lời đồn là bà chủ có đi lại với thằng Tám. Thưa ông chủ, tôi xin lấy tư cách... chó ra để xác minh rằng bà chủ không hề... ngủ với thằng Tám! Tiếc là tôi không nói được tiếng người nên khi nghe ông bà chủ cãi lộn, tôi không làm sao thanh minh cho bà ta được. Oan cho bà ta lắm, tội nghiệp cho bà ta lắm, ông ơi!
Kể từ khi thằng Tám Sanh đòi ăn thịt tôi, tôi đâm ra căm thù và luôn đề phòng tụi cán bộ. Ấy vậy mà lại thêm một lần nữa tôi suýt chết vì chúng, tất cả cũng chỉ vì cái tật ham gái! Trước khi kể về tình tiết này, tôi phải kể cho các bạn về sự kiện tôi được gặp cha tôi vì nó có liên quan đến việc tôi thoát chết khỏi bàn tay của tụi cán bộ cộng sản răng hô, chuyên ăn thịt chó. Số là hôm đó tôi đang chạy rông chơi ngoài đường với thằng bạn thân cùng xóm của tôi, tên là Mi Nô. Bỗng thằng bạn gọi tôi:
- Ê, Ba Tô, cha của mày kìa!
Tôi ngạc nhiên:
- Cha của tao? Đâu nào?
Thằng Mi Nô hất mỏ về phía cuối đường, chỉ cho tôi:
- Đó, ổng đang đứng ... đái đó!
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Back
Top