• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

1001 CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG!!!

Status
Không mở trả lời sau này.
Tình Đầu
Hứa Vĩnh Lộc

Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.

Bão
Nga Miên

Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.

Khóc
Bùi Phương Mai

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
 
Tất cả im lặng một hồi lâu, sau đó có người lên tiếng hỏi:

- Này, Vaxia, mẹ cậu làm nghề gì?

- Nghề gì không quan trọng. - Vaxia đáp.

- Cậu có em gái không?

Vaxia không trả lời câu hỏi này - rõ ràng là cậu ta phật ý và thiu thiu ngủ.

- Tolstoi, - Kostưl nói -, hãy kể thêm chuyện gì đó về những người chết đi.

- Các cậu có biết người ta trở thành người chết như thế nào không?- Tolstoi hỏi.

- Biết chứ, - Kostưl trả lời -, họ kiệt sức rồi chết.

- Chuyện gì tiếp theo nữa?

- Chả gì nữa, - Kostưl trả lời -, như một giấc mơ vậy. Chỉ có điều là họ không tỉnh lại nữa thôi.

- Không đúng, - Tolstoi bác bỏ -. Tớ không cho là vậy. Các cậu có biết mọi chuyện bắt đầu từ cái gì không?

- Từ cái gì?

- Mọi chuyện bắt đầu từ khi người ta nghe những câu chuyện về người chết đấy. Sau đó, họ nằm xuống và suy nghĩ - chúng ta nghe những câu chuyện về người chết để làm cái quái gì nhỉ?

Có ai đó cười khúc khích đầy vẻ kích động rồi bỗng nhiên Colin ngồi bật dậy trên giường và nói rất nghiêm túc:

- Này các cậu, ta thôi đi.

- Đó đó, - Tolstoi nói với vẻ hả hê -, mọi chuyện bắt đầu như thế đấy. Điều quan trọng phải hiểu rằng cậu đã chết và sau đó thì mọi việc rất đơn giản.

- Chính cậu mới là người chết, - Colin hằn học nói tuy không tin chắc lắm.

- Tớ thì tớ chẳng tranh luận đâu, - Tolstoi nói -. Tốt hơn là cậu cứ thử nghĩ xem, lý do gì mà cậu bỗng nhiên lại nói chuyện với người chết?

Kolia suy nghĩ một lúc rồi cất tiếng hỏi:

- Kostưl, cậu không phải là người chết chứ?

- Tớ à? - Kostưl hỏi lại - Chết thì làm sao mà nói chuyện với cậu được.

- Còn cậu, Lesa?

Lesa là bạn cùng sống trong thành phố với Colin.

- Colin, - cậu ta nói -, cậu hãy tự nghĩ đi. Cậu cũng sống trong thành phố, đúng không?

- Đúng vậy, - Colin đáp.

- Rồi bỗng nhiên người ta đưa cậu đến một nơi nào đó, đúng không?

- Đúng vậy, - Colin đáp.

- Và bỗng nhiên cậu nhận ra rằng mình đang nằm giữa những người chết và chính cậu cũng là một người chết.

- Đúng thế, - Colin nói.

- Thế đấy, - Lesa nói -, động não đi.

- Cậu bắt chúng tớ chờ hơi lâu đấy, - Kostưl nói - Chúng tớ nghĩ rằng cậu hiểu được ý nghĩa của câu chuyện chứ. Từ lúc chết đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi gặp một người chết ngu ngốc đến thế. Cậu sao vậy, cậu không hiểu người ta gom chúng ta lại đây để làm gì à?

- Không, tớ không hiểu, - Colin trả lời. Cậu ta ngồi trên giường, co chân lên tận ngực.

- Xin chào đón cậu gia nhập thế giới của những người đã chết, - Kostưl thì thào.

Colin hoặc là lắp bắp điều gì đó, hoặc là nấc lên, nhổm phắt dậy khỏi giường, chạy xô ra ngoài hành lang như một viên đạn. Trong đêm tĩnh mịch vọng lại tiếng bước chân không giày của cậu ta khua rõ nhanh ngoài hành lang.

- Đừng có hí lên, - Kostưl nói bằng giọng rì rầm -, hắn nghe thấy đấy.

- Hí làm gì? - Tolstoi hỏi một cách buồn bã.
 
Đánh Đổi - Song Vũ

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.

Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.

Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.

SongVũ
 
Chung Riêng - Nga Miên


Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…

Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…

Nga Miên
 
Yên lặng bao trùm một vài giây dài dằng dặc, sau đó Vaxia hỏi vọng ra từ trong góc nằm của mình:

- Các cậu này, thế bỗng nhiên...

- Cậu gượm đã, - Kostưl ngắt lời -. Tolstoi, cậu kể thêm chuyện gì nữa đi.

- Có một chuyện như thế này, - Tolstoi lên tiếng sau một hồi im lặng. Một số người hùa nhau định sẽ dọa một người bạn của mình một mẻ. Họ giả ăn mặc giống y như người chết, đi đến chỗ cậu bạn kia và phán: “Chúng tôi là những người chết. Chúng tôi sẽ đi theo cậu”. Anh chàng kia hoảng sợ và bỏ chạy. Họ đứng lại, cười phá lên, sau đó một người trong bọn họ lên tiếng: “Nghe này, các cậu, chúng ta giả trang làm người chết để làm gì nhỉ?”. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên nhìn anh ta và họ không thể hiểu nổi anh ta muốn nói gì. Anh chàng nọ giải thích “Tại sao những người sống chạy trốn chúng ta nhỉ?”.

- Thì sao nào? Kostưl hỏi.

- Còn sao nữa, - Tolstoi trả lời - Thế là họ hiểu cả rồi đấy.

- Hiểu cái gì cơ?

- Hiểu cái điều cần phải hiểu.

Mọi người lại im bặt, sau đó Kostưl lên tiếng:

- Nghe này, Tolstoi, cậu có thể kể chuyện gì bình thường được không?

Tolstoi im lặng

- Này, Tolstoi, - Kostưl lại phá vỡ sự yên lặng -. Sao cậu lại im lặng thế? Hay cậu cũng chết rồi?

Tolstoi im lặng và sự im lặng của cậu ta cứ mỗi giây lại càng có thêm nhiều ý nghĩa. Tôi bỗng nhiên thấy miệng mình khô khốc và thèm nói điều gì đó thành tiếng.

- Các cậu có biết chương trình “Thời gian“ không? - tôi hỏi.

- Kể đi, - Kostưl giục giã.

- Chương trình không có gì đáng sợ lắm đâu, - tôi trấn an.

- Ừ, thì cậu cứ kể đi.

Tôi không nhớ được chính xác câu chuyện bắt đầu như thế nào nhưng cố nhớ lại và kể.

- Ngày xưa có một anh chàng khoảng 30 tuổi. Một lần anh ta ngồi xem chương trình “Thời gian”. Anh ta bật ti vi, đẩy dịch cái ghế bành để ngồi cho thoải mái hơn. Chương trình bắt đầu bằng hình ảnh chiếc đồng hồ như thường lệ. Anh chỉnh lại đồng hồ của mình - xem chúng chạy có đúng hay không. Mọi chuyện diễn ra bình thường. Lúc đó là đúng 9 giờ. Và trên màn hình xuất hiện từ “Thời gian”, chỉ có điều không trắng như mọi lần mà có vẻ tôi tối. Anh ta hơi ngạc nhiên, nhưng rồi lại nghĩ chắc do người ta trình bày theo kiểu mới và ung dung xem tiếp. Sau đó thì mọi chuyện lại diễn ra như bình thường. Đầu tiên người ta chiếu cảnh một chiếc máy kéo, sau đó chiếu quân đội Israel. Kế tiếp, người ta thông báo rằng một viện sĩ nào đó qua đời, đưa tin thể thao rồi dự báo thời tiết ngày hôm sau. Nội dung chỉ có vậy, chương trình “Thời gian” kết thúc và anh chàng nọ đứng dậy khỏi ghế bành.

- Các cậu nhớ rằng lát nữa tớ sẽ kể về chiếc ghế bành màu xanh nhé, - Vaxia chen lời.

- Tớ kể tiếp đây, có nghĩa là, anh ta muốn đứng dậy khỏi chiếc ghế bành nhưng bỗng cảm thấy không thể đứng lên được. Tự nhiên anh ta thấy trong người chả còn tí sức lực nào nữa. Lúc đó anh ta mới nhìn xuống cánh tay và thấy da tay mềm nhũn ra. Anh chàng hoảng hốt thu hết sức tàn bật dậy khỏi ghế và chạy vào phòng tắm để soi gương. Khó khăn lắm anh ta mới lê được vào đến phòng tắm. Anh ta nhìn mình trong gương và kinh hoàng thấy mái tóc của mình trắng xóa, gương mặt thì nhăn nhúm và răng rụng tiệt cả. Trong khoảng thời gian anh ta xem chương trình “Thời gian” thì cuộc sống của anh ta cũng lặng lẽ trôi đi.

- Chuyện này thì tớ biết, - Kostưl nói -, chính chuyện này. Chỉ có điều là lúc đó trên ti vi đang phát một trận khúc côn cầu. Anh chàng xem một trận khúc côn cầu.

Trong hành lang vang lên tiếng bước chân và một giọng phụ nữ đầy tức giận. Tất cả chúng tôi im lặng một lúc lâu, thậm chí Vaxia đã bắt đầu ngáy nhưng tiếng ngáy không được tự nhiên cho lắm. Vài giây sau, cánh cửa mở toang và ánh sáng lại tràn vào phòng bệnh.

- Ai là người chết chính ở đây vậy, cậu phải không Tolstoi?

Trên ngưỡng cửa, Antonina Vaxilievna xuất hiện, mặc áo choàng trắng và ngay bên cạnh cô là Colin đang khóc, thận trọng lén nhìn vào góc phòng.

- Người chết chính - Tolstoi trả lời với vẻ đường hoàng - đang ở Mátxcơva, trên Quảng trường Đỏ ấy. Sao cậu lại đánh thức tớ giữa đêm vì chuyện ấy?

Rõ là cô nàng Antonina Vaxilievna thấy bối rối vì sự xấc xược trắng trợn đến thế của Tolstoi.

- Vào đi, Averianov, - cuối cùng cô ta nói -, đi nằm nghỉ thôi. Cứ cho là những người chết không đi về nhà cũng được. Ngày mai ông trưởng trại sẽ xem xét giải quyết chuyện này.

- Antonina Vaxilievna, - Tolstoi chậm rãi lên tiếng -, vì sao mà áo choàng của cô lại có màu trắng nhỉ?

- Vì cần phải như vậy, anh hiểu chưa?

Colin liếc nhìn Antonina thật nhanh.

- Hãy vào giường ngủ đi, Averianov, - cô nói -. Anh có phải là đàn ông nữa hay không? Còn anh, - cô quay sang Tolstoi -, nếu còn muốn nói thêm một lời nào nữa, anh sẽ phải ở một mình trong phòng kề với phòng nữ đấy. Hiểu chưa?

Tolstoi im lặng nhìn chiếc áo choàng của Antonina Vaxilievna. Cô nàng đưa mắt nhìn lại mình sau đó ngẩng lên nhìn Tolstoi và xoa xoa ngón tay trên trán. Bất thình lình cô nàng nổi xung lên và thậm chí còn đỏ bừng mặt lên vì giận dữ..

- Tolstoi, anh chưa trả lời tôi đâu đấy, - cô nói -. Anh có hiểu chuyện gì đang đợi anh không?

- Antonina Vaxilievna, - Kostưl cất tiếng -, chính cô đã nói rằng nếu như anh ấy nói thêm một từ nào nữa, cô sẽ... làm sao anh ta dám nói năng gì nữa.

- Còn anh, Kostưl, - Antonina Vaxilievna nói -, anh sẽ phải giải thích trong phòng giám đốc. Nhớ lấy nhé.

Ánh sáng tắt ngấm và cánh cửa đóng sập lại.

Một lúc sau, dễ phải đến khoảng vài ba phút, Antonina Vaxilievna đứng nấp sau cánh cửa và nghe ngóng. Sau đó, mọi người nghe thấy tiếng bước chân khe khẽ của cô vang lên trong hành lang. Chúng tôi còn yên lặng không nói năng gì trong vòng khoảng hai phút nữa. Sau đó, tiếng thì thầm của Kostưl lại vang lên, phá vỡ sự im lặng.

- Nghe này, Colin, ngày mai cậu sẽ gặp rắc rối với tớ đấy.

- Tớ biết, - giọng Colin buồn bã đáp lại.

- Úi chà, rắc rối thế nào đây nhỉ...

- Này, các cậu có muốn nghe kể về chiếc ghế bành màu xanh không? - Vaxia hỏi.

Không một ai trả lời.

- Trong một xí nghiệp lớn - Vaxia bắt đầu câu chuyện của mình - có căn phòng của vị giám đốc. Trong phòng đó có đủ cả thảm, tủ, một cái bàn lớn và trước chỗ giám đốc ngồi là một chiếc ghế bành màu xanh. Từ lâu trong góc phòng đã có một lá cờ thi đua luân lưu màu đỏ. Người ta chọn một người đàn ông khỏe mạnh lên làm giám đốc của xí nghiệp. Ông ta đi vào phòng, nhìn ngó các hướng và rất thích mọi thứ. Rồi ông ta ngồi vào chiếc ghế xanh lục đó và bắt đầu làm việc. Sau đó, phó giám đốc đi vào phòng, nhìn quanh và chỉ thấy một bộ xương đang ngồi thế chỗ của giám đốc trong chiếc ghế bành đó.

Thế là nháo cả lên, người ta gọi cảnh sát đến, bới tung mọi ngóc ngách nhưng chẳng tìm thấy cái gì sất. Sau đó người ta bổ nhiệm ông phó giám đốc kia vào chức giám đốc. Ông này lại ngồi vào ghế xanh lục và làm việc. Rồi người ta vào phòng giám đốc và lại thấy một bộ xương ngồi trong ghế chứ chẳng phải là ông giám đốc. Cảnh sát lại được gọi đến, lại tìm tòi nhưng chả đạt được kết quả gì. Rồi người ta vẫn phải bổ nhiệm một vị giám đốc mới. Ông này đã biết chuyện xảy ra với các vị tiền nhiệm của mình và đặt làm một hình nộm to như người thật. Ông mặc quần áo của mình cho hình nộm, đặt nó vào chiếc ghế xanh còn mình thì nấp sau tấm mành - các cậu hãy ghi nhớ là tôi có kể về bức mành màu vàng - và theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Một giờ, rồi hai giờ trôi qua. Bỗng ông này nhìn thấy những chiếc que đan bằng kim loại xuất hiện từ trong chiếc ghế bành và bao vây hình nộm từ mọi hướng. Một chiếc kim đan đâm xuyên thẳng vào cổ họng hình nộm. Sau khi các kim đan bóp cổ hình nộm thì lá cờ luân lưu màu đỏ đi ra khỏi góc tường, đến bên chiếc ghế và phủ lên hình nộm này. Vài phút trôi qua, trong hình nộm không còn lại một chút gì, lá cờ luân lưu nọ rời khỏi bàn và quay vào trong góc của mình. Người đàn ông lẳng lặng ra khỏi phòng, đi xuống nhà dưới lấy một chiếc rìu từ hộc để dụng cụ cứu hỏa, quay lại phòng làm việc và chém vào lá cờ luân lưu. Có tiếng rên rỉ vang lên và từ trong miếng gỗ mà ông ta chẻ, máu chảy ra lênh láng trên sàn nhà.

- Sau đó thì sao? - Kostưl hỏi.

- Hết chuyện rồi, có vậy thôi, - Vaxia trả lời gọn lỏn.

- Thế chuyện gì xảy ra với người đàn ông?

- Người ta tống ông ta vào tù. Vì đã làm hỏng lá cờ luân lưu.

- Thế còn lá cờ thì sao?

- Người ta vá lành rồi lại đặt nó vào góc phòng, - Vaxia trả lời sau khi suy nghĩ một hồi lâu.

- Thế khi bổ nhiệm giám đốc mới, có chuyện gì xảy ra với ông ta không?

- Y như cũ.
 
Bỗng nhiên, tôi nhớ lại trong phòng làm việc của giám đốc có mấy lá cờ sơn số của các đội. Đã hai lần, ông giám đốc thưởng cờ trong dịp hội họp trọng thể. Trong phòng của ông ta cũng có ghế bành nhưng không phải màu xanh mà là màu đỏ và xoay được.

- À, tớ quên mất, - Vaxia nói, - khi bước ra từ sau tấm mành, tóc ông ta đã chuyển màu trắng xóa. Các cậu biết về tấm mành màu vàng rồi chứ?

- Tớ biết, - Kostưl đáp.

- Tolstoi, cậu có biết gì về tấm mành màu vàng chưa?

Tolstoi im lặng không đáp.

- Này, Tolstoi.

Tolstoi vẫn không đáp.

Tôi miên man nghĩ về căn nhà của tôi ở Mátxcơva. Căn nhà có treo những tấm mành màu vàng - chính xác hơn là màu vàng pha xanh trên cửa sổ. Vào mùa hạ, khi cánh cửa ban công để ngỏ cả ngày, từ dưới đại lộ vọng lên tiếng ồn ào của xe cộ và mùi xả khí ga lẫn với mùi hương một loại hoa nào đó; căn nhà nơi tôi thường xuyên ngồi ngay cạnh ban công, trong chiếc ghế bành màu xanh và ngắm tấm mành vàng rung rinh trong gió.

- Nghe này, Kostưl, - đột nhiên Tolstoi cất tiếng -, người ta tiếp nhận người sống vào thế giới của người chết không như cậu nghĩ đâu?

- Thế thì như thế nào? - Kostưl hỏi.

- Theo cách hoàn toàn khác. Chỉ có điều người ta không bao giờ nói về điều này cả. Chính vì vậy mà những người chết không biết được rằng họ đã chết và lại cứ nghĩ rằng mình vẫn còn sống.

- Cậu thì sao, người ta đã tiếp nhận cậu vào thế giới những người chết rồi à?

- Tớ không biết, - Tolstoi trả lời. Cũng có thể là đã tiếp nhận rồi và cũng có thể tận đến lúc tớ trở về thành phố. Tớ đã bảo rồi mà, họ không có thông báo thông biếc gì đâu.

- Họ là ai?

- Còn ai nữa, những người chết ấy.

- Đấy đấy, cậu lại nhồi nhét vớ vẩn, - Kostưl nói. Chán ngấy lên được.

- Đúng thế đấy, - Colin phụ họa. Chán ngấy cả lên.

- Này, Colin, - Kostưl nói -, dù sao thì sáng mai cậu cũng sẽ bị phạt đấy.

Tolstoi im lặng giây lát.

- Điều quan trọng nhất - anh ta lại phá vỡ im lặng - là người ta cũng chẳng biết rằng mình bị tiếp nhận vào thế giới những người chết.

- Vậy họ tiếp nhận như thế nào? - Kostưl hỏi.

- Cậu còn muốn thế nào? Giả sử cậu hỏi ai đó một chuyện gì đó hay bật tivi nhưng trên thực tế thì người ta đang tiếp nhận cậu vào thế giới của những người chết.

- Tớ không nói về chuyện đó. Họ cần phải biết rằng họ tiếp nhận ai khi họ tiếp nhận chứ.

- Ngược lại, họ làm sao có thể có thể nhận biết được điều đó khi họ là người chết?

- Thật chẳng hiểu được gì cả, - Kostưl trả lời.

- Lúc đó thì làm sao mà biết được ai là người sống, ai là người chết?

- Cậu lại sao rồi, cậu không hiểu gì à?

- Không, tớ chẳng hiểu gì cả, - Kostưl trả lời -, chẳng có một ranh giới nào cả.

- Bây giờ thì động não đi, cậu là ai, người sống hay chết? - Tolstoi trả lời.

Kostưl làm một động tác gì đó trong bóng tối và một cái gì đó va mạnh vào tường ngay trên đầu của Tolstoi.

- Rõ là ngốc quá, - Tolstoi nói - có thế mà cũng không hiểu.

- Dù sao thì tất cả chúng ta đều là những người chết cả, - Kostưl nói -, cậu thử nghĩ xem.

- Này các cậu, - Vaxia lại lên tiếng -, các cậu có nghe kể về tấm mành màu vàng không?

- Quỉ tha ma bắt cậu với tấm mành màu vàng của cậu đi, Vaxia. Nghe hàng trăm lần rồi.

- Tớ chưa được nghe, - Colin nói vọng ra từ trong góc.

- Gì nữa đây, tất cả mọi người lại phải nghe chỉ vì mình cậu chưa nghe sao? Sau đó cậu lại chạy bổ đến chỗ cô nàng Antonina để khóc lóc ư?

- Tớ chỉ khóc vì bị đau chân thôi, - Colin đáp -, chân tớ bị vấp khi đi ra ngoài.

- Đúng lúc quá đi - chính cậu mới phải kể chứ. Lúc đó cậu nói đầu tiên mà. Cậu nghĩ là chúng tớ đã quên ư? - Kostưl hỏi.

- Nhưng Vaxia đã kể thay tớ rồi mà, - Colin đáp.

- Cậu ấy không thay thế cậu để kể chuyện, đơn giản là cậu ấy kể thôi. Và bây giờ thì tới lượt cậu. Còn không thì sáng mai chắc chắn cậu bị phạt đấy.

- Các cậu đã biết về con thỏ màu đen chưa? - Colin hỏi.

Vì một lẽ nào đó, ngay lập tức tôi hiểu rằng Colin đang đề cập đến con thỏ màu đen nào. Trong hành lang phía trước nhà ăn, ngoài những đồ vật khác có treo một tấm gỗ mỏng có hình con thỏ đeo cà vạt. Vì bức tranh được vẽ rất công phu và tỉ mỉ nên trông con thỏ có vẻ đen y như thật.

- Đấy, thế mà cứ bảo cậu không biết gì. Kể đi nào.

- Có một trại hè thiếu nhi. Ở đó, trên tường trong tòa nhà chính người ta vẽ các con thú và một trong số chúng là chú thỏ màu đen có đeo một cái trống. Chả hiểu vì sao người ta đóng hai cái đinh vào chân của chú thỏ. Một lần có một cô bé đi ngang qua đó về phòng nghỉ sau bữa trưa. Vì thấy thương con thỏ, cô bé đi đến gần và nhổ mấy cái đinh ra. Bỗng nhiên cô có cảm giác như con thỏ đen đang nhìn mình cứ như là một con thỏ sống. Cô bé nghĩ rằng đó chỉ là ảo giác nên đi về phòng. Đến giờ nghỉ trưa. Đang yên đang lành thì con thỏ đen nọ bắt đầu đánh trống. Tất thảy mọi người trong trại hè đều bị đánh thức dậy. Và họ cứ mơ màng cho rằng giờ nghỉ trưa đã hết và gọi nhau dậy để đi ăn chiều. Sau đó họ bắt đầu làm mọi việc như thường lệ - chơi bóng bàn, đọc sách và làm nhiều việc khác... Thực tế thì họ mơ thấy tất cả những chuyện này. Sau đó, thì đổi cảnh: họ đi về nhà, lớn lên, ra trường, lấy vợ lấy chồng, bắt đầu làm việc và nuôi dạy con cái. Nhưng trên thực tế họ đơn giản chỉ ngủ mà thôi. Còn con thỏ màu đen thì đánh trống trong suốt thời gian họ ngủ.

Colin im lặng.

- Có điều gì đó rất khó hiểu, - Kostưl nói. Cậu đã nói là họ ai về nhà nấy. Nhưng ở nhà thì họ còn có cha mẹ, anh em bạn bè chứ. Những người đó thì sao, họ cũng ngủ cả à?

- Không, - Colin đáp. Họ không ngủ. Họ cũng đang nằm mơ.

- Hoang tưởng quá, - Kostưl nói. Này các cậu, các cậu có hiểu được tí gì không?

Không ai đáp lời cậu ta. Có vẻ như mọi người đều đã thiu thiu ngủ.

- Tolstoi, cậu hiểu được điều gì đó, đúng không?

Tolstoi cựa mình làm chiếc giường kêu cọt kẹt, cúi xuống phía sàn nhà và quăng một cái gì đó vào Colin.

- Cậu là đồ đểu, - Colin nói. Đập vào mặt bây giờ.

- Đưa lại đây xem nào, - Kostưl nói; đó là chiếc một chiếc giày thể thao mà lúc trước anh ta đã dùng để ném Tolstoi.

Colin đưa cho anh ta chiếc giày thể thao.

- Này, - Kostưl nói với tôi -, sao cậu lại im lặng suốt thế hả?

- Có gì đâu, - tôi đáp -, tớ đang buồn ngủ.

Kostưl trở mình trên giường. Tôi nghĩ rằng cậu ta sẽ nói thêm điều gì đó nữa nhưng rốt cuộc lại im lặng. Tất cả đều im lặng. Vaxia lẩm bẩm nói mơ câu gì đó.

Tôi liếc nhìn trần nhà. Ngoài cửa sổ chiếc đèn đu đưa hắt những bóng đen chuyển động vào trong căn phòng của chúng tôi. Tôi quay mặt ra phía cửa sổ. Trên trời trăng đã khuất dạng. Bốn xung quanh lặng lẽ như tờ, chỉ đâu đó rất xa vọng đến những tiếng quay đều đều của xe lửa điện. Tôi nhìn rất lâu, rất lâu vào ngọn đèn xanh ngoài cửa sổ và cũng không nhận thấy nó đã tắt như thế nào.

Hải Yến dịch từ nguyên tác tiếng Nga
 
Cái chết của trẻ con - Saroyan, William

Vào đầu những năm ba mươi, tờ nhật báo Hairenik Daily mở thêm trang cuối tuần, và được hưởng ứng mạnh mẽ, tôi tham dự bằng cách viết và gửi nhiều truyện và cả kịch ngắn nữa, gửi đăng và không lãnh nhuận bút. Giờ nghĩ lại, tôi thấy đó là một điều quan trọng, bởi đối với một nhà văn mới khởi sự cầm bút thì sự xuất hiện các tác phẩm đầu tay của anh ta sẽ gây nên một niềm phấn kích sáng tạo đáng kể - anh cứ viết và đã có một chỗ tiếp nhận anh. Nhà văn có thể viết thoải mái, theo cảm hứng và tùy thích, chẳng cứ phải canh cánh bên lòng rằng ông chủ bút sẽ nhiu mày nói rằng truyện không hợp với chủ trương của bổn báo, như nhiều vị và nhiều báo khác vẫn hay ra đòn như vậy. Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi có được trang cuối tuần đó để gửi tới, tôi cũng mang ơn ông chủ nhiệm Reuben Darbinian vô cùng, ông đã mở rộng vòng tay đón chào những tài năng trẻ. Ông là một trong những vị chủ báo vĩ đại nhất. – W. Saroyan.



Cái chết của trẻ con
Saroyan, William

Trường Emerson có ma. Trường gồm hai tòa kiến trúc liền nhau, lợp bằng đá xám, với những bức tường cao trần trụi và các cửa sổ nhỏ tối om, nối liền nhau qua chiếc cầu gỗ, về đêm trường trông có vẻ ủ ê buồn thảm. Ngay cả trong ánh sáng ban ngày nó cũng nhuốm một vẻ gì rất đỗi hoang liêu, và hầu như tất cả các học trò đều thầm mong cho trường bị hỏa hoạn hay bị hư hủy quách cho rồi. Trường cũng mới được xây, và có một bác thợ mộc người Assyria ở xóm chúng tôi bảo là bác đã góp công sức trong việc xây dựng ít nhiều. Nhưng chúng tôi nghĩ là nó đã xưa lăm rồi, xưa như đã đến hồi tàn rửa mục nát. Mỗi tối chạng vạng, bọn dơi đen bay vù vù ra từ những ô hốc, kẻ hở, và chập chờn chao liệng khắp sân. Quả thật là chúng tôi chưa từng thấy một con vật nào xấu xí hơn, một loài gậm nhấm biết bay, không biết hót, trần trụi không lông, và không có được một chút vẻ đẹp nào của loài lông vũ.

Tòa nhà phía tây dành cho các lớp trung chuyển, còn tòa phía đông gồm các lớp bốn, năm và sáu. Cả hai tòa đều có ma. Người ta thường kể là, cứ đêm mà phải đi ngang qua hai tòa nhà này, thế nào cũng được nghe các ông thầy đã quá cố về la mắng các học trò những thế hệ trước. Hẳn ta lại nghe được cô giáo già Timanus căn dặn, Nào, cả lớp nghe đây. Nghe kỹ đây. Hai lần tám là mười sáu, phải không nào? Đúng rồi, thế thì hai lần mười sáu là bao nhiêu? Rồi ta sẽ nghe những tiếng cười khúc khích nghịch ngợm, những hồn ma của các con trai và con gái trước kia chạy nháo nhào trong lớp.

Frank Sousa nói là chính tai nó nghe hết mọi việc. Chúng tôi tin ngay và đêm đến là tránh xa ngôi trường.

Một chiều đông trên đường đi bán báo về, tôi đến ngôi trường tối tăm đó, và khi sực nhớ là trường có ma, tôi bắt đầu thấy sợ và run như cầy sấy. Tôi đã định đi bằng lối tắt qua hai tòa nhà rồi băng qua sân trường để đến đường Santa Clara, nhưng khi nghĩ lại cái chết người của ngôi trường về đêm, tôi quyết định đi vòng qua trường. Từ bên kia đường tôi nhìn lên cửa sổ phòng học của tôi, phòng lớp bốn, và khi vừa ngước nhìn lên thì tôi nghe nhiều tiếng động rợn người, và đèn phòng bật sáng choang, tôi tê khiếp toàn thân.

Rồi tôi thấy tôi đang chạy thục mạng.

Cả năm sau, tôi cố nghĩ đó là người dọn quét phòng ban đêm. Nhưng còn về tiếng động thì không sao giải thích nổi. Chẳng bao giờ một người lại có thể gây nên tiếng ồn náo được như thế. Nếu vậy, có lẽ là do tôi tưởng tượng quá đáng. Dù sao không ai lại không cho là trường không có ma ám, còn về buổi sáng thì chắc chắn là đã có bọn chúng tôi ám cả rồi.

Chúng ta có đủ chiều kích của những thực thể, chúng ta có sức nặng của hình thể, của cử động, thế nhưng có một cái không thực nơi tất cả chúng ta, những bé trai, bé gái, các thầy cô giáo già hay trẻ, các chương trình, việc ngồi với sách vở và những con số, mùi của trường lớp, của bụi phấn, hỏi và trả lời tất cả những câu hỏi kiểu trẻ con. Có những cái lạ lùng về việc chúng ta ngủ và thức, và sống lại ngày này qua ngày khác, những giây phút huyễn hoặc và hiếm hoi trong đời.

Chúng ta bao gồm các loại thể.
 
Có Rosa Tapia, cô bé người Mễ 1 duyên dáng hơn bất cứ đứa nào trong trường, nhưng không có tài học, không hiểu văn phạm, kém về số học. Nó có đó mà như không có đó. Nó đi nó đứng như thể là nó không có thực ở trên dương thế, hoặc nếu như có, thì chỉ vì một lầm lẫn nào đó hay vì một phép lạ. Nó ăn nói nhỏ nhẹ, quý phái, lời thốt ra như âm điệu của bài hát. Khi nước Mỹ tham chiến, hai người em trai của cô Gamma rời đại học Berkeley để nhập ngũ, cô giáo đến lớp chúng tôi bằng đôi mắt đỏ ngầu và khuôn mặt thờ thẫn. Cô thật đáng phục khi dạy chúng tôi môn địa lý, rồi tuyên bố rằng vì biến cố quan trọng này, cả buổi còn lại chúng tôi được nghỉ, đọc thuộc lòng, và ca hát. Cô hỏi, Có ai tình nguyện đứng trước cả lớp và hát một bài hát ái quốc. Không có ai đề nghị ai hát cả.

Rồi thì Rosa Tapia đứng ra chỗ lối đi cạnh bàn nó và nói, Thưa cô Gamma, cô có muốn em hát bài “Juanita” không?

Cả lớp đều sững sờ, nhưng sững sờ nhất có lẽ là cô giáo Gamma của chúng tôi. Khuôn mặt buồn của cô nhiu lại vì ngạc nhiên, và cô nói, Dĩ nhiên là cô muốn, Rosa ạ. Em hãy lên trước lớp.

Con bé người Mễ bước lên trước lớp mà chẳng hề lúng túng, nó nói, “Juanita”, và bắt đầu hát bằng tiếng mẹ đẻ của nó.

Con bé không hát chỉ bằng phổi và môi, mà bằng cả cái hình dáng của nó, cái hình dáng mơ mờ mà chỉ có chúng tôi là cảm biết được, bởi chúng tôi là những kẻ đang sống với nó giữa cái thực tại của ngủ và thức, và tất cả chúng tôi luôn cảm giác rằng con bé là không có thực, không phải chỉ còn là đứa con gái nữa. Và chúng tôi hiểu rằng, con bé có biết cũng không sao, và có lẽ càng không nên biết gì về văn phạm, về số học và về tất cả những cái chẳng đâu vào đâu đang được dạy dỗ chúng tôi.

Và có cả Carson Wampler nữa, một thằng mặt luôn cau có, con của một trong những người tầm thường ở miền Nam, đã đến miền Tây bằng xe ngựa, không tiền, đói, và khốn cùng dưới một căn lều nào đó ở miền Nam, cạnh đường xe lửa Santa Fe. Ngay cả mùa đông, Carson cũng không có giày để đi học. Vào mùa hè thì phần đông chúng tôi đều đi chân đất, trừ vài đứa con nhà giàu đi giày cho ra vẻ sang cả. Nhiều đứa chế giễu Carson và sỉ nhục nó thậm tệ, để rồi cuối cùng xa lánh và ghét bỏ nó, nhìn nó với vẻ khinh miệt. Nó trở nên luôn luôn cô đơn, im lặng, cau có và không có giày.

Từ lâu, nhìn khuôn mặt hốc hác của nó, tôi vẫn nuôi ý định đến gần nó, làm thân và nói chuyện, tỏ cho nó biết là tôi mến nó, nhưng có một cái gì đó quá cao cả trong niềm cô quạnh và vẻ khinh khỉnh của nó mà ta không dám chạm vào, và tôi ngại không sao bắt chuyện được với nó. Chân nó to bè, da dày và nứt nẻ, những khi trời lạnh quá nó đứng run rẩy dưới mái sân trường, và cả trần gian này hình như cũng thế, lạnh lẽo và bơ vơ quá chừng.

Bỗng nhiên nó thôi học, và tôi vô cùng thắc mắc không biết nó về đâu, chân đã có giày hay chưa. Những lúc đó nó hiện về với khuôn mặt mơ hồ mà thỉnh thoảng tôi bắt gặp trong mơ, và khi nhớ đến nó thì hình như nó chưa thực sự sống, chưa thực sự hiện hữu, và đúng ra tôi chỉ biết nó qua cái bí mật nơi lòng thương cảm của mình đối với con người và nhân thế. Nhưng tôi chẳng sao quên được vẻ khinh thị trên khuôn mặt hốc hác, cô quả và lẩy bẩy của nó.

Bao năm sau tôi hầu như đã hoàn toàn quên nó, và nếu có tưởng tượng, nó hiện ra với khuôn mặt một người lớn, thì, tôi lại gặp nó. Tôi đi với một người bà con trên chiếc Ford, qua vườn nho vùng Malaga. Lúc đó trời đã vào đông, các cây nho rụng hết lá và phong cảnh mong manh trơ trụi nhưng cái khí sắc lại đầy vẻ u trầm của tử biệt dằng dặc, điều đó tô điểm thêm cho cái vẻ đẹp của tiết trọng đông, và Carson hiện ra, cao lớn ra nhưng vẫn khuôn mặt hốc hác, đứng bên một cây nho gần đường, tay đang cầm một cái cuốc. Gặp lại nó tôi mừng quá, thấy nó vẫn luôn luôn là một thực tại chứ không phải là một ảo ảnh do tôi tạo ra, và thấy nó vẫn còn sống, tôi mừng quá đến nổi buột miệng gọi tên và hân hoan chào nó.

Chúng tôi thấy nhau trong lúc xe chạy, và sau khi tôi gọi tên nó, Carson nhăn mặt và búng mũi chế nhạo tôi. Nó làm vậy khiến tôi buồn quá. Tôi thấy tội nghiệp các điệu bộ buồn bã đó của nó, và tôi tự giận mình. Tôi cảm thấy mình đã tự hủy hoại một cái gì cao thượng vì đã muốn chạm vào, muốn cùng tôi được chia sẻ. Dĩ nhiên, mọi sự rắc rối phần lớn là do chiếc xe. Chúng tôi có quá ít thời gian để bày tỏ tình bạn, và chắc hẳn Carson bối rối và hoài nghi tất cả, nên đã phản ứng một cách nhậm lẹ, có nhiều tính tự vệ. Và ta chỉ nên tiếc rằng, tại sao giữa bọn con trai với nhau mà lại không có những cung cách giản dị và thẳng thắn hơn là phải búng mũi một cách khi dễ để bày tỏ thiện chí và niềm cảm thông. Tôi vẫn tin rằng ngay sau đó, nó sẽ cảm thấy xấu hổ vì cách hành xử hồ đồ và nông nổi của mình, và nếu có thì giờ thì chắc là nó sẽ tự vấn mà sửa đổi đôi chút.
 
Và tôi chẳng bao giờ còn gặp lại nó nữa.

Còn có Alice Shwab, cô bé Đức lai Do Thái, to xương, má ửng hồng, con gái của bác thợ sửa đồng hồ. Nó là một đứa chỉnh tề và ăn nói, cư xử rất mực, mỗi buổi sáng nó đến lớp với một quả táo, một quả cam hay vài đóa hồng cho cô giáo. Có lần nó đem vào lớp một quả bí to đùng, bóng loáng. Quả bí to cỡ bằng cái đầu của nó, và sáng rực như một mặt trăng nhỏ. Nó hái ở vườn của bố nó và cô Gamma phải bỏ ra mười phút để ngợi ca, bí là một loại rau ngon và ông Shwab là cha của Alice đã đem rau ráng đó vào cho lớp học. Thú thật, nơi quả bí có một cái gì khiến tôi không sao hiểu nổi, một cái gì sẽ phải xẩy ra sau rốt.

Suốt giờ vẽ, chúng tôi cố vẽ quả bí, nhưng chả đứa nào vẽ nổi. Cái làm cho thú vị nhất chính là mầu quả bí, và chúng tôi không tài nào pha cho được cái màu của nó. Quả bí nhìn thật ngon lành nên đứa nào cũng nghĩ rằng nó phải có vị ngọt, nhưng cô Gamma nhíu mày và nói rằng bí này không phải là để ăn mà là để chiêm ngưỡng.

Quả bí nằm mãi trên bàn cô giáo cho đến khi bắt đầu thối rữa, và rồi một ngày kia nó biến mất, nó tiêu tán như thể chẳng có chút liên hệ nào với những gì hữu hình, với trần thế.

Alice không phải là một đứa con gái đẹp; con gái lên chín chẳng có mấy đứa xuất sắc, trừ phi đối với cha mẹ chúng; nó còn xấu tệ nữa là khác. Các đường nét chưa được cân đối, và chính nó lại có vẻ như một cô bé quá ngoan. Không phải kể hết những điều này, nơi nó bao giờ cũng có vẻ nghiêm trọng, cho dù tất cả những gì nó làm đều có vẻ ta đây và đầy giả dối, nó có tác phong tình cảm hơn bất cứ đứa nào khác trong trường.

Mái tóc nâu sậm của nó thắt bím, buông thõng trên vai, khuôn mặt sáng sủa sạch sẽ, mắt long lanh với vẻ thông minh và nhanh nhẹn, đi đứng kiểu cách, cử động hóm hỉnh, ăn nói nhanh nhẩu, sắc bén và quyết liệt. Ở nơi nó không có tí gì là tiêu cực, nó là đứa sống động nhất lớp chúng tôi. Hiếm khi thấy nó trả lời sai, mà thảng hoặc nếu có sai lầm chút đỉnh thì mọi người, kể cả cô Gamma, đều cảm thấy rằng, không, có lẽ là do sách in sai chứ Alice thì không sai được. Nó hoàn hảo đến khó chịu vậy đó, và nếu như phải bỏ phiếu, thì hẳn mọi người đều phải nhất trí cao bầu chọn nó là một trong bốn đứa hứa hẹn thành công trong tương lai. Nó là cục cưng của cô giáo, và hẳn nhiên chẳng đứa nào thích nó, đứa nào cũng khó chịu cái kiểu cách hợm người của nó.

Một buổi sáng, với đôi môi run run, cô Gamma nói, Các em làm ơn đứng lên và cúi đầu. Alice đã chết rồi!

Thế là tất cả chúng tôi đều thương tiếc Alice và xúc động, cảm thấy đau khổ và phân vân không hiểu tại sao một con bé mà tất cả mọi người đều kỳ vọng vào nó, lại không còn nữa.

Và thêm một đứa khác đến lặng lẽ như một chiếc bóng, và nó trở thành anh em bầu bạn với tôi, mà tình thương tôi dành cho nó có phần còn hơn cho anh Krikor của tôi nữa, và nó đi vào đời tôi, cuộc đời xưa nay vất vưởng trong cái thế giới tối tăm của cha ông chúng tôi, một cuộc đời đã in dấu khuôn mặt và thằng người của tôi và anh Krikor vào đó. Thằng bé này cũng đến từ những đau thương và thống khổ của cái quê nhà mệt mỏi của chúng tôi. Một kẻ mồ côi, chưa từng biết cười, từ thành phố Van cổ kính và thân yêu, thành phố của riêng chúng tôi, thành phố quê quán của con tim tôi, và tôi biết rằng cơn sợ hãi ái ngại đã làm cho nó im lặng. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật về đời nó (và cũng chính là đời tôi), tôi không bao giờ cảm được như nó về cái sầu thảm mênh mang phủ chụp lên chốn quê cũ của chúng tôi, và khi nó chết ấy là lúc tôi sống, tôi chỉ sống một phần, một phần nào đó thực sự của đời mình khi quay về với nó cùng với cái chết và kỷ niệm, và rồi tôi vẫn tồn tại, nhưng tồn tại với nỗi chết luôn sống động trong mình.

Một sáng mùa đông, cửa lớp bỗng mở ra và ông hiệu trưởng Dickey dẫn vào lớp chúng tôi một thằng nhỏ thó, ăn mặc hơi lạ, tỏ vẻ sợ sệt, và tôi nhận ra ngay nó là người Armenia, vẻ rụt rè của nó có một cái gì làm tôi run lên vì sung sướng, vì tôi cảm biết ngay đó là một người đồng hương của mình, ở nó hiện lên tất cả những biến cố, những ba đào của một vùng đất, và nó bất chấp mọi thứ để có thể sống còn, nhìn nó là để thấy mọi sự đều được an toàn, những giáo đường, những tiếng cười và những bài hát của chúng tôi. Qua nó, tôi nhận ra dân tộc mình, đất nước mình toàn vẹn và bất diệt. Tôi muốn đứng lên và đến che chở nó trước lớp học xa lạ, tôi nhìn nó mê mệt và muốn nó ngẩng lên để thấy và biết rằng, ở nơi đây, giữa chốn xa lạ này đây, nó không hề cô quạnh, nó còn có một người anh em, là tôi đây.

Tôi đến làm thân với nó trong giờ ra chơi ngoài sân trường, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng của quê nhà và trở thành bạn thiết ngay, nó kể cho tôi nghe những biến cố nơi cố hương, những ngày thất tán bom rơi đạn lạc, và vô số hình ảnh sống động của một thời chinh chiến…

Sau cùng, nó nói, Tao không sao kể cho mày nghe hết được, nhưng tất cả đã nát tan cả rồi và đến giờ tao cũng không tin là mình còn sống.

Nó theo học một hai năm gì đó, rồi bỗng nhiên, một hôm mẹ tôi gọi tôi đến bên bà và nói, Con có biết thằng nhỏ Gourken từ cùng quê mình đến đây không? Nó chết rồi. Và bà chỉ cho tôi xem một tấm ảnh của nó trên tờ Asbarez, rồi bà đọc bài tường thuật về đời nó.

Ôi biết nói làm sao! Chính lúc đó và ngay trong căn nhà này, tôi cảm thấy hết một phần đời mình quay về với người bạn thiết ấy cùng biết bao kỷ niệm nơi chốn quê nhà xa lắc. Và cũng chính lúc đó, tôi hầu như đang kề sát bên người anh em và cảm thấy cái chết đang mỗi lúc một sống động trong xương da não tủy mình.

Huy Tưởng dịch từ nguyên tác tiếng Anh

Rút từ Người có trái tim trên cao nguyên và những truyện ngắn khác, tập truyện ngắn W. Saroyan, Huy Tưởng dịch, Nxb Kinh thi, 1973

-------------------

Chú thích:

1 Tức Mễ Tây Cơ, cách phiên âm cũ của Mexico. Chúng tôi giữ nguyên cách phiên âm này của dịch giả
 
Chuyện của chị Xoan
Đỗ Hà

- Chị Xoan ơi, cho em bát bún ốc nhé, cay vào chị ạ!

- Chị Xoan ơi, cho em bát bún dọc mùng nhé, dọc mùng Cộng1 mới sang bà chị nhỉ. Có mấy con cá khô cho chị này, cá Arờ-khan-ghen-xcờ2 đấy chị nhá!

- Cảm ơn chú Hoan quá, chị sẽ cho chú dọc mùng ngon nhất nhé! Thế dạo này có chạy được gì không?

Xoan đon đả, tíu tít, cặp mắt nheo cười, chị gọi, chị nói, chị làm luôn tay. Bún ốc của chị Xoan từ lâu đã nổi tiếng ở cái xứ lạnh này. Cái nhà ăn mà không có món bún ốc của chị, có lẽ nó cũng chỉ làng nhàng như bao nhiêu nhà ăn ở các ốp khác thôi. Anh Tuấn, chủ nhà hàng thường bảo: "May mà có bà Xoan, bà ấy là cái duyên của nhà hàng này vậy". Mà chị Xoan cũng chỉ nấu giỏi món bún ốc thôi. Lần nào theo xe lên Mat3 ăn hàng, tụi tôi cũng phải rủ nhau sang đây xì xụp bát bún. Mà lạ lắm, chị ấy bày biện, trộn rau thế nào mà anh em tụi tôi cứ tưởng tượng là mình được ăn bát bún ốc nóng ở ngay chợ Mơ ấy: ồn ào, chen chúc, lọ tương ớt, lọ dấm ớt, rau sống xanh và thơm, nước dùng thì đỏ ớt, con ốc nó quyện vào váng mỡ vàng gạch, hấp dẫn lắm cơ, mà nóng, mà cay bỏng giãy, mà hì hoạp húp... Chao ôi, đã quá! Ngoài trời, tuyết vẫn bay, trắng xoá, cái lạnh xiết da thịt... Nồi nước dùng sôi xì xèo trên bếp, tỏa mùi thơm cay đến nao lòng.

- Thời buổi này mà nhà chị vẫn đông khách gớm nhỉ?

- Cũng bình thường thôi chú ạ, không có lãi đâu, chẳng lẽ lại bỏ nghề. Mà chị có còn biết làm nghề nào khác đâu.

- Hàng hóa bây giờ ế ẩm lắm - Anh Tuấn, chủ nhà hàng tiếp.

- Em thấy bảo đến mùng tám tháng ba có khi lại bán được đấy ạ - Một cô to béo góp chuyện.

- Thì là mong như thế, cô ạ! - Chị Xoan nói.

Chị Tú, vợ anh Tuấn:

- Lạy giời, cũng mong cho nó ổn định lại chứ. Gớm, sau cái đận "tháng tám chín tám"4, biết bao nhiêu người phút chốc mất trắng cả. Thương nhất là dân du lịch. Lắm người bán nhà, bán cửa đi để lấy tiền sang, giờ còn mỗi nước bán thân để mà kiếm vé về thôi đấy, em ạ.
 
Thế cái bé con nhà chị đâu rồi, chị Xoan? - Một người đàn ông ngồi tít tận góc bàn trong cùng hỏi với ra.

- Em cho nó về rồi, anh ạ. Bố nó chẳng nhìn thì thôi, em cho nó về ở với hai vợ chồng nhà cô út vậy.

- Thế bên nội nhà họ không có ý kiến gì hả chị Xoan? - Một chị nom có vẻ đài các với chiếc áo len cổ lọ, màu lửa, tham gia.

- Họ bảo, đàn bà bỏ nhà, lại còn đi Nga thì nhà họ chả chứa. Mà cần gì, hả chị?...

Cứ như vậy, chị Xoan vừa làm, vừa trò chuyện với khách. Hồi đầu, tôi cũng rất ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết, chị ấy quen rồi, vả lại ở đây mọi người ai cũng coi chị như người quen thân, ai cũng cảm thấy phải có trách nhiệm, phải quan tâm tới chị ấy, đôi khi cũng có những người tọc mạch, gạn hỏi chuyện của chị để rồi mang đi làm quà ở nơi khác, nhưng cơ bản là chị ấy có nhu cầu chia sẻ với mọi người, thế thôi ...

Lần đầu tiên, Hùng "nháy" rủ tụi tôi vào đây cũng lâu lắm rồi. Nó bảo nó đãi tụi tôi bún ốc Thanh Trì nổi tiếng. Cả hội giẫy đành đạch. "Thằng này láo, chỉ có bánh cuốn Thanh Trì ngon nổi tiếng, thậm chí cả trong ca dao nói, chứ làm gì có bún ốc Thanh Trì”. Nó nhìn chúng tôi cười ngặt nghẽo: "Dào ôi, xứ Thanh thì vẫn là Thanh xứ mà, mày có ra Hà Nội ở đến trăm năm, chắc gì mày đã đứt gốc để thấm mưa Hà Nội hả. Tao bảo đảm mày sẽ mê tít, chẳng những bún ốc, mà cô hàng bún nữa, con ạ!". Thế mà nó đúng thật. Hoá ra, nó với chị Xoan cùng là đồng hương "tận làng Vân" cơ, nghe đâu còn là con dì, con già, thậm chí chưa xa lắm nữa. Chả trách, nó thạo thế.

Hồi đầu gặp chị, tôi hơi là lạ, ngài ngại. Người đàn bà ấy có cái gì không bình thường, thậm chí tốt bụng một cách không bình thường. Dần dần rồi cũng quen, gặp chị, tôi cảm thấy ấm áp hơn. Chúng tôi sẵn lòng nghe chị tâm sự, nhiều khi chuyện chỉ có thế, chị cũng kể đi, kể lại. Thậm chí, tụi tôi thuộc nằm lòng "cái ngày ấy", nhưng chẳng thằng nào dám cắt ngang câu chuyện. Chị kể mãi, đến khi mệt thì thôi. Quay ra, dựa vào cái bàn trong góc nhà hàng, chị lại tiếp tục công việc của mình một cách vô tư, như thể chị vừa kể một câu chuyện của một người nào đó. Đôi khi bị trêu, chị cười rất lành, hai con mắt lúng liếng nâu. Cái Hà, người yêu của tôi, lần đầu tiên gặp chị, nó bảo: "Chị Xoan nom hiền thế, chắc ngày xưa cũng đẹp lắm, như thôn nữ trong các câu chuyện cổ ấy, anh nhỉ!". Chị hiền thật, giọng nói của chị bao giờ cũng thủ thỉ, thù thì. Nó làm cho người ta bất ngờ bị lôi cuốn bởi cái sâu thẳm của nó, bởi cái gì đó rất thật trong lòng người nói chuyện. Thế mà không ngờ, Hùng "nháy" bảo: "Bà ấy khổ vì cái tính tốt bụng và cực đã đời vì cái nét đẹp đằm thắm ấy, thật đấy"...

Xoan chân chất như cây lúa, đọt khoai. Thậm chí mọi người ở cái làng Vân này đều bảo: "Ai mà lấy được cái Xoan làm vợ, thì chắc cha mẹ cũng được nhờ". Cả làng này chứng kiến Xoan lớn lên, chưa ai nghe thấy Xoan to tiếng bao giờ. Có đám ầm ĩ nào, dù là xóm trên ngõ dưới, người ta cũng cấm có thấy bóng Xoan đâu. Con bé nhút nhát đến lạ. Mà nói gì cũng thầm thà, thầm thì.

Ở cửa ngõ vào Hà Nội, ngay phía trên là ga Giáp Bát (thủa ấy còn chưa được là nhà ga đón khách phía nam đâu, mà cũng chưa xây dựng bến xe Giáp Bát), bám sát hai ven đường Quốc lộ số một, rồi nối nhau là ba làng: Pháp Vân, Hoàng Liệt, Tứ Kỳ thuộc huyện Thanh Trì. Những viên đá lót đường vào làng Tứ Kỳ đã trơn nhẵn, xanh bóng với thời gian. Mẹ tôi kể: "Ngày xưa, trai các nơi khác khi lấy gái làng Tứ, ngoài cỗ biện cho quan viên, còn phải có một viên đá lót đường làng". Ngay cái giếng làng cũng có từ lâu lắm rồi, cả đến người già trong làng cũng không còn nhớ chi tiết nữa. Chả hiểu sao, nếu cứ lấy nước giếng đó mà làm bún, thì bún rất trắng và ngon. Bún Tứ Kỳ ngon có tiếng. Sợi bún thật nhỏ, dài và trắng mịn. Bún được làm thành từng lớp rối, lót lá dong xanh thật nổi, hoặc được nắm lại thành từng nắm, gọn nhỏ. Màu lá dong xanh mướt còn vương những giọt nước, màu trắng mịn màng và vị bún chua chua, thơm, làm cơn đói từ đâu kéo về hành hạ người ta khủng khiếp. Giá mà bên cạnh lại có bát mắm tôm, được trộn với ớt tỏi, nổi mùi quyến rũ, lớp bọt chanh phồng lên kéo níu. Gớm, chỉ nhìn mà đã thèm rỏ dãi.
 
Còn Hoàng Liệt vốn dân làng đầm, có nhiều ao hồ, dân làng từ xưa đã có nghề mò cua, bắt ốc. Đầm Linh Đàm vốn đã đi vào sử sách và là niềm tự hào của làng. Người Hoàng Liệt đã không bước chân xuống đồng ruộng thì thôi, chứ đã nhúng ướt chân là thể nào cũng có tôm, cua, cá, ốc mang về. Ốc đá Hoàng Liệt vừa béo, vừa to. Chao ôi, luộc lên, con ốc cứ nần nẫn, béo nhễ cả miệng, vỏ ốc xanh nhẵn như đá ngàn năm, rồi lá chanh, ớt chỉ thiên giã nhỏ, cay động lên óc, rồi gừng tươi, cũng được giã nhỏ, nổi những sợi gừng lăn tăn, lăn tăn vàng, những cái gai chanh nhòn nhọn xanh xanh, con ốc cứ phải xoắn từ từ, xoay ra khe khẽ, cắn vào dai dai, nhai sần sật, béo, cay, thơm, ngon cứ là chết luôn.

Làng Vân có con đường lát gạch xây, sạch sẽ. Làng có nhiều nhà ngói sớm nhất. Ngay khi thất bát, Tứ Kỳ và Hoàng Liệt khốn đốn, người làng Vân vẫn nhàn hạ, ung dung. Cả cái Hà thành này làm sao mà bỏ được món bún ốc ngon có tiếng ấy. Đấy, mẹ Xoan chỉ có một gánh bún ốc thôi, bà nuôi cả nhà, nuôi bố làm cán bộ, nuôi anh Xoan đi học đại học, các em Xoan và cả Xoan nữa, đều được ăn no, mặc ấm. Xoan, cô con gái lớn, lại xinh xẻo nhất nhà, vừa mới nhông nhống đã thấy các anh ngấp nghé, chả hôm nào mà không có người viếng chơi. Xoan lành lắm, nhưng lại chậm, vì vậy cô học hành cũng chật vật. Mặc dù không hề cao ngạo, nhưng sự "quan tâm" của trai làng, rồi của các anh trên Ga cũng làm Xoan mất tập trung vào cái sự học.

Bố Xoan buồn lắm! - "Anh thì học như thế, mà con cái Xoan đổ đốn quá, bà xem, liệu mà bảo nó" - ông nói với vợ. "Dào ôi! Thì ngày xưa tôi cũng chỉ vào được cổng chợ thôi, sao ông chẳng chê" - bà cự nự - "cái sự học là cái sự khó. Vả lại nó cũng chăm đấy chứ, nhưng học tài mà thi phận". Dù cố đến mấy, Xoan vẫn thi trượt vào cấp ba. Ông Xuân lồng lên, bà Xuân khóc và nghỉ chợ. Nhưng rồi với các mối quan hệ của bố mình, Xoan cũng được vào học hệ bổ túc. Những năm bổ túc của Xoan quả là nặng nề, cô chỉ mong những buổi chiếu phim ở sân bãi làng Vân thôi. Nó vui biết bao nhiêu! Nó nhẹ nhàng biết bao nhiêu!

Dù không thích, nhưng Xoan chưa bao giờ có ý định chống lại bố, chống lại cái nếp nhà. Có chăng, ngoài sự cam chịu là niềm mơ ước thầm kín. Khi đêm về, ánh trăng soãi dài, xuyên qua những vòm lá bưởi, lay lay bên cạnh cửa sổ giường cô nằm. Đôi khi ánh trăng nghịch ngợm vuốt lên làn tóc óng mượt của cô. Trăng táo bạo, ghé vào cùng gối bên cô. Xoan xoè tay, cho ánh trăng chảy tràn qua kẽ ngón, mơn man. Trong lòng cô dậy lên những cảm giác mà cái Thanh, cái Hằng hay kể. Những cảm giác nao nao, háo hức, tò mò khi cô dấm dúi đọc những câu chuyện cấm, giấu tịt tận đáy bồ thóc trong buồng. Bất chợt, nếu mẹ hay cái Loan trở mình, cô toát hết mồ hôi, vội vàng nhắm mắt lại, nằm im dường như nín thở.

Cho đến một hôm, cả nh
 
Cho đến một hôm, cả nhà tíu tít đón Giang, bạn học đại học với anh Toan về chơi. Chẳng hiểu sao, mãi năm thứ ba, mới có bạn học của anh về chơi nhà. Mặc dù, anh học đâu có xa nhà mấy đâu! Vả lại, nhà cô đâu có phải nghèo hèn gì lắm. Xoan ngây ngất ngắm chàng trai thành nội. Anh thanh cao làm sao, anh hoàn thiện làm sao! Những bọn con trai quanh đây nói năng sao mà thô kệnh. Cái giọng của chúng sao mà quê thế. Dáng chúng sao mà cục mịch thế. Đến đôi dép Tiền Phong của Giang dường như cũng trắng hơn, là lạ hơn. Đôi tay dài, sao mà thon thả. Xoan quên mất, đứng như trồng trước cửa. "Ô kìa, con bé này, đun nước pha chè đi chứ!" - ông Xuân giục con gái.

Thế rồi, Xoan biết nhớ mong! Thế rồi, Xoan biết yêu. Giang cũng yêu Xoan lắm. Giang xin phép ông bà Xuân đưa Xoan đi chơi. Rồi họ cùng trốn đi chơi. Họ như đôi chim cu mà Xoan vụng về thêu trên những chiếc khăn tay hạnh phúc, chúng nhìn nhau ngây thơ, say đắm, dường như chẳng có gì làm chúng rời nhau được. Xoan tin anh Giang lắm. Xoan mơ nhiều lắm về chuyện của hai người. Khi anh cắn khe khẽ vào má cô, thầm thì thề thốt, Xoan thấy lòng lâng lâng. Rồi Xoan cho anh tất cả. Cô gái đâu có thể nghĩ rằng người ta có thể phủi tay, rũ bỏ những gì thiêng liêng mà người ta thề thốt. "Cô bảo là của tôi à? Thế lỡ cô chửa với thằng khác thì sao? Quanh đây toàn bụi rậm với ao hồ? Cô lấy gì mà đảm bảo?" - "Em chỉ biết có mình anh thôi!" - "Thế còn cái lũ cứ vè vè quanh cô những ngày khác?" - "Làm gì có!"- "Chẳng biết, về bảo bố cô lo đi, thế mà cũng bảo con nhà gia giáo"...

Đó là buổi cuối cùng họ đi chơi với nhau. Xoan chẳng giấu mãi được, vì cô đau khổ quá. Ông Xuân đập phá đồ đạc trong nhà, ông đánh Xoan, ông đay nghiến thằng con trai và lũ bạn Sở Khanh của nó. Bà Xuân và lũ trẻ con mặt mũi tái mét, dúm dó lại trên góc giường như gà gặp bão. Rồi Xoan bị trói chặt trong buồng. Cả họ Nguyễn phải họp lại. - "Gớm đâu ngờ ma ăn cỗ, ông bà nhỉ?" - "Cái con bé lành như cục đất, đẹp nõn nà như hòn bột vậy mà khổ nhẩy?"...

- Rồi sao hả, anh Hùng – Một đứa trong bọn tôi sốt ruột.

- Thì vẫn phải nuôi thôi. Nhưng đố chúng mày tưởng tượng nổi, giữa thời đại văn minh này, người ta có thể gọt tóc bôi vôi được đấy. Thế mà bà Xoan bị. Chà, cái đận đấy cả ba làng như phát cuồng lên ấy. Cả phía trên khu Ga, rồi ồn xuống tận thị trấn Văn Điển nữa chứ. Đâu đâu cũng chuyện bà Xoan. Mẹ tao còn bảo: "Thế không có chuyện của nó, chúng mày nuốt không trôi à? Còn mấy con nỡm này nữa, giờ cái hồn đấy, khỏi phải cười người vội!". Người thương thì bảo khổ, người ghét thì bảo đáng đời, người già thì chép miệng, còn bọn trẻ thì chỉ thóc mách thôi... Chuyện làng bao giờ chả thế, dù là làng ở thời đại văn minh. Nhưng tội cái, đứa con sinh ra thì bị chết yểu. Bà ấy như là cái xác không hồn ấy. Rồi ông Xuân cũng phải về vườn, có lẽ vì vụ con gái. Ác quá - có người bảo thế!

Sau ông Toan đi Nga làm ăn, rồi đưa bà ấy sang theo. Khổ, con người đi cứ phải cúi đầu xuống tận đất ấy. Mà lỗi đâu phải mình chị ấy gây ra. Nghe đâu có một anh cùng làng, sang đây, gặp rồi yêu chị ấy, nhưng mà gia đình không chấp nhận. Bà ấy lại phải nuôi con một mình. Mấy lần tự tử đấy. Mọi người cứu lại được. Đứa con được gửi về cho cô Loan ở Việt Nam nuôi rồi. Chị Tú, vợ anh Tuấn là người làng Kỳ, bạn học với bà Xoan đấy, rủ mãi mới về đây làm. Bà ấy bây giờ hơi ngây ngây đấy, ai xin gì cho nấy, gặp ai cũng tâm sự. Nhưng tốt lắm!

- Thế sao chị ấy chẳng về nhà không hơn ư? - Hà, người yêu tôi hỏi.
 
Ơ, cái cô này, ê chề thế chưa đủ ư? Mà bà Xuân chết rồi, hình như tháng sáu năm ngoái, năm kia gì ấy. Chị Xoan sang đây chả ngót chục năm rồi ư. Ông Toan với vợ con cũng về đến hai năm rồi. Có lẽ họ quên chị ấy rồi cũng nên. Hoặc giả họ làm ra vẻ như thế. Hồi Tết anh về phép, chả ai hỏi chị ấy một câu. Mà bây giờ ở chỗ làng anh khác trước lắm. Ga Giáp Bát giờ thành ga đón khách phía Nam. Nhà ông Toan có cửa hàng to ra phết ở gần bến xe. Nghe đâu buôn bán vật liệu xây dựng thì phải. Đầm Linh Đàm đang được quy hoạch lại thành khu đô thị, xem ra quy mô lắm. Gớm, con gái làng anh bây giờ nó lại chả bẻ giò cả lũ đàn ông chứ. Chao ôi, hai chục năm, không, không gần hai chục năm thôi, biết bao nhiêu là thay đổi. Tội nghiệp chị Xoan, sai một ly mà đi một đời xuân sắc!...

Bẵng đi một thời gian, có lẽ đến nửa năm ấy, chúng tôi không lên Mat. Sau cái đận "tháng tám chín tám", hàng hóa cũng chán lắm. Hàng thì vẫn bán túc tắc được, nhưng chết là ở chỗ bán được ấy, nó cứ thun thút, thun thút đi đâu mất cả vốn lẫn lãi. Mùa hè chín chín này, mới hơi hơi túc tắc. Anh em tôi lại theo xe lên Mat, ăn hàng. Lại kéo nhau sang ốp hòng "làm hơi bún ốc cho đã thèm", nhưng nhà hàng đã đổi chủ, chủ mới không nấu bún ốc, chỉ có cơm bình dân. Chúng tôi cắm cúi ăn. Mọi người xung quanh cũng lặng lẽ ăn, thi thoảng mới có người nói chuyện khe khẽ, thầm thì.

Khi Hùng "nháy" sang phép tôi mới biết, thì ra anh chị Tuấn bán nhà hàng, gom góp tiền về Việt Nam. Họ đã xây nhà. "Thế còn chị Xoan?" - Tôi hỏi. - "À, mày còn nhớ ông Xeng cửu vạn, cái ông đen đen người Lào, sõi tiếng Việt, thi thoảng cửu5 cho tụi mình ấy? - "Nhớ, thì sao"?- "Thì ra ông ấy với và bà Xoan kết nhau. Sau họ về sống với nhau. Thấy bảo thương nhau lắm, chỉ phải tội nghèo. Mà hoá ra anh Xeng ấy lắm tài ra phết. Chị Xoan cứ như là hồi xuân ấy. Phải gọi là phơi phới nhé! Cũng mừng cho bà ấy mày ạ, long đong mãi rồi cũng tìm thấy bến của mình..."

Tình cờ hôm vừa rồi, ra sân bay tiễn một người bạn về nước. Tôi gặp anh chị Xoan. Chị nhận ra tôi ngay. "Chú lên Mát lâu chưa? Tiễn ai về nước ư? Thế cô Hà đâu?"- Em tiễn thằng bạn về Việt Nam chị à. Hà vừa chạy loanh quanh đâu đấy. Chị dạo này thế nào?". Chị khẽ kéo tay người đàn ông đi cùng. Trông anh có vẻ hơi ngượng ngùng. " Nhà chị đây này" - rồi chị quay sang phía người đàn ông - "anh Xeng à, đây là chú Hoan mà em hay kể chuyện với đó, người hay cho em cá khô ấy". Chúng tôi bắt tay nhau. Bàn tay anh to và thô, nhưng cái bắt tay thì chắc nịch và nóng ấm. Anh đen thật, đen bóng lên ấy. Gương mặt anh chẳng có nét gì đặc biệt, chỉ có cặp mắt to, đen lóng lánh, với hàng lông mi rủ dài, như mi con gái. Dường như thấy tôi nhìn chăm chú quá, chị đỏ bừng mặt, ánh mắt lóng lánh nâu, hai bàn tay cứ vặn mãi vào nhau, lúng túng:

- Cũng may có anh Xeng chú Hoan ạ, chị cũng chẳng mong gì hơn, có thể, chị sẽ có một đứa con, anh ấy muốn thế lắm! - giọng chị háo hức ngân lên.

- Thế bệnh của chị sao rồi?

- Chả có bệnh gì đâu, chú Hoan ạ, buồn mà thành thế thôi, em ạ. Bây giờ thì hết rồi.

Chợt nhìn thấy đống va ly bên cạnh chị, tôi hỏi:

- Thế anh chị đi đâu đây?

- Ô, may quá, đấy mừng húm, chị quên hết. Gặp chú Hoan, cho chị gửi lời chào cả cô Hà nữa nhé, anh chị về quê đây, là về Lào với anh ấy. Anh chị Tuấn có cho chị ít vốn, vả lại anh ấy cũng dành dụm được một ít nữa. Chú Hoan ạ, chị chẳng biết rồi sẽ ra sao, nhưng có anh ấy bên cạnh, chị yên tâm lắm.

Tôi im lặng nhìn chị, vậy đó, khi con người ta hạnh phúc, người ta đâu cần lo đến ngày mai. Từ nay chị sẽ yên tâm làm một người đàn bà, một người đàn bà thuần nhất và đơn giản như con người chị, bởi vì chị đã tìm thấy người đàn ông của mình.

Chợt có tiếng loa gọi khách cho chuyến bay Viêng chăn, tôi giục chị.

- Vào hết rồi, thôi, anh chị vào đây. Gặp em muộn quá, lại không gặp được Hà.

- Chúng em chúc anh chị hạnh phúc. Bọn em chắc đang còn ở Nga lâu, có gì, viết thư cho bọn em, chị Xoan nhé!

- Ừ, chị viết, chị đi đây! - Chị khóc, nước mắt lăn dài trên gương mặt vẫn còn bừng đỏ.

Tôi im lặng, vẩn vơ: "Ở bên Lào họ có biết ăn bún ốc không nhỉ? Mà chị ấy làm gì có đủ các thức mà nấu ?". Bóng anh chị đã mờ sau lớp kính phòng đợi, chị vẫn cố vẫy tay chào tôi. Tôi biết, chị muốn níu kéo một cái gì đó. Mặc dù chúng tôi chẳng phải là ruột thịt, nhưng chị đã quen yêu thương chúng tôi rồi! Ôi, giá mà tôi có thể kéo chùng thời gian lại, một chút, một chút thôi. Tôi quay đi, vì biết rằng mình cũng đang khóc. Khi chiếc cửa kính sau lưng tự động đóng lại, tôi thả bước mà thấy lòng hụt hẫng, trống trải quá...

Chợt có tiếng gọi. Tôi quay lại. Hà chạy qua đường về phía tôi. Nắng gió mùa hè làm mái tóc dài của em óng ánh bay. Có một nét gì đó, rất đỗi thiết tha nơi em. Tôi chợt nhận ra, cái nắng gắt gao và bầu trời xanh thăm thẳm hút mãi lên cao, xa xa sau những ngôi nhà, sau những vòm cây. Bỗng dưng tôi gào lên vô cớ: "Anh ở đây, anh ở đây! Hà ơi! ...".

Matxcơva,1999

---------

Chú thích

1 - Chỉ đồ ăn, hàng hoá từ Việt Nam chuyển sang.
2 - Thành phố cảng nổi tiếng của Nước Nga, có món cá khô rất ngon.
3 - Matxcơva
4 - Năm 1998 - một năm đầy biến động của nước Nga, nhất là việc mất giá của đồng Rúp Nga trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của Nga Kiều, và các cộng đồng người Việt trên các nước cộng hoà thuộc Liên xô cũ.
5 - Bốc vác
 
Viên phấn phù thủy - Abe, Kobo

Đây là truyên ngắn thứ ba trong chùm truyện ngắn Cái kén đỏ của Abe Kobo gồm 4 truyện, trong đó 3 truyện đầu được in trong tạp chí Con người (Ningen) số tháng 12 năm 1950. Hai truyện trước là Cái kén đỏ và Lụt lội.

Viên phấn phù thủy
Abe, Kobo
Có một họa sĩ nghèo tên Argon sống bên cạnh nhà xí trong một căn nhà thuê ở ngoại ô, xọp xẹp vì hơi nước nấu nướng và mưa dột.

Phòng nhỏ vuông vức mỗi bề chỉ có ba thước, nhưng lại rộng rãi không ngờ vì không có đồ đạc gì trừ một chiếc ghế kê ở sát tường. Bàn viết, kệ sách, hộp thuốc màu, kể cả khung họa đều đã bán sạch để đổi lấy bánh mì. Bây giờ chỉ còn lại một chiếc ghế và thằng Argon, hai cái đó thôi. Nhưng cả hai cái này, không biết còn lại đến chừng nào đây?

Sắp đến giờ ăn tối. Argon nghĩ: “Sao cái lỗ mũi nó nhạy cảm quá chừng”. Argon có thể chia những mùi vị hỗn hợp phức tạp thành ra xa gần, sắc thái khác nhau để ngửi. Ôi, màu vàng như hoàng thổ của miếng thịt heo nhúng dầu ở tiệm thịt bên đường xe điện. Ngọn gió phương nam màu xanh như ngọc bích thổi qua trước tiệm trái cây. Màu vàng crôm đầy ấn tượng từ tiệm bánh mì đưa đến. Bà cô phía dưới đang nướng một con cá, có lẽ đó là con cá thu có màu xanh cây tần buồn bã.

Ờ, từ sáng đến giờ Argon chưa ăn gì hết.

Mặt mày xanh, trán nhăn nheo, cục yết hầu lên lên xuống xuống, lưng khòm, bụng thóp, đầu gối run run.

Argon đút hai tay vô túi, liên tiếp ngáp ba lần thối hoăng.

Có cái gì giống như một miếng cây gãy đụng đầu ngón tay. Hả, cái gì đây. À, một viên phấn đỏ. Không nhớ ra được đấy. Hắn bóp nhẹ viên phấn giữa những ngón tay, rồi lại ngáp to một lần nữa. Ôi trời ơi, đói bụng quá.

Vô tình, Argon lơ đãng lấy viên phấn ra bắt đầu vẽ bậy bạ lên tường. Trước hết vẽ hình trái táo. Lớn lắm, ăn một trái cũng đủ no. Cạnh đó là một con dao nhỏ để có thể gọt táo ăn liền. Nuốt nước miếng đánh ực, tiếp theo liền vẽ hình bánh mì theo cảm hứng từ mùi ở cửa sổ và hành lang thoảng vào. Bánh nhân mứt giống cái găng bóng chày, bánh mì cuốn trộn bơ, rồi bánh mì Mỹ lớn cỡ đầu người. Vỏ bánh hơi khét, bóng láng hiện ra trước mắt. Những lằn nứt ngon lành, bụng bánh căng phồng vỡ ra, mùi men bánh dậy lên say sưa. Tiện thể vẽ luôn kế bên một cục bơ lớn cỡ viên ngói. Thôi vẽ luôn cốc cà phê cho rồi. Vừa mới lọc, còn bốc khói nóng ấm. Một cái cốc to như cái bình. Đĩa lót đựng ba cục đường lớn cỡ hộp diêm.
 
Ối, trời ơi, hắn nghiến răng rồi lấy hai tay bụm mặt. Sao mà đói bụng làm vậy!

Lần lần ý thức của hắn đi sâu vào trong vùng âm u, hắn chạy lòng vòng trong cánh rừng bánh mì bên kia tấm gương, qua ngọn núi đồ hộp, đến vùng biển đầy sữa, trên bãi cát toàn bằng đường, vào vườn cây trái đầy thịt bò và pho mát… hắn mệt, lim dim buồn ngủ.

Tiếng một vật gì đó nằng nặng rớt xuống sàn nhà, tiếng đồ sành vỡ tan làm hắn mở mắt ra. Trời đã tối, tối om om. Việc gì vậy? Hắn nén thở đưa mắt nhìn về phía có tiếng động. Cái cốc to bị vỡ. Chỗ đó có nước đổ, còn đang bốc hơi, đúng là cà phê. Ngoài ra xung quanh đó còn có táo, bánh mì, bơ, đường thỏi, thìa, dao, đĩa lót, may quá chưa vỡ. Và như thế, hình phấn vẽ trên tường đã biến mất.

Thật sao,... máu huyết trong toàn thân bỗng thức dậy, kêu lên, Argon nhẹ bước đến gần. Làm gì có chuyện đó, làm gì có chuyện đó, chuyện như thế này làm gì có được. Nhưng, đây này, thật đấy phải không? Mùi cà phê sực mũi này có chỗ nào là giả đâu. Đây, cái cảm giác của ngón tay trượt trên vỏ bánh mì đây. Liều thử đi, ôi, cái cảm giác ngon miệng này. Argon ơi, vậy mà mày cũng nói là không tin nổi à.

- Ờ, chuyện thực mà. Tin chớ. Nhưng sợ quá, sợ điều mình tin.

Dẫu có sợ đi nữa, đây cũng là chuyện thực kia mà. Ăn được đấy chớ.

Táo có vị táo (táo ở vùng có tuyết). Bánh mì có vị của bánh mì (bột mì của Mỹ). Bơ có vị bơ (đúng với nhãn hiệu trên giấy gói, không phải là margarin). Đường có vị đường (ngọt lắm). Ư... ừ. Toàn là vị thật. Con dao sáng choang, soi thấy mặt.

Lúc để ý thì đã ăn xong hồi nào không biết, Argon thở phào. Nhưng tại sao lại nhẹ nhõm được như vậy, nghĩ đến điều ấy, bỗng nhiên Argon cuống quít lên. Hắn cầm cục phấn đỏ lúc nãy lên tay, ngó đi ngó lại. Dẫu có nhìn bao nhiêu lần đi nữa, chuyện không biết cũng vẫn là không biết. Nếu muốn xác định thì cứ làm thử một lần nữa xem sao. Làm lại lần thứ hai nếu thành công, thì phải nói đó là sự thực. Muốn vẽ thử một cái gì khác hơn, nhưng vì cuống quít nên Argon lại quen tay vẽ trái táo một lần nữa... Vừa vẽ xong, trái táo đã vọt khỏi bức tường, lăn xuống đất. Đúng rồi. Đây là sự thực có thể lặp đi lặp lại.

Sự mừng rỡ đến đột ngột làm Argon cứng toàn thân. Những đầu thần kinh phá vỡ làn da, rơi đầy trong không gian, kêu lên xào xạc như tiếng lá rơi. Rồi mọi sự bỗng chùng lại, Argon ngồi bẹp xuống sàn nhà, ngoác miệng ra cười như cá cảnh bị thiếu hơi. Những nguyên lý của vũ trụ đã thay đổi. Số mệnh đổi dời, những điều bất hạnh đã qua. Ờ... ờ, thời đại của no ấm, thế giới của mong muốn trở thành hiện thực. Trời Phật ơi, con lại buồn ngủ rồi đây.

Thế thì vẽ cái giường đi. Bây giờ viên phấn là vật quý trọng ngang với sinh mệnh, cái gọi là giường - bụng no thì nhất định cần nó - và vì có hao tốn gì đâu nên cần gì phải hà tiện. Ô... ôi, không thể nào tả xiết giấc ngủ hạnh phúc đầu tiên trong đời. Một bên mắt đã ngủ liền, nhưng bên kia không dễ dàng ngủ được. Vì cứ so với sự thỏa mãn của ngày hôm nay, thì ngày mai chưa biết có được như vậy nữa không. Nhưng con mắt bên kia đó, cuối cùng cũng ngủ mất. Trọn đêm Argon thấy toàn những giấc mơ màu mè lộn xộn qua hai con mắt không ăn khớp này.
 
Và như vậy, buổi sáng đầy lo lắng của hôm sau đã đến.

Trong giấc mơ, bị thú dữ đuổi bắt, từ trên cầu rơi xuống. Từ trên giường rơi xuống... không, không phải vậy. Khi mở mắt, không thấy có cái giường nào hết. Vẫn như mọi ngày, vỏn vẹn ở đây chỉ có một chiếc ghế như đã nói. Vậy thì, chuyện đêm qua ra sao? Argon nơm nớp nhìn quanh bức tường, lắc đầu.

Ở đó có một cái cốc (nhưng lại bị vỡ!), có thìa, có dao, lại còn có cùi dìa, vỏ táo và hình giấy bọc bơ vẽ bằng phấn đỏ. Dưới đó là cái giường, hình của cái giường mà Argon vẽ đã rơi từ đó xuống.

Như vậy, trong những thứ đã vẽ ra đêm qua, chỉ những thứ không ăn được là lại trở lại nguyên dạng hình vẽ trên tường. Bất ngờ hắn cảm thấy đau ở lưng và vai. Nếu thật sự bị rơi từ giường xuống thì sẽ có cảm giác đau như thế này. Khi đưa tay nhẹ sờ tấm nệm ngủ phủ nhăn trên giường, hắn cảm thấy nó có độ ấm vừa đủ để phân biệt được với những phần lạnh lẽo ở chỗ khác.

Lấy ngón tay chùi hình lưỡi dao, nó biến mất đi không có một lực cản, chỉ để lại vết dơ, đúng đây chỉ là những nét phấn. Thử vẽ một trái táo mới xem sao. Nhưng nó đã không thành trái táo thật, không lăn xuống đất, cũng không muốn tróc ra như mảnh giấy bị dán. Khi đưa tay xóa, nó chỉ biến mất, để lộ ra mặt tường y như cũ dưới lòng bàn tay đang xóa.

Niềm hân hoan, chẳng qua chỉ là giấc mộng của một đêm. Tất cả đã hết, đã trở lại y như lúc chưa có gì xảy ra. Thật như vậy không? Không, sự đau xót đã trở lại lớn gấp năm lần. Và bụng đói cũng hành hạ gấp năm lần. Chắc có lẽ đồ ăn ở trong bụng đã trở lại thành bột phấn và các thành phần của bức tường rồi.

Đến vòi nước công cộng, Argon lấy tay bụm nước, uống liên tiếp đến cả lít, rồi hắn lê chân đi ra ngoài phố buồn còn chìm trong sương mù, trời chưa sáng hẳn. Hắn khum lưng xuống rãnh nước thải từ nhà bếp của một tiệm ăn cách đó khoảng một trăm thước. Hắn đưa tay thò vô dòng nước đen thui rin rít, kéo lên một cái gì đó. Miếng lưới đã thành ra cái rổ. Đem ra rửa ở dòng sông gần đó, thấy có nhiều thứ còn ăn được. Trong đó, gần phân nửa là những thứ giống như cơm, ăn cũng đỡ đói bụng. Gần đây hắn nghe lão già ở nhà trọ nói, cứ đặt một mảnh lưới ở rãnh nước đó trong một ngày thì sẽ kiếm được cái ăn cho một bữa. Khoảng một tháng trước đó, lão già này đã được thăng tiến lên một vị trí cho phép lão mua xác đậu phụ đủ phần mình nên đã nhường lại rãnh nước thải của tiệm ăn cho hắn.

Nghĩ đến bữa cơm ngon hôm qua, những thức này sao hôi mùi bùn quá, chẳng ngon chút nào. Nhưng nó không phải là đồ phù thủy, trên thực tế, nó cũng làm no bụng, mà làm no bụng là việc quan trọng bậc nhất nên không thể từ chối được. Dẫu đồ ăn dở đến nỗi mỗi một lần nuốt vô họng là mỗi một lần phải ý thức đến nó, nhưng vẫn phải ăn. Cái gọi là hiện thực là như thế này đây.

Trước trưa một chút, hắn đi ra phố, ghé qua chỗ người bạn đang đi ra ngân hàng. Người bạn gượng cười, nói: “Hôm nay đến phiên tao mua à”. Argon gật đầu với vẻ mặt lơ ngơ cứng nhắc, hắn nhận nửa phần cơm hộp như mọi lúc, tự động cúi đầu thấp xuống, với nguyên tư thế đó, hắn đi ra ngoài.

Argon suy nghĩ cả nửa ngày trời.

Hắn dựa lưng vô ghế, tay nắm chặt viên phấn, chìm đắm trong không tưởng về chuyện pháp thuật. Dần dần, hy vọng bắt đầu kết tinh xung quanh mong ước mãnh liệt đó, rồi một lần nữa khi gần hoàng hôn, vừa lúc mặt trời lặn, có thể pháp thuật kia lại bắt đầu có hiệu lực cũng chưa biết chừng. Điều phỏng đoán đó hầu như đã biến thành sự tin tưởng.

Tiếng radio ồn ào đâu đó báo hiệu đã đến năm giờ. Hắn đứng dậy vẽ lên tường hình bánh mì, bơ, hộp cá mòi, thêm vào đó là cà phê. Hắn cũng không quên vẽ thêm cái bàn ở dưới đó, để không phải bị rơi vỡ như tối hôm qua. Rồi ngồi chờ.

Chẳng bao lâu, từ góc phòng, màn đêm bắt đầu bò lên dọc bức tường. Hắn bật đèn lên vì muốn nhìn kỹ quá trình pháp thuật diễn ra. Đêm qua hắn đã xác nhận rằng ánh đèn thực ra là không gây hại gì cho pháp thuật.

Mặt trời lặn. Hình vẽ trên bức tường bắt đầu nhạt dần như ảo giác của mắt. Giữa bức tường và mắt hình như có sương mù. Hình vẽ trên bức tường càng lúc càng nhạt ra, sương mù càng lúc càng đậm dần. Cuối cùng sương mù đông đặc lại và chợt biến thành hình dáng của vật thể, (thành công rồi!) bất ngờ thật, nội dung của hình vẽ đang thể hiện ra đây.

Cà phê bốc hơi nóng tròn tròn ngon lành quá. Bánh mì vừa nướng còn nóng hổi. Ối chà, quên dụng cụ mở hộp rồi. Vừa vẽ vừa đưa tay trái ra giữ cho chúng khỏi rơi, những thực thể từ mép hình vẽ hiện ra dần. Đúng là vẽ ra vật.

Bỗng vấp phải một vật gì đó. À, cái giường tối hôm qua, lại thế à. Trên đó có con dao chỉ có cán (vì chỗ lưỡi dao đã bị xóa bằng ngón tay mất rồi), miếng giấy bao bơ và cái cốc vỡ nằm lăn ra đó.
 
Khi bụng đói đã được tọng đầy, Argon lên giường nằm, hừ, từ rày phải làm sao đây, điều biết được rõ ràng bây giờ là pháp thuật không có hiệu lực trước ánh sáng mặt trời, mai lại phải chịu khổ. Không có cách nào dễ dàng thoát khỏi cái khổ này sao? Bất ngờ hắn nghĩ ra, một cách hay: bịt cửa sổ lại, nhốt tất cả vào bóng tối.

Cần một chút đỉnh tiền để thực hiện kế hoạch này. Cần một vật để che mặt trời, nhưng điều lại không bị biến mất trước ánh sáng mặt trời. Nhưng vẽ đồng tiền thì hơi khó đấy. Được rồi, khôn ra một chút coi, ờ, một cái ví đầy tiền... Mở ra thử coi, ồ sướng quá, hình như giấy bạc đầy ắp trong ví nhiều, nhiều hơn mức cần thiết.

Giấy bạc này ban ngày biến mất, giống như những tiền đồng bằng lá cây, nhưng nó không để lại dấu vết nào như lá cây cho nên không có gì phải lo. Dẫu vậy, cần phải cẩn thận một chút, hắn cố tình đi ra hàng phố thật xa, mua hai tấm mền dày, năm tấm giấy chỉ len đen, một tấm nỉ, một hộp đinh, bốn cây gỗ vuông năm phân. Lại mua một tập sách “Thực phẩm toàn thư” mà hắn đã để ý ở tiệm sách giữa đường. Hắn uống cà phê với số tiền còn dư lại. Cà phê này cũng chẳng có gì đặc biệt hơn so với cốc cà phê hắn đã vẽ ra từ bức tường. (Chẳng biết sao) điều đó làm hắn đắc chí. Sau cùng hắn mua báo, về nhà.

Trước hết, hắn đóng đinh cánh cửa, rồi dán hai tấm giấy chỉ len và một cái mền lên, bít cửa sổ bằng những vật còn lại, lấy gỗ vuông đóng ở mép xung quanh. Cùng với cảm giác an toàn, độ nặng của cảm giác vĩnh hằng chụp lên, Argon mất dần ý thức, gục đầu lên giường, ngủ dài.

Cơn buồn ngủ không át được nỗi hoan hỉ, cũng không làm tan biến được nó. Khi thức giấc, hắn cảm thấy như có những lò xo bằng thép cứng đặt đầy trong thân thể, chúng cứ nhảy tung lên không làm sao cưỡng được. Ngày tháng mới, thời gian mới... ngày mai được bao phủ bằng sương mù lóng lánh tạo ra bởi những hạt bụi hoàng kim, rồi ngày mai sau đó, những ngày mai nhiều đến độ không ôm xuể, đang chờ đón hắn không một chút lưỡng lự. Argon nở nụ cười khó nén trên mặt với vẻ hạnh phúc. Giờ đây, khoảnh khắc này đúng là thời khắc huy hoàng, tất cả mọi vật đang chờ bàn tay của hắn tạo ra, với mọi khả năng, mà không bị một vật gì ngăn chống. Nhưng, dưới đáy sâu, sao lại có một nỗi buồn man mác vậy? Có lẽ đây chính là nỗi bi ai mà Thượng đế đã cảm thấy trước giờ phúc tạo thiên lập địa. Bên cạnh những bắp thịt hân hoan, có những bắp thịt nhỏ hơi run rẩy, sợ sệt.

Argon vẽ một đồng hồ treo to. Với bàn tay run run, hắn quay kim cho chỉ đúng mười hai giờ, khoảnh khắc đó đã định thời điểm bắt đầu một bản lịch vận mệnh mới. Cảm thấy hơi ngột ngạt, hắn vẽ một cánh cửa sổ trên vách tường tiếp diện với hành lang. Ủa, sao lạ vậy. Cánh cửa sổ vẫn chỉ là một cái hình, đợi đến bao lâu đi nữa cũng không trở thành cửa sổ thật. Sau một lúc bối rối, hắn liền để ý rằng cánh cửa sổ vì không có “bên ngoài”, nghĩa là không có đủ điều kiện để thành cửa sổ nên không lấy được cái thực thể của mình. Vậy thì vẽ phần bên ngoài đi. Phong cảnh như thế nào mới được đây? Vẽ hình núi Alpes hay hình biển Neaples, phong cảnh đồng quê êm ả cũng được chứ, cảnh rừng nguyên thủy vùng Siberia cũng thú vị đấy... Những phong cảnh đẹp đẽ đã thấy trong những tờ bướm hướng dẫn du lịch hoặc trong những bưu tín, chập chờn trước mắt. Nhưng phải lựa trong đó ra một cái, chỉ lựa được một nên khó quyết định quá. Ừ, khôn hơn là nên để dành cái vui lại sau; hắn vẽ whisky và pho mát, để vừa nhâm nhi vừa chậm rãi nghĩ ngợi.

Nhưng càng nghĩ lại càng không biết phải làm sao. Hình như chuyện này không phải là chuyện dễ. Những cái mình vẽ từ trước đến giờ không chừng hoành tráng hơn tất cả mọi thứ mà nhân loại đã vẽ thử xưa nay. Ừ đúng rồi, nghĩ kỹ lại nào, nếu chỉ vẽ những vật như biển, núi, sông ngòi, vườn tược để làm vui mắt thì không được. Tỉ dụ như vẽ một ngọn núi. Nhưng ngọn núi mình vẽ ở đây không đơn thuần là một ngọn núi. Phía bên kia của ngọn núi đó ra sao? Có làng xóm, có biển, có sa mạc hay không? Có những người như thế nào, có những con vật nào sống ở đó? Ngẫu nhiên tôi sẽ quyết định hết những việc này. Chuyện như vậy làm sao phó mặc cho ngẫu nhiên được. Ờ, không nên sơ suất trong việc cho cửa sổ một không gian bên ngoài. Mình phải vẽ một bức tranh chưa có người nào vẽ.

Argon trầm ngâm suy nghĩ.

Tuần lễ đầu tiên, hắn đã sống qua những ngày phiền muộn cố tìm cách thiết kế một thế giới đầy tính bao la vô cực. Khung họa lại xếp hàng trong phòng, mùi thuốc màu nồng nặc. Mấy mươi bản vẽ nháp chồng chất lên nhau. Nhưng càng nghĩ thì vấn đề càng trở thành rộng ra, cuối cùng như vượt quá tầm tay của hắn. Thôi, cứ để mặc cho ngẫu nhiên. Nhưng, ơ kìa, việc thế giới mới lọt được vô trong tay mình với bao nhọc nhằn sẽ trở thành vô ý nghĩa. Nếu chỉ nắm chính xác tính tất nhiên của một phần sự thật, thì mâu thuẫn tương hỗ lẫn nhau giữa những sự thật sau cùng sẽ kéo hắn trở về thế giới quá khứ, nhất định sẽ đưa hắn vào chỗ đói khổ. Lại nữa, viên phấn cũng có tuổi thọ của nó. Phải nắm vững thế giới chứ.
 
Tuần lễ kế đến cũng đã vụt qua cùng với rượu và việc ăn uống no đủ.

Tuần thứ ba lại trôi đi trong sự tuyệt vọng như điên cuồng. Những khung họa lại đầy bụi, mùi dầu cũng nhợt nhạt ra.

Tuần thứ tư... Argon cuối cùng đã quyết định. Quyết định đó hầu như là kết quả của những thất vọng tràn trề. Không thể nào đợi mãi được nữa. Để trốn trách nhiệm phải vẽ cho cửa sổ một phong cảnh bên ngoài bằng chính tay mình, hắn thử làm một cuộc đại mạo hiểm phó mặc vạn sự cho ngẫu nhiên. Hắn vẽ cánh cửa lên tường, rồi nghĩ tùy theo phong cảnh bên ngoài cánh cửa mà quyết định. Cho dầu có thất bại lớn lao đi nữa, tỉ dụ như có giống y như phong cảnh của căn phòng mướn trước đây, điều đó còn tốt hơn nhiều so với việc bị thúc đẩy bởi trách nhiệm phải làm nên phong cảnh bên ngoài cửa sổ. Sao cũng được, chạy trốn là xong.

Đã lâu lắm, Argon mới mặc lại áo khoác. Vì đây là nghi lễ quyết định thế giới, nên cũng không thể nói là quá đáng. Với nét tay cứng quèo, hắn đưa viên phấn vận mệnh xuống. Hình cánh cửa... Hắn thở hổn hển. Làm sao tránh được. Dẫu sao đi nữa, kỳ vọng lớn lao nhất có thể đặt lên con người có lẽ là điều mong muốn người đó nhìn ra bên ngoài một cánh cửa chưa một lần biết tới. Nơi đó, bù lại, có thể là sự chết chóc đang rình rập cũng chưa biết chừng.

Tay nắm ổ khóa. Lùi lại một bước, hắn mở cửa ra.

Ai đó đã thọt thuốc nổ vào trong con mắt. Nổ tung ra... một hồi sau, hắn sợ sệt mở mắt ra, thấy có một cánh đồng rộng lấp lánh trong ánh mặt trời ban trưa, thật khủng khiếp. Nhìn khắp nơi, ngoài đường chân trời, không có một hình bóng nào khác. Bầu trời thấy như đen ra vì không có một cụm mây nào. Làn gió nóng hổi khô khan thổi qua rải đầy bụi cát. Trời ơi, đường chân trời được vẽ ra chỉ để định khung, nhưng chính nó đã trở thành phong cảnh mất rồi. Hà... à...

Viên phấn rốt cuộc không giải quyết được việc gì cả. Thế là phải làm lại tất cả từ đầu. Vẽ núi, vẽ nước, vẽ mây, vẽ cây cỏ, vẽ chim, vẽ thú, vẽ cá v.v... phải vẽ tất cả cho cánh đồng rộng này. Hơn nữa lại còn phải vẽ thế giới lại một lần nữa. Argon ta chán nản ngã mình lên giường. Nước mắt từ từ trào ra không dứt.

Có tiếng kêu rột trong túi. Tờ báo mua trong đêm đầu tiên bỏ quên không đọc.

Dòng chữ lớn ở trang nhất có tựa đề “Vượt qua vĩ tuyến 38!”. Trang hai có hình hoa hậu Nhật Bản lớn hơn cả lời tựa ở trang nhất. Dưới đó có hàng chữ nhỏ “Hỗn loạn ở phòng tìm việc khu N.”, “Phần lớn công nhân bị mất việc ở công xưởng U”.

Argon nhìn chòng chọc lên hình hoa hậu Nhật Bản phân nửa như trần truồng. Nói sao đây, nỗi nhớ về nguồn mãnh liệt đó, nói sao đây cái thân thể này, thịt da như bằng thủy tinh. Ở đây có một chuyện đã bị quên đi mất rồi. Còn những chuyện khác, có sao cũng được. Đây là lúc mà mọi chuyện phải bắt đầu từ Adam và Eva. Ờ, phải rồi, Eva, vẽ Eva đi chứ.

Mười phút sau, một Eva lõa thể đứng trước mặt Argon. Eva hoảng hốt nhìn xung quanh.

- Hả, ai đó? Tôi, sao lại như thế này. Trời, tôi trần truồng à.

- Tôi, Adam đây. Cô là Eva đấy.

Argon đỏ mặt, tỏ vẻ xấu hổ.

- Tôi là Eva à. Hèn gì, trần truồng phải không. Nhưng tại sao anh lại mặc quần áo? Adam mà mặc quần áo thì kỳ quá.

Bỗng cô đổi giọng.

- Đồ nói láo! Tôi nào phải Eva đâu. Tôi là hoa hậu Nhật Bản kia mà.

- Cô là Eva. Thật sự là Eva đó.

- Gọi là Adam sao lại sống trong căn phòng mướn dơ dáy như thế này, lại mặc quần áo, làm sao mà tin được. Nè, trả lại quần áo cho tôi, mau lên. Lạ thật, tại sao tôi lại phải ở một chỗ như thế này. Từ bây giờ tôi phải đi làm người mẫu, trình diễn đặc biệt cho buổi thi ảnh kia mà.

- Làm sao giải thích cho cô đây. Cô tưởng lầm rồi đấy. Cô thật sự là Eva đấy.

- Cứng đầu thật. Vậy trái táo trí tuệ ở đâu nào? Vườn địa đàng ở đâu? Hả? Đừng có giễu. Thôi mau trả lại áo quần cho tôi đi.

- Thôi thôi, cứ nghe lời tôi đi. Ngồi xuống đây. Mọi chuyện đều từ đây... Này, có muốn ăn gì không?

- Ăn chứ. Nhưng trả lại quần áo cho tôi mau đi. Thân thể tôi cao giá lắm đó.

- Ăn cái gì đây? Trong tập “Thực phẩm toàn tập” này, cứ lựa món nào cô thích.

- Ồ, không ngờ, thật à? Kẻ ở trong căn phòng thuê dơ dáy như thế này sao lại giàu có quá vậy. Tôi lầm à. Có lẽ anh là Adam thật đấy. Nghề gì vậy? Ăn cướp hả?

- Không, tôi là Adam đây, Adam, kiêm họa sĩ, kiêm nghề thiết kế thế giới.

- Nghe mà cũng không hiểu gì hết.

- Tôi cũng không hiểu. Cho nên đang tuyệt vọng đây.

Vừa nói thế, Argon nhanh nhẹn vẽ ra những món ăn. Nhìn các món ăn, Eva la lên:

- Ồ, đáng sợ, đáng sợ thật. Vườn địa đàng thật. Tin. Viên phấn đó cho ra được bất cứ cái gì như vậy à? Sướng không chịu được. Được rồi, tôi thành Eva đó. Nghĩa là thành Eva cũng được nghen. Tụi mình chắc chắn sẽ trở thành nhà giàu đấy.

- Eva của tôi ơi. Vậy thì nghe đây.

Rồi Argon kể lại mọi chuyện từ đầu đến cuối, sau cùng nói thêm:

- ... Câu chuyện là như vậy đó; với sự hiệp lực của cô, tôi sẽ cùng với cô thiết kế thế giới. Tiền bạc không thành vấn đề. Chúng mình phải làm tất cả từ đầu.

Hoa hậu Nhật Bản nói với gương mặt dửng dưng:

- Hả, tiền bạc không thành vấn đề à? Không hiểu được. Không hiểu được. Tuyệt nhiên không hiểu được.

- Nếu nói vậy thì cô cứ nhìn phong cảnh ngoài cửa này đi.

Cô ta liếc nhìn cánh cửa Argon hé mở, nói:

- Ồ, không thích đâu.

Cô đóng sầm cửa lại, nhìn trừng trừng vô mặt Argon, rồi đưa tay chỉ cánh cửa thật sự có mền phủ kín.

- Vậy, cánh cửa này thì sao... khác phải không?

- Không nên. Đằng đó không được. Thế giới sẽ tiêu mất hết. Thức ăn này, cái bàn kia, cái giường đó, và chính cô nữa. Cô bây giờ là Eva của thế giới mới. Chúng ta phải là cha và mẹ của thế giới.

- Ồ, không. Tôi tuyệt đối theo chủ nghĩa hạn chế sinh đẻ kia mà. Phiền toái lắm đấy. Vả lại tôi cũng không biến mất đi đâu cả.

- Chắc chắn là bị biến mất đó.

- Nhất định không bị biến mất. Chuyện mình mình biết rõ nhất. Tôi là tôi, làm sao mà biến mất được, ông này sao nói chuyện gì kỳ quá vậy.

- Eva của tôi ơi, em không biết đó thôi. Nếu không tạo lại thế giới, rốt cuộc chỉ có nghèo đói đợi tụi mình thôi.

- Thôi đi, mới kêu “cô” bỗng sửa thành “em” rồi đó. Dẫu sao đi nữa, cũng đừng làm phật lòng tôi chứ. Tôi sẽ bị chết đói hả? Đáng kinh ngạc thật. Thân thể tôi giá cao lắm đấy.

- Không, thân thể của em giống như viên phấn của tôi đây. Nếu không chiếm được thế giới, cuối cùng chỉ có sự tồn tại của hư không. Giống như không có gì hết.

- Không hiểu gì hết. Nói nhiều lắm cũng vô ích. Thôi trả quần áo cho tôi nhanh lên. Tôi đi về đây. Nghĩ sao đi nữa, chuyện tôi ở đây thật là kỳ lạ. Không thể có chuyện ở đây được. Đúng là anh có sức mạnh đáng nể thật. Thôi nhanh lên. Chắc là ông bầu của tôi đang trông chờ mệt mỏi đó. Nhưng đôi lúc tôi sẽ đến đây để trở thành Eva của anh cũng được. Lúc đó hãy dùng viên phấn vẽ ra những gì tôi muốn nghen.

- Tầm phào! Làm sao mà có chuyện đó được.

Trước giọng nói bỗng nhiên gắt gỏng ra của Argon, Eva hoảng hốt nhìn mắt hắn. Hai người gay gắt nhìn nhau, im lặng một hồi lâu. Rồi không biết đã nghĩ đến chuyện gì, Eva nói với giọng nhẹ nhàng:

- Được rồi, tôi ở đây mãi cũng được. Thay vào đó, có một điều kiện, nghe không?

- Chuyện gì. Nếu em nói sẽ thực sự ở đây mãi với tôi, chuyện gì tôi cũng nghe hết.

- Em muốn phân nửa viên phấn của anh.

- Việc gì chớ việc đó không được. Em có biết vẽ đâu, phải không? Không vẽ được thì không ra cái chuyện gì hết.

- Vẽ được chứ. Em coi vậy chứ ngày xưa là người vẽ mẫu đấy. Em còn tuyệt đối chủ trương nam nữ bình quyền nữa.
 
rong nháy mắt Argon đã lắc đầu, nhưng liền sửa lại tư thế, nói thẳng ra:

- Được rồi. Anh tin em.

Rồi hắn cẩn thận bẻ viên phấn làm phân nửa, đưa cho Eva một phần. Eva nhận lấy liền quay sang phía bức tường bắt đầu vẽ một cái gì đó.

Một cây súng lục.

- Thôi thôi. Cái vật đó để làm gì vậy?

- Chết... Tạo ra cái chết. Để tạo ra thế giới, thì trước hết, việc phân biệt đâu ra đó là điều quan trọng phải không?

- Không được. Như vậy thì mọi chuyện chấm dứt mất. Thôi, thôi. Cái này là cái không cần nhất đó.

Nhưng mọi việc đã trễ, Eva đã nắm trong tay cây súng lục nhỏ. Eva nâng cây súng lên, nhắm đúng ngực Argon.

- Cục cựa là tôi bắn đó. Đưa tay lên, anh Adam ngu ngốc ơi, bộ anh không biết câu “thề thốt là khởi đầu của nói láo” sao. Chính anh đã xúi tôi nói láo đó.

- Ôi, lại vẽ cái gì vậy.

- Cái búa. Để đập vỡ cánh cửa chứ.

- Không được đâu.

- Cục cựa là tôi bắn đó.

Argon nhào tới, cùng lúc đó có tiếng súng nổ. Argon ôm ngực, quỵ gối xuống, ngã xuống sàn nhà. Kỳ lạ thay, không có máu chảy.

- Anh Adam ngu ngốc ơi.

Eva cười. Rồi vung cái búa lên đập cánh cửa.

Chợt ánh sáng từ ngoài xuyên vào. Không mạnh lắm, nhưng đó là ánh sáng thực sự. Ánh sáng từ mặt trời đến. Thân thể của Eva bị hút đi trong chớp mắt như một làn sương. Bàn, giường, đồ ăn Tây mất hết. Trừ Argon, quyển “Thực phẩm toàn tập” và chiếc ghế ra, tất cả đã trở lại thành những bức tranh trên tường.

Argon lảo đảo đứng lên. Vết thương trên ngực đã lành. Nhưng có một cái gì đó mời mọc hắn mạnh hơn cả tử thần, lôi kéo hắn. Bức tường. Bức tường gọi hắn. Trong vòng bốn tuần lễ hắn đã liên tục ăn toàn những bức tranh của bức tường nên thân thể của hắn hầu như đã được các thành phần của những bức tranh trên tường thay thế mất rồi. Không thể nào chống cự nữa. Argon loạng choạng đi về phía bức tường, rồi như nằm trùng lên hình vẽ Eva và bị hút vào trong bức tường.

Khi những người cùng sống trong dãy nhà thuê chạy đến vì nghe tiếng súng và tiếng đập phá cửa, Argon đã hoàn toàn bị dán vào bức tường và trở thành bức tranh. Ngoài chiếc ghế và cuốn “Thực phẩm toàn tập” ra, mọi người chỉ có thể thấy những lằn vẽ nguệch ngoạc trên bức tường. Nhìn Argon thành tranh vẽ nằm chồng lên Eva, có người nói:

- Anh thợ vẽ chắc khao khát đàn bà lắm nhỉ.

Người khác lại nói:

- Cậu Argon vẽ giống thật quá.

Ông quản lý dãy nhà thuê lầm bầm nói một mình:

- Thằng này làm chuyện láo quá. Phá cả cánh cửa. Lại còn vẽ nguệch ngoạc lên tường. Không thể bỏ qua được. Mà không biết nó biến đi đâu mất rồi? Cái thằng thợ vẽ rẽ tiền đó.

Sau khi mọi người đi ra hết, trong bức tường nghe có tiếng thì thầm:

- Kẻ tạo lại thế giới không phải là viên phấn.

Rồi ở trên bức tường nhỏ ra một giọt nước. Giọt nước đó rơi từ chỗ con mắt của bức tranh mà Argon đã biến thành.

Lê Ngọc Thảo dịch từ nguyên tác tiếng Nhật

Nguồn: Tạp chí Ningen, tháng 12 năm 1950 (năm Shôwa 25)
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Back
Top