Xin lỗi và cảm ơn
Trong cuộc sống, lời cảm ơn và xin lỗi mang một giá trị rất lớn, biết cảm ơn và xin lỗi kịp thời không chỉ giúp bản thân ta thanh thản và nhẹ nhõm mà còn mang lại cho người nghe một thông điệp đầy ý nghĩa.
Tôi ít khi nói lời xin lỗi ai, bởi vì tôi ít khi làm gì có lỗi, và cũng bởi vì tính khí ương ngạnh, ngang tàng, bướng bỉnh và bảo thủ của mình.
Hà Lan Girl
Hồi còn đi học, tôi là đứa học sinh rất lập dị, vừa đặc biệt vừa cá biệt, nghĩa là tôi học cực kỳ giỏi, luôn được thầy cô yêu quý và chú ý. Tôi đầu gấu, nghịch như quỷ sứ, làm cán bộ lớp và chuyên cầm đầu, bày ra những trò ma quái, nhưng cứ hễ đến tai cô chủ nhiệm hay thầy hiệu trưởng, lập tức những chuyện tôi làm bỗng biến thành một việc rất ngộ nghĩnh.
Tôi là đứa duy nhất "rinh" giải học sinh giỏi trong các kỳ thi lớn về cho trường, bởi thế trường tôi đạt danh hiệu trường dạy giỏi, cô giáo phụ trách được thưởng, cô giáo bộ môn được khen tặng. Cũng chính bởi sự may mắn đó mà tôi được các thầy cô "thiên vị". Tôi biết tỏng điều đó, bạn bè tôi cũng biết tỏng điều đó, dẫu sao tôi cũng là một hạt giống có các thành tích đáng nể. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, tôi sinh ra chứng bệnh tự cao, cái loại bệnh của "sao" khi luôn luôn được nêu gương trước lớp, trước toàn trường và các kỳ đại hội.
Hồi đó, trường tôi có một thầy giáo trẻ mới về, thầy tên là Bình, phụ trách môn sinh lớp tôi. Mà tôi lại học kém nhất môn này, cái môn học giời ơi đất hỡi, cứ mang lục phủ ngũ tạng của con người ra mà phân tích, chả lãng mạn chút nào. Với tôi, không có môn nào vừa chán vừa dở như môn sinh, cái môn mà những điều tế nhị nhất cứ được thầy nói xơi xơi ra trước lớp chả đỏ mặt gì.
Vào kỳ thi cuối kỳ môn sinh học, tôi đã làm bài rất tốt, thật ra tôi cũng chẳng hiểu gì về tâm thất trái, tâm thất phải dù thầy có giảng đến gãy lưỡi tôi vẫn không sao nuốt trôi được và đã phải học vẹt để đối phó. Thế nhưng tôi vẫn hài lòng về bài kiểm tra của mình. Đến giờ trả bài, tôi hoàn toàn sụp đổ khi điểm thi của mình là một số 6 xấu xí và đáng nguyền rủa, trong lời phê không có một chữ gì, không có cả một vết mực đỏ nào giải thích cho số điểm thấp kỷ lục của tôi.
Nhìn sang đứa bạn ngồi cạnh, vốn gần sát nhà thầy, nó cũng làm giống tôi, thậm chí còn tệ hơn nữa mà lại được tới 9 điểm, máu nóng trong người tôi như sôi sùng sục lên. Cái bệnh tự kỷ và bệnh cho mình là nhất, là số một phát huy tối đa tác dụng. Tôi đã cầm thẳng hai bài kiểm tra lên để đối chất với thầy bằng một thái độ nóng giận và bất mãn.
Tôi "yêu cầu" thầy sỗ sàng rằng hãy giải thích một cách ngắn gọn nhất về lý do của điểm số. Và tôi đã thấy thầy lúng túng, thầy nói cái gì tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ được rằng mình rất tức giận trước câu trả lời không mang tính thuyết phục. Tôi đã tự ý ra khỏi lớp và buông một câu hằn học: "Dạy học như thầy về mà làm xe ôm cho rồi".
Tôi lên thẳng ban giám hiệu, trình bày sự việc với cô chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng, sau đó thầy Bình đã phải nhận kiểm điểm và chữa lại điểm số cho cả hai. Cũng từ đó tôi và thầy trở thành "tình địch" (tôi cảm thấy thế), hễ nhắc đến thầy là tôi lại dè môi, bỡn cợt và buông những lời không tôn trọng. Tôi đã nhục mạ thầy bằng đủ mọi hình thức có thể, tôi gọi thầy là "lão", là "thái giám", là "khốt-tơ-píp", hay bất kỳ từ ngữ nào thiếu nghiêm túc nhất.
Cũng như vậy, trong giờ của thầy tôi thường bỏ tiết đi chơi, và hình như cũng chẳng cần sự có mặt của tôi trong lớp nên tuyệt nhiên thầy không hề phê phán gì chuyện đó, các bài kiểm tra tiếp theo, điểm số các học sinh luôn luôn sàn nhau bất kể trình bày xấu hay đẹp! Hình như thầy cũng có cảm giác oán tôi.
Đó là người thầy duy nhất mà tôi coi chẳng ra gì, tôi chưa từng coi trọng dù nhờ thầy mà tôi đã tự ý thức học tốt hơn môn sinh để tránh bị "đì". Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi không đến thăm thầy, không một lời chúc hay nhìn mặt. Cho đến tận lúc ra trường và đi xa hẳn, tôi và thầy vẫn không phải nói với nhau lời nào cả. Có lẽ tôi chính là một học sinh cá biệt nhất đối với thầy ngay từ năm đầu tiên thầy về trường, và để lại một bài học đắt giá về sự đố kị điểm số.
Tôi chỉ không hiểu tại sao thầy lại có thể im lặng và phớt lờ tôi đi như vậy, không hiểu thầy đã cảm thấy thế nào trước thái độ hỗn xược của đứa học trò được coi là "tấm gương" như tôi?
Tôi biết mình sai, còn rất nhiều cách khác để giải quyết vấn đề ngày ấy, đi làm rồi, va vấp ngoài xã hội tôi mới thật sự hiểu điểm số chẳng mang ý nghĩa gì cả, những tấm bằng khen, thành tích chỉ là một tờ giấy. Quan trọng là mình sống trong xã hội như thế nào, người ta hơn nhau ở sự bươn chải ngoài đời, và đó mới là điểm nhấn mang tính quyết định.
Tôi dần mất đi tính khí trẻ con thời xưa. Mỗi năm đến ngày nhà giáo Việt Nam, tôi vẫn hay nghĩ đến thầy, và tôi biết mình đã sai, tôi nợ thầy một lời xin lỗi chân thành, tôi nợ thầy công ơn dưỡng dục, một ngày là thầy, suốt đời là thầy, tôi đã rất ngỗ ngược, và giờ đây tôi cảm thấy thật đáng tiếc về cái thời trẻ dại, non nớt, bồng bột và háo thắng của mình.
Số phận khéo sắp đặt, ngay từ khi bắt đầu đi làm (ở cả công ty cũ và công ty hiện tại), tôi đều làm nhân viên tổng đài. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, dịu dàng tối đa, cũng như thế, tính khí ương ngạnh và thích làm vương làm tướng cũng không thể tồn tại lâu trong con người tôi được. Tôi cần phải chín chắn, ý thức được rằng trong một cộng đồng lớn không có chỗ cho cái tôi cá nhân, không có ai là trung tâm và ai cũng có thế mạnh riêng của mình.
Có một điều vô cùng đặc biệt là sau mỗi cuộc điện thoại, thông thường đều kèm theo một lời cảm ơn rất lễ phép ngọt ngào. Đôi khi tôi cũng phải đối mặt với một vài khách hàng rất khó chịu, nhưng chủ yếu vẫn là những giọng nói chỉ nghe thôi đã thấy cảm mến rồi, thi thoảng cũng có một vài khách hàng khiến tôi có cảm giác họ rất có học thức và họ mang một dáng vẻ vô cùng đạo mạo. Tôi học được nhiều từ văn hoá ứng xử qua điện thoại, dù có những thời điểm tôi cực kỳ căng thẳng do làm việc cao độ và stress nặng nề, nên tôi đã trả lời khách hàng không nhiệt tình cho lắm!
Nghề của tôi, thú vị nhất vẫn là mỗi ngày, tôi liên tục nhận được hàng nghìn lời cảm ơn từ những người lạ mặt. Ban đầu, tôi hầu như luôn luôn đáp lại những lời cảm ơn đó bằng một thái độ rất vui vẻ và cởi mở, đôi khi là cảm động nữa. Nhưng lâu dần, tôi bắt đầu cảm thấy lời cảm ơn trở nên nhàm chán, vô nghĩa, và nhạt nhẽo. Tôi chỉ vâng và chào khách hàng một cách thụ động, trách nhiệm, không chứa đựng chút cảm xúc gì.
Lời cảm ơn bỗng nhiên không còn tác dụng gì nữa, thậm chí tôi cũng chẳng buồn bận tâm xem cảm giác của khách hàng như thế nào, áp lực công việc lúc nào cũng kè kè bên mình và tôi chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành tốt công việc dù tôi vẫn tự nhắc nhở mình rằng bất kỳ là chuyện gì thì chúng ta không thể làm việc một cách vô cảm được. Cuộc sống sẽ đào thải nhanh chóng những con người như thế...
Tôi ít khi phải xin lỗi khách hàng vì khách hàng của chúng tôi nói thẳng ra là luôn luôn sai, tôi chỉ hay phải ân cần, tận tình và chu đáo để giải thích cho khách hàng hiểu, không những bằng lời nói, mà còn qua những tin nhắn dù tôi cũng hay áp dụng biện pháp trả tin nhắn mẫu về cho nhanh!
Đó là riêng về công việc, với cuộc sống đời thường, tôi ít khi gây ra lỗi lầm, một phần vì tôi quá bận bịu, không có nhiều thời gian với chuyện khác, phần nữa là các mối quan hệ của tôi có chọn lọc rất kỹ càng. Tôi không có điều kiện để giao du nhiều, dù tôi rất dễ sống, dễ hoà nhập với môi trường mới, dạn dĩ và thẳng thắn.
Thế nhưng cũng có lúc tôi và bạn mình có những rạn nứt khó hàn gắn, và tôi vẫn phải học cách để nói lời xin lỗi dù cho cả hai người cùng sai. Sau những va vấp đó, hầu như chúng tôi hiểu nhau và yêu quý nhau hơn. Cho thấy lời xin lỗi được nói ra đúng lúc, đúng thời điểm là vô cùng cần thiết!
Cũng như vậy ta nên học cách nói lời cảm ơn người khác, lời nói chẳng mất tiền mua. Một lời cảm ơn chân thành luôn mang đến cho người nghe một niềm xúc động nho nhỏ, kéo mọi người đến gần nhau hơn. Trừ tính chất công việc mà bạn phải nói hoặc nghe quá nhiều lời cảm ơn và xin lỗi, nhưng hiểu được giá trị của lời nói đó mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống này.