• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

1001 CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG!!!

Status
Không mở trả lời sau này.
Làm đẹp cho nhau

Có một câu chuyện được kể như sau: Một người kia có hai chiếc thùng lớn để gánh nước. Một trong hai chiếc thùng ấy bị thủng. Vì thế, khi gánh từ giếng về, nước trong thùng chỉ còn một nửa. Chiếc thùng còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc thùng bị thủng cứ luôn áy náy vì đã không chu toàn nhiệm vụ. Một ngày kia, chiếc thùng bị thủng mới thưa với ông chủ:

- Tôi thật sự xấu hổ về mình, tôi muốn xin lỗi ông!

Ông chủ ngạc nhiên hỏi lại:

- Nhưng ngươi xấu hổ về chuyện gì?

Chiếc thùng buồn bã trả lời:

- Chỉ vì cái lỗ thủng trên thân tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông!

Ðến đây thì ông chủ ôn tồn bảo:

- Không đâu, ngươi cứ yên tâm. Mỗi khi đi từ giếng về nhà, ngươi hãy chú ý nhìn xem những luống hoa bên vệ đường.

Qủa thật, dọc theo bên đường là những luống hoa thật rực rỡ. Chiếc thùng bị thủng cảm thấy vui vẻ hơn được một lúc, nhưng rồi về đến nhà, nó vẫn chỉ còn được một nửa thùng nước. Chiếc thùng lại thấy ân hận:

- Tôi xin lỗi ông!

Ông chủ lại hỏi:

- Ơ hay, thế ngươi không nhận ra rằng hoa chỉ mọc ở bên đường, phía của ngươi thôi sao? Ta đã biết được cái lỗ thủng của ngươi và ta đã tận dụng nó. Ta đã gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phiá bên ngươi, và trong những năm qua, chính ngươi không ngờ mình đã tưới cho chúng được tốt tươi. Ta đã hái những đoá hoa để trang hoàng cho căn nhà. Nếu không có ngươi, căn nhà của ta đâu có được tươi mát và duyên dáng như thế này!

Ông chủ đã sửa chữa khuyết điểm của chiếc thùng bị thủng rất là tế nhị và tài tình. Thay vì đem hàn lại lỗ thủng hoặc bỏ chiếc hẳn thùng đi ông lại sử dụng nó vào hai nhiệm vụ, vừa gánh nước vừa tưới hoa. Ðiều này đã khiến nó không còn áy náy, mà trái lại, càng thêm hãnh diện vì đã đem lại lợi ích cho chủ nó.

Bài viết này dạy chúng ta hãy khéo léo sửa lỗi cho nhau, mỗi người đều có khuyết điểm và lầm lỗi, chúng ta không nên vì thế mà xa lánh hay bỏ liều,nhưng phải giúp họ biến cái xấu thành cái tốt , biết nhận ra giá trị của mình. Đây là một bổn phận, một trách nhiệm trong cộng đoàn. Bổn phận này rất khó làm vì nó gây khó chịu cho người lỗi phạm. : "Ðừng chỉ lo tìm lỗi lầm nhưng hãy tìm cách chữa trị." Vậy phải chữa trị cách nào? Hay nói cách khác, thái độ nào cần phải có khi sửa lỗi cho anh em? Trước hết, hãy bày tỏ một tâm yêu thương họ. Hãy nghĩ rằng đây là công việc giúp đỡ anh em nên tốt: Ðừng lên án, chỉ trích gay gắt, nhưng luôn tế nhị dịu dàng. Tán dương ưu điểm của họ, và cho họ thấy việc sửa đổi lỗi lầm cũng dễ dàng thôi. Thứ đến, hãy kính trọng họ cách chân tình, luôn giữ thể diện cho họ đừng chà đạp lòng tự ái của họ. Vì chính chúng ta cũng không hoàn hảo, cũng tội lỗi yếu đuối như bao gười, nên khiêm tốn nhận mình cũng lầm lỗi. Hãy đặt câu hỏi cho họ thấy lỗi của họ, và kiên nhẫn lắng nghe, khích lệ họ sửa đổi.
 
Những điều vô lý về mẹ



Những điều vô lý về mẹ lại trở thành những điều có lý nhất trên đời đối với mỗi chúng tôi...
Mẹ tôi là một tổng hòa của những điều vô lý. Có điều gì đó dường như không bình thường lắm khi một đứa con lại nói về mẹ của mình như vậy...

Mẹ đen, ốm, lùn, khuôn mặt nhỏ, mũi thấp, đó là điều vô lý thứ nhất. Ông bà ngoại đều to cao, trắng trẻo, mũi cao, mặt chữ điền, các dì và cậu cũng vậy. Mẹ nhỏ bé trong gia đình và cũng nhỏ bé giữa cuộc đời. Điều vô lý này về sau lại trở thành cái có lý, đã 50 rồi mà mẹ còn mi-nhon lắm, ai cũng bảo mẹ trẻ lâu, trong khi các cô bạn cùng thời của mẹ đã phải lo đi thẩm mỹ viện để tân trang, tu sửa...

Ấy vậy mà trong thân hình bé nhỏ hạt tiêu ấy lại ẩn chứa một tính cách mạnh mẽ dữ dội đến lạ kỳ - điều vô lý thứ hai. Tôi nghe các dì kể hồi nhỏ mẹ vốn nổi tiếng là “Bông lì”, không sợ bất cứ con gì và cũng không tin bất cứ điều gì. Tính mẹ thẳng thắn, đôi khi trở nên nóng nảy, yêu ai thì nói, ghét ai thì chửi, mẹ không bao giờ chịu thua kém ai, chả ai ăn hiếp được mẹ. Còn nhớ hồi bán đồ chơi ở chợ Đầm, bà Thảo, bà Hồng giành khách đã bị mẹ làm cho một trận nhớ đời!

Mẹ nóng tính là vậy, ngoại hình chỉ ở mức trung bình, vậy mà ba vẫn “đổ” và mãi đến giờ vẫn không muốn đứng dậy! - điều vô lý thứ ba. Theo lời mẹ kể thì hồi đó ba học giỏi nhất lớp, lại đẹp trai và hiền nên lúc nào cũng có nhiều vệ tinh vây xung quanh. Còn mẹ thì “lẹt đẹt” với những con số, vật vã lắm mới vượt qua được kỳ thi tú tài với kết quả... toòng teng. Vì vậy mẹ nhìn ba rất chi là ngưỡng mộ và... để đó, chỉ vậy thôi.

Ấy thế mà bẵng đi năm năm sau, ba đột ngột trở về trong màu áo lính xanh và... cưới. Một năm sau có tôi. Một năm sau nữa, có em gái tôi. Mười hai năm sau nữa, em trai tôi chào đời. Quả là một sự vô lý có hậu!

Những năm sóng gió ba bị mất việc, gia đình tôi từ chỗ giàu nhất xóm rớt xuống thành nghèo nhất xóm, một tay mẹ vất vả nuôi cả nhà. Tính mẹ vốn cứng cỏi như đàn ông, vậy mà mẹ lại có những nghề tay trái rất ư là nữ tính - đó là điều vô lý thứ tư.

Mẹ vẽ tranh, làm bánh kem, may quần áo, thiết kế những đồ lưu niệm xinh xinh. Mẹ có thể bỏ ra hàng giờ để bắt muỗi theo phương pháp mới sáng tạo. Mẹ cực kỳ nhạy cảm với vấn đề sức khỏe và đời sống, mẹ có hàng lô tạp chí thuốc cất kỹ trong tủ sắt. Những câu chuyện của mẹ chúng tôi đã thuộc đến từng chi tiết, vậy mà mẹ vẫn kể đi kể lại, vẫn say sưa và hứng thú như lần đầu. Mẹ bản lĩnh là thế nhưng lại khóc tu tu khi con chó Bi qua đời.

Đối với chị em tôi thì tình thương của mẹ thật khó có thể cảm nhận được bằng các giác quan trực tiếp. Như là mẹ nhỏ bạn thân tôi vẫn làm: những nụ hôn, những cái bẹo má, những khi chải đầu tết tóc cho con gái cưng... Mẹ thì không như thế - và chúng tôi đã từng cho rằng đó là cả một trời vô lý! Cái tuổi dậy thì ngớ ngẩn đã biến tôi thành một đứa ngỗ ngược, không ít lần làm mẹ buồn. Thậm chí, nói ra thật xấu hổ, khi mẹ xa nhà một thời gian, tôi đã từng muốn mẹ... đừng về nữa. Sinh ra tôi, có lẽ cũng là một sự vô lý của mẹ!

Mấy năm gần đây, khi chúng tôi lần lượt vào đại học, mẹ càng thêm vất vả. Ba vào Sài Gòn chạy xe ôm nuôi chị em tôi ăn học, ở nhà chỉ còn một mình mẹ bươn chải nuôi thằng út. Em gái tôi học mỹ thuật, mẹ bắt nó phải vẽ đúng thực tế căn phòng trọ của ba cha con - để mẹ tưởng tượng. Rồi mẹ gửi đồ tiếp tế luôn, toàn là những món khoái khẩu của chị em tôi, ăn vào như nuốt được cả vị đắng của những giọt mồ hôi nhọc nhằn. Mẹ chẳng than phiền gì, lúc nào cũng động viên ba cha con cố gắng, thật ra người phải cố gắng là mẹ mới đúng - âu đó cũng là một điều vô lý.

Hơn nửa đời người mẹ vẫn chưa thôi lo nghĩ, vẫn chưa thôi căng mình trước cuộc đời, vẫn chưa thôi diễn vai chính trong gian nan và vai phụ giữa hạnh phúc. Ngày xưa tôi thần tượng những Jang Dong Gun, Lam Trường, Nicole Kidman, nhưng giờ đây không ai khác ngoài mẹ. Mẹ tôi là một tổng hòa của những điều vô lý. Nhưng cả ba, tôi và các em đều yêu cái sự vô lý ấy và đó lại trở thành điều có lý nhất trên đời...
 
Tất cả chúng tôi đều biết tương lai của nó sẽ không khá nổi một khi mụ vợ góa của thằng ăn trộm đã quắp móng vào thịt nó, nhưng thằng bé là đứa ngây thơ, đồ con lừa thứ thiệt, anh không thể dạy dỗ loại người như vậy.
Thằng bé đó đáng lẽ có một cuộc đời khá. Thượng đế đã ban cho nó ngoại hình của chính Thượng đế, và cha nó xuống mồ vì nó, nhưng ông ấy chẳng đã để lại cho thằng bé chiếc xích lô hạng nhất mới toanh có ghế bọc nhựa và các thứ đó sao? Thế thì: mã ngoài nó có rồi, nghề riêng nó cũng có rồi, sẽ tới lúc nó có một con vợ khá, lẽ ra nó chỉ cần vài năm để dành dụm được dăm đồng rupee; nhưng không, nó đâm mê tít mụ vợ góa của thằng ăn trộm trong khi râu vẫn chưa kịp mọc lún phún trên cằm, có thể nói là chưa kịp rụng răng sữa.
*
Chúng tôi thấy tội cho nó, nhưng ngày nay còn ai nghe lời minh triết của người già?
Tôi nói: còn ai nghe?
Đúng, chẳng ai nghe, một đứa óc bã đậu như thằng đạp xích lô Ramani thì lại càng không. Nhưng tôi trách mụ góa. Tôi đã thấy chuyện xảy ra, anh biết đó, tôi thấy gần hết mọi chuyện, cho tới khi chịu hết nổi. Tôi ngồi dưới đúng cây đa này, hút đúng y chang cái tẩu này, và chẳng có mấy thứ thoát khỏi sự chú ý của tôi.
Một lần tôi cố cứu nó khỏi nghiệp chướng, nhưng chả đi đến đâu…
Con mụ góa tất nhiên là hấp dẫn, khỏi phải chối, theo một kiểu sa đọa nào đó thì mụ coi cũng được, nhưng phải cái tâm tính mụ đồi bại. Mụ già hơn Ramani phải tới mười tuổi, với năm đứa con còn sống và hai đứa đã chết, họa có Trời mới biết cái thằng ăn trộm đó còn làm gì khác ngoài việc ăn trộm và đẻ con, nhưng hắn không để lại cho mụ một xu nào, vì vậy dĩ nhiên mụ nhắm thằng Ramani. Tôi không nói một tay đạp xích lô có thể kiếm ăn khá ở thành phố này, nhưng có hai miếng ăn cho vào miệng vẫn hơn là ngáp gió. Mà không mấy kẻ để mắt tới mụ góa vô tích sự này tới hai lần.
*
Tụi nó gặp nhau ngay ở đây.
Một hôm Ramani đạp xích lô ế vào thành phố, nhe răng cười theo thông lệ, làm như có ai mới thưởng cho mười xu, miệng nghêu ngao một bản nhạc từ máy phát thanh, tóc nó bôi dầu bóng loáng như sắp đi dự đám cưới. Nó đâu phải thằng ngu mà không biết tụi con gái ngắm nó hoài và bình phẩm cặp chân dài rắn chắc của nó.
Mụ vợ góa thằng ăn trộm tới quán cây đa mua dăm mớ đậu, tôi không nói tiền ở đâu ra, nhưng tối tối thiên hạ lại thấy lũ đàn ông lảng vảng gần cái lán dâm dục của nó, người ta nói thậm chí ở cả cây đa, nhưng cá nhân tôi xin miễn bình luận.
Mụ dắt theo đủ bộ năm đứa nhóc; mụ gọi, giọng như cái quạt:
- Ê! Xích lôôô!
Nghe cứ oang oang, anh biết đó, đúng là cái thứ rẻ tiền. Mụ khoe với tụi tôi mụ có thể trả tiền đi xích lô, làm như ai cũng để ý. Lũ con mụ chắc phải nhịn đói để trả tiền xích lô, nhưng theo ý tôi đó là một kiểu đầu tư của mụ, vì chắc chắn mụ đã quyết tâm câu bằng được thằng Ramani. Thế là cả bọn leo lên xích lô; thằng Ramani chở mụ đi; năm đứa nhóc cùng với một mụ góa chắc là nặng dữ, vì thế thằng Ramani thở hổn hển, gân máu lồi ra bắp chân, và tôi nghĩ: cẩn thận nghe con, kẻo rồi mày sẽ kéo cái gánh nặng này suốt đời.
Nhưng rồi thiên hạ vẫn thấy Ramani và mụ vợ góa thằng ăn trộm khắp nơi, ở chỗ công cộng, không biết ngượng, và tôi mừng là mẹ nó chết rồi; nếu còn sống mà thấy cảnh này chắc bà ta chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa.
*
Hồi đó thỉnh thoảng Ramani tới phố này vào buổi tối để gặp bạn. Bọn nó cứ nghĩ mình bảnh lắm, vì bọn nó vào phòng sau cái quán của thằng Ba Tư để uống rượu lậu, dĩ nhiên ai cũng biết, nhưng chả ai làm gì, nếu bọn nhóc tự hủy hoại đời chúng thì cứ để họ hàng chúng lo.
Tôi buồn khi thấy Ramani giao du với bọn xấu này. Tôi biết cha mẹ nó hồi còn sống. Nhưng khi tôi bảo Ramani tránh xa cái lũ khoác lác đó, nó nhăn răng cười như con cừu mà nói là tôi sai, không có chuyện gì xấu xảy ra hết.
Tôi nghĩ: thôi bỏ qua.
Tôi biết mấy thằng bạn chí thân đó của nó. Tụi nó đeo băng tay của Phong trào Thanh niên mới lập. Hồi này đang là Tình trạng Khẩn cấp, và mấy đứa bạn này cũng không phải là tụi ngoan ngoãn; thiên hạ nói có chuyện ẩu đả, vì thế tôi cứ ngồi im dưới gốc cây của mình. Ramani không đeo băng tay nhưng nó chơi với tụi nó vì phục tụi nó, quả là một thằng ngu.
Đám thanh niên đeo băng tay này cứ nịnh Ramani. Tụi nó nói: mày đẹp trai như vậy, nếu so với mày thì Shashi Kapoor và Amitabh[1] chỉ như bọn hủi, mày nên đi Bombay mà đóng phim.
Chúng ra sức bơm nó lên bằng những mộng tưởng kiểu đó vì chúng biết có thể gỡ tiền nó bằng cờ bạc và nó sẽ mua rượu cho chúng uống khi được nghe tâng bốc, dù nó không giàu hơn đứa nào. Vậy là bây giờ cái đầu thằng Ramani đầy ắp những giấc mộng đóng phim - trong đầu nó có chứa thứ gì khác đâu - và đây lại thêm một lý do nữa tại sao tôi trách mụ đàn bà góa, vì mụ nhiều tuổi hơn, đáng ra nên tỉnh táo hơn. Trong hai tích tắc mụ có thể làm nó quên đi chuyện đóng phim, nhưng không, một bữa tôi thấy mụ nói với nó cho mọi người nghe:
- Đúng là anh có tướng của thần Krishna, chỉ khác là anh không xanh lè từ trên xuống dưới.
Nói giữa đường! Để mọi người biết tụi nó là nhân tình! Từ bữa đó tôi dám chắc là sẽ xảy ra tai họa.
*
Hôm sau, lúc mụ góa thằng ăn trộm ra đường tới tiệm cây đa, tôi quyết định hành động. Không vì lợi ích riêng tư mà vì cha mẹ quá cố của thằng nhỏ, tôi liều chịu ô danh vì một … không, tôi sẽ không lôi tên mụ ra mà rủa; bây giờ... người ta sẽ biết mụ ta là cái giống gì.
Tôi gọi:
- Mụ góa thằng ăn trộm!
Mụ chết sững, mặt mụ cau có trông gớm chết, như thể tôi vừa xách roi quất mụ ta.
Tôi bảo mụ:
- Tới đây nói chuyện.
Lúc này mụ không thể từ chối vì tôi là một nhân vật không phải không quan trọng trong thành phố, và có lẽ mụ tính toán rằng nếu thiên hạ thấy chúng tôi nói chuyện, họ sẽ thôi coi thường mụ, vì thế mụ đi tới, tôi biết mà.
Tôi chững chạc bảo mụ:
- Tao nói chỉ một điều này. Tao thương thằng xích lô Ramani, cho nên mụ phải kiếm kẻ nào cùng lứa tuổi, hay tốt hơn nữa, tới khu dành cho bà góa ở Benares sống nốt đời còn lại và cầu nguyện thánh thần; hãy tạ ơn Trời là luật pháp bây giờ người ta không cho phép thiêu sống vợ góa theo chồng nữa.
 
Tôi đã bắt đầu biết... nói dối




Thủa nhỏ, tôi được dậy rằng phải sống trung thực, không dối trá với bản thân mình và tất cả mọi người vì đó là con đường sáng duy nhất của kiếp người. Khi đó, tôi chưa hiểu thực sự thế nào là trung thực, thế nào là dối trá mà chỉ biết rằng những hành động nào của tôi làm vừa lòng người lớn, được khen là ngoan ngoãn thì đấy là những hành động trung thực. Nhưng đến một hôm, tôi đã biết ''sự thật'' trong những lời khen ấy. Tôi bắt đầu biết nói dối - những lời nói dối chân thành nhất của đời mình.

Tôi có người bạn quanh năm lênh đênh trên con tầu nhỏ, đã cũ, đi câu mực, đánh cá trên biển, vài tháng mới trở lại đất liền vài ngày. Một lần, anh đi biển và thời tiết thay đổi đột ngột khiến biển động dữ dội. Nhà anh chỉ còn một người mẹ già ốm yếu. Vì quá lo lắng cho con trai, bệnh tim tái phát khiến bà phải vào viện trong tình trạng hôn mê. Khi đó, gió bão gào thét dữ dội. Các bác sĩ chuẩn đoán và quyết định phải mổ ngay nhưng họ không thể tiến hành trong khi bà mẹ lâm vào tình trạng hôn mê, suy kiệt tinh thần hoàn toàn.

Trong những đoạn tỉnh táo ngắn ngủi, bà chỉ thều thào hỏi là bão đã tan chưa, con trai bà đã về chưa. Khi đó có một người làng lên cho biết rằng đã tìm thấy những mảnh... vỡ của con tầu nhà bà dạt vào bờ biển. Bà hỏi các bác sĩ, không ai trả lời bà. Tôi đứng ở đó và thật rồ dại khi trung thực kể cho bà nghe rằng con bão còn khủng khiếp lắm, kéo dài vài ngày nữa mới thôi, con tầu đã bị vỡ, sóng xô vài mảnh vào bờ, con trai bà (bạn thân của tôi) không biết số phận đang đẩy đưa thế nào?

Các bác sĩ không kịp cản tôi nói. Câu chuyện tôi vừa kể đã đánh gục những sức lực yếu ớt cuối cùng của bà. Bà nấc nhẹ và thiếp đi. Bác sĩ bó tay. Tôi tình cờ phạm phải một tội ghê gớm mà suốt đời tôi không tha thứ nổi cho mình. Sau khi bão tan, người bạn tôi sống sót trở về do được một chiếc tầu khác cứu. Anh không trách tôi mà chỉ gục bên mộ mẹ khóc nức nở. Sự "trung thực" ngu ngốc đã vô tình khiến tôi phạm phải một sai lầm khủng khiếp như vậy.

Trong truyện ngắn nổi danh "Chiếc lá cuối cùng" của O. Henrry, một bệnh nhân tin chắc mình sẽ chết. Cô đếm từng chiếc lá rụng của tán cây ngoài cửa sổ và tin rằng đó là chiếc "đồng hồ" số phận của cô. Khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, cô sẽ chết. Nhưng chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng xuống. Cô gái bình phục, sống khoẻ mạnh và không biết rằng, chiếc lá cuối cùng đó chỉ là một chiếc lá "giả" do một hoạ sĩ muốn cứu cô vẽ lên vòm cây trơ trụi.

Như vậy sự thật không phải được nhìn thấy bằng mắt, được cảm nhận bằng tri thức... Nếu như tôi không kể về cơn bão tôi thấy, mảnh ván tầu vỡ tôi được nghe thì có lẽ người mẹ ốm yếu ấy không chết. Nếu như không có chiếc lá "giả" kia thì cô gái sẽ chết vì bệnh tật và vì tuỵêt vọng. Sự thật trong đời sống con người phải đồng nghĩa với tình yêu nữa. Chỉ có điều gì cứu giúp con người, làm cho con người mạnh mẽ lên, hướng con người về ánh sáng... điều đó mới gọi là sự thật.
Còn tất cả những hành động nào, lời nói nào cho dù đúng với mắt mình nhìn thấy, tai mình nghe thấy, tri thức của mình hiểu thấy nhưng chúng là khiến cho người khác, hoặc cho chính mình lâm vào cảnh tuyệt vọng hơn, mất đi niềm tin cuộc sống, mất đi sức mạnh tinh thần dẫn đến việc huỷ hoại đời sống... thì đều không phải sự trung thực. Nếu chúng là sự thật, đó là sự thật của Quỷ tàn nhẫn không biết yêu thương con người.!

Trong cuộc sống của chúng ta, giữa sự thật của Tình yêu và sự thật của Quỷ luôn luôn xáo trộn, mập mờ. Một lời nói dối trong "tình yêu" có thể cứu người và một lời nói thật phũ phàng có thể giết người. Tất nhiên chúng ta sẽ chọn để nói lời nói dối chân chính. Tuy vậy để phân biệt rõ ràng khoảng cách giữa những lời nói này cũng là một điều khó khăn và tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh đặc biệt. Bạn có biết nói dối thế nào để lời nói dối ấy là lời nói dối chân thành, chứa đầy tình yêu con người không?

Đơn giản thôi. Bạn hãy giữ lấy một trái tim tha thiết với cuộc đời và đồng loại.
 
Gieo mầm dấu chấm

Trong lớp học, cô giảng bài, bảo cả lớp yên lặng, ta vẫn quay sang nói nhỏ với đứa bạn ngồi cùng bàn.

Vì ta nghĩ chỉ có một mình mình nói thì sao mà lớp ồn được. Rồi nhiều bạn trong lớp cũng nghĩ như ta, vẫn cứ nói nhỏ với những đứa ngồi gần bên. Thế rồi chỉ một lúc sau, những tiếng khúc khích nho nhỏ tạo thành một tiếng ồn lớn trong lớp.

Đi dưới sân trường, ăn xong một bịch bánh tráng, ta vứt bao xuống ngay tại sân, vì ta nghĩ, chỉ một bao rác nhỏ đâu nhằm nhò gì với sân trường rộng lớn này. Rồi khi xếp hàng lên lớp, đứng trên hành lang nhìn xuống, ta mới thấy sân trường mình.. đầy rác.
***

Miền Trung bị lũ lụt, cô bảo cả lớp quyên góp để ủng hộ. Mỗi bạn chỉ góp chừng 1, 2 ngàn- một số tiền quá ít. Nhưng khi thầy hiệu trưởng tổng kết số tiền cả trường ủng hộ thì lại lên đến hàng triệu. Một bàn tay không thể vực dậy số phận của nhiều người, nhưng rất nhiều bàn tay chung một tấm lòng thì hoàn toàn có thể được

Bạn đã nghe câu chuyện của chàng sinh viên người Anh - Alex Tew - với ý tưởng kinh doanh táo bạo của mình chưa? Anh ta chia trang chủ website cá nhân của mình www.milliondollarhomepage.com thành một triệu điểm ảnh, và rao bán mỗi điểm ảnh ấy với giá 1USD cho khách hàng nào muốn đặt logo quảng cáo lên đó. Hiệu quả ngoài sức tưởng tượng, chỉ sau một thời gian ngắn, số điểm ảnh trên đã được bán hết, và chàng sinh viên trở thành triệu phú ở tuổi 21!
***

Những cái chấm nhỏ trong xã hội mà ta cứ tưởng không ảnh hưởng đến sự vận động phát triển của thế giới, nhưng thực chất là có đấy!

Một người nói không thể làm cả lớp mất trật tự, nhưng rất nhiều người cùng nói như thế thì sẽ được. Một miếng rác nho nhỏ vứt xuống đường cứ tưởng như không làm mất vệ sinh cho lắm, rồi nhiều miếng rác cứ như thế vứt xuống, đường phố chúng ta sẽ ra sao? Một dấu chấm nhỏ thì sẽ là một dấu chấm nhỏ, nhưng nhiều dấu chấm nhỏ thì sẽ tạo thành một dấu chấm lớn hơn.
***
Cái dấu chấm lớn ấy sẽ tốt hay xấu, có hại hay có ích, tuỳ thuộc vào hành động của những dấu chấm nhỏ.

Ta hãy chia một năm của mình thành 365 cái chấm, mỗi chấm ấy tương đương với một việc có ích. Mỗi ngày, ít nhất 1 việc thôi, cuối năm nhìn lại, gia sản của chúng ta đã là bao nhiêu việc tốt? Và những việc tốt trên đời thì không bao giờ nằm im, mà chúng sẽ nảy mầm. Mỗi người trong số chúng ta sẽ lại là một dấu chấm đẹp đẽ trong bức tranh tổng thể cuộc đời.

Mùa xuân, mùa của vạn vật nảy mầm. Bạn ơi, ngay từ sớm hôm nay, ta hãy gieo xuống mảnh đất này một cái chấm tươi đẹp nhé!
 
Chuyện kể trong nước mắt



Nghị Minh (Trung Quốc)

Cưới nhau được hai năm, chồng tôi bàn với tôi về quê đón mẹ anh lên ở với chúng tôi để bà được sống an nhàn những ngày cuối đời. Bố anh ấy mất sớm từ khi anh còn nhỏ, nên bà mẹ gửi gắm tất cả mọi hy vọng vào anh, một mình bà chắt chiu thắt lưng buộc bụng nuôi anh khôn lớn cho tới ngày học xong đại học.

Tôi đồng ý ngay và lập tức dọn dẹp dành riêng cho bà căn phòng có ban công hướng Nam, vừa có thể sưởi nắng vừa có thể bày vài chậu cây cảnh.

Bước vào căn phòng chan hòa ánh sáng vừa dọn xong, anh ấy chẳng nói chẳng rằng bất chợt bế xốc lấy tôi và quay một vòng quanh phòng. Khi tôi sợ quá cào cấu anh xin anh bỏ xuống thì anh bảo: “ Nào, chúng mình về quê đón mẹ nhé!”.

Chồng tôi cao lớn, còn tôi thì bé nhỏ và thích được nép đầu vào ngực anh. Những lúc ấy, tôi có cảm giác như anh có thể nhét gọn tôi vào túi áo. Những bận hai người tranh cãi nhau mà tôi không chịu thua, anh bèn nhấc bổng tôi lên ngang đầu và quay tít cho đến khi tôi sợ hết hồn xin anh buông tha mới thôi. Tôi thích cái cảm giác vừa sợ vừa sung sướng ấy.

Mẹ anh sống ở thôn quê lâu năm nên rất khó có thể sửa ngay được những tập quán của người nhà quê. Chẳng hạn, thấy tôi hay mua hoa tươi bày ở phòng khách, bà có vẻ khó chịu. Cực chẳng đã, một hôm bà bảo: “Các con thật chẳng biết chi tiêu gì cả. Hoa có ăn được đâu mà mua làm gì kia chứ? ”. Tôi cười: “Mẹ ơi, trong nhà có hoa tươi nở rộ thì ai nấy đều vui vẻ cả”. Bà cúi đầu lầu bầu gì gì đấy. Chồng tôi bảo: “Đây là tập quán của người thành phố, mẹ ạ. Lâu ngày mẹ sẽ quen thôi.”

Bà không nói gì nữa, nhưng sau đấy mỗi bận thấy tôi mua hoa về, bao giờ bà cũng không thể im lặng mà cứ hỏi mua hết bao nhiêu tiền. Khi tôi nói giá cả thì bà chép miệng tiếc rẻ. Có lần thấy tôi xách về túi to túi nhỏ các thứ mua sắm được, bà gặng hỏi giá tiền từng thứ một. Tôi kể lại giá mỗi thứ. Nghe xong bà chép miệng thở dài thườn thượt. Chồng tôi véo mũi tôi và thì thầm: “Ngốc ơi, nếu em đừng nói giá thật với mẹ thì sẽ chẳng sao cả, phải không nào?”.

Cuộc sống đang vui tươi thế là dần dần có những hòa âm trái tai.

Điều làm bà khó chịu nhất là thấy con trai mình ngày ngày dậy sớm chuẩn bị bữa sáng. Đàn ông mà chui vào bếp nấu ăn cho vợ thì coi sao được, bà nghĩ vậy. Vì thế mà bữa sáng nào bà cũng nặng mặt không vui. Tôi giả tảng không thấy gì thì bà khua đũa đụng bát tỏ ý không bằng lòng. Làm giáo viên dạy múa ở Cung Thiếu niên, ngày nào tôi cũng phải nhảy nhót mệt bã người nên khi ngủ dậy thường nằm rốn tận hưởng chăn đệm ấm áp, coi đó là một thú hưởng thụ. Vì thế tôi đành giả câm giả điếc trước sự chống đối của bà mẹ chồng.

Đôi khi bà cũng làm giúp tôi một ít việc nhà, nhưng thật ra chỉ làm tôi thêm bận bịu mà thôi. Chẳng hạn, những túi ni lông đựng đồ, mọi khi tôi đều quẳng vào thùng rác thì bà tích cóp lại, bảo là để hôm nào bán cho đồng nát. Thế là khắp nhà đầy những túi ni lông. Mỗi lần rửa bát hộ tôi, bà đều hà tiện không dùng nước rửa chén thế là tôi phải rửa lại, dĩ nhiên phải kín đáo để bà khỏi tự ái.
 
Hồi trước xem phim, thấy hai người iu nhau đi trong mưa, chỉ cười và rủa thầm "rõ hâm", bây giờ mới biết người yêu nhau đi trời mưa mà mặc áo mưa mới là hâm.
Hồi trước có biết hoa hoét gì đâu, bây giờ thì đã biết được cái hoa nhỏ nhỏ, trắng trắng, xinh xinh gọi là hoa baby, để khô nhìn đẹp phết
Hồi trước chả biết phim rạp là gì, bây giờ thì tối ngày gallaxy
Hồi trước cứ tưởng được nhiều người yêu thương mới là hạnh phúc, bây giờ mới biết yêu thương người khác còn hạnh phúc hơn
Hồi trước cứ tưởng hạnh phúc là cái gì đó hoành tráng lắm, bây giờ mới biết, chỉ nhìn người khác thôi cũng thấy hạnh phúc rồi
Hồi trước cứ tự hào mãi vì tưởng mình sỏi đá, lạnh lùng thạch sùng lắm, ai ngờ có những lúc như kem phơi nắng thế này
Hồi trước đắn đo mới uống chung cốc nước, bây giờ vào rạp xem phim, mắt la mày lém, quay trước quay sau là giấu biến đi 1 cái ống hút, lại còn ngây thơ "Ơ, cái bọn này, 2 người mà chỉ cho 1 ống hút thế này?"
Hồi trước cứ nghĩ mình si đần trong lĩnh vực này lắm, ai ngờ cũng có lúc lãng mạn phết, đúng là Forest Gump
Hồi trước cái tôi cá nhân to lắm lắm, bây giờ sao nhiều lúc thấy nó nhỏ xinh quá thể
Hồi trước hay lang thang một mình, nghĩ thế là thích lắm rồi, bây giờ mới biết, lang thang hai mình còn thú vị hơn nhiều
Hồi trước vô tư, xì tin, chả biết sợ cái gì, bây giờ nhiều lúc thấy sợ cả những cái vô hình rất chi là ngớ ngẩn
Hồi trước ra đường, cứ đăm đăm chiêu chiêu, bây giờ thỉnh thoảng vừa đi vừa cười một mình cứ như dở hơi
Hồi trước thấy mưa là cuống lên tìm chỗ trú, bây giờ có mang áo mưa cũng giả vờ lắc đầu nguầy nguậy "Đâu, có mang áo mưa đâu"
Hồi trước cứ nghĩ đường dài là dài, đường ngắn là ngắn, bây giờ mới biết, có những con đường rất dài mà sao có lúc thấy ngắn thế
Hồi trước tưởng mỗi gia đình mới khiến mình có động lực để cố gắng, bây giờ mới biết, còn có người cho mình động lực lớn chả kém
Hồi trước đang ngủ mà bị dựng dậy là cáu lắm, bây giờ đang đêm có thể mò dậy reply tin nhắn và chờ đợi mà vẫn cười xí xớn
Hồi trước chả bao giờ nghĩ mình banana thế này, bây giờ mới biết, thế này đã nhằm nhò gì, mình còn có thể banana hơn gấp nhiều lần
 
Một tối nọ, khi tôi đang rửa chén trộm như thế thì bà nhìn thấy. Thế là bà sập cửa đánh sầm một cái, nằm lì trong buồng khóc gào lên. Chồng tôi cuống quýt chẳng biết làm gì. Cả tối hôm ấy anh không nói với tôi câu nào. Tôi làm nũng với anh, anh cũng chẳng thèm để ý. Tôi điên tiết lên vặn lại: “Thế thì rốt cuộc em sai chỗ nào ạ?”. Anh trợn mắt: “Tại sao em không thể phiên phiến một chút nhỉ, bát không sạch thì ăn cũng có chết đâu, hả?”.

Một thời gian dài sau đấy, bà chẳng nói chuyện với tôi. Không khí trong nhà bắt đầu dần dần căng thẳng. Chồng tôi rất mệt mỏi, chẳng biết nên làm ai vui lòng trước.

Không muốn để con trai làm bữa sáng, bà cả quyết nhận lấy “nhiệm vụ nặng nề” này. Rồi khi thấy anh ăn uống ngon lành, bà lại nhìn ngó tôi với ý trách móc tôi không làm tròn bổn phận người vợ, khiến tôi rất khó xử. Để thoát khỏi cảnh ấy, tôi đành không ăn bữa sáng ở nhà mà mua túi sữa trên đường đi làm, mang đến cơ quan ăn.

Tối hôm ấy lúc đi ngủ, anh bực bội bảo: “Có phải là em chê mẹ anh nấu ăn bẩn nên mới không ăn sáng ở nhà, đúng không?” rồi anh lạnh nhạt nằm quay lưng lại, mặc cho tôi nước mắt đầm đìa vì ấm ức. Sau cùng anh thở dài: “Cứ coi như là em vì anh mà ăn sáng ở nhà, được không nào?”.

Thế là sáng sáng tôi đành ngồi vào bàn ăn với tâm trạng ê chề.

Một hôm, khi đang ăn món cháo bà nấu, tôi chợt thấy buồn nôn, mọi thứ trong bụng muốn oẹ ra, gắng kìm lại mà không tài nào kìm được, tôi đành quăng bát đũa chạy ù vào phòng vệ sinh, nôn thốc nôn tháo. Sau một hồi hổn ha hổn hển thở, khi tôi bình tâm lại thì nghe thấy bà bù lu bù loa vừa khóc vừa đay nghiến oán trách tôi bằng những từ ngữ nhà quê, còn anh thì đứng ngay trước cửa phòng vệ sinh căm tức nhìn tôi. Tôi há hốc miệng chẳng nói được gì, thật ra nào mình có cố ý nôn đâu.

Lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau to. Mới đầu mẹ anh còn giương mắt đứng nhìn, sau đấy bà thất thểu bỏ ra ngoài. Anh tức tối nhìn tôi rồi đi ra theo bà.

Ba ngày liền không thấy bà và anh về nhà, cả đến điện thoại cũng không thấy gọi. Tôi tức điên người mỗi khi nghĩ lại từ hôm bà lên đây ở mình đã phải chịu bao nhiêu nỗi oan ức, thế mà anh ấy còn muốn tôi thế nào nữa đây?

Không hiểu sao dạo này tôi hay buồn nôn thế, ăn gì cũng không thấy ngon, lại thêm trong nhà bao nhiêu chuyện rắc rối, tâm trạng vô cùng tồi tệ. Cuối cùng, vẫn là các bạn ở cơ quan bảo: “Sắc mặt cậu xấu lắm, nên đi khám bệnh thôi!”.

Kết quả kiểm tra ở bệnh viện cho thấy tôi đã có bầu. Bây giờ mới rõ tại sao sáng hôm ấy tôi bỗng dưng buồn nôn. Niềm hạnh phúc sắp có con pha trộn với một chút buồn giận oán trách: Tại sao chồng mình và cả bà mẹ chồng nữa lại không nghĩ tới chuyện ấy nhỉ?
 
Tôi gặp anh tại cổng bệnh viện. Xa nhau mới có ba ngày mà trông anh tiều tụy quá chừng. Tôi định quay đi, nhưng bộ dạng ấy khiến lòng tôi xót xa, không nén được, tôi gọi anh. Anh nhìn tôi như người xa lạ, ánh mắt không giấu nổi nỗi chán ghét như một mũi kim lạnh buốt đâm vào lòng tôi.

Tôi tự nhủ “đừng nhìn anh ấy, đừng nhìn anh ấy”, và chặn một chiếc taxi lại. Thật ra lúc ấy tôi chỉ muốn hét to: “Anh yêu của em, em sắp sinh cho anh một cục cưng đây!” rồi được anh bế xốc lên sung sướng quay một vòng.

Ước muốn ấy đã không xảy ra. Khi ngồi trên taxi, nước mắt tôi ứa ra lã chã.

Vì sao chỉ một lần cãi nhau đã làm cho tình yêu của chúng tôi trở nên tồi tệ tới mức này cơ chứ? Về nhà, tôi nằm trên giường nghĩ tới chồng, tới nỗi chán ghét đầy trong mắt anh. Tôi nắm lấy góc chăn khóc nấc lên.

Nửa đêm, có tiếng lạch cạch mở ngăn kéo. Khi bật đèn lên tôi trông thấy khuôn mặt đầy nước mắt của anh. Thì ra anh về nhà lấy tiền. Tôi lạnh nhạt nhìn anh không nói gì. Anh cũng làm như không thấy tôi, lấy xong các thứ liền vội vã bỏ đi.

Có lẽ anh định thật sự chia tay với tôi đây. Thật là một người đàn ông có lý trí, biết tách bạch tình và tiền rạch ròi như thế đấy. Tôi cười nhạt, nước mắt lã chã tuôn rơi.

Hôm sau tôi không đi làm mà ở nhà, muốn xem xét lại mọi ý định của mình rồi tìm anh trao đổi cho xong mọi chuyện.

Khi đến công ty của anh, cậu thư ký ngạc nhiên nhìn tôi: “Ơ kìa, mẹ tổng giám đốc bị tai nạn, hiện đang nằm bệnh viện kia mà”. Tôi trố mắt cứng họng, lập tức đến ngay bệnh viện. Nhưng khi tìm được anh thì bà đã tắt thở rồi.

Anh không hề nhìn tôi, mặt cứ lầm lầm. Tôi nhìn khuôn mặt vàng vọt không hồn của bà, nước mắt ứa ra: Trời ơi! Tại sao lại đến nông nỗi này cơ chứ?

Cho tới hôm an táng mẹ, anh vẫn không thèm nói với tôi một câu nào, thậm chí mỗi khi nhìn tôi, ánh mắt anh đều hiện lên nỗi chán ghét tột độ.

Nghe người khác kể lại, tôi mới biết sơ qua về vụ tai nạn. Hôm ấy bà bỏ nhà rồi thẫn thờ đi về phía ga xe lửa, bà muốn về quê mà. Chồng tôi đuổi theo, thấy thế bà rảo bước đi nhanh hơn. Khi qua đường, một chiếc xe buýt đâm vào bà...

Cuối cùng thì tôi đã hiểu tại sao anh ấy chán ghét mình. Nếu hôm ấy mình không nôn oẹ, nếu hôm ấy mình không to tiếng cãi nhau với anh ấy, nếu... Trong lòng anh, tôi là kẻ tội phạm gián tiếp giết chết bà.

Anh lẳng lặng dọn vào ở phòng mẹ, tối tối khi về nhà, người sặc mùi rượu. Lòng tự trọng bị tổn thương bởi nỗi xấu hổ và tự thương hại đè nặng khiến tôi thở không ra hơi nữa. Muốn giải thích mọi chuyện, muốn báo anh biết chúng tôi sắp có con rồi, nhưng cứ thấy ánh mắt ghẻ lạnh của anh là tôi lại thôi không nói gì. Thà anh đánh tôi mắng tôi một trận còn hơn. Tôi có cố ý để xảy ra mọi tai họa ấy đâu!
 
Hãy canh thức

Cô Acnietca, một người mẫu nổi tiếng của Hoà Lan vừa được 24 tuổi. Cô đã giữ một chỗ trong chuyến bay TWA 800. Nhưng vào phút chót, một trở ngại khiến cô phải đình lại chuyến đi, cô chắc hẳn đã không ngừng cảm tạ ơn thoát chết vì chuyến bay đó đã nổ tung khoảnh khắc sau khi rời sân bay. Toàn chuyến bay rơi gọn vào lòng biển sâu, không một ai sống sót. Cho tới nay, sau bao tốn hao sức lực và tiền bạc, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tai nạn đó. Nhưng thoát cái chết ghê gớm đó, cô lại rơi vào một cái chết không kém tang thương. Chưa được một tháng sau, giữa những tiếng reo hò ca ngợi của đám đông ngưỡng mộ, thình lình cô bị đâm tuí bui. Bị chấn thương hiểm nghèo, cô đã tắt thở sau đó trước sự kinh ngạc của mọi người. Họ là những người mến mộ cô nhưng đã bất lực, không thể cứu sống được cô.

"Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào" . Chẳng ai biết giờ chết của mình, nhưng chắc chắn giờ ấy sẽ đến. Chẳng ai biết Thượng Đế hẹn mình ở đâu, trong biến cố nào, nhưng chắc chắn cuộc hẹn phải có. Ðiều cần thiết là luôn canh thức, sẵn sàng chờ đợi.

Cái chết bất ngờ của người mẫu nổi tiếng Acnietca làm chúng ta phải suy nghĩ. Dù tin hay không tin, sự sống của cô đang có một bàn tay siêu việt điều khiển, cô không thể giữ nổi hơi thở của mình. Cô đâu ngờ cái may thoát nạn vừa được hưởng, cũng chính là tiếng chuông cảnh báo giờ ra đi của đời cô. Không ai có thể nắm chắc sự sống của mình, kể cả vua chúa quyền uy cho đến thứ dân hèn mọn. Chỉ có Thượng Đế là Ðấng toàn năng mới có quyền cai quản sự sống con người và gọi họ về khi Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy lại thất bất ngờ.

Vậy các bạn đã chuẩn bị gì cho cái chết bất ngờ của mình chưa. Có một cách để bạn không sợ hãi cho giờ chết của mình.Bạn đừng để tiền của vất chất làm bạn hối tiếc, bạn hãy trao ban cho người nghèo khổ bất hạnh,bạn hãy luôn sống theo tiếng lương tâm , đừng làm việc gì gian ác để được lợi cho mình, bạn hãy yêu thương và tha thứ cho người khác.Khi đó cái chết sẽ không khiến bạn lo lắng , nhưng sẽ cảm thấy bình an,dù nó xảy đến lúc nào.

Có những bạn cho rằng mình sẽ biết trước cái chết vào lúc nào và ra sao. Đúng, vì các bạn đó tự kết liễu đời mình, nhưng các bạn đó làm vậy rất đáng trách.Vì khi gặp khó khăn và gian khổ liền trốn tránh bằng cách tự tử.Họ đâu biết có nhiều người đang mong sự sống, nhưng lại mắc bệnh hiểm nghèo chỉ còn chờ chết, họ đâu biết có những người lãnh án tử hình, họ mong sự sống để làm lại cuộc đời nhưng đã quá muộn.Họ cũng không biết gì về sự sống sau cái chết, họ chỉ nghỉ chết là hết. Nên họ dễ dàng đáng mất mạng sống mình. Nhưng giờ chết chính là lúc mình phải lãnh lấy thành quả đời sống mình, tùy mình đã làm lành hay làm dữ
 
Ngày tháng cứ ngột ngạt lặp đi lặp lại. Càng ngày anh ấy càng về nhà muộn hơn. Chúng tôi cứ thế căng với nhau, xa lạ hơn cả người qua đường. Tôi như cái thòng lọng thắt vào tim anh.

Một hôm, khi đi qua một hiệu ăn Âu, tôi nhìn qua cửa kính thấy chồng mình đang ngồi đối diện với một cô gái trẻ và nhè nhẹ vuốt tóc cô. Thế là tôi đã hiểu rõ tất cả. Sau giây lát ngớ người ra, tôi vào hiệu ăn, đến đứng trước mặt chồng mình, trân trân nhìn anh, mắt ráo hoảnh. Tôi không muốn nói gì hết, và cũng chẳng biết nói gì.

Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi rồi đứng lên định bỏ đi. Anh ấn cô ngồi xuống rồi cũng trân trân nhìn lại tôi, không chịu thua. Tôi chỉ còn nghe thấy tim mình đập chầm chậm từng nhịp như đang sắp kề cái chết.

Kẻ thua cuộc là tôi, nếu cứ đứng nữa thì tôi và đứa bé trong bụng sẽ ngã xuống.

Đêm ấy anh không về nhà. Bằng cách đó anh báo cho tôi biết: Cùng với sự qua đời của mẹ anh, tình yêu giữa hai chúng tôi cũng đã chết.

Những ngày sau, anh vẫn không về nhà. Có hôm đi làm về, tôi thấy tủ áo như bị sắp xếp lại, chắc anh ấy về lấy các thứ của anh.

Tôi chẳng muốn gọi điện thoại cho anh, ý định giải thích mọi chuyện cho anh cũng biến mất hẳn.

Tôi sống một mình. Đi bệnh viện khám thai một mình. Trái tim tôi như vỡ vụn mỗi khi trông thấy cảnh các bà vợ được chồng dìu đến bệnh viện. Các bạn ở cơ quan bóng gió khuyên tôi bỏ cái thai đi cho yên chuyện nhưng tôi kiên quyết không chịu. Tôi như điên lên muốn được sinh đứa bé này, coi đó như sự bù đắp việc bà mẹ chồng qua đời.

Một hôm đi làm về nhà, tôi thấy anh ngồi trong phòng khách mù mịt khói thuốc lá, trên bàn đặt một tờ giấy. Không cần xem, tôi đã biết tờ giấy đó viết gì rồi. Trong hơn hai tháng chồng vắng nhà, tôi đã dần dà học được cách giữ bình tĩnh. Tôi nhìn anh, cất mũ rồi bảo: “Đợi một tí, tôi sẽ ký ngay đây”. Anh nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ bối rối chẳng khác gì tôi. Vừa cởi cúc áo khoác, tôi vừa tự nhủ: “Chớ có khóc đấy, chớ có khóc đấy... ”. Hai mắt nhức lắm rồi, nhưng tôi quyết không cho chúng nhỏ lệ nữa.

Mắc xong áo lên móc, thấy anh cứ chằm chằm nhìn cái bụng to của tôi, tôi mỉm cười đi đến bàn, cầm lấy tờ giấy, rồi chẳng xem gì hết, liền ký tên mình và đẩy tờ giấy cho anh.

“Em có bầu rồi đấy à?”.

Đây là lần đầu tiên anh ấy nói chuyện với tôi kể từ hôm bà bị nạn. Nước mắt tôi trào ra không thể nào ngăn nổi. “Vâng, nhưng không sao cả, anh có thể đi được rồi”.

Anh không đi mà ngồi lại, hai chúng tôi nhìn nhau trong bóng tối. Anh từ từ ôm lấy tôi, nước mắt nhỏ ướt đầm vai áo tôi. Thế nhưng lòng tôi đã không còn gì nữa, rất nhiều thứ đã biến đi xa lắm rồi, xa tới mức có đuổi theo cũng chẳng lấy lại được nữa.

Không nhớ là anh ấy đã nói với tôi bao nhiêu lần câu “xin lỗi” nữa. Trước đây tôi cứ tưởng mình sẽ tha thứ cho anh, nhưng bây giờ thì không. Suốt đời tôi sao quên được ánh mắt băng giá anh nhìn tôi khi đứng trước cô gái nọ ở hiệu ăn Âu hôm ấy.

Chúng tôi đã rạch vào tim nhau một vết thương sâu hoắm. Tôi không cố tình, còn anh thì cố tình. Quá khứ không thể nào trở lại được nữa.
 
Trái tim tôi chỉ ấm lên mỗi khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với anh thì tim tôi đã lạnh như băng. Tôi không đụng đến tất cả những thức ăn anh mua về, không nhận bất cứ món quà nào anh tặng, không nói với anh nửa lời. Kể từ hôm ký vào tờ giấy kia, hôn nhân và tình yêu, tất cả đều đã biến mất khỏi trái tim tôi.

Có hôm anh định trở lại phòng ngủ của chúng tôi. Anh vào thì tôi ra phòng khách nằm. Thế là anh đành phải về ngủ ở phòng của bà.

Đêm đêm, đôi lúc từ phòng anh vẳng ra tiếng rên rỉ khe khẽ. Tôi nghe thấy nhưng lặng thinh. Lại dở trò cũ chứ gì. Ngày trước, mỗi bận bị tôi làm mặt giận phớt lờ, anh ấy đều giả vờ ốm như vậy, khiến tôi ngoan ngoãn đầu hàng và chạy đến hỏi xem anh có sao không. Thế là anh ôm lấy tôi cười ha hả. Anh quên rồi, ngày ấy tôi thương anh vì hai người yêu nhau. Bây giờ thì chúng tôi còn có gì nữa đâu?

Tiếng rên rỉ ấy kéo dài đứt quãng cho tới ngày đứa bé ra đời. Suốt thời gian chờ đợi ấy, hầu như ngày nào anh cũng mua sắm thứ gì cho con, nào là đồ dùng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nào là sách nhi đồng v.v... Những thứ ấy chất gần đầy căn phòng của anh. Tôi biết anh làm thế là để tôi cảm động, nhưng tôi giờ đã trơ như đá. Anh đành giam mình trong phòng, ngồi gõ phím máy tính lạch cạch. Chắc là tìm vợ trên mạng. Nhưng chuyện ấy đâu còn có ý nghĩa gì với tôi nữa.

Năm sau, vào một đêm khuya cuối xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi thét lên. Anh nhảy xổ vào buồng, hình như khi đi nằm anh vẫn không thay quần áo chỉ là để chờ giây phút này. Anh cõng tôi chạy xuống cầu thang, chặn taxi lại. Dọc đường, anh cứ nắm chặt tay tôi, luôn lau mồ hôi trên trán tôi. Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy đến khoa sản. Khi nằm trên đôi vai gầy guộc mà ấm áp của anh, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc tôi: Trên đời này, liệu có ai yêu thương mình như anh ấy không nhỉ?

Rồi anh vịn cánh cửa khoa sản, đưa ánh mắt ấm áp dõi theo tôi đi vào trong. Tôi cố nhịn đau mỉm cười với anh.

Khi tôi ra khỏi phòng đẻ, anh nhìn tôi và thằng bé, rưng rưng nước mắt mỉm cười. Tôi chạm vào tay anh, chợt thấy anh mềm nhũn người, mệt mỏi từ từ ngã xuống. Tôi gào tên chồng mình..., anh chỉ mỉm cười, nhắm nghiền mắt lại...

Tôi cứ tưởng mình sẽ không bao giờ còn nhỏ nước mắt vì anh, thế mà lúc ấy một nỗi đau xé ruột xé gan bỗng dội lên trong lòng.

Bác sĩ cho biết chồng tôi bị ung thư gan, cách đây 5 tháng mới phát hiện, khi đó bệnh đã ở thời kỳ cuối, anh chịu đựng được lâu thế quả là một chuyện lạ hiếm có. Ông bảo: “Chị nên chuẩn bị hậu sự đi thì vừa”. Mặc y tá ngăn cấm, tôi trốn ngay về nhà, xộc vào phòng anh, mở máy tính ra xem. Một nỗi đau nhói lên làm trái tim tôi nghẹn lại. Thế đấy, 5 tháng trước đây anh đã phát hiện mình bị ung thư gan, những tiếng rên rỉ của anh là thật cả, nhưng tôi lại cứ cho là...
 
Những điều ghi trong máy tính rất dài, đó là lời trăn trối anh để lại cho con mình: Con của bố. Vì con mà bố ráng chịu đựng cho tới nay, chờ bao giờ trông thấy con thì bố mới chịu ngã xuống. Đấy là nguyện vọng lớn nhất của bố hiện giờ... Bố biết rằng, đời con sẽ có nhiều niềm vui hoặc có thể gặp trắc trở. Nếu bố có thể cùng con đi suốt quãng đời con lớn lên thì vui biết bao. Nhưng bố không có dịp may ấy nữa rồi. Bây giờ bố ghi lại vào máy tính từng vấn đề con sẽ có thể gặp phải trên đường đời, khi nào gặp những vấn đề ấy thì con có thể tham khảo ý kiến của bố, con nhé.


Con ơi, viết xong mấy chục trang này, bố cảm thấy như mình đã cùng đi với con suốt chặng đường trưởng thành của con. Bây giờ bố thật sự vô cùng sung sướng. Hãy yêu mẹ con nhé! Mẹ rất vất vả vì con đấy. Mẹ con là người yêu con nhất và cũng là người bố yêu quý nhất...

Chồng tôi viết về tất cả mọi chuyện, kể từ khi đứa bé còn ở vườn trẻ cho tới lúc nó học tiểu học, trung học, đại học, rồi ra công tác, cả đến chuyện yêu đương của con nữa. Chồng tôi cũng để lại một bức cho tôi:

Em yêu quý. Được lấy em làm vợ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời anh. Em hãy tha thứ việc anh đã làm tổn thương em. Hãy tha lỗi việc anh giấu tình hình bệnh tật của mình, chẳng qua chỉ vì anh không muốn để em phải lo nghĩ trong thời gian chờ bé chào đời... Em yêu quý. Nếu khi đọc những dòng này mà em khóc thì nghĩa là em đã tha thứ cho anh rồi. Như thế anh sẽ có thể mỉm cười cảm ơn em luôn luôn yêu anh... Anh sợ rằng mình sẽ không có dịp tự tay tặng cho con những món quà anh đã mua sắm. Phiền em hằng năm thay anh tặng quà cho con, trên bao gói nhớ đề rõ ngày tặng, em nhé...

Khi tôi trở lại bệnh viện thì anh vẫn đang hôn mê. Tôi bế con đến, đặt nó nằm bên cạnh anh và nói: “Anh ơi, anh hãy mở mắt ra cười lên nào. Em muốn để con mãi mãi ghi nhớ hơi ấm của bố nó khi nó nằm trong lòng anh đấy, anh ạ... ”.

Chồng tôi khó nhọc mở mắt ra, khẽ mỉm cười. Thằng bé rúc vào lòng bố, ngọ ngoạy nắm tay nhỏ xíu hồng hồng. Tôi ấn nút máy ảnh, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt...
 
Một ly sữa​

Một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền học. Một ngày nọ nhận thấy mình chỉ còn mỗi một hào mà bụng đang đói, cậu định bụng sẽ sang nhà kế bên xin một bữa ăn. Một phụ nữ đẹp ra mở cửa. Bối rối trước cuộc gặp gỡ không hẹn trước này thay vì ăn cậu xin uống. Người phụ nữ đoán ra cậu đang đói và mang đến cho cậu một ly sữa lớn. Cậu chầm chậm nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi: “Cháu phải trả cho cô bao nhiêu ạ?"

Người phụ nữ trả lời: "Cháu không nợ cô cái gì cả. Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt"

Cậu bé cảm kích đáp: “Cháu sẽ cám ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu.".

Khi ra đi cậu cảm thấy khoẻ khoắn hơn và niềm tin của cậu vào con người cũng mãnh liệt hơn. Trước đó cậu gần như muốn đầu hàng trước số phận.

Nhiều năm sau đó người phụ nữ bị ốm nặng. Các bác sĩ địa phương đều bó tay. Họ chuyển bà đến một thành phố lớn và tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Khi ông nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ ở, một tia sáng ánh lên trong mắt ông. Ngay lập tức ông khoác áo choàng và đi tới phòng bênh người phụ nữ ở.

Ông nhận ra được ngay ân nhân của mình năm xưa. Quay về phòng hội chuẩn, ông quyết định dốc hết sức để cứu bệnh nhân này. Và cuối cùng nỗ lực của ông đã được đền đáp.

Tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hoá đơn viện phí của ân nhân. Ông viết vài chữ bên lề của tờ hoá đơn và cho chuyển nó đến người phụ nữ. Bà nhìn tờ hoá đơn và biết rằng sẽ phải thanh toán nó hết đời mới xong. Bỗng nhiên có cái gì đó khiến bà chú ý và bà đọc những dòng chữ này:

"Trị giá hoá đơn bằng một ly sữa."

Ký tên: tiến sĩ Howard Kelly

Hãy mở rộng trái tim với mọi người vì một mai bạn cũng cần người khác mở rộng trái tim dành cho mình. Do đó giúp đỡ người khác chính là mục tiêu để được sống hạnh phúc
 
Hãy can đảm bước đi

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi... Tôi hi vọng đó cũng sẽ là sự lựa chọn của bạn và tôi khi đứng trước cánh đồng cuộc đời bao la này...

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:

“ Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

Tôi hi vọng đó cũng sẽ là sự lựa chọn của bạn và tôi khi đứng trước cánh đồng cuộc đời bao la này...
 
Một câu chuyện yêu đương



Chàng và nàng rất trẻ,họ mới lấy nhau được 2 năm. Chàng vốn theo nghề chụp hình,nhưng say mê văn chương. Ngày lại ngày chàng cặm cụi viết sách, tuy rằng sách của chàng nằm dưới lớp bụi trên kệ ở các cửa hàng sách. Chàng rất yêu và chiều theo ý nàng. Thế rồi 1 ngày nọ...

- Nàng bảo chàng : "Anh đi chụp hình đám cưới con bạn em. Nó hứa trả công hậu đấy".
- Chàng đáp :"Bữa đó anh có hẹn với 1 nhà xuất bản. Em nói với bạn em chịu khó mời người khác".
- Nàng bĩu môi :"Anh bớt viết đi.Có ai đọc văn anh đâu".
- Chàng đáp : "Rồi 1 ngày nào đó, người ta sẽ nhìn nhận những gì anh viết".
- Nàng xì 1 tiếng :"Em chẳng quan tâm tới chuyện đó. Nhưng dứt khóat anh phải chụp hình đám cưới của bạn em".
- Chàng : "Em nghĩ lại đi".

Cuộc tranh luận của họ chấm dứt với lời tuyên chiến của nàng : "Cho anh 3 ngày để suy nghĩ, nếu không ..."

Ngày thứ nhất. Nàng "đình công". Bếp núc nguội ngắt,tủ lạnh trống trơn. Quần áo dơ nằm chỏng trơ trong phòng tắm. Máy thu hình, máy tính, dàn hifi...bị nàng nhét xuống kho. Để tỏ lòng "nhân từ", nàng để lại chiếc giường đôi cho cả 2. Chàng vẫn chúi mũi vào những trang giấy viết dở. Trong túi chàng còn 1 ít tiền.

Ngày thứ nhì. Nàng tiến hành lục soát và chỉ để lại cho chàng cái túi trống rỗng và mội mẩu giấy cảnh cáo : "Chớ có dại cầu viện từ bên ngoài, nếu ko hậu quả sẽ thê thảm hơn đó".Quả tình chàng đã lo lắng. Buổi tối,chàng năn nỉ nàng nhưng vô vọng. Nàng muốn chàng phải tuyệt đối tuân theo ý nàng.

Đêm thứ ba. Chàng nằm quay mặt về một phía, nàng ngoảnh mặt nhìn sang phía khác.
- Chàng : "Chúng ta cần nói chuyện...".
- Nàng : "Trừ phi là chuyện chụp hình đám cưới...".
- Chàng : "Chuyện rất quan trọng".
- Nàng im lặng
- Chàng : "Anh đã gặp một cô gái".

Nàng kô tin vào tai mình. Nàng muốn vùng dậy tát cho chàng một cái, nhưng cố nén chờ chàng nói hết. Chàng rút từ trong ngực áo ,chỗ trái tim chàng, một tấm hình. Mắt nàng nhòe lệ nghĩ, sao hôm qua mình quên lục chỗ đó nhỉ.

- Chàng : "Cô ấy rất đẹp và nhân hậu".

Trái tim nàng tan nát khi biết rằng có tấm hình của 1 người con gái khác ở bên trái tim chàng.

- Chàng:"Cô ấy hứa sẽ giúp anh thực hiện ước vọng văn chương". Nàng giật mình bởi trong quá khứ, chính nàng cũng đã từng hứa như vậy.
- Chàng:"Cô ấy rất yêu anh".
- Nàng ngồi bật dậy và quát to :"Bộ em ko yêu anh hay sao?".
- Chàng:"Anh nghĩ là cô ấy sẽ ko ép anh phải làm những điều anh ko muốn".
- Nàng giận lắm. Chàng chìa bức hình cho nàng:"Em có muốn biết mặt cô ấy ko?".

Nàng hất mạnh tay chàng. Chàng thở dài cất tấm ảnh sau ngực áo. Nàng bật khóc. Chàng tắt đèn nằm xuống. Nàng chong đèn ngồi một mình. Chàng dường như ngủ say thở đều đều. Nàng thao thức. Nàng hối hận vì cách đối xử với chàng. Nàng sẽ ko bắt ép chàng phải nhất nhất theo ý mình.Nàng muốn đánh thức chàng và nói với chàng những lời thật âu yếm. Nhìn vào ngực áo chàng, nàng muốn biết cô gái kia ra sao.Nàng nhẹ nhàng đưa tay rút tấm ảnh.Chợt nàng bật cười rồi liền đó òa khóc. Người trong ảnh không ai khác chính là nàng.Nàng khẽ hôn lên má chàng đang giả vờ ngủ.
 
THANH ÂM DIỆU KÌ .



Ðó là câu chuyện của Jimmy Durante, một diễn viên hài được mời tham gia một buổi trình diễn phục vụ những cựu chiến binh trong thế chiến thứ hai. Ông báo với ban tổ chức rằng lịch diễn của mình rất khít nên chỉ có thể tham gia diễn trong vài phút. Nhưng nếu họ cho phép, ông sẽ độc diễn một đoạn rồi đi ngay. Dĩ nhiên là ban tổ chức đồng ý.

Nhưng khi Jimmy lên sân khấu, điều thú vị đã xảy ra. Ðộc diễn xong ông vẫn đứng lại, tiếng hoan hô càng lúc càng lớn hơn và ông cứ đứng đấy trên sân khấu. 15, 20 phút rồi cả nửa tiếng. Cuối cùng ông cũng cúi đầu chào lần cuối và rời sân khấu.

Tại hậu trường, một người hỏi ông :

- Tôi ngỡ là ông sẽ đi sau vài phút, chuyện gì thế ?

Jimmy trả lời :

- Ðúng là tôi phải đi nhưng tôi sẽ chỉ cho anh thấy tại sao tôi lại ở lại. Hãy nhìn vào hàng ghế trước.

Ðó là 2 người đàn ông đều bị cụt mất một cánh tay. Một người mất cánh tay mặt, người còn lại mất cánh tay trái. Cùng với nhau, họ mới có thể vỗ tay được và họ làm điều đó một cách hết sức nhiệt tình.
 
4 ngọn nến​

Trong 1 căn phòng thing lặng có 4 ngọn nến đang cháy.

Ngọn nến thứ nhất nói :

+Tôi là biểu tượng của hòa bình thế giới này rất cần tôi

Ngọn nến thứ 2 nói:

+Tôi là biểu tượng của lòng trung thành hơn tất cả mọi người đều cần đến tôi.

Ngọn nến thứ 3 lên tiếng:

+Tôi là biểu tượng của tình yêu,hãy tưởng tượng xem thế giới này sẽ ra sao nếu ko có tình yêu,thế giới thật sự rất cần đến tôi.

Đột nhiên cánh cửa căn phòng mở tung 1 làn gió lùa vào thổi tắt cả 3 ngọn nến,câu bé chạy vào ngạc nhiên hỏi:

+Tại sao 3 ngọn nến lại tắt?

Cậu bé òa lên khóc,lúc này ngọn nến thứ 4 mới lên tiếng:

+Đừng khóc cậu bé,khi nào tôi còn cháy sáng thì cậu vẫn còn có thể thắp sáng cả 3 ngọn nến kia lại bởi vì tôi chính là: HIỆN THÂN CỦA HY VỌNG

Chúng ta có thể mất: hòa bình, lòng trung thành thậm chí cả tình yêu, nhưng chỉ cần còn giữ lại được niềm hy vọng thì ta vẫn có thể lấy lại được tất cả những thứ đã mất.

Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng.

Lúc này cậu bé ko khóc nữa và cầm ngọn nến thứ 4 lần lượt thắp sáng cả 3 ngọn nến còn lại.

Vậy mỗi chúng ta hãy cùng nhau thắp sáng niềm hy vọng trong thế giới đầy bóng tối của ích kỷ, ghen ghét, chiến tranh ,bất hòa, chia rẽ ,và thiếu vắng tình người này nhé, chúng ta hãy thắp lên ngọn nến chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.
 
TRÊN TUYẾT.

Một bà cụ nặng nhọc lê bước trên phố. Bà cụ đi chân đất. Trên tuyết. Một đôi trẻ, tay xách lỉnh kỉnh những túi to- vừa nói chuyện vừa cười đến nỗi không để ý thấy bà cụ.

Một người mẹ dẫn hai đứa con nhỏ tới nhà bà ngoại. Họ quá vội nên cũng không để ý.

Một viên chức ôm một chồng sách đi qua. Mải suy nghĩ nên cũng không để ý.

Bà cụ dùng cả hai tay để khép vạt áo đứt hết khuy. Dừng lại, nép vào một góc ở bến xe buýt. Một quý ông ăn mặc lịch lãm cũng đứng đợi xe buýt. Ông cố đứng tránh xa bà cụ một chút. Tất nhiên là bà già rồi, chẳng làm hại được ai, nhưng nhỡ bà ấy bị bệnh lây nhiễm thì sao…

Một cô gái cũng đứng đợi xe buýt. Cô liên tục liếc xuống chân bà cụ, nhưng cũng không nói gì.

Xe buýt tới và bà cụ nặng nhọc bước lên xe. Bà ngồi trên chiếc ghế ngay sau người lái xe. Quý ông và cô gái vội vã chạy xuống cuối xe ngồi. Người lái xe liếc nhìn bà cụ và nghĩ: “Mình không thích phải nhìn thấy cảnh nghèo khổ này chút nào!”.

Một cậu bé chỉ vào bà cụ và kêu lên với mẹ:

- Mẹ ơi, bà ấy đi chân đất! Mẹ bảo những ai hư mới đi chân đất, đúng không mẹ?

Người mẹ hơi ngượng ngập kéo tay con xuống:

- Andrew, không được chỉ vào người khác!- Rồi bà mẹ nhìn ra cửa sổ.

- Bà cụ này chắc phải có con cái trưởng thành rồi chứ!- Một phụ nữ mặc áo choàng lông thì thầm- Con cái của bà ấy nên cảm thấy xấu hổ mới phải!

Người phụ nữ này bỗng cảm thấy mình quả là người tốt, vì mình luôn quan tâm đầy đủ đến mẹ mình.

- Đấy, ai cũng phải học cách tiết kiệm tiền- Một chàng trai ăn mặc bảnh bao thêm vào- Nếu bà ấy biết tiết kiệm từ khi còn trẻ thì bà ấy chẳng nghèo như bây giờ!

Một doanh nhân hào phóng bỗng cảm thấy ái ngại. Ông lấy trong ví ra một tờ 10 đôla, ấn vào bàn tay nhăn nheo của bà cụ, nói giọng hãnh diện:

- Đây, biếu bà! Bà nhớ mua đôi giày mà đi! Rồi ông ta quay về chỗ ngồi, cảm thấy hài lòng và tự hào về mình.

Xe buýt dừng lại khi tới bến và một vài người khách bước lên. Trong số đó có một cậu bé khoảng 16-17 tuổi. Cậu ta mặc chiếc áo khoác to màu xanh và đeo balô cũng to, đang nghe headphone. Cậu trả tiền xe buýt và ngồi ngay vào ghế ngang hàng với bà cụ. Rồi cậu nhìn thấy bà cụ đi chân đất.

Cậu tắt nhạc. Cảm thấy lạnh người. Cậu nhìn từ chân bà cụ sang chân mình. Cậu đang đi một đôi giày cổ lông dành cho trời tuyết. Đôi giày mới tinh và ấm sực. Cậu phải tiết kiệm tiền tiêu vặt khá lâu mới mua được. Bạn bè đứa nào cũng khen!

Nhưng cậu cúi xuống và bắt đầu cởi giày, cởi tất, rồi ngồi xuống sàn xe, bên cạnh bà cụ.

- Bà, cháu có giày đây này!- Cậu nói.

Một cách cẩn thận, cậu ta nhấc bàn chân lạnh cóng, co quắp của bà cụ lên, đi tất và đi giày vào chân bà. Bà cụ sững người, chỉ khe khẽ gật đầu và nói lời cảm ơn rất nhỏ.

Lúc đó, xe buýt dừng. Cậu thanh niên chào bà cụ và xuống xe. Đi chân đất trên tuyết.

Những người khách trên xe thò đầu ra cửa sổ, nhìn đôi chân cậu thanh niên, xôn xao bình phẩm.

- Cậu ta làm sao thế nhỉ?- Một người hỏi.

- Một thiên thần chăng?

- Hay là con trai của Chúa!

Nhưng cậu bé, người ban nãy chỉ vào bà cụ, quay sang nói với mẹ:

- Không phải đâu mẹ ạ! Con đã nhìn rõ rồi mà! Anh ấy là người bình thường thôi!

Và việc làm đó, thật sự, cũng chỉ cần một người bình thường.
 
Dễ và khó

Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.

Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.

Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.

Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.

Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.

Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.

Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.

Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.

Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.

Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.

Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.

Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.

Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.

Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.

Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.

Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.

Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.

Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.

Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã...
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Back
Top