Huycl2507
New Member
Xem TV miễn phí với những chiếc điện thoại bình dân
Thường xuyên đi công tác từ thành phố đến vùng sâu, anh Hoàng Minh Tú, kỹ sư san lấp nền của một công ty ở Hà Nội, mừng như vớ được vàng khi mua chiếc ĐTDĐ gắn ăng-ten có thể xem truyền hình mà giá chỉ hơn 2 triệu đồng.
Điện thoại Mobile thu kênh VTV1, VTC5... Ảnh: Việt Toàn.
Chiếc điện thoại mang nhãn Mobile của anh Tú có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài các tính năng nghe gọi, nhắn tin, thiết bị kiêm luôn chức năng máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, đài FM, truy cập Internet qua WAP và nhất là truyền hình analog. Các đài trung ương như VTV1, 2, 3, đài địa phương Hà Nội, Hà Tây, Huế, TP Hồ Chí Minh... hay kênh VTC1 analog có thể được thiết bị dò tìm tự động nhanh chóng.
Chị Trần Bình Nhi, giảng viên đại học ở Huế, khi ra Hà Nội học Cao học, bày tỏ: "Phòng trọ không có TV nên thấy mình lạc hậu. Đợt lũ ở miền Trung lớn như vậy mà không biết". Chị băn khoăn vì muốn mua TV nhưng thời gian mỗi đợt ra học chỉ 1-2 tháng nên bê vác cũng mệt. Hơn nữa, do hay đi dạy học thêm ở nhiều tỉnh, người phụ nữ "di động" này quyết định mua chiếc điện thoại TV analog Mobell M580 giá 3,7 triệu đồng, hàng Singapore. "Hình ảnh chấp nhận được, còn loa thì to như TV nên rất thích hợp với nhu cầu sử dụng của tôi", chị cho biết. "Ăng-ten kiêm bút chấm trên màn hình cảm ứng cũng khá sành điệu".
Còn anh Nguyễn Trí Dũng, một kỹ sư xây dựng tại Lào Cai, vẫn phì cười khi nhớ lại một lần, nhờ chiếc điện thoại TV này mà anh cá cược được tiền. Vài tháng trước, nhóm làm việc của anh phải ở lại công trường và xem bóng đá trước một chiếc TV duy nhất. Anh thì bị bệnh "ngồi lâu" trong toilet ở tít ngoài xa nên khi anh "xong", trận đấu đã hết. Bạn bè trêu chọc và đố tỷ số. Họ chẳng ngờ anh nói trúng vì vừa mua chiếc điện thoại xem TV từ dưới xuôi lên và thử nghiệm luôn.
Ăng-ten kiêm bút cảm ứng có thể xoay tứ phía để dò sóng. Ảnh: Việt Toàn.
Ngoài công nghệ analog, người tiêu dùng còn có lựa chọn về điện thoại truyền hình kỹ thuật số. Những mẫu cao cấp như Nokia N77 (8,6 triệu đồng) hay N92 (13 triệu đồng) yêu cầu thẻ đăng nhập của VTC (500.000 nghìn đồng/thẻ) để thu nhận 7-9 kênh. Các loại điện thoại CDMA hỗ trợ chuẩn EV-DO có thể thuê dịch vụ truyền hình của S-Fone (5 đồng/KB) để xem các kênh HBO, AXN, V-Channel, Fashion TV, VTV3, HTV7 giá cũng dao động 7 -11 triệu đồng.
Theo một số nhà phân phối và bán lẻ, điện thoại có chức năng xem truyền hình hiện vẫn ở giai đoạn đầu thâm nhập thị trường và chiếm thị phần chưa đáng kể vì giá thiết bị đắt và người dùng phải mất tiền mua dữ liệu khi muốn xem nhiều chương trình hơn ngoài các kênh miễn phí.
Số lượng bán ra một tháng của các hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM hiện chỉ khoảng 70 - 120 điện thoại xem TV các loại. "Nhưng thị trường này sẽ tăng trưởng tiếp, vì đến một lúc nào đó khách hàng sẽ cảm nhận được sự tiện ích của sản phẩm vừa có tính năng nghe nhạc, chụp ảnh và xem TV", ông Trương Hồng Hoàng, quản lý mua hàng khu vực của Công ty cổ phần Thế giới Di động, nhận định. "Nhưng giá sản phẩm nên dưới mức 3,5 triệu".
Các nhà phân phối và bán lẻ lý giải người tiêu dùng hiện sử dụng ĐTDĐ như một vật dụng thay đổi thường xuyên nên chuộng sản phẩm có tính năng mới, giá rẻ. Nhiều thương hiệu điện thoại TV dù mới lạ nhưng giá dưới 4 triệu đồng sẽ dễ thâm nhập thị trường. Còn sản phẩm Nokia, Samsung hội đủ các chức năng trên thì giá không dưới 6 triệu, khá cao so với thu nhập của số đông người tiêu dùng Việt Nam.
Các hãng điện thoại cao cấp đang phải san sẻ thị phần với những dòng bình dân hơn. Ví dụ, N77 có đối thủ là Gsmart i120, giá gần 7 triệu đồng. Đây là điện thoại xem TV của hãng Gigabyte (Đài Loan), thu cả sóng analog và truyền hình cáp với chất lượng ổn định, lưu được chương trình TV. Tuy vậy, nhiều người cẩn thận cho rằng "tiền nào, của ấy" vì một số mẫu từ Trung Quốc, Hong Kong... có hiện tượng giật màn hình, nhòe hình khi máy tải dữ liệu và màn hình cảm ứng đôi khi "đờ đẫn" trước các tác vụ.
Việt Toàn - Thanh Lương