• Hiện tại trang web đang trong quá hình chuyển đổi và tái cấu trúc lại chuyên mục nên có thể một vài chức năng chưa hoàn thiện, một số bài viết và chuyên mục sẽ thay đổi. Nếu sự thay đổi này làm bạn phiền lòng, mong bạn thông cảm. Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện và phát triển. Cảm ơn

1001 CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG!!!

Status
Không mở trả lời sau này.
Một con chim trời yêu một con cá, chim trời chỉ có thể bay trên không trung, còn cá cũng chỉ có thể bơi ở trong nước, khi tình yêu này mới bắt đầu, đã an bài rằng sẽ không có kết quả. Nhưng chim trời và cá vẫn yêu nhau.

Chim trời nói : Anh chỉ cần ngày ngày được nhìn thấy em thì thế đã là đủ rồi

Cá cảm động, nước mắt cá rơi, những giọt nước mắt trong suốt ấy hòa vào với nước, cho nên chẳng có ai có thế nhìn thấy chúng.

Cá nói : Em cũng vậy, chúng ta có cùng một tình yêu dù sinh ra ở hai thế giới khác nhau, nó đã vượt qua cả giới hạn của không gian.

Chim trời nói : Tình yêu như thế sẽ vĩnh hằng, nó không được bất cứ ai chấp nhận, nhưng đó là sự tương thông của hai trái tim.

Cá nói : Tình yêu như thế là đẹp nhất, chúng ta không thể chạm vào nhau, nhưng trong trái tim của hai ta, người kia luôn là hoàn mỹ nhất...

Chim trời và cá rơi vào biển tình sâu nặng, ngày lại ngày mãi miết ngắm nhìn nhau, bất luận là gió hay mưa giông, ý chí cũng không hề thay đổi. Cho đến một ngày, khi không thể chịu đựng nỗi thống khổ của những ngày tháng tương tư được nữa, chúng hy vọng có thể chạm được vào nhau, cho dù chỉ chạm được vào nhau một phần trăm giây đi chăng nữa, thì với chúng cũng là mãn nguyện rồi. Chúng liền hẹn rằng, vào lúc chim trời bay ngang trên mặt biển, cá sẽ dùng sức vọt người lên, hoàn thành ước nguyện được chạm vào nhau một phần trăm giây của hai đứa.

Chim trời tình cảm hưng phấn, là đôi cánh cánh sát mặt biển, chính vào thời khắc ngắn ngủi nhìn thấy mình chạm vào chim trời, cá dùng hết sức búng người lên.

Cá cuối cùng cũng vọt lên được khỏi mặt nước, đầu cá và chim trời cùng va vào nhau, cũng chính vào giây phút ngắn ngủi ấy, một phần trăm giây, bi kịch sảy ra, máu tuôn trên đầu chim trời, là vì cá bay vọt lên đâm vào mà máu chảy.

Chim trời chết rồi, lúc chết, trên mặt nó còn nở nụ cười, là vì cuối cùng nó cũng biết được cảm giác được chạm vào người mình yêu nhất, cũng chính là cái chết, mất đi tính mạng.

Kết cục như thế không biết với chúng mà nói có phải là hoàn mỹ.

Anh là chim trời em là cá

suốt đời này chẳng thể bên nhau

Ở nơi biển sâu em ngày đêm khẩn cầu

kiếp sau xin làm một cánh chim trời

Tìm anh khắp muôn nơi.
Trên thế giới, khoảng cách lớn nhất không phải là khoảng cánh giữa sự sống và cái chết, mà là tôi đứng trước mặt em mà em không biết tôi yêu em
 
Một khu rừng nọ có ba cây cổ thụ đang bàn luận về tương lai. Cây thứ nhất nói: "Một ngày nào đó tôi muốn được trở thành chiếc hộp đựng châu báu với hình dáng lộng lẫy". Cây thứ hai nói: "Tôi muốn trở thành con thuyền to lớn . Tôi sẽ chở đức vua và hòang hậu đi khắp thế giới". Và cây thứ ba: "Tôi muốn vươn dài để trở thành cây to lớn nhất trong khu rừng này. Mọi người nhìn lên đồi sẽ thấy tôi vươn xa, chạm đến bầu trời".

Một vài năm sau đó một nhóm người đặt chân đến khu rừng và cưa những thân cây. Cả ba đều mỉm cười hạnh phúc vì tin mong ước của mình sẽ thành hiện thực.

Khi cây đầu tiên được bán cho một chủ trại mộc, nó được tạo thành máng đựng thức ăn gia súc và đặt trong kho thóc phủ lên bởi một lớp cỏ. Cây thứ hai được bán cho một thợ đóng thuyền đóng thành một chiếc thuyền nhỏ để câu cá. Cây thứ ba bị chặt thành từng khúc và quẳng lại trong bóng đêm. Đây chẳng phải là những điều mà chúng hằng mong đợi.

Một ngày nọ, một cặp vợ chồng đến kho thóc. Người vợ đã đến kỳ sinh nở, người chồng hy vọng tìm được một chiếc nôi cho đứa bé và máng cỏ đã trở thành chỗ ở ấm áp cho em. Cây thứ nhất cảm nhận cảm nhận được sự quan trọng của nó và hiểu rằng mình đang che chở một sinh linh bé nhỏ.

Vài năm sau, một nhóm người đi đánh cá trên chiếc thuyền của cây thứ hai gặp phải một trận bão lớn. Những người trên thuyền đã rất mệt mỏi, nhưng cây thứ hai biết rằng nó có đủ sự vững chãi để giữ an tòan và sự bình yên cho chủ nhân. Với cây thứ ba, một ngày, có ai đó đã đến và nhặt những khúc gỗ. Trên đỉnh đồi, nó được đóng thành một hàng rào ngăn chặn thú dữ. Khi ánh mặt trời vừa ló dạng, cây thứ ba nhận ra rằng nó có đủ sức mạnh để đứng vững trên đỉnh đồi này.

Khi sự việc xảy ra không theo như ý muốn, đừng tuyệt vọng vì mọi việc diễn ra đều có chủ đích. Cà ba cây cổ thụ đều thực hiện được những ước mơ của mình, dù cách thức để đạt đến đích cuối cùng không như mong đợi. Cuộc sống sẽ không phụ những kẻ có lòng.
 
Hãy cám ơn


Hãy cảm ơn vì bạn chưa có tất cả những thứ bạn muốn. Vì nếu bạn có rồi thì bạn còn có gì để trông chờ và hy vọng nữa đâu.

Hãy cảm ơn vì còn nhiều điều bạn chưa biết. Vì nếu bạn biết hết rồi thì bạn chẳng còn gì để học hỏi nữa sao?
Hãy cảm ơn những lúc khó khăn. Vì nếu không có một lúc khó khăn thì liệu bạn có trưởng thành được không?

Hãy cảm ơn vì bạn còn có những nhược điểm. Vì nếu không còn nhược điểm gì thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để tiến bộ, để cải thiện bản thân.

Hãy cảm ơn những thử thách. Vì nếu không có thử thách nào thì liệu cái gì có thể xây dựng nên sức mạnh và cá tính của bạn?

Hãy cảm ơn những lỗi lầm bạn đã có. Vì nếu bạn không có lỗi lầm gì thì cái gì sẽ dạy cho bạn những bài học đáng giá như thế đây?

Hãy cảm ơn những khi bạn mệt mỏi. Vì nếu bạn không khi nào mệt mỏi tức là bạn không làm việc gì hay sao?

Thật là dễ nếu cảm ơn những thứ tốt đẹp, nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Suy nghĩ luôn có thể chuyển tiêu cực thành tích cực. Nếu bạn biết cách biết ơn những thứ rắc rối của bạn thì chúng có thể giúp ích nhiều cho bạn đấy!
 
Con cứ tưởng là con đã hiểu tất cả. Hoá ra con không hiểu gì cả. Mọi vật cứ quay cuồng rồi chính con cũng xa lạ với chính con. Con không biết là mình ở đâu nữa, ở trong mình, hay ở một nơi nào rất xa. Con những tưởng là ba biết rõ tất cả. Vậy mà ba bỏ con, ba vui thú với mấy ông bạn già bỏ mặc con với những nỗi lo toan không nơi nương tựa. Con sợ lắm! Nhưng phải cố gượng dậy. Không còn cách nào khác.

Ba ơi! Con thầm gọi ba những lúc thế này để trái tim con ấm lên tưởng như bàn tay ba che chở vỗ về. Ba ở bên con hay ở một nơi nào rất xa. Ba con mình luẩn quẩn bên nhau. Còn cuộc đời thì như những thước phim cứ quay đi quay lại. Đã có lúc con mặc kệ nó. Nhưng rồi nó cứ cuốn con đi. Chân con cứ phải chạy, tai con cứ phải nghe, mắt con cứ phải nhìn thấy và miệng con thì cứ phải huyên thuyên những điều vô nghĩa lý.

Con chẳng biết kể cho ba nghe chuyện gì cả. Chuyện mẹ ở nhà vật lộn với bệnh già ca cẩm suốt ngày, một mình, chỉ có một mình ư? Mẹ hiểu tuổi già của mẹ hơn con. Mẹ bận tâm về nó hơn là bận tâm về con. Con cũng chẳng giúp được mẹ ngoài việc lắng nghe một cách thờ ơ và sốt ruột. Con thấy mẹ lẩm cẩm còn mình thì như có lỗi, như nhận ra mình là đứa con bất hiếu. Tại sao con không già như mẹ để thông cảm với mẹ hơn, để kiên nhẫn hơn và nói được với mẹ một điều gì đó có nghĩa. Các em con cũng thế. Chúng nó chẳng có thì giờ để chia xẻ với mẹ nỗi bận tâm của mẹ. Chúng có bao nỗi bận tâm của chúng. Cái đầu nối giữa tuổi già và tuổi trẻ thật mong manh. Nó cứ trượt đi theo vòng quay thời gian. Đuổi nhau mà chẳng bao giờ nắm bắt được nhau. Nhưng rồi sẽ đến lúc chúng con sẽ già lúc ấy chúng con sẽ thương xót và nuối tiếc. Rồi ai sẽ thương xót và nuối tiếc chúng con? Chắc là các con của chúng con. Giá mà có thể đổi chỗ cho nhau được.

Cái Hường đang mải mê đi thi tay nghề giỏi. Trông nó phởn phơ lắm. Nó giật giải nhì ở huyện đấy ba. Bây giờ nó đang chuẩn bị đi thi thành phố. Chồng nó đang phất, mua sắm được khối thứ. Nó rất ngạc nhiên khi thấy con bỏ nhà bỏ cửa ra đi. Làm sao nó hiểu được. Giá mà nó hiểu được một chút nó sẽ không nhìn con như thế.

Thằng Hưng đang xây khách sạn. Nó gầy rộc đi. Nó chẳng nói với con một câu nào. Con thấy mình thật là vô tích sự.

Con cũng chẳng còn nhận được ra thằng Phú nữa. Nó giống như bọn thanh niên bây giờ, ăn mặc, đầu tóc, nói năng, cả phong cách tiêu sài. Con thật cổ lỗ sĩ phải không ba?

Còn cái Minh, nó nuôi thằng Tiến cho con. Thỉnh thoảng chồng nó lại dúi cho con một ít tiền. Hễ con quà cáp một tý là y như rằng chúng nó kêu lên: "Bác làm gì có tiền mà mua". Khách khứa của chúng đến nhà bằng đủ phương tiện, xe hơi, xe máy... chúng miễn cưỡng giới thiệu: "Bà chị em, viết văn". Thế là con nhận được đủ loại ánh mắt thờ ơ, ái ngại và cả thương hại nữa.

Thằng Tiến đang vỡ giọng, đang tập làm người lớn. Nó không thích laÜng nhaÜng theo con như ngày xưa nữa. Trước khi đi học nó đánh giày, chải đầu, xịt gôm bọt, thỉnh thoảng buông ra một câu triết lý rất "cụ". Nó không thích con xuất hiện trước bạn bè của nó. Không thích con đưa đón và đưa tiền ăn sáng cho nó trước mặt mọi người. Con thấy nó vừa thân thiết với con vừa xa lạ với con. Con ngỡ ngàng tưởng như mình đang mất đi một cái gì đó thật quý giá. Tuổi thơ của con trai con. Tất cả chỉ còn những ký ức. Hiện diện của ngày hôm nay là một cậu thiếu niên đang dần trở thành một cậu thanh niên. Niềm vui xen nỗi lo âu làm con thắc thỏm.

Con hoang mang lắm ba. Con muốn níu giữ một cái gì đấy. Nhưng rồi nó cứ trượt đi. Con hoảng sợ đến một lúc nào đó tất cả sẽ kết thúc. Con đau xót chấp nhận cái quy luật sinh tồn nghiệt ngã.

Anh ấy vẫn cứ thế, vẫn chứng nào tật ấy. Uống rượu liên miên và nuôi mối hận thù thâm căn cố đế với mấy ông lãnh đạo. Anh ấy cho rằng sự "bất công thành doanh toại" của anh ấy là do họ. Còn con thì, cho rằng do rượu. Anh ấy đã tưới mềm ý chí bằng rượu. Đốt cháy sự nghiệp bằng rượu. Bây giờ anh ấy chỉ còn là con ve sầu rả rê than thở. Con chẳng có cách gì giúp được anh ấy dù ở gần hay ở xa. Vì có bao giờ anh ấy biết nghe con. Tại sao người ta không thể chỉ bằng lòng với những gì mình có?

Nhưng có thể muốn bằng lòng cũng không được. Con đã từng an phận, muốn bằng lòng, cuộc đời chỉ biết có chồng con, dạy học, nuôi heo, nuôi gà... Nhưng rồi dạy học, nuôi heo, nuôi gà cũng không nuôi nổi ba con người, một kỹ sư, một thầy giáo và một đứa con ba tuổi. Chúng con không dám chi phí cho một ngày đi công viên hay đi xem xinê. Phải trốn mọi đám cưới của bạn bè, chưa biết thế nào là niềm vui của ngày Tết từ khi ý thức được thế nào là Tết. Ngày xưa con còn nhớ, Tết con không có áo mới không có xe đạp để đi chơi cùng với bạn bè. Nhưng dù sao ngày đó con vẫn hồ hởi ra trò. Bao nhiêu chàng trai vẫn đỏ mặt trước con bởi gương mặt trắng hồng nổi bật trên chiếc áo tháo túi nhuộm nâu của con. Chiếc áo mà bạn của mẹ thấy con không có áo mặc đã động lòng trắc ẩn cho con. Tuổi trẻ của con đã đánh bạt chiếc áo già nua ấy. Con vẫn rực rỡ, vẫn xinh tươi, các bạn trai của con sau này bảo thế. Họ không hề để ý đến chiếc áo ấy đã từng là của một bà già năm mươi tuổi khoác lên người một thiếu nữ mười sáu tuổi. Nhưng bây giờ thì khác rồi ba ạ. Con đã là chủ gia đình, nhất là con trai và hai bên nội ngoại chưa kể đến khách khứa bạn bè và những cô cậu học sinh. Phần mứt rượu Tết của cơ quan con, chúng con mang về lễ tổ tiên bên ngoại. Rồi chúng con bỏ trốn cái Tết đi đến một nơi thật xa. Nơi ấy người ta chỉ đón Tết duy nhất có một ngày mà cái ngày duy nhất ấy, chúng con đang rông ruổi trên đường với túi bánh lương khô. Nỗi khổ sở làm chúng con trở nên khó tính. Con cáu bẳn còn anh ấy thì nghiện rượu. Niềm xót xa cho cậu con trai ba tuổi ngơ ngác không biết Tết là gì làm cho con oán hận. Con oán hận anh ấy. Rồi con lại thấy mình vô lý. Con oán hận đời. Nhưng đời là ai? Là cái gì? Con chẳng làm sao định nghĩa nổi. Con oán hận cho sự hèn kém của mình. Thế là con bỏ chạy. Ba biết đấy ngày đó con đã trốn đi, gia tài duy nhất là cậu con trai. Con không đành lòng trước sự lạc lõng của con báo hiệu một sự lạc lõng định mệnh dành cho con trai con. Con bỏ cái nhà quê tĩnh lặng ấy, bỏ cái công việc dạy học đơn điệu và tẻ nhạt ấy, con chẳng biết dạy gì cho lũ trẻ ấy cả khi mà áo chúng rách còn tim con thì bươm bả, tả tơi. Con lao vào cái đám ồn ào của phố phường để đánh lừa cảm giác là mình đang sống. Con đi đưa hàng thuê dành dụm được ít vốn, đi buôn, rồi mất tất cả. Cuối cùng con đâm sầm vào văn chương hy vọng sẽ gửi gắm nơi đó một điều gì, hy vọng được an ủi, được chia sẻ, được sống...
 
Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: "Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!". Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói:

- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

- Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè... Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh...
 
1. 16h15. Trước cổng trường tiểu học lác đác có 4 - 5 phụ huynh đứng chờ đón con. Chênh
chếch là quầy xúc xích rán lưu động của cô bé Na. Gọi là cô bé, bởi Na có vẻ như chưa hết tuổi học trò. Nom Na cũng chỉ nhinh nhỉnh hơn các cô học trò đang chạy nhảy tung tăng trong sân trường. Sắp đến giờ tan trường rồi mà chiếc bếp gas du lịch lại “dở chứng” không lên lửa. Na đã cố gắng bật đi bật lại, vô ích, cái bếp vẫn gan lỳ khó bảo. Chiếc chảo vẫn nguội tanh. Khuôn mặt búp bê của Na đọng những giọt mồ hôi dù trời rất lạnh…

2. Anh thanh niên đi chiếc Atila trắng đứng gần đó, nãy giờ bận nghe điện thoại, vừa xong, anh lại gần hỏi: “Em biết gần đây có cửa hàng gas nào không?”. Na còn đang tần ngần thì anh đã phóng xe đi. Na lại loay hoay bật thử cái bếp gas nhưng không được. Người đến chờ đón con, em trước cổng trường mỗi lúc một đông. Nhiều ánh mắt nhìn Na ái ngại. Có tiếng ai đó: “Thế này thì ế hết rồi, khổ thân!”.

3. “Kít”. Chiếc Atila trắng hồi nãy phanh gấp trước mặt Na. “May quá! Có đây rồi em ơi! Anh tặng em cả bếp và bình gas mới luôn. Mau rán luôn đi em kẻo các cháu sắp tan học rồi”. Cô bé không biết phải cảm ơn anh thanh niên thế nào, “Hết bao nhiêu cho em gửi tiền anh” - Na nói ấp úng, mặt đỏ bừng. “Cho em nợ” – anh thanh niên nói và phóng xe đến bên một cậu học trò vừa ra khỏi cổng. Rồi họ chở nhau đi.

Chiếc bếp gas sáng bừng ngọn lửa, Na vớt những chiếc xúc xích vàng rộm khỏi chảo mỡ, cắm chiếc dùi tre vào, trao cho các cậu bé, cô bé đang ùa ra khỏi cổng trường.

4. Một chàng thanh niên đi chiếc @ nãy giờ chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc, buông một câu: “Đồ dại gái!”.

Người viết bài này cũng chứng kiến sự việc, chợt tự hỏi mình: “Có dại gái không nhỉ! Mong rằng không phải, mong rằng những câu chuyện cổ tích vẫn chưa hết, vẫn đang có người kể tiếp đây mà”.

Bất giác nhìn đồng hồ đã 16h45, điều cần nói thêm là câu chuyện cổ tích này được diễn ra tại cổng trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
 
Biển Và Người Đàn Bà

Anh nhập vào nàng như một đám bọt bèo sóng đánh dạt lên bờ. Nếu không có nàng chắc anh sẽ tan rữa ra rồi hòa vào nước biển.

Đó là những ngày tồi tệ nhất trong đời anh khi anh không còn tự chủ được mình. Một cảm giác lạ nhen nhúm và đẩy mạnh lên. Anh chới với khi toàn bộ sức mạnh đàn ông trong anh biến mất, thay vào đó là một cảm giác muốn được vỗ về, ôm ấp. Anh như một kẻ mộng du tìm đến bến tình của những kẻ đồng giới. Anh ngập trong cảm giác được thỏa mãn. Chút tỉnh táo cuối cùng dành cho sự liêm sỉ. Anh che giấu vợ con và bạn bè cái tình cảnh khốn khổ của mình.

Vào cái ngày đó, khi anh nâng cặp kính cận lên khỏi mũi và khi chưa có thói quen ngó sau để cảnh giác, anh luồn tay vào hốc khóa mà bạn tình đã để sẵn cho anh. Bất chợt, một bàn tay vỗ xuống vai anh. A, tôi bắt được rồi nhé. Anh chết đứng khi nhận ra người đứng trước mặt là vợ anh. Anh không nhận thấy một dòng nước ấm chảy từ người anh xuống chân, ướt sũng, vợ anh ném cho anh một cái nhìn khinh miệt đến mức anh chết rồi sống lại, rồi lại chết. Khi vợ anh quay gót đi thì anh gục xuống và không biết gì nữa.

Từ bên trong cửa sổ một ngôi nhà đối diện nàng đã chứng kiến tất cả. Chờ đến năm phút sau không thấy người đàn bà quay lại và anh vẫn ngã gục, đầu dựa vào tường, nàng mở cửa đi ra. Nàng đưa anh đến bệnh viện với chẩn đoán của bác sỹ - hôn mê thận.

Nàng trở về nhà soi gương và tự nhủ. Một người đàn bà xấu xí, cô quạnh nhưng thật thông minh. Nếu như ta không mở cửa và đưa anh ta đến bệnh viện chắc anh ta đã chết rồi. Cứ cho rằng anh ta chết rồi. Bây giờ ta làm anh ta sống lại, anh ta sẽ là của ta.

Nàng không tìm cách để cho người nhà anh biết anh đang hoạn nạn nhưng nàng vẫn ngóng một lần người đàn bà ấy đến tìm anh. Anh dần dần bình phục bởi anh còn nhiều những toan tính, dự định tốt đẹp cho cuộc sống. Khi xuất viện, nàng đón anh về nhà nàng. Qua khỏi cơn ốm đau, anh coi nàng như một người mẹ. Anh không cần giấu giếm nàng cái tình cảm quái gở mà qua thuốc thang cũng không sao khỏi được. Nàng rất đỗi ngạc nhiên, rồi sau đó nàng thất vọng. Nàng lại soi gương và khóc. Vận may không đến với người đàn bà xấu xí được. Ta cần một người đàn ông thực sự của riêng ta kia. Đây không còn là một người đàn ông nữa mà là một con bệnh.

Tuy nhiên với tấm lòng nhân hậu, nàng đan một cái nôi to và đặt anh lên đấy. Đêm đến anh rúc vào nách nàng như trẻ nhỏ. Nàng âu yếm vỗ về anh, rồi kể những câu chuyện cổ tích cho anh nghe. Trong hơi ấm nồng nàn của một người đàn bà, anh lớn dần lên. Có những đêm hơi ấm làm anh ngạt thở. Anh vươn lên trên gối và kể cho nàng nghe. "Anh là người đàn ông thành đạt hoàn hảo. Anh tốt nghiệp đại học vào loại ưu. Anh được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Anh bảo vệ luận án phó tiến sĩ một cách xuất sắc. Sau đó là luận án tiến sĩ. Những công trình nghiên cứu khoa học của anh được đánh giá rất cao ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Anh lấy vợ. Một người đàn bà rất đẹp và sinh ra những đứa con cũng rất đẹp. Từ những thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cấp trên bắt đầu nhìn nhận đến anh và cất nhắc anh lên làm một nhiệm vụ quản lý chủ chốt. Từ một nhà khoa học thành một nhà quản lý, anh thực sự lúng túng. Tuy nhiên nhiệm vụ của anh cũng suôn sẻ vì thời bao cấp mọi thứ cứ như được định sẵn cả rồi. Chuyển sang nền kinh tế thị trường anh thực sự khốn khổ vì chức vụ anh đang nắm giữ; Nhiều lần anh đã làm đơn xin từ chức để chuyển sang làm khoa học thuần túy nhưng cấp trên không cho vì lý do anh là nhà khoa học giỏi, anh có uy tín trong nước cũng như trên trường quốc tế. Với lại làm khoa học còn khó hơn mà anh còn làm được nữa là. Cùng lúc với công việc ở công sở không trôi chảy thì ở nhà vợ con anh lại có những đòi hỏi, thúc ép anh. Vợ anh đang ở cái tuổi hoàn mỹ, nàng càng ngày càng đẹp ra trong những bộ quần áo đúng mốt, đắt tiền. Nàng bảo anh - ở cương vị anh, anh có thể mang về cho vợ con anh nhiều thứ hơn nữa chứ. Như cái ông giám đốc quèn kia mà còn có những là nhà ba tầng, đầy đủ tiện nghi. Rồi các loại xe xịn cho cả nhà. Nữa là anh, Viện trưởng một viện khoa học tầm cỡ quốc gia.

Người ta đã đòi hỏi ở anh nhiều thứ mà anh không có. Anh sợ hãi co mình lại. Anh âm thầm như một chiếc bóng khi không ai còn hiểu được anh nữa. Tuy nhiên, chiếc bóng đó cũng được người ta lợi dụng triệt để. Những ngày anh khủng hoảng nhất đó là lúc anh bị thua kiện bởi những tội lỗi anh không hề mắc phải. Anh biết người ta muốn giành cái ghế quyền chức của anh mà thôi. Trong cuộc họp anh đã thẳng thắn một lần nữa xin từ chức nhưng người ta không muốn thế. Người ta muốn anh không được làm cả công việc đã từng rất thành đạt là nghiên cứu khoa học nữa kia. Anh bị thanh tra chất vấn đến khổ sở. Về nhà, vợ anh vẫn đẹp rực rỡ. Nàng vẫn không ngừng đòi hỏi anh. Đến một lần nàng nói với anh: "Trước kia sao anh thông minh, đáng yêu thế, bây giờ đến làm một người đàn ông ra hồn anh cũng không biết cách." Thế là chút sinh khí đàn ông cuối cùng trong anh tắt hẳn. Tuy nhiên, vợ anh lại nghi ngờ rằng anh phải lòng một người đàn bà nào đó. Nàng đã rình rập để bắt được quả tang. Và, anh đã chết. Nàng hiểu thấu toàn bộ câu chuyện của anh kể. Nàng bảo anh: Anh là một nhà khoa học thì anh sẽ là một nhà khoa học.

Nàng thu xếp bán hết nhà cửa. Nàng và anh đi về phía biển cả. Ở đấy nàng mua một căn nhà nhỏ và một phòng thí nghiệm cho anh. Anh nghiên cứu một công nghệ mà loài người đang bó tay. Trong nước biển có hóa một lượng vàng rất nhỏ. Nhưng với một khối nước biển khổng lồ thế kia thì lượng vàng đó cũng thành đáng kể, góp phần giàu có cho con người. Anh nghiên cứu mê mải, quên cả nàng và cả những đau khổ mà anh đã trải qua.

Nàng, người đàn bà xấu xí ấy đã quên hết cả bất hạnh là cần một người đàn ông của riêng mình và những đứa con. Nàng ngâm đỗ để lấy mộng giá đem ra chợ bán. Khi dỡ giá nàng để lại một nhúm nhỏ cho anh. Bán xong mẻ giá đỗ nàng mua những mớ rau răm về uống như những người tu hành. Nàng tự ép xác mình để chờ ngày anh thành đạt. Đã trôi qua bao nhiêu năm bao nhiêu tháng.

Một buổi sáng đẹp đẽ, biển bừng lên rạng rỡ không có một gợn gió nào. Biển lặng như một tấm gương khổng lồ. Từ trong phòng thí nghiệm anh kêu to sung sướng. Thành công rồi, thành công rồi. Vàng đây, ta đã lọc được nước biển lấy vàng. Anh chạy ra tìm nàng. Nàng đang soi mình trên biển. Anh cuồng nhiệt ôm lấy nàng với tràn đầy sinh lực. Nàng sung sướng trào nước mắt. Nàng thầm nhủ - Hạnh phúc đã đến với ta rồi chăng? Nàng soi mình xuống biển, biển trả lại nàng một khuôn mặt xấu xí, già nua với đôi mắt ngời lên hạnh phúc.

Anh bàn với nàng "anh sẽ bán công nghệ này cho một nhà máy nào đó." Nàng bảo anh "Không, chúng ta sẽ xây dựng nhà máy. Chúng ta sẽ độc quyền." "Nhưng anh không biết làm quản lý, anh đã chẳng từng thất bại đó sao?." "Không, anh sẽ làm một người chủ rất giỏi trên công nghệ của anh, trên nhà máy của anh."

Anh nghe theo nàng. Anh trở thành một ông chủ giàu có với đầy đủ uy lực, sức mạnh.

Khi anh trở thành một người đàn ông với đầy đủ sức mạnh, anh bảo với nàng "Không biết vợ anh có còn đẹp nữa không?." Nàng khóc thầm trong lòng và thầm nhủ - Ta biết, đã đến lúc rồi. Một người đàn bà xấu xí không thể nào giữ được một người đàn ông cho trọn vẹn cả đâu. Cho dù có phải là một người đàn ông do mình tạo ra đi nữa, cũng thế thôi," Nàng bảo anh - Anh về đi, về thăm lại chị ấy và các cháu.

Anh ngậm ngùi chia tay nàng. Vài ngày sau, một người đàn bà rất đẹp với những đứa con rất đẹp cùng anh đến bờ biển. Mới đầu họ còn e dè nàng nhưng chỉ vài ngày sau họ đã là chủ nhân thực sự của nhà máy và bãi biển này. Anh vui vầy cùng họ chẳng còn để ý đến nàng nữa. Nàng nghe tiếng người đàn bà đẹp hổn hển - Anh tuyệt vời quá em chưa bao giờ được sung sướng thế này.

Nàng đi ra biển. Biển rì rào: "Nàng là một người đàn bà nhân hậu. Nàng rất thông minh, nàng biết việc mình làm. Nàng sẽ giết chết người đàn ông đó, nếu nàng muốn. Nhưng nàng chẳng làm thế đâu. Chính nàng, nàng là vàng hòa lẫn trong nước biển này. Sẽ có một nhà khoa học khác nghiên cứu để lọc, để chắt ra tên gọi nàng." Buổi sáng hôm sau khi hai vợ chồng nhà khoa học ra tắm biển trên bãi cát tinh khôi có những dòng chữ vàng lấp lánh:

"Gửi những người đàn bà đẹp!

Ta muốn kể lại rằng ta đã từng ghen tuông với các người - những người đàn bà đẹp. Bởi tất cả đàn ông đều ngoái lại nhìn và muốn chìm đắm trong vòng tay của các người. Nhưng nếu các người- những người đàn bà đẹp- có thêm một chút thông minh nữa thôi thì trong vòng tay của các người sẽ có những người đàn ông tốt đẹp hơn. Ta gửi lại cho các người sự thông minh của ta trong nước biển xanh này."

Hai vợ chồng nhà khoa học vội vã đi tìm nàng nhưng không còn thấy nàng đâu nữa. Chỉ có sóng biển cồn lên những ánh vàng. Nước biển mà nhà khoa học đã lọc hết vàng nay lại được hòa tan một lượng vàng rất nhỏ.
 
Bông Hồng Cài Áo

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời với tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không thể lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn.

Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: "Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi !" Lớn cách mấy mà mất mẹ, thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì kẻ mồ côi.

Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ thấy hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất từ hồi nhỏ là một bài thơ giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, âu lo... sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến nhưng chắc chắn phải đến:

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời!

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả một bầu trời

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ vừa giản dị, vừa đúng mức:

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau

Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở "Khổ chưa, con tôi," ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một và đậm đà dịm cả cổ họng như đường mía lau.

Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; những chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thuơng yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời.

Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có Đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ.

Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ "mẹ" là ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa mấy.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Mother's Day, mồng 10 tháng 5. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày, tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên nghĩ rằng có một tục lệ chi đó.

Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là ngày Mother's Day, theo tục Tây Phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài hoa hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa màu trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà cảm thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào, chúng tôi không có được cái tự hào cài trên áo một bông hoa màu hồng.

Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ dù Người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan!

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta. Những kẻ đã và đang có mẹ, đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói : "Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc vá may, giặt rửa, dọn dẹp... Và để mình suốt đời bận rộn lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ "như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ" Chiều nay khi đi học về hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào trong phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em hãy ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú
 
Biển Tigôn

Tôi đã viết nhiều truyện về nước mắm, chẳng phải tôi là người dân xứ nước mắm mà chỉ vì hằng ngày tôi thường ăn nước mắm. Chúng ta dễ quên đi những điều thường ngày. Tôi nghĩ nếu có lần bạn thử không quên và hết sức chú ý đến chúng, điều thường ngày sẽ có khối chuyện hay xảy ra.

Hàng ngày thay mặt ông chủ, tôi thường liên hệ với các nhà lều sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, nhưng đặt chân đến đó thì chưa bao giờ. Sáng nay, bận công việc đột xuất, ông chủ giao tôi theo xe tải từ Đà Lạt xuống Phan Thiết nhận hàng. Hàng của chúng tôi không phải là nước mắm mà là "xác mắm" - loại phân bón tối ưu cho các nhà vườn trồng légumes ở Đà Lạt. Bạn đã bao giờ thấy xác mắm chưa? Đó là xác những con cá nát bấy được vét từ đáy những thùng muối mắm. Thấy xác mắm, bạn sẽ quên nó ngay vì nó chẳng có gì đặc biệt. Nhưng nếu đã ngửi nó một lần trong đời, chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên nó được.

Xe tải đến Phan Thiết lúc hai giờ chiều. Trời nắng gắt. Nhà lều chúng tôi đến lấy xác mắm nằm sát bên bờ sông Mương Mán nhưng không có ngọn gió nào từ mặt sông thổi lên. Tôi lấy khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt rồi bước vào văn phòng làm việc. Một người đàn ông tóc đã có những sợi bạc, đeo kính lão, đang ngồi xem sổ sách. Chếch về phía bên phải bàn làm việc của ông, một cô thư ký tóc dài đang ngồi đánh máy chữ lóc cóc. Tôi mỉm cười thầm nghĩ, ông chủ này chịu chơi, tuyển nữ thư ký "nhí" ghê!

- Chào ông, tôi đại diện cho ông Quang ở Đà Lạt xuống nhận hàng.

Người đàn ông đứng dậy, vồn vã bắt tay tôi:

- Mời cậu ngồi. Tôi đã nghe điện thoại ông Quang dặn giao hàng chiều nay. Nhưng tôi gom chưa đủ số lượng. Vậy cậu hãy chịu khó đợi đến sáu giờ chiều, chúng ta sẽ cân hàng và chất lên xe luôn.

Rồi ông già quay qua cô thư ký "nhí," nói:

- Con lấy cho ba hai chai nước ngọt.

Cô thư ký rời bàn máy chữ đi vào nhà trong. Tôi ngạc nhiên hỏi ông chủ:

- Cô ấy là con gái của ông?

Ông chủ cười hề hề:

- Nó là con gái út của tôi. Nó đang học lớp 12 trường Phan Bội Châu. Những lúc rảnh, nó thường phụ giúp tôi đánh máy mớ giấy tờ. Cậu mới xuống Phan Thiết lần đầu?

- Dạ phải.

- Vậy trong khi chờ đợi nhận hàng. Tôi sẽ nói con gái tôi dẫn cậu đi coi phố xá hay đi tắm biển.

- Cám ơn ông. Tôi thích tắm biển hơn, vì ở Đà Lạt chỉ có hồ với thác, không bơi lội được.

Cô bé bưng ra hai ly nước đá và hai chai nước ngọt để xuống bàn. Ông chủ nói:

- Ba phải đi lo giấy tờ chuyên chở hàng kẻo chiều tối công sở họ nghỉ việc. Con thay ba dẫn ông khách đây đi tắm biển, ông ấy mới ở Đà Lạt xuống chưa biết biển Phan Thiết nằm ở đâu.

Cô bé quay qua nhìn tôi. Tôi cố gắng nở nụ cười thật tươi để em không từ chối. Và may mắn thay, cô bé đã gật đầu.

Uống một hớp nước ngọt, ông chủ nói:

- Cậu đi tắm biển vui vẻ nghe. Sáu giờ chiều mời cậu về đây ăn bữa cơm gia đình rồi chúng ta cùng cân hàng.

Ông cầm túi xách đứng dậy, dắt chiếc xe Honda đỏ ra khỏi nhà. Cô bé hỏi tôi:

- Ông có biết bơi không?

- Em hỏi làm chi?

- Để em biết nên dẫn ông đến chỗ bãi biển cạn hay sâu.

- Tôi sợ chết đuối lắm. Em dắt tôi đến chỗ nào nước sâu đến... trái tim là được.

Cô bé mỉm cười đi vào nhà trong sửa soạn. Tôi đi ra chỗ xe tải đậu, nói tài xế đợi đến sáu giờ chiều mới nhận hàng. Tôi với lấy túi xách có đựng quần tắm và khăn lông, tôi đã dự trù mang theo từ Đà Lạt xuống đây đợi có dịp là đi tắm biển bơi lội cho thỏa thích.

Một lát sau cô bé chạy chiếc xe cúp màu xanh rêu đến bên chiếc xe tải. Tôi vội nhảy lên ngồi ở yên sau. Cô bé tắt máy xe, bước xuống:

- Ngồi vậy kỳ chết. Ông ngồi trước lái xe đi.

- Nhưng tôi đâu có rành đường. Chạy lạc thì sao?

- Ông khỏi lo, em ngồi sau chỉ đường cho ông.

- Trời đất! Đâu có ai ngồi sau mà "chỉ đạo" được người ngồi trước.

- Có chứ. Mấy ông "sếp" thường ngồi ghế sau xe hơi chỉ đạo cho tài xế ngồi ghế trước.

Tôi nhăn mặt ngồi lên yên trước, đạp máy xe nổ. Cô bé ngồi xuống yên sau, vỗ nhẹ vào vai tôi:

- Ông cho xe quay lại.

Theo sự hướng dẫn của cô bé, tôi cho xe chạy lòng vòng qua một vài đường phố chính. Thành phố này chưa xây dựng nhiều nhà mới. Những ngôi nhà cũ kỹ được quét lớp vôi mới nhưng những mái ngói vẫn để nguyên màu nâu đen. Xe chạy qua một cây cầu mới xây ra ngoại ô. Hai bên đường, nhà cửa cũng còn mới được xây dựng nên mái ngói còn đỏ tươi. Qua một đoạn đường đầy ổ gà, xe bắt đầu leo dốc lên một đỉnh đồi. Vừa lên đến đỉnh đồi, cô bé vỗ vai tôi.

- Dừng lại.

Tôi thở phào hỏi:

- Đến rồi hả?

- Đến rồi.
 
Ban Mai Bình Yên

Buổi sáng Kim ngủ dậy muộn. Mấy người anh đang tán lại giấc mơ đêm qua để đánh đề. Kim cười lơ mơ. Các ông anh trí thức hẳn hoi, ông nào cũng ôm từ một cái bằng đại học trở lên. Ấy vậy mà còn mê tín.

Thằng cu Điệp chạy vào giường lay Kim:

- Cô út! Dậy ba hỏi kìa! Đêm qua cô út mơ thấy gì? Đêm qua cô út mơ thấy cháy nhà. Tiếng anh Minh.

- Tra bảng thử cháy nhà ra con gì? Tiếng chị Sáu.

- Cháy nhà ra mặt chuột! Tiếng ai đó Kim không nhận ra.

Tất cả cười ầm.

Kim xuống nhà dưới giúp mẹ dệt nốt chiếc chiếu. Vụng về, cô làm hỏng một mảng lớn. Mẹ mắng Kim đuềnh đoàn. Buồn, Kim bỏ lên nằm đọc sách.

Đô hẹn sáng nay lên đưa Kim đi Mỹ Sơn. Hơn tám giờ, nắng lên, chắc là Đô không đến. Kim tặc lưỡi. Đô bao giờ cũng sai hẹn. Ban đầu Kim còn hờn dỗi, sau quen dần, Kim xem chuyện ấy là bình thường. Có một điều Kim thường sợ thót tim là Đô hay uống rượu. Đôi khi Kim phải đi tìm. Kim lo Đô quá chén, phóng xe xảy ra tai nạn thì nguy. Đô không biết là Kim luôn lo lắng cho mình.

Chị Sáu thường mắng Kim:

- Bỏ quách nó đi cho rồi. Em không gặp được thằng nào tử tế hơn sao? Đàn ông gì rượu chè tối ngày. Thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi hoang ở cái tuổi chẳng trẻ trung gì.

Anh Minh thì nói không nể nang:

- Hắn có cái gì mà mê hoặc được đứa cực kỳ khó tính như mày. Tao thì chỉ thấy hắn vừa già vừa xấu.

Kim thở dài. Chẳng ai lý giải được tình yêu. Kim hiểu Kim yêu Đô đau đớn như thế nào. Đô không hiểu vậy. Kim biết Đô không yêu mình. Đô lừa dối Kim. Đô cặp bộ với Kim và nói với bạn bè anh ta muốn làm cảnh. Kim đã thử bứt mình ra khỏi Đô. Một lần, hai lần, ba lần... mười lần và Kim không đủ sức. Đô thì đàng hoàng một cách chơi chơi. Mà chơi thật. Lúc đầu Kim còn khổ sở. Sau Kim thả lỏng luôn.

Kim nghĩ đến người đàn bà Đô yêu hơn mười năm nay và rủa thầm: "Đồ rắn độc!". Kim không biết Đô còn nô lệ quá khứ đến bao giờ? Đô hay hát "Em giờ đã hai con rồi đó!" Kim nhức nhối. Hai con rồi. Đô vẫn chờ bà ta quay về. Vẫn chờ gia đình kia nát bét ra để minh chứng tình yêu và lòng hào hiệp.

Kim nhớ về những ngày bỏ Huế ra đi. Thịnh giờ chắc con bế con bồng! Hồi ấy Kim và Thịnh yêu nhau. Mối tình đầu chẳng để lại cho Kim chút kỷ niệm gì ngay cả nụ hôn. "Mình thế nào ấy!" Kim tự nhủ thầm. "Mình luôn sống trong trạng thái mê sảng". Mỗi năm đến ngày sinh nhật Kim đi ngồi cà phê một mình. Kim dành riêng nỗi buồn cho mối tình với Thịnh. Đúng ra là có một lần Kim tổ chức sinh nhật linh đình. Ấy là năm Kim và Dũng quen biết nhau. Dũng yêu Kim. Bạn bè ai cũng viện trợ họ. Kim cũng rất muốn yêu Dũng. "Anh ấy tốt!". Đêm đêm đi chơi với Dũng về Kim vùi mặt vào trong chăn. Kim viết về Dũng. Kim tưởng tượng ra Dũng bên cạnh và nói với anh những lời yêu thương. Thế nhưng Kim và Dũng tự nhiên bật ra, chẳng đến đâu hết. Lý do một phần từ sự xuất hiện của Đô. Khi gặp lại Dũng, Kim day dứt. Nhiều lần cô mạo hiểm đến ngôi nhà trọ của anh. Kim đứng rất lâu dưới chân cầu thang. Bên khung cửa sổ Dũng cắm cúi vẽ đồ án. Kim biết chỉ ngước lên là Dũng sẽ thấy cô. Dũng sẽ chạy ra đón. Mãi mãi trong Dũng, Kim là một tiên nữ mù lòa. Đô viết cho Kim những dòng thư đầy ắp yêu thương. Đọc nhật ký Đô, Kim biết rằng những dòng ấy Đô từng viết cho người yêu cũ. Từ ngày chị ta lấy chồng, Đô không gởi những dòng ấy đi. Đô sợ anh chồng đọc được những bức thư sẽ đánh vợ.

Sao Dũng không viết gì cho mình nhỉ? Kim tự hỏi. Rồi Dũng sẽ yêu người con gái khác. Cầu cho anh được hạnh phúc. Bao giờ với Dũng, Kim cũng thật dịu dàng. Nếu quá khứ hồi sinh, em sẽ yêu anh. Kim mơ màng.

Kim nghe tiếng thằng Điệp líu lo:

- Đêm kia má nằm mơ có ông già cho má con số năm sáu. Ngủ dậy má biểu con đi mua cho má con năm sáu. Hồi đêm xổ số ra con sáu lăm.

- Mày vẽ!

Kim nghe tiếng anh Minh cự thằng Điệp.

Lại số đề. Đêm qua Kim cũng nằm mơ. Giữa giấc ngủ nặng nề của Kim hắn đến. Hắn đưa Kim qua dãy sương mù. "Thần chết"! Kim sợ hãi. Kim đã từng tự tử. Chuyện này xảy ra đã mười năm. Lúc nào Kim cũng thèm chết. Trong mơ Kim lại thấy sợ vị thần nắm quyền sinh tử của con người. Kim đợi phép mầu đến với cô. Sự bất tử chỉ dành cho thiểu số có những quyền năng tối thượng. Thấu đáo tất cả không gian thời gian vô tận, vượt ra ngoài thế giới hữu hạn và tương đối này. Làm sao Kim có thể sống làm nên một việc gì thật kỳ diệu? Thế là Kim khao khát.

Ta không nên nhấm nháp nỗi buồn. Kim gọi tình yêu của mình bằng cái tên như vậy. Kim đã trải nghiệm những xót xa, niềm day dứt, thương đau, oan trái, hận sầu, cay đắng, thậm chí thù hận. Cuối cùng Kim thấy mình quá cô đơn. Rồi cô yêu sự cô đơn dù cô chưa biết tận dụng hoàn cảnh ấy để học những điều phi phàm. Quá nhiều thói quen mài mòn Kim.

Chuỗi ngày dài phiền muộn. Điệp khúc vấn nạn vang lên trong cả giấc ngủ. "Đi về đâu?". Kim bức bối: Tình yêu, học vấn, giáo điều, tiền bạc... như xiềng xích. Khi Kim mơ thần chết đưa Kim đến dòng sông. Bên kia là vườn Uyển lạc, lẽ ra Kim được nghỉ ngơi ở đó. Kim biết chốn ấy là nơi dành cho những người suốt đời làm điều thiện. Kim từng phạm nhiều sai lầm, nghiêm trọng và không nghiêm trọng. Có ý và vô ý. Kim đem lại đau khổ cho người và vật. Có sinh linh chết oan vì Kim. Vậy là Kim không được giải thoát hoàn toàn. Kim sám hối.

Kim lại mơ thấy địa ngục như thể cô thoát ra từ chốn ấy. Thần chết đã nói với Kim là cô không đáng bị giam cầm trong đó. Linh hồn và thể xác Kim cũng chưa quá hư hoại để tạo hóa phi công tạo tác lần nữa, điều cần thiết là trả Kim về trần gian, sống nốt kiếp con người. "Muốn liễu thoát sinh tử thì đừng bao giờ làm điều ác nữa". "Hãy sống với tính bản thiện!". Đấy là những điều cuối cùng thần chết dặn. Kim thoát vòng luân hồi. Kim khỏi phải đầu thai kiếp sống mới.

"Tất cả như thật ấy! Hay là đêm qua mình kinh nghiệm sự chết. Dễ lắm chứ". Kim trăn trở. Kinh Phật bảo con người ta có thể chết khi đang cố sống và ngược lại. Ba thì bảo: "Sống chết như trở bàn tay".

Kim bắt đầu hình dung về đôi mắt bí ẩn, nhiều năm nay đôi mắt ấy dõi theo Kim. Ban đầu cô không để ý. Rồi cô thấy nó ở mọi nơi mọi lúc. Cô giam mình trong phòng kín để sống riêng với đôi mắt ấy, cô soi bóng vào đôi mắt và thấy mình từ chân tơ đến kẽ tóc. Rất nhiều khi đôi mắt chiếu vào Kim tia sáng lạnh lùng nghiêm khắc. Nhất là khi Kim làm những việc Kim không thích mà cô cũng cứ làm. Còn thì cô luôn thấy đôi mắt nhìn cô bao dung từ ái.

Sáng nay Kim ôn lại toàn bộ giấc mơ với những băn khoăn. Kim lại thấy đôi mắt. Cô mỉm cười viết:

"Mắt người tình năm xưa.

Hằng đêm về xua tan cơn ám muội

Hằng đêm ta thầm hôn mắt sao trời..."

Cô nghe những giai điệu vang ngân giữa không gian bao la. Bầu trời xanh trong, gió lồng lộng. Những khúc nhạc huyền hoặc rót vào tai Kim. Đô đến đưa Kim đi Mỹ Sơn cùng. Anh ta nhìn cô và buông một câu:

- Hôm nay trông em thật lạ lùng!

Kim không biết Đô khen hay chê mình. Cô thấy mình lạnh nhạt với Đô hẳn, Kim chìm trong những hợp âm từ cây đàn vô hình. Kim biết giữa đôi mắt và tiếng nhạc kia có sự đồng nhất với nhau.
 
Ác Cảm

Một chiếc cầu bắc trên dòng sông hẹp, ngăn thành phố với ngoại ô. Sang khỏi cầu, sự thay đổi đột ngột. Con đường xù xì lên những đá và đất đỏ. Những đứa con nít, phần nhiều có một dải bùa vàng buộc ở cổ áo, giỡn nhau giữa đường, chửi đùa nhau cũng khá thô tục. Một đứa bé tí lem luốc bước trên hai cẳng chân chưa vững và khóc bi be. Vài con chó chạy nhong nhong, cúi ngửi bã mía. Từng khoảng một, hai bên mép đường, mấy đứa con gái ngồi bán mía, em nhỏ đặt ngồi cạnh để trông giữ luôn.

Hai dãy nhà lụp xụp nối dài, cửa che bằng phên chống nghiêng nghiêng hoặc bằng mành tre rất to nan. Trên giậu râm bụt, vắt phơi trơ trẽn những quần áo bẩn thỉu, yếm váy vá chằng đụp.

Sông lờ đờ lê dòng hẹp màu vàng đục. Về chiều, nhất là những ngày chủ nhật hay ngày lễ, người trong phố ra ngồi bờ sông câu cá. Có người âu phục, có người ra dáng thợ máy, có mấy cậu học trò, và không biết tại sao, đôi khi lại có cả một bác lính mũ chào mào. Họ ngồi kiên nhẫn dị thường, chặn đầu cần câu dưới một hòn gạch hoặc đá, đoạn lơ đãng ngắm cảnh vật hoặc nhìn lại những người đứng chơi trên cầu nhìn họ.

Mấy người đàn bà lội xuống vo gạo, rửa rau, chè hoặc bèo. Họ cũng có ý đứng xa một tí những người đang giặt yếm váy. Họ khua tay trên nước mấy cái cho bọt và rác dãn ra theo vòng sóng, đoạn nhúng rổ xuống.

Đằng xa, một người đàn bà rán sức vung quá đầu chiếc chiếu cuộn dẹt rồi đập lên mặt nước rất mạnh, khiến nổ bật những tiếng như tiếng súng.

Giữa cái xã hội ngoại ô ấy, Mân sống đã mấy tháng nay. Anh dạy học ở một trường tư trong tỉnh, sau những buổi dạy, anh trở về túp tranh dựng ngay cạnh cầu, thuê mười đồng một năm. Anh chưa quen thuộc hẳn với cái xã hội mà anh cho là ô hợp ấy. Nhất là những lúc nghe hàng xóm chửi bới nhau om sòm, anh không nén được phiền bực.

Túp lều Mân ở tối om om. Mỗi sáng, soạn và chấm bài, anh phải chong ngọn đèn dầu mãi đến bảy giờ. Cái cửa sổ chấn song tre, cạnh đó kê bàn làm việc, nhìn ra con đường nhỏ dẫn xuống bến sông. Người gánh nước qua lại luôn, làm rộn trí anh. Nước đọng vũng, mấy con vịt đến khoắng mỏ lục sục, hơi bùn tanh nhạt, có khi thối hoắc, xông lên nặc mũi.

Một sự lầm lỡ đã đầy đọa Mân đến cảnh này. Chắc mấy người hàng xóm của Mân chẳng ai ngờ rằng cái ông giáo quèn vừa về sống cạnh họ và có bộ xơ xác, đã có lần quản trị hàng vạn bạc. Trước, Mân chung mở đồn điền với một người cùng huyện tên Bạc Hói. ồ, đó không phải một tên Tàu, hay Cao Miên. Nhưng lẽ ra - sau này Mân hối hận và nghĩ lại - với một cái tên như vậy, Mân phải đề phòng hơn mới phải. Có những cái tên hình như tiền định. Hắn hói mất nửa đầu, nên có biệt danh ấy. Tên Bạc cũng chẳng hay ho gì, khi nó dùng để ghép những chữ kép như: bạc ác, bạc bẽo, bội bạc.

Quả nhiên, Bạc Hói lừa Mân. Hắn nắm được một chỗ hở của Mân, đâm đơn kiện và tranh lấy cả đồn điền. Mân thu vét tiền còn lại để theo kiện, nên bây giờ nghèo xơ xác. Mân có của người kinh doanh cái óc bao quát công việc và cái khiếu đón đầu thời cơ. Nhưng anh đã tin người quá. Bao nhiêu những nhà doanh nghiệp đều có quả tim khô khan và khóe mắt nghi kỵ. Họ ngầm giữ miếng với cả những người tâm phúc. Cũng một đôi khi Mân đã ngờ lòng Bạc Hói, nhưng để rồi tự thẹn với mình, tự thẹn vì đã gán cho kẻ khác những tình ý mà hẳn y không có.

Bây giờ Mân sống đoạn tuyệt với mẩu đời vừa qua. Anh nguyền quên hết cả; anh bóp chết trong lòng hình ảnh Bạc Hói cũng như kỷ niệm sâu cay của một cuộc thất bại đau đớn. Nghị lực anh dựng một bức tường cao ngăn hẳn hiện tại với quá khứ. Của thời cũ, nếu Mân còn giữ lại cái gì, thì đó là cái kinh nghiệm về lòng người, càng quý báu vì giá mua càng đắt.

ở được ít lâu nơi ngoại ô, Mân có một bạn láng giềng mới. Một chiều đi dạy về, đang đứng thơ thẩn trước cửa, Mân thấy anh ta chuyển đồ đạc từ xe bò vào túp tranh bên cạnh. Anh không nhìn thẳng vào mắt hắn, nhưng đoán chừng hắn trạc ba bốn mươi. Một hồi sau, ăn cơm xong, anh ra vườn thì lại thấy hắn đứng rửa tay. Hắn quay nhìn sang phía anh, nhưng cúi đầu nên anh không nhận rõ được mặt hắn. Trong bóng hoàng hôn, anh tò mò ngắm hắn lâu lắm. Khuôn mặt hắn tròn tròn, đều đặn, anh chỉ biết có thế.

Chợt tiếng reo nổi lên ngoài phía sông: hẳn một con cá vừa mắc câu, giữa sự vui mừng huyên náo và hơi trẻ con của những người xem. Hắn chưa quen tiếng ồn ào ấy, ngước nhìn, và Mân được dịp nhận ra một bộ mặt hiền lành, nhũn nhặn. Nhưng cùng một lúc, Mân đột ngột cảm thấy cái gì như một phiền rầy: có lẽ bởi anh bị bắt chợt đang nhìn trộm hắn. Anh bèn quay vào.

Vú già nói cho anh biết là hắn sắp mở một quán rượu đón những ông Xã bác Nhiêu lên tỉnh: rằng hắn tên là Tạo. Đàn bà là những cơ quan thông tấn thực nhạy.

Tin báo của vú già khiến lòng Mân nao lên một niềm gì gần như giận dữ. Hàng xóm của anh chưa đủ ầm ĩ hay sao mà hắn còn lo tụ tập lại những ông Lý toét, những bác Nhiêu, chén rượu thịt chó vào rồi hét oang oang như để cho cả trời nghe!

Chiều hôm sau trong lúc ngồi trông nom học trò làm bài, Mân sực nhớ lại giấc mộng hồi đêm. Có nhiều khi hồi ức giấc mộng đã cũ trở lại trí nhớ một cách đột ngột như thế, trong một hoàn cảnh không liên quan gì với chuyện trong mộng cả. Hình như anh đã thấy trong chiêm bao một cảnh gì náo động lắm, có điểm chút kinh hoàng thì phải, nhưng không nhớ rõ chuyện gì. Mà hình như giữa sự hỗn độn của những hình ảnh, có thoáng qua bóng dáng người láng giềng mới của anh.

Sau buổi dạy, trái với thói thường, Mân đi dạo quanh vùng anh ở. Khi qua trước cửa hàng rượu, anh quay nhìn vào một thoáng mau. Không hiểu tại sao anh cứ phải chú ý đến Tạo. Hắn đang sắp lại mấy phong thuốc lào trên quầy hàng, sực ngửng lên. Hắn đon đả chào:

- Thưa ông giáo đi chơi... Ông ghé tạm vào chơi xơi nước ạ.

Mân không bằng lòng với mình vì đã để cho hắn bắt chợt luồng mắt mình. Anh trả lời:

- Cám ơn bác. Để hôm sau.

Hắn có dáng nhã thiệp, và một nụ cười nhũn nhặn, dễ thương. Quần áo sạch sẽ, tóc chải gọn. Nhưng những điều ấy, không biết tại sao, chỉ làm Mân ghét thêm hắn. Hình như trong anh có tiếng nhủ thầm: Hãy coi chừng! Hãy coi chừng cái bề ngoài ấy!

Đáp lại lời mời nhã thiệp của hắn, Mân đã lấy một giọng hơi xẵng, hoặc ít ra cũng khô khan. Nhưng mà anh không thấy tự thẹn vì sự thiếu lễ độ kia; trái lại anh có một chút thỏa thuê trong thâm tâm.
 
Hàng năm cứ vào tháng chín âm lịch, bà con ở xa thường về làng chạp mả . Nhiều khi ở cả tháng trời cũng chưa chạp xong mộ bên nội bên ngoại . Làng có tám họ tộc, mấy chục đời gả qua lấy lại gần như bà con cả . Nhớ cho ra bà con thế nào, nội ngoại ra sao, ai anh ai chị, ai chú ai bác, ai o ai dì là một chuyện không dễ . Có những trường hợp tôi vừa là ông vừa là cháu của một người nào đó, nếu theo giai bậc của cách gọi bên này và ngược lại bên kia . Phải nhớ để khỏi bị trách là điều thiệt khó đối với những người ở xa về . Từ ngày xa quê tôi thường ghi chép để khỏi bị các chú bác cô dì trách: "Ơn say chưa" (1)
Nghĩa địa gọi là rú, là những đồi cát thấp có nhiều cây dại . Hồi còn nhỏ, rú là nơi bí ẩn linh thiêng đối với chúng tôi . Năm lên mười, lần đầu được vác cuốc đi chạp mả ngoại, được các cậu chỉ bày đau là mộ ngài nhất thế tổ, đường kính cả hàng chục mét, đâu là ngài khai khẩn,khai canh . Khi cuốc phải một cái om đất nào các cậu bảo đó là của người Hời để lại . Người Hời đối với chúng tôi như là người âm phủ . Chuyện về ma Hời một lần nghe ai kể là đêm ngủ đứa nào cũng tranh nhau nằm giữa . Lòng vòng một chặp chẳng nhớ ngôi nào là thế nào, chỉ trông mau nghe tiếng phèn la giục để keo về nhà thờ ăn xôi thịt . Trời cuối thu, mưa lay phay lành lạnh mà ăn xôi thịt là nhất . Một mâm gồm xôi một bên, thịt một bên, gọi là tả xôi hữu thịt . Có ít chuối chát, khế và nhất là nước mắm mụ Cung nữa thì phải biết .
Lần này nhân khánh thành đình làng mới xây hàng tỷ đồng, phần lớn của những đại gia xa xứ đóng góp, bà con trong Nam về nhiều, tôi cũng thế . Lâu rồi mới được một lần sum họp bà con vui thế này . Đúng màu chạp mả nên trên rú đông như ngày hội . Mồ mả không còn phải chạp như xưa . Không ai cần mang cuốc, chỉ thắp nhang . Nghĩa địa được xây như một "hoành tráng" thi nhau mọc lên . Đứa ở Mỹ phải hơn đứa ở Pháp . Con nông dân mới phất phải hơn con địa chủ ngày xưa . Thế là ...ông bà được một phen ....hãnh diện, "nở mặt nở mày" . Thằng Thỉ hướng dẫn tôi đi thắp nhang mộ chú Gàn, chú Rìu và các ngôi mộ của những người ngày xưa cùng đội sản xuất .
Nổi bật lên trong đám phụ nữ là một bà qúy phái, tay che dù, có vài "tiểu đồng" đi theo . Tôi hỏi thằng Thỉ "Ai đó ", hắn cười, "Con mụ Nị chớ ai, nghe nói nó ở Sài Gòn, giàu lắm", "Nhớ rồi, con Nhan phải không", "Chớ ai nữa . Hôm ni khánh thành lăng mụ Nị".

(1) Ơn say: Đáng lẽ phải nhớ mà không nhớ, một lối trách yêu . Ví dụ: Gặp một người thân nào đó mà mình không nhớ, người đó sẽ trách là "ơn say chưa". Người Huế nói là "ơn say chưa".
 
trang 2

Tên tuổi có khi cũng vận vào đời người, không số phận thì cũng hình dạng bên ngoài . Ví dụ làng tôi có chú tên Rìu thì cả đời làm thợ cội . Chú đẽo cột tròn nổi tiếng cả một vùng . Những cột mít cong qua tay chú cũng trở thành ...thẳng . Hay chú Gàn thì ...gàn không chịu nổi . Nghe nói trào Ngô Đình Diệm, thôn trưởng xã trưởng nghiêm lắm . Thế mà có lần chú dám cãi với cả cấp quận . Số là làng tôi có con hói mới đào để chống úng, nước lụt lên cá nhiều lắm . Lúc nước rút chú Gàn đem dạ ra đơm làm cản dòng nước chảy . Quan huyện đòi phạt, chú trả lời tỉnh bơ : "Nước chảy thì con đơm, con không đơm nước cũng chảy". Mạ tôi kể có ông Chậm một đời chưa đi mòn đôi guốc Mức, nơi xa nhất ông đã từng đi là chợ Kẻ Diên cách làng bảy cây số . Đi đâu ông cũng chân đất, kể cả đi ăn kỵ (2), ông treo đôi guốc trước móc dù, đến trước cổng nhà người ta rồi mới mang vào . Nghe nói khi chết đôi guốc của ông vẫn còn mới .
Nhan cũng thế, "Hồng nhan đa truân"
Ngày đầu về làng "tham gia sản xuất", tôi đứng gần bên Nhan để thi cuốc đất thải giữa các thanh niên của các đội sản xuất trong làng . "Đấu trường" là ruộng "Quá Giang", một dãy ruộng có bờ thửa rộng và dài . Đích đến là lá cờ, sau lưng là loa phát thanh hát bài "Tiến về Sài Gòn" . Chúng tôi dàn hàng ngang . "Một hai ba...cuốc". Anh chi hội trưởng phất cờ, thế là cúi đầu cuốc . Tôi cuốc đúng kỹ thuật nên cùng bề ngang năm lát cuốc, càng lúc tôi lại càng bị lùi về phía sau . Nhan kêu lên "Chú cứ cuốc một lát, thả một lát, nhanh lên", tôi làm theo trong hăng say phải thắng . Cuối cùng đội chúng tôi về nhất, báo hại mùa trái đó, đám ruộng chúng tôi lập "thành tich" khỏi gặt, vì chẳng có chẹn lúa nào . Cờ thi đua của thanh niên đội tôi vẫn "khí thế" treo trên văn phòng thanh niên phân chi hội .
Văn phòng phân chi hội là nhà của mạ con Nhan, cô làm phân chi hội trưởng . Chồng chị Nị (Ba của nhan) là hạ sĩ quan tiếp liệu (chế độ cũ), nhỮng năm sau bảy lăm còn ít vải vóc, áo quần . Nhan lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng, áo lụa hoa, quần Mỹ Á , Xa Tanh . Ba Nhan chết lúc xuống tàu ở cửa Thuận An, do mang nhiều tiền nên bị cướp giết chết .
Mạ Nhan hay bệnh, những chiếc áo hoa, quần Mỹ Á, Xa Tanh của Nhan cũng phải bán đến cái cuối cùng, mỗi cái được tính bằng lúa, cái cao nhất là cái quần Xa Tanh được ba thùng lúa, ngày bán cái quần Xa Tanh, gánh lúa về, Nhan vừa chạy vừa khóc .
Nhan hòa đồng với những cô gái quê mười tám đôi mươi thiếu ăn rách rưới . Mới mấy năm mà trông xác xơ đi, nhưng vẫn đẹp . Suốt ngày ngoài ruộng đồng . Mỗi lần xắn quần bước xuống ruộng làm cỏ, đôi chân thon hồng làm chạnh lòng bao chàng trai, cũng làm khó chịu những bà sồn sồn trong đội .
Một chiều trời mưa lớn, Nhan đứng ngoài ngõ với vào: "Chú Bình ơi, khoai sau rú ngập hết rồi, mai sớm chú cháu mình đi lặn, được củ mô hay củ nấy chớ nhà cháu hết gạo rồi". Tôi hơn Nhan bốn tuổi, không biết bà con thế nào mà gọi tôi bằng chú . Thấy tôi thân thiện với Nhan ba tôi nghiêm giọng , "Coi chừng ba không làm thông gia với con Nị mô nghe".
Cơn lụt cuối tháng ba gọi là tiểu mãn, khoai đất cát mới hai tháng bị ngập trong nước . Cả làng già trẻ lớn nhỏ lặn nước moi khoai . Nước ngang ngực, ngang cổ . Mỗi lần lặn xuống kéo lên một vài dây khoai có dính vài ba củ bé tẹo như trứng gà so . Mấy ngày mưa hôm nay lại có nắng . Tôi và Nhan lội cả cây số mới tới nơi những vồng khoai hai chú cháu trồng hôm đầu tháng hai .

(2) Ăn giỗ
còn tiêp...
 
trang 3

Tháng hai, mùa giáp hạt .
Nhan qua nhà tôi thật sớm, để gánh phân chuồng có cột cái cuốc răng (3) trước sân . Cả nhà đang ăn cơm độn khoai, mạ tôi xới cho Nhan một chén, rưới lên một chút nước ruốc . Nhan ăn ngon lành , tự nhiên , xong gom hết chén bát đi rửa . Nhan nói "Hôm qua đội chia rồi, chú cháu mình được chia lô trồng khoai sau động Mai Đường, chú chưa lấy phân phải không, để cháu lấy cho", đoạn ra chuồng lấy đầy hai thúng phân, một ngàn ngọn để lên trên . Mạ tôi đưa Nhan gói khoai khô nấu, bảo để chú cháu ăn bữa lợ .
Nhan gánh phân chạy trước, đòn gánh nhịp nhàng, chơi vơi dang người thon thả . Nhan chạy chân trần (cả làng ai cũng thế), gót chân nứt nẻ, áo bộ đội ngắn ngang thắt lưng, lộ mông tròn lắc qua lắc lại, hơi tóp so với mấy năm trước, lần làm cỏ lúa mùa hè thu tháng bảy năm bảy lăm .
Khi làm cỏ lúa mấy đứa con trai cố tình làm chậm lại để lén nhìn mông Nhan chổng lên, tròn lẳn như hai trái bưởi ghép lại, đen óng, căng láng trong chiếc quần Mỹ Á . Thằng Thỉ hôm đó mang quần xà lỏn vải mỏng làm cỏ lúa sau lưng Nhan, khi hết lối đụng bờ không đứng lên được, nó giả đò đau bụng ngồi bệt xuống bùn . Chú Gàn biết tỏng nó đang thế nào, kêu lên: "Bà con ơi, tới bắt cá tràu ..." (4). Thằng Thỉ đứng dậy bụm "cá tràu" chạy về, không làm cỏ được nữa . Cả đội cười bò lăn trên bờ ruộng, các cô gái chưa chồng đỏ mặt thẹn thò ...Chú Gàn lại hò: "bởi em thương ruộng thương đồng, mặt úp xuống lúa chổng mông lên trời". Ngày đầu tôi thấy hình ảnh này, vừa tội nghiệp vừa thương xót các cô . Tham gia một ngày làm cỏ, tối về chân tay muốn rớt .

Buổi sáng bà con vừa gánh phân vừa khoe với nhau là trồng được mấy ngàn ngọn rồi . Đất cát vùng trũng còn nhiều, chưa vô hợp tác nên mạnh ai nấy trồng . Khoai là lương thực chính, lại còn "sản xuất cá thể" nên bà con đồn hết tâm sức vào chuyện chăm bón . Muốn trồng nhiều khoai phải nuôi heo để có phân, có nhà dùng cả phân người . Đất cát trắng tinh (sau này tôi đi nhiều nơi chưa thấy cát ở đâu trắng như thế . Bạn tôi ở Bắc Mỹ có lần viết thư bảo tuyết ở đây trắng như cát quê mình), dùng cuốc răng cào lên một mái, rải phân chuồng dọc theo luống, cào mái còn lại để lấp phân, rồi trồng ngọn lên . Ngọn khoai gục xuống mấy ngày, nhờ ăn gío ăn sương đến ngày thứ ba thì ngóc đầu dậy ...sống . Một tháng sau khoai bỏ vòi gọi là "xây bàng thang", thường rất ít cỏ, chỉ cào lại một lần cho tơi đất rồi chờ ngày thu hoạch . Khoai đất cát củ nhỏ, lớn nhất chỉ bằng cái trứng ngỗng, vỏ mỏng, ăn rất bùi, không khi nào bị sâu .
Khu vực tôi và Nhan cào khoai là một miếng đất trũng, bốn phía cao lên những nổng cát . Đứng cào khoai chỉ thấy trời xanh và cát trắng . Trời càng trưa càng nóng . Nhan cởi cái áo bộ đội khoác ngoài, bên trong là chiếc áo cánh bằng lụa màu hồng cài nút bóp . Chiếc quần vải chéo màu đen bạc phếch, có vá một miếng sau mông . Hồi trước ngực Nhan lớn, giờ thấy nhỏ lại, có lẽ tại không mặc áo ngực . Đồ lót phụ nữ khan hiếm, trong cửa hàng hợp tác không có, ngoài thị trường thì quá đắt đỏ . Mỗi cô thường để dành một bộ quần đen áo trắng, may ra thì có áo ngực và quần lót để đi đám cưới, hoặc dự những ngày lễ hội .

(3) Cuốc răng: Một loại cuốc có từ 4 đến 6 răng, răng dẹp khoảng 3 phân, chuyên dùng để cào khoai đất cát .
(4) Cá lóc

còn tiếp ...
 
trang 4

Mỗi lần có vải phân phối về là vui lắm, hy vọng ngời lên trong mắt bà con, nhất là các cô các chị . Áo quần vải vóc được chia thành từng phần, rồi bốc thăm như xổ số . Trước khi bốc thăm thường có cán bộ ban ngành nào đó phổ biến "chủ trương đường lối", Hôm đó chị Mịn hội trưởng phụ nữ thôn nói về kế hoạch hoá gia đình, sau khi "kính thưa", chị bắt đầu "đi vào vấn đề". (Chị có thói quen nói dai, bà con thì nóng ruột trông mau hết để bắt thăm). Chị thường "triển khải" bằng câu "Một là ...", rồi hai là, ba là ..rồi trở lại "Một là ...hai là .... . Gàn đưa tay có ý kiến, chị Mịn trịnh trọng: "Mời chú Gàn". Chú đứng dậy nói cộc lốc: "Bốn là bá L ...". Cả đội cười nghiêng ngả . Chị Mịn khóc tấm tức . Chú Gàn không cười, tỉnh bơ .Chị Mịn goá chồng, bà con hay "cặp đôi" với chú Gàn .
Oái oăm là các cô ít khi được trúng quần vải chéo đen, có khi lại bắt trúng quần xà lỏn . Có lần con Bê con mụ Nậy không trúng được quần đen khóc tức tưởi . Thằng Thỉ lại trúng luôn hai cái . Tối hai đứa về cùng đường, thằng Thỉ đề nghị: "Cho tau rờ một cái tau đổi quần đen cho". Con Bê "Xí" một cái, sau đó nghĩ lại, tiếc, bước lên chận thằng Thỉ lại, nói "Đó, mần chi đó thì mần", thằng Thỉ không làm chi cả . Rứa là con Bê giật cái quần chéo đen trên tay thằng Thỉ . Thằng nhỏ mất tiêu cái quần trị giá hai thùng lúa .
Mồ hôi làm áo dính vào lưng của Nhan, thấy rõ cả đường ao . Mạ tôi hay bảo những đứa "thắt đáy lưng ong" như con Nhan hiếm lắm, thế nào cũng làm mệnh phụ . Tôi ngừng cào ngắm xem cái lưng ong nó làm sao . Nhan không để ý, hỏi:
-Chú có ý định hỏi vợ mô chưa ?
-Ai ưng mà hỏi .
-Cháu có người sắp đi hỏi rồi đó .
-Ai rứa ?
-Ông Thệ .
-Ông Thệ lùn bên làng Q. phải không ?
-Dạ . Cháu không ưng mà mạ cháu cứ ép hoài, cháu khổ lắm . Mạ cháu nói ông Thệ hiền, lại làm phó chủ nhiệm hợp tác, khỏi lo đói .
Tôi biết lão Thệ . Hắn mập, lùn tịt, da trắng bệch, đội chiếc mũ cối, mang cái đài mở oang oang, hay đạp xe qua làng tôi . Hình như hắn có bà con nội ngoại với ai đó ở xóm Tả . Mặt hắn gầm gầm mỗi lần chạm mặt tôi . Vợ hắn chết, có hai đứa con gái đã học cấp hai .
Đến lúc này mới hiểu lòng mình, tôi dừng cào loạng quạng ngồi xuống trên vồng khoai . Nhan chống cuốc, khom người nhìn tôi, mồ hôi lấm tấm trên má trên cằm, đôi mắt mở to dưới vành nón lá, ái ngại: "Chú mệt à, nghỉ một chút nói chuyện rồi cào tiếp, chắc trưa cũng được vài ngàn ngọn". Tôi chậm rãi:
-Cháu biết chú thương ai không ?
-Chắc mấy cô giáo trong trường chớ chi, cô mô nói cho cháu biết với .
-...
-Hay là chị Kiều y sĩ trên huyện hay về thăm chú ?
Nhan thân thiện ngồi xuống bên, tôi nhìn sâu vào mắt Nhan, ngập ngừng:
-Tôi thương Nhan .
-Chú thương hại cháu
-Chú thề ....
Lưỡng lự một chút, Nhan ôm chầm lấy tôi khóc hu hu . Nhan khóc cho thoả, rồi thút thít: "Ông (ba tôi) không cho mô, ông chê nhà cháu không xứng ." ....Nhan nằm lên đùi tôi, hàng nút bóp trật ra lồ lộ ngực trần trắng ngần, loang loáng cát . Tôi hôn lên đó . Tôi hôn lên những nổng cát hoang hải quê nhà .
 
trang 5

Nước ngập ngang ngực, trong đếnn đỘ thấy những lá khoai xanh tái rung rinh . Hai chú cháu bắt đầu thấy lạnh . Môi Nhan tái đi . Nhan bưng cái rá còn tôi lặn . Lặn một hơi kéo lên được vài ba dây có dính những củ khoai màu trắng ngà, nhỏ như trứng chim trứng gà . Nhan lảy cho vào cái rá, đầy rá thì bưng lên nổng cát đổ vào bao . Đến gần trưa được hai bao 50 ký . Tôi lặn một hơi dài, khi trồi lên thấy Nhan té ngồi xuống, nước ngập đầu, tóc loà xoà lao chao trong sóng nước . Tôi hốt hoảng bế Nhan lên khô . Nhan ọc ra một búng nước, mặt tái mét, môi run run: "Cháu đói, sáng ni chưa ăn chi hết, nhà cháu hết khoai rồi ..." . Tôi chao mấy củ khoai bảo "Cháu nhai đi cho đỡ đói". Nhan nhai khoai ngon lành . Tôi bảo cháu cởi áo ra đi, mặc áo khoác khô vào cho đỡ lạnh . Nhan ngoan ngoãn quay lưng cởi cái áo cánh, dưới nắng trưa, tấm lưng gầy màu trắng xanh như dài ra tội nghiệp . Đường ao cạn đi trơ những đốt xương sống . Lưng ong, mệnh phụ gì ở cái xứ này !
Để hai bao khoai lại, cõng Nhan về, tôi cũng đói rồi, chân run từng bước . Tôi cõng Nhan đi liêu xiêu men theo bờ nước, có lúc mắt hoa lên . Ngoài xa những cái đầu người moi khoai nhập nhoè trong ánh nước loang loáng . Nhan nói thủ thỉ "Chú thương cháu ri mai mốt lấy chi mà đền cho chú ".

Lụt ngập trắng đồng không biết làm chi, ngồi nhà thì xót bụng .
Một buổi văn nghệ gọi là "tự biên tự diễn" được tổ chức trên sân phơi của đội . Chú Gàn bảo phải thêm câu: "tiếng hát át cơn đói" . Bà con vây quanh lai,, "sân khấu" nằm giữa như kiểu sinh hoạt lửa trại . Ánh sáng mập mờ phát ra từ một gốc dương liễu đang cháy, bập bùng . Thanh niên hát nhiều bài cách mạng: Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Tiếng đàn Ta Lư ...Vui lắm . Nhan mặc đồ người dân tộc Pa Cô, cái mông lép kẹp có dịp "lắc qua lắc lại" trong bộ cánh người dân tộc "Ơi ....người con gái Pa Cô, con cháu ...." Bà con vỗ tay quá chừng ...chừng .
Chú Gàn và chú Rìu cũng có một tiếc mục, do chú Kha bí thư chi bộ yêu cầu . Tôi làm xướng ngôn viên, trân trọng giới thiệu: "Kính thưa bà con, trở về thời kháng chiến xa xưa, mời quý đồng chí (sau này tôi bị nhắc nhở), bà con nghe lại, thấy lại những hình ảnh nên thơ của thời hào hùng chống Pháp . Hãy sống lại hình ảnh cha chú của chúng ta, họ đã từng yêu thương, lạc quan như thế nào trong lúc đối mặt vớ kẻ thù . Mời bà con xem lại điệu nhảy "Đây gió đây trong rừng", điệu nhảy một thời các Vệ quốc quân giao lưu với các O thôn nữ quê mình . Kính thưa bà con đó là vũ điệu: "Đây gió -đây ...trong ..rừng" do Anh Gàn mặc áo trấn thủ, chú Rìu mặc áo bà ba giả làm thôn nữ . Hai người nhảy như những vũ công thứ thiệt . Điệu nhảy mang dáng dấp khiêu vũ hiện đại, cộng theo một vài động tác múa dân dã, co nét như nhảy "cha cha cha", lại có chút gì như "bebop". Cũng nam tiến nữ lùi, nam chân trái đối với nữ chân phải, nhịp nhàng . Lòng bàn tay nam và nữ có lúc vỗ vào nhau . Lòng bàn chân cũng thế, đá lòng bàn chân vào nhau, lúc trước lúc sau . Khi quay phải khi quay trái, lúc đối mặt lúc đối lưng thật đẹp mắt . Đặc biệt là những đôi mắt cũng lúng liếng đưa tình nhưng ngây thơ và trong sáng, không tình tứ như hát quan họ .
Bà con, nhất là những Chú những O đã trải qua thời kỳ chống Pháp vỗ tay nhiệt tình . Họ hát theo nhịp nhàng say sưa . Nhiều cặp nhảy với nhau như một dạ hội khiêu vũ . Có mệ nằm lăn giữa sân hát theo, xúc động sùi bọt mép ...
Những năm cuối 1954, lúc mới lớn tôi cũng đã từng thấy các cô chú hát và nhảy với các cô thôn nữ trong làng . Những người đã từng tham gia hai trung đoàn 101 và 95 đều hát và nhảy được bài này . Đến giờ tôi cũng chưa biết bài hát xuất xứ từ đâu, lời truyền khẩu có đúng không . Xin chép ra một đoạn như sau:
Đây gío, đây trong rừng, đây cánh đồng bao phong khoáng, nầy cô em muôn vàn thân yêu có sầu nhớ chi trong lòng .
Tay ngắt bông hoa hồng, hoa với cành cùng đua sức thắm, kìa chim non muôn vàn, hoa tươi trên cành líu lo muôn đời
Chiều dâng lên tiếng ca tiếng đàn, chiều bâng khuâng nhắc lòng em buồn . Gió mát nhắc rằng cô em muôn vàn thân yêu có sầu nhớ chi trong lòng ..." Được viết theo điệu cha-cha-cha, cung ré trưởng
 
trang 6

Mẹ tôi kể rằng làng tôi thuộc vùng kháng chiến . Ban ngày lính Tây đi lùng . Mạ gánh chị em tôi hai đứa hai đầu thúng, chạy băng qua cánh đồng về bên ngoại gần đồn Thi Ông tránh bom đạn . Các chị lớn chạy lúc thúc theo sau . Rất nhiều lần nhà cửa trong làng bị đốt cháy .
Gian nan vất vả là thế nhưng đem về các cô thôn nữ vẫn quay lại làng cùng ...hát và nhảy bài "Đây gió" với bộ đội . Các sân phơi lúa biến thành sàn nhảy . Các "vũ công" say sưa từng đôi một . Biết bao mối tình lãng mạn và đau thương đã xảy ra trong thời kỳ đó . Nghe nói có hôm liên hoan và nhảy "Đây gió" trước khi công đồn, rồi bao người không về nữa . Những lễ truy điệu trong đêm thật buồn đau nhưng sau đó cũng lạc quan, yêu đời, lại nhảy "Đây gió". Có hôm đang gặt lúa ngoài đồng, nghe tin bộ đội về, các cô thôn nữ liếc mắt ra hiệu cho nhau về sớm để nhảy "Đây gió". Bài hát và điệu nhảy đó là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân quân Trị Thiên vào những năm chiến tranh khốc liệt . Năm 1954 phần lớn các anh Vệ Quốc Đoàn tập kết ra Bắc . Có những o thôn nữ buồn nhớ các anh, đêm về trốn ra vườn nhảy "Đây gió" với ...bụi chuối . Sáng ra bụi chuối xác xơ như qua một trận bão .
Về sau này không biết lý do gì mà không nghe ai nhắc đến bài hát và điệu nhảy đó nữa .
Xong buổi văn nghệ, ai về nhà nấy . Nhan đi bên tôi, đường xóm tối thui, không nói với nhau một lời . Tôi vào nhà moi nắm khoai khô ra chia cho Nhan một nửa, cùng nhai, cùng uống một gáo nước để quên cái đói cồn cào .
Mùa màng năm đó thất bát, cánh đồng đến mùa gặt bạc phếch, "chuột chạy không bén lông", lo lắng lộ rõ trên khuôn mặt những người lớn tuổi . Người ta bàn tán, kể lại chuyện đói năm Thân Dậu . Mạ tôi xay lúa, hò ư ử: "Ạ ...ơ ...ờ, được mùa chớ phụ môn khoai, hà ơ ..i ...đến năm rồi ...Thân Dậu, ...À ơi..biết lấy ai ...bạn cùng" . Tiếng hò nghẹn lại trong tiếng lào xào của cối xay . Trong làng chẳngh ai còn môn còn khoai để làm bạn . Năm này năm Thân, sang năm là năm Dậu .
Chú Gàn đôi mắt lim dim ngâm nga "Thân Dậu niên lai kiến thái bình . Thái bình chết đói thấy mà kinh, chẳng thà chinh chiến mà sung túc, chết đói nhục hơn chết đạn mìn". Chú Rìu thất nghiệp dọn quán hớt tóc, từ sáng đến chiều không có khách nào, chú nhắp kéo nghĩ lại cía thời cầm rìu ngang dọc, được ăn ba bữa còn chè cháo hai bữa lỡ, rứa mà ...chừ đói thắt ruột gan .
Tháng mười . Qua bốn trận lụt làng xóm xơ rơ, không còn tiếng chó sủa, heo kêu, gà gáy . Những cây đu dủ, cây chuối gục xuống vàng khè . Trong làng chỉ còn cây tre là sống nổi . Bùn đóng váng lên cây cỏ màu phù sa tái nhách .
Ngày đưa đám chú Gàn cả làng ai cũng khóc . Chị Mịn đại diện hội phụ nữ môi giật giật nói trong tiếng hức ..hức ..."Chú ơi bỏ qua cho cháu mọi chuyện nghe chú, cũng vì công việc "trên giao" chớ cháu có giận chi chú mô, chú ơi ...". Chú Kha bí thư chi bộ đọc lời chia buồn, xong kéo cái khăn màu cháo lòng vắt vai lên lau nước mắt . Ông kể lại cái đói năm Ất Dậu 1945, những ngày cùng chú Gàn, chú Rìu ở trần xoa mỡ vào người ôm Tây vật dưới nương mụ Giành năm Quý Tỵ 1953 . Ông đi tập kết mấy chục năm về những tưởng bà con no ấm, ai ngờ ...Người ta quên hết những lời gàn bướng "nổi tieng" của chú: "Gà ai tới nương Gàn thì Gàn mần thịt, còn gà Gàn tới nhà ai thì ai cứ mần thịt", mà chú Gàn có nuôi nổi con gà nào đâu . Một mình không con không vợ, khi chết gia tài lớn nhất là bộ phản được ghép làm hòm . Trong nhà không còn một lát khoai khô . Âm công chạy trong tiếng sanh cóc ..cóc ... như gõ vào lòng mọi người những tiếng kêu cảnh báo khô khốc . Chú Rìu làm chấp lệnh thường nghiêm lắm mà hôm nay nước mắt chảy ròng, mặt chú đỏ lên như bao nhiêu huyết khí còn lại trong người dồn vào đó . Nghe kể vợ chú bị Tây hiếp nhiều lần đến chết . Chú ở vậy nuôi con . Ngày tập kết ra Bắc, các con còn dại chú không nỡ bỏ đi, gạt nước mắt chia tay đồng đội .
Khi hạ huyệt trời mưa xối xả . Quan tài phủ giấy đỏ có dòng chữ Hán màu vàng, hai người cầm hai đầu tấm sớ lật qua lật lại trên nắp . Những nắm cát bà con quăng xuống, màu đỏ chìm trong cát, trắng đến rợn người . Nhan ngồi bên đôi thùng nước chè không ai buồn uống . Nhan đổ hai thùng nước rồi nhìn tôi, mắt đỏ hoe .
_________________
"Một cuộc sống dài có thể không đủ tốt đẹp, nhưng một cuộc sống tốt đẹp có thể đủ dài" -Benjamin Franklin
 
trang 7

Buổi trưa đang lơ mơ ngủ nghe Nhan gọi: "Chú Bình ơi, đi chia thịt trâu" "Trâu mô rứa", "Con Ve lọi cẳng (5) rội"
Con Ve cày hay nhất đội bốn chân chổng lên trời, bà con vây xung quanh, mặt ai cũng ngời lên sung sướng . Máu Ve hoen đỏ cả mảng cát, như tấm bản đồ châu Á: Bên trắng, bên đỏ .Màu đỏ nơi ranh giới oan nghiệt đó đậm hơn - sẫm màu tủi nhục .Ve nhìn bà con hiền hoà như lúc cày bừa bụng đói, đêm về Ve nhai lại lòng mình . Ve cũng như bà con nhai lại chính mình, thông cảm với bà con bằng những tiếng ọ ...ọ ọ . Vĩnh biệt! Ọ ...Ọ .
Nhan thút thít, đếnt bên cái đầu Ve vừa bị cắt ra vuốt mắt . Nhan cũng nhắm mắt, lơ mơ như Ve . Có lẽ Nhan đang nhớ lại mùa lụt năm ngoái, Ve bơi qua sông còn Nhan đứng khóc, Ve nhìn lui như hiểu được lòng Nhan, bơi trở lại . Ngày Ve còn sung sức đánh nhau với con Nậm bên đội ba, chiều về mình đầy thương tích, Nhan vừa cho ăn vừa bảo "Đã nói rồi mà, không được đánh nhau mà . Hư lắm!". Ve lim dim mắt như nhận lỗi .
Một cơn gió mạnh thổi qua, hàng tre cong mình xuống . Mọi người nhìn nhau, mơ hồ sợ sệt . Im lặng . Tôi nghĩ đến linh hồn chú Gàn . Những đêm mùa đông chú thường lặng lẽ un khói cho trâu, chú nói "nó làm cho mình ăn, không được vô tình".
Bà con xách về từng xâu, có đủ thịt xương lòng, bàn tán thịt sẽ ăn với chi . Người bảo nấu cháo, người bảo làm bún xáo .., họ khéo tưởng tượng, chẳng có nhà nào còn gạo . Chú Gàn chết rồi, không lại có một ...câu vè .
Chia thịt trâu về xong Nhan lại kêu: "Chú Bình ơi đi chia bo bo". Bà con nháo nhác bên chiếc xe vân tải chở đầy bo bo . Chú Kha bí thư chi bộ trịnh trọng "kính thưa bà con, Đảng ta luôn quan tâm tới bà con, anh em các nước XHCN không quên chúng ta, Liên Xô vừa viện trợ cho chúng ta hằng triệu tấn bo bo, đây là loại lương thực rất bổ dưỡng ..." .Bà con vỗ tay quá chừng . xong chú Kha đi vòng vòng nhìn bà con chia bo bo, khuôn mặt gầy đanh lại khắc khổ . Chú là cán bộ liêm khiết nên rất nghèo . Nghe nói gia đình chú cũng đói cả tháng nay, ăn tới củ chuối sứ rồi .
Cả đội được một ngày vui vẻ, hạnh phúc, ấm no . Đêm đó có rất nhiều sáng chế từ món thịt trâu già dai nhách nấu với bo bo . Sáng mai có hàng chục người được gánh ra trạm xá vì bội thực .

Tháng chạp trời rét cắt da, mặt ai cũng vàng đi vì đói . Riêng mạ con Nhan thì không, Nhan phổng phao lên thấy rõ . Chị NỊ đã đi lại được, bắt đầu đỏ da thắm thịt . Lão Thệ buổi tối thường ghé nhà Nhan, chở sau xe đạp khi thì túm gạo, khi thì cân thịt . Có lần tôi qua nhà Nhan mượn mấy lon gạo về cho mạ nấu cơm tối, Nhan đang phơi áo, tấm lưng ong nuột nà trong chiếc áo lụa mỏng, phơn phởn đường cong . Khi cúi đong gạo, tôi liếc thấy hai bầu vú Nhan căng hồng, lớn hơn hồi tháng hai nhiều . Nhan đong thêm một lon, gói riêng trong tờ báo cũ, bảo "khuya chú nấu riêng một lon gạo không độn khoai sắn mà ăn, lâu rồi chú chưa được ăn một bữa cơm không độn, gạo ni ngọt lắm". Về, tôi nói với mạ ý con Nhan, mạ nhìn tôi ứa nước mắt .
Có lần đi họp chi hội sớm tôi hỏi Nhan: "cháu tính sao", Nhan thản nhiên: "Ăn no rồi tính, chú có tính chi được cho cháu mô". Nghe Nhan nói tôi the thắt trong lòng, đúng rồi, tôi có tính gì được đâu . Tôi không trách Nhan, cũng không trách tôi . Khi đói con người ta chỉ còn nghĩ đến chén cơm .
Đám cưới Nhan và Lão Thệ sẽ được chi hội thanh niên tổ chức vào ngày chủ nhật hạ tuần tháng chạp . Chiều thứ bảy phân chi hội lo làm rạp, cắt khẩu hiệu, cờ xí . Hội trường loè loẹt nhiều màu . Chiều xong việc đám thanh niên ai về nhà nấy . Đến gần tôi, Nhan nói nhỏ, "Tối ni khoảng mười một giờ chú ra ngoài ngõ cháu có chuyện ni nói với chú, nhớ nghe, nửa đêm". Tôi hỏi "Chuyện chi rứa", Nhan nghiêm mặt : "Bí mật".
Nhà tôi còn vài thùng lúa, mạ tôi mỗi bữa nấu một lon sữa bò, con bao nhiêu là độn sắn lát . Những hạt cơm dính trên những lát sắn thưa như lúa giống lúc vãi mạ . Mỗi người chỉ được hơn chén . Thức khuya cơn đói cồn cào . Mười giờ đêm cả xóm chìm đi trong bóng tối mùa đông . Tôi đi tha thẩn trước sân, trùm cái mền dạ mà cứ run cầm cập . Lạnh từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới . Chưa bao giờ tôi đói như thế này . Cơn đói hồi chiều còn hy vọng vào bữa ăn tối, cái đói trong đêm không còn hy vọng được ăn, quay quắt làm sao . Nhà Nhan leo lét tí ánh sáng . Tôi cứ nhắm hướng nhà Nhan mà bước . Nhìn qua khe cửa sổ thấy Nhan đang xếp quần áo, mắt liếc chừng về phòng chị Nị . Tôi gọi khẽ "Nhan", cô giật mình nhẹ rồi cúi sát vào cửa sổ thì thào "Đã dặn mười một giờ mà", "Nhưng chú đói quá, có chi ăn không". Nhan đưa cho tôi bịch banh quy (có lẽ để ngày mai dọn đám cưới), thì thào: "Chú đi ra đầu cầu, cháu ra liền". Tôi cầm bịch banh quy đi nhanh ra phía cầu, vừa đi vừa ngoạm một miếng cả chục cái, chờ Nhan . Trăng hạ tuần lên muộn trong mây, lờ mờ chút ánh sáng . Nhan trùm áo mưa từ đầu đến chân, hình như có ôm theo cái bao cát (6) đựng áo quần trong đó, nghiêng sát vào người tôi nói nhỏ:
-Chú về lấy xe đạp đưa chúa ra ga, một giờ tàu chạy .
-Nhan đi mô ?
-Đi trốn .
-Rứa còn đám cưới ngày mai ?
-Mặc kệ, một là đi hai là chết .
-Nhan suy nghĩ lại đi .
-Không suy nghĩ chi hết . Hôm qua ông Thệ hun cháu, cái miệng hôi đến độ nghĩ đến là muốn mửa . Cháu thà chết chớ không lấy ông Thệ mô . Chú có chở cháu đi không thì nói, cháu đi bộ .
Nhan khóc nấc lên, quày quả bỏ đi . Tôi hẫng đi một chút rồi chạy về nhà lấy xe đạp đuổi theo . Đèo Nhan đoạn đường tám cây số không một bóng người . Nhan ôm vào eo tôi thủ thỉ: "Cháu vô trong nớ kiếm được việc làm, biên thư ra chú có vô không". Tôi không trả lời, mải miết đạp .
Tàu còn hơn tiếng nữa mới đến ga . Khách đợi chỉ non chục người . Chúng tôi lủi nhanh vào góc tối để tránh người quen, hai đứa ngồi lên chiếc ghế đá cuối hành lang . Nhan cởi áo mưa xếp lại cho vào bao, xong nói rành rọt:
-Số cháu nó rứa, tình chú cháu mình cũng ngang đây . Cháu chỉ nhờ chú săn sóc mạ cháu lúc ốm đau . Hằng tháng cháu sẽ gửi tiền về cho mệ (mạ tôi) để đưa dần cho mạ cháu . Tình bà nớ rộng rãi, không mấy cho đủ . Đây là hai chục ngàn ông Thệ cho, chú giữ gìum cho mạ cháu, nhớ là đừng đưa một lần . Tốt nhất là nhờ mệ cho mạ cháu ăn cơm và làm chi đó bên nhà chú cũng được . Ý chú răng ?
-Đáng ra chú cũng trốn đi theo cháu nhưng chú chưa có quyền công dân, chưa có chứng minh nhân dân . Thôi số phận chú cháu mình như rứa thì cũng chịu . Chúc cháu đi chân cứng đá mềm . Biết đâu ông trời thương lại gặp nhau trong nớ .
Tàu chuẩn bị vào ga, hai đứa đứng lên . Nhan ôm chặt tôi hôn lên má, tôi cúi đầu nhận nụ hôn chia biệt, nhìn theo chiếc Lưng-ong-mệnh -phụ đi khuất, nước ứa ra mắt .
Giêng hai lại đến . Tôi lại cùng dân làng gánh phân đi trồng khoai sau rú . Chị NỊ vừa trồng khoai vừa hò, giọng hò như những mũi kim đâm vào lòng tôi: "Mẹ già cuốc đất trồng khoai, con đi mua ngọn nghe ai chưa về".

(5) Gãy chân
(6) Bao cát: một loại bao bằng vải rất bền, của quân đội Mỹ . Đổ cát đầy bao, chất lên để làm công sự .
 
trang 8

Hai đứa hướng về mộ chị Nị, vừa đi vừa nhắc chuyện xưa . Tôi hỏi thằng Thỉ mấy con rồi, hắn nói tám đứa . "Đẻ chi nhiều rứa" "Ở đây những năm chú đi xong buồn lắm, đi cày về đói bụng trằn trọc không ngủ được, rứa là soạn bài, lại có bầu rồi đẻ". Tôi đùa với thằng Thỉ: "mi nhớ chuyện cá tràu không", hắn đấm vai tôi, cả hai cười nắc nẻ .
Nhan đứng khấn trước mộ mẹ, tay cầm bó nhang run run . Tấm lưng ong thiếu phụ có đẫy đà hơn xưa, vẫn khêu gợi trong chiếc áo dài đen quý phái . Khấn vái xong quay lại, Nhan và tôi nhìn nhau lặng đi một chặp, Nhan đưa hai tay ra trước như muốn ôm chầm tôi, kêu lên:
-Chú Bình phải không, ơn say chưa ...Bữa ni ở mô răng không nghe ai nói chi về chú hết .
-Làm công nhân cao su tuốt miền Đông Nam bộ, rừng rú mần chi có địa chỉ .
-Vợ con chi chưa, răng khi mô đời chú cũng ...
-Cũng đói ...run tay run chân .
Nhan cười nhẹ, đôi mắt u hoài xa xôi nhìn về phía động Mai Đường .
Đứng trên cao nhìn xuống, làng xóm ruộng đồng như nhỏ lại . Bà con đi về theo nhóm, di động chậm rãi, nhiều sắc màu nhấp nha trên nền cát trắng, cây xanh .
Nhan mời tôi và thằng Thỉ về nhà ăn kỵ .
Nhà Nhan được xây dựng khang trang mà không ai ở, chỉ để thờ cúng . Bà con nội ngoại phần nhiều cùng đội ngày xưa . Ai cũng tay bắt mặt mừng: "Chú nhớ tui không", "Cháu nhớ dì, nhớ cô, nhớ cậu không". Rồi "ơn say chưa, không khéo ra ngoài đàng đập chắc (7)". Thiệt tình tôi làm sao nhớ hết, Nhan thì không thế, tại năm nào cũng về . Tiệc tan, Nhan đến gần tôi nói nhỏ: "Chiều ni đi thăm động Mai Đường chú hè", tôi đùa: "Có mang theo bánh quy không", Nhan cười ý nhị .
Hoàng hôn . Những ruộng lúa sau mùa gặt trơ gốc rạ . Cò đậu trắng đồng, điều mà những ngày chú cháu còn làm ruộng hợp tác không thấy . Chúng tôi đi theo đường xóm Đình . Nhan mặc chiếc áo dài màu sáng, quần đen . Mùi nước hoa thanh nhã thoảng ra tứ mái tóc dài, thả lửng lơ . Đường xóm được tráng xi măng sạch sẽ nhưng có vẻ vô duyên hơn ngày xưa . Người ta chặt hết tre để kéo dây điện . Tôi nói "Làng quê mà không có tre như con gái đi đám cưới mặc áo cụt, quần đen" "mà có đứa không có cả quần lót" Nhan nói xong cười rũ rượi: "Chú nhớ chuyện nổi gân khu không". Nhớ lần đám cưới con Bê, thằng Thỉ phát hiện rồi la lớn: "Hôm ni đám cưới vui quá, con mô con nấy nổi gân khu" (8)
Ngang qua đình làng, ngôi đình được xây hoành tráng trên nền cũ . Đình làng tôi linh lắm, qua hai cuộc chiến tranh chưa bao giờ dân làng chém giết nhau, dù người theo bên này, kẻ theo bên kia . Ở làng thì ấm no, đi xa thần hoàng cũng phò hộ làm ăn phát đạt . Nhan bảo: "Cháu đóng góp năm mươi triệu để cúng làng, ai cũng nói đóng chi nhiều rứa, cháu nghĩ mình không con không cái, đình làng như nơi thờ tự tổ tiên, là nơi mai sau khi mình chết có chỗ mà về". Hai đứa lặng đi .Ánh chiều yếu ớt buồn tênh, lặn sâu vào mắt Nhan, tha thiết lòng tôi .
Chúng tôi nắm tay nhau đi qua những bãi cát, nhớ từng tên gọi . Đây là canh Hạ, lên một chút là canh Thượng . Bóng hai đứa đổ lên cát, trắng đến nao lòng . Tôi hỏi "Nhan sợ ma không" "Sợ người chớ không sợ ma". Tôi lại hỏi: "Rứa chú là ma hay là người" "Chú là chú Bình, ân nhân, người yêu, người chồng hụt, người ...". Tôi hôn lên làn môi mằn mặn nước mắt, đắm đuối thoả thuê . Môi Nhan run, giật giật theo tiếng nấc .
Trăng thượng tuần vằng vặc lấp loá ánh phản chiếu trên những ruộng khoai ngập nước .
Vẫn hướng về Mai Đường . Giọng hiền như thời mới lớn, lúc sôi động, lúc nghẹn ngào, Nhan kể:
-Lên tàu vào thẳng Sài Gòn, may mắn cháu xin được phụ bán cà phê cho một chị gốc quê mình, chị Lan . Chị Lan bảo là nghe ba mẹ kể lại thế chứ chưa thấy quê lần nào . Chị Lan học cao lắm, có bằng cử nhân văn chương Sài Gòn trước giải phóng . Gia đình chị ngày xưa giàu có, năm bảy cính bị cải tạo công thương nghiệp, chỉ còn quán cà phê sống qua ngày . Quán gần một cơ quan cấp bộ, là nhà củ của gia đình chị . Chị Lan nhận cháu làm em tinh thần .
Cán bộ cao cấp ông nào cũng trịnh trọng bên ngoài, nhưng ông nào cũng mê gái . Mỗi lần uống cà phê cháu tính tiền là họ "bo" nhiều lắm . Cháu sắm áo quần, son phấn rồi "lên đời", chị Lan nói "phải biết đánh bóng mình". Quán nhờ cháu mà khách đông lên . Chị Lan ngày càng tin tưởng, giao hẳn cho cháu quản lý .
Có ông thứ trưởng tên Lê chết vợ, tuổi cỡ ông Thệ, mê cháu, rảnh là ra quán ngồi suốt ngày . Một hôm chị Lan nói có thích làm vợ ông ấy không . Cháu suy nghĩ mấy bữa rồi đồng ý . Mình nghĩ, ở lại làng lấy ông Thệ còn được huống chi ...Chị Lan bảo cháu ra điều kiện phải có nhà mặt tiền để cháu mở quán cà phê . Ông ấy chịu . Nhà hồi đó còn dễ, với chức vụ của ông Lê chỉ trong tháng là xin được ngay . Ngày cháu và chị Lan đi coi, đứng trước căn nhà sang trọng cháu cứ run lên . Chị Lan bảo "nhà của thiên hạ chớ nhà chi của tay Lê mà em sợ" . Rồi chị làm cố vấn cho cháu ra điều kiện trước ngày cưới phải sang tên và có hộ khẩu thường trú . Người lớn họ có kinh nghiệm . Rứa là cháu được làm chủ một căn nhà mặt tiền ở quận ba . Đám cưới chỉ có chị Lan là người thân và một số bạn bè chị ấy .
Ở với ông Lê được năm năm . Những năm đầu còn hạnh phúc . (Cháu không có ý định lường đảo ai, kể cả ông Thệ). Cháu cố gắng làm tròn phận sự với chồng như những người phụ nữ quê mình, dù cháu chẳng yêu thương gì ông ấy . Càng về sau ông ấy càng tồi tệ . Đêm nào về nhà cũng nồng nặc mùi rượu . Ông còn đem về những bộ phim con heo và bắt cháu phải học làm như mấy diễn viên trong phim . Rồi ông hì hục như heo suốt đêm . Cháu tủi nhục, ê chề lắm, đem chuyện đó kể lại cho chị Lan . Chị bảo yên tâm, thế nào chị cũng sập lão Lê này mới được, "Dĩ oán báo oán, đời mà em". Đôi mắt chị rực lửa, chưa bao giờ thấy chị dữ dằn như rứa .
Một sáng chị Lan điện thoại bảo chuẩn bị đi dánh ghen, lão Lê đang có vợ bé bên quân tám . Chị thuê một chiếc xe mười hai chỗ ngồi, qua quận tư kêu thêm mấy bà đầu gấu nữa . Chị bảo em cầm cái máy chụp hình, lên phim sẵn sàng để bấm, chị bố trí hết rồi . Theo sắp xếp của chị Lan, cháu chụp được hầu hết những cảnh tượng gian phụ dâm phụ đang thông dâm ...Rồi chị thuê luật sư, ra toà và cháu thắng kiện . Sau đó ông Lê bị đi tù vì một vụ án tham ô khác . Rứa là cháu có căn nhà trị giá cả mấy trăm cây vàng, chị Lan bảo "của thiên trả địa". Nói rứa chớ tháng mô cháu cũng bới xách cho ông Lê trong tù, một ngày cũng đạo ngãi vợ chồng .
Chị Lan lại bảo bán căn nhà đi để làm ăn . Những năm mở cửa, chị em mua đất mô trúng nấy . Hiện giờ hai chị em co công ty địa ốc, chị bảo "chà đi xát lại chị vẫn là tư sản". Cháu không nghĩ rứa, cháu là nông dân . Có nhiều tiền cũng vui, nhưng nghĩ đến những ngày đói rét cơ cực chàu khóc hoài . Có điều kiện là cháu gửi tiền về làng giúp đỡ bà con . Nghĩ đến ông Thệ cũng tội, những ngày ông đau ốm cháu gửi tiền lo hết . Năm ngoái ông chết cháu có về lo đám đình, xây lăng cho ông . Giờ thì cháu không thèm lấy chồng nữa, chỉ cần có một đứa con . Cháu năm ni ba tám tuổi, còn sinh được .
Nhan nói giọng Sài Gòn, thỉnh thoảng cố tình pha giọng quê .
Nổng cát bao quanh chỗ chúng tôi trồng khoai ngày xưa lưa thưa vài cây dương liễu lên cao, vi vu nhè nhẹ . Trăng lên cao càng sáng . Những ngày mưa vừa qua làm nước dâng lên cao . Mặt nước khuất gió, không xao động, lăn tăn gợn, ánh trăng nhấp nháy trăm nghìn đom đóm nhập nhoè .
Chúng tôi ngồi xuống bên mé nước, ôn lại chuyện xưa, khi cười khi khóc . Hai đứa nằm lăn, cát dính đầy người . Hiu hiu buồn ngủ . Nhan nằm nghiêng, tay chống cằm, mắt lim rim như chú Gàn đang đọc thơ, làn môi hơi hé như hai búp bông khoai (9) ơ hờ sương gió, nói thì thào "Cứ nằm ri cho đến chết". Lại thì thào "Mai mốt chết chú cháu mình về làng chú hỷ, được chôn trong đất cát trắng sẽ hoá kiếp thiên thần". Nhan nằm sấp lại nhìn xuống kỷ niệm, chấp chới ánh nước loáng trăng lao xao dưới đó . Tấm lưng ong cong một đường, lồ lộ dưới ánh trăng quê nhà vằng vặc . Đường ao hằn tròn hình rảnh khoai cát trắng mịn màng sau mùa lụt, tơi bời những gợn tóc như dề cỏ chỉ (10) vắt ngang .
Da cát trắng não nùng . Cỏ chỉ xanh da diết . Tóc đen thiệt tình . Hoa khoai tím hoang sơ . Tôi rùng mình, nghe da thịt nổi gai rờn rợn .

(7) Ra ngoài đường đánh nhau
(8) Mặc quần lót hằn rõ đường lằn ở mông
(9) Bông khoai: Bông khoai lang màu tím, một dạng loa kèn nhỏ bằng ngón tay cái .
(10) Cỏ chỉ: một loại cỏ thân mảnh như cây thì là, sống rất dai trên đất cát .

Hết
 
Mãi bây giờ, khi đã quen với những đêm dài thao thức, dòng nước mắt ân hận bao lần âm thầm để làm ướt gối đêm khuya, em vẫn chưa thể tin rằng em đã mất anh - người lính ngày xưa nâng niu những trang thư em viết. Những trang thư giấu kín tâm tư của anh ngày nào, giờ càng làm cho hồn em thổn thức, nhớ nhung...

Em đã có một người bạn thật hiểu em - dù anh và em chỉ gặp nhau trên những cánh thư, còn con người bằng xương bằng thịt thì mình chưa một lần gặp gỡ. Cả anh, cả em đều đến với nhau bằng sự thánh thiện cao quý của tâm hồn, một người lính trẻ lãng mạn và một cô học trò bướng bỉnh mà đa cảm. Ngày đó, khi viết thư cho anh, em hay kể về những kỷ niệm tuổi ấu thơ và hay vẽ bằng lời những gì của quê hương - mà em cho là đẹp.

Anh đã từng nói rằng sẽ có ngày anh sẽ về quê em, cùng em ngắm dòng sông Mã lững lờ trôi, sóng bước với em dọc bờ con kênh đào và phóng tầm mắt ra xa nhìn cò trắng theo đôi đáp xuống đồng mỗi buổi hoàng hôn, anh sẽ lội khắp hồ sen, hái tặng em một bông hoa mà em mê nhất... Em không nghĩ rằng đó là những lời chót lưỡi đầu môi . Em tin lòng anh chân thật khi cảm nhận được tình cảm của anh nén trong từng câu, chữ.

Em chỉ còn thiếu lời tỏ tình nhẹ như gió thoảng của anh, em sốt ruột đón chờ lời thiêng liêng nhưng trong mỗi lá thư, em không dám nói hết lòng mình. Em cản ngăn điều anh định nói, chỉ vì: em muốn kéo dài cái hạnh phúc đang chờ đợi, bởi em sợ tình yêu dễ đến sẽ mong manh.

Chẳng biết anh nghĩ gì khi em im lặng không hồi âm những lá thư của anh, em nhất định không cho anh địa chỉ mới khi từ giã mái trường trung học. Em phải day dứt nhiều, băn khoăn nhiều khi quyết định lãng quên anh tuy biết rằng em sẽ khó nguôi quên, vẫn biết rằng khó tìm lại được cho mình một tâm hồn đồng cảm và chắc chắn rồi em sẽ ân hận. Nhưng tất cả, tất cả phải tạm gác lại để thực hiện con đường mà gia đình em vạch sẵn: em phải vào đại học. Em im lặng một cách đau khổ sau mỗi lần đọc thư, thầm an ủi: rồi có một ngày nào đó anh về, em sẽ tạ lỗi nhiều . Rồi em bặt tin anh khi năm học kết thúc, em lặng lẽ xót xa .

Giờ đây, có những ngày nơi giảng đường đại học vắng ngắt, em lặng thầm gặm nhấm nỗi cô đơn. Thư của những người lính khác không khơi dậy được trong em niềm xúc động. Ngày, em vui đùa cùng bạn bốn phương nhưng đêm về nước mắt đẫm bờ mi . Em lần giở lại trang thư ngày xưa, chưa đọc lại, chỉ khép mi mắt thôi, những lời anh viết đã ngân dài trong lòng. Có một bức thư, anh đã dùng tiếng "Người thương ơi!" để gọi em... Niềm xúc động, sức chịu đựng vỡ òa ...

Ơi người bạn đã lấy đi ở tâm hồn em sự hồn nhiên vô tư, giờ anh ở nơi nào ? Sao không một lần nữa đến cùng em để xua đi trong lòng em sự giá băng? Em yêu anh! Vâng - lời nói ấy giờ đây đã muộn màng nhưng em tin ở một nơi nào đó anh vẫn chưa nguôi quên kỷ niệm, bởi em tin "anh không phải là người dễ thay đổi" đúng không anh?

Cơn gió chiều nay vô tình khơi nỗi buồn đưa kỷ niệm xưa tìm về. Bất giác trong tâm hồn em chợt vang lên những lời thơ anh viết tặng em:

Có lẽ nào chỉ một mình em nhớ
Anh cũng nhớ cồn cào da diết
Tuy không nói hẳn rằng em cũng biết
Chẳng bao giờ anh lại muốn xa em.

Và em, em cũng chẳng bao giờ muốn vậy . Không hiểu sao giữa cuộc sống chật vật đời thường, em vẫn không mất niềm hy vọng, thậm chí là niềm tin: Anh sẽ về bên em! Còn em, em chẳng bao giờ có thể hết yêu anh!
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Back
Top